Chuyện cũ, tình xưa
Tình cờ được đọc lá thư Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) gửi toàn thể CBCNV trong ngày tạm biệt để đến với nhiệm vụ lớn hơn, một lá thư vô cùng xúc động với những lời lẽ chứa chan: “Kể từ hôm nay, tôi rất tiếc không được cùng các bạn - những người lao động PTSC Anh hùng thực hiện ước mơ và khát vọng chinh phục biển lớn, xây những công trình vĩ đại trở thành niềm kiêu hãnh của thương hiệu Việt trong tương lai, không được trực tiếp cùng các bạn thực hiện thành công chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, hoàn tất đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, gánh vác trách nhiệm, chia sẻ khó khăn của dự án FSO Biển Đông, FPSO Lam Sơn, Nhiệt điện Long Phú, Bio-etanol, giàn Tam Đảo 05,… và rất nhiều những công trình dự án dở dang khác, tôi sẽ không được cùng các bạn biến những giấc mơ riêng chung thành hiện thực…”. Một lá thư thấm đẫm tình cảm, luyến tiếc mà không hề ủy mị, buồn sầu đã khiến người ta có thể lý giải được vì sao ông vẫn được gọi là “Dũng PTSC”. Đây thực sự là nỗi tiếc nuối “hai chiều” của một người lãnh đạo đã khơi nguồn và nuôi dưỡng biết bao ước mơ, khát vọng, gửi gắm biết bao công sức, tâm huyết vào việc biến PTSC trở thành một đơn vị dịch vụ kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trở thành đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí có thương hiệu mạnh khu vực Đông Nam Á, nay không còn được "chung lưng đấu cật" cùng nhau vượt qua những khó khăn, gian khổ và xiết tay nhau thật chặt để cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới.
Nhìn lại khoảng thời gian dài gắn bó với PTSC, Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng đã cùng với PTSC khắc nên những dấu ấn khó quên, ngoài việc trực tiếp tham gia chỉ đạo và phê duyệt, đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trong Tổng công ty, như: Đóng mới Kho nổi chứa xuất dầu FSO-5, kho nổi FSO cho Biển Đông POC tại mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh; FPSO cho Công ty Điều hành Lam Sơn JOC tại mỏ Hải Sư Trắng - Đen; Cảng Đạm và Dịch vụ Dầu khí Phú Mỹ, Đầu tư đóng mới và kinh doanh Tàu dịch vụ dầu khí đa năng công suất từ 7.000 đến 10.000 BHP… ông còn chính là người luôn động viên, khuyến khích đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; sáng kiến cải tiến, công trình khoa học có giá trị đặc biệt, được ứng dụng trong sản xuất trong PTSC. Trong công tác đầu tư với tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, ông đã chỉ đạo xây dựng và ban hành mới quy trình mua sắm phương tiện nổi trên nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đảm bảo việc mua tàu được thực hiện đơn giản, nhanh gọn và phù hợp với thông lệ mua bán tàu biển trên thị trường thế giới. Kết quả, lần đầu tiên Tổng công ty mua 02 tàu dịch vụ đa năng với giá thấp hơn so với dự toán gần 20 triệu USD… Chưa hết, cũng chính ông là người đề xuất và quyết định thành lập các Chi nhánh của PTSC tại nước ngoài để mở rộng và phát triển dịch vụ ra các nước trong khu vực và thế giới đem lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho các năm tiếp theo.
Nhưng thành tích mang tính chất quyết định đối với PTSC chính là đã mạnh dạn chỉ đạo trong việc đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức hiện tại để hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con kể từ ngày 09/02/2007. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức hoạt động của các đơn vị thành viên một cách tích cực đã giúp giải phóng lực lượng sản xuất ở tất cả các đơn vị, giúp đơn vị tự chủ hơn trong việc sử dụng nguồn lực được giao, tăng năng suất lao động. Trong 3 năm thực hiện hoạt động theo mô hình mới, PTSC đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, ghi nhận sự đúng đắn và hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Năm 2007 doanh thu là 5.776 tăng 28% so với năm 2006 và đặc biệt lần lượt trong các năm 2008 và 2009 đã tạo được những bước nhảy vọt vô cùng lớn, doanh thu đạt 8.672 tỷ đồng và hơn 12.500 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của Tổng công ty PTSC đã đạt 20.238 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm từ năm 2008 đến năm 2010, doanh thu của PTSC đã tăng trưởng kỷ lục 300%. Năm 2013, doanh thu của Tổng công ty PTSC đã đạt 25.522 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.752 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu PTSC đạt 31.734 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.328 tỷ đồng.
Tại PTSC, Nguyễn Hùng Dùng được quân “khoái” không phải chỉ vì tầm nhìn chiến lược, nói đi đôi với làm mà còn bởi vì ông chỉ đạo, điều hành theo một cách rất riêng: đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền cho các đơn vị thành viên. Với đặc thù hoạt động của mình, công tác triển khai các dự án đòi hỏi những cán bộ phụ trách và thực hiện trực tiếp phải luôn chủ động trong việc xử lý tình huống phát sinh. Nếu không có cơ chế phân cấp hiệu quả, công việc chắc chắn sẽ tồn đọng bởi khối lượng rất lớn đồng thời không tạo được cơ hội cho các cán bộ trẻ, lãnh đạo các đơn vị thành viên phát huy được năng lực và có cơ hội trưởng thành. Nguyễn Hùng Dũng đã cùng PTSC thực hiện công tác này thành công với tinh thần “bớt quyền nhưng không mất quyền - thêm quyền nhưng không lạm quyền” mà tất cả đều là vì mục tiêu chung, lợi ích chung. Gieo “mầm” từ hai phía như thế, rời khỏi PTSC, ông để lại một tài sản vô giá về những giá trị văn hóa và một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ trung, đầy nhiệt huyết đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cũng như kinh nghiệm thực tế.
Tàu lớn ra khơi
Tháng 6/2013, Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng đã chia tay PTSC để lên đường nhận nhiệm vụ mới: Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ở cương vị này, những đóng góp của ông có tầm ảnh hưởng rộng hơn cho cả một ngành, chứ không còn đơn thuần cho một đơn vị như trước kia. Lĩnh vực mà ông trực tiếp chỉ đạo là công tác kế hoạch, thống kê và quản lý tài sản của Tập đoàn; công tác đầu tư phát triển của Tập đoàn; công tác dịch vụ dầu khí; công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng hải; các dự án đầu tư xây dựng dân dụng do Tập đoàn làm chủ đầu tư... Lại thêm những thách thức mới trong vai trò là người kiến thiết mới, đó là hỗ trợ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Dung Quất đẩy nhanh tiến độ dự án hoán cải tàu 105.000 DWT thành FSO để phục vụ cho mỏ Đại Hùng và xác định giá trị tài sản của DQS tham gia trực tiếp vào sản xuất; đó là chỉ đạo, định hướng VPS và DQS khẩn trương thống nhất phương án hoán cải Sà Lan 108.000 DWT cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của VSP. Đó là hỗ trợ DQS trong việc phát triển hệ thống đóng tàu hiện có để phát triển ngành hàng hải trong nước. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng đã trực tiếp chỉ đạo DQS trong việc đóng 02 tàu dịch vụ, đôn đốc VSP hoàn thành các thủ tục đánh giá hồ sơ của VSP… Từ tháng 10/2014, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng được lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp phân công phụ trách các “mảng”: Điện, Xây dựng, Quản lý đấu thầu, công tác dịch vụ; đồng thời trực tiếp phụ trách các đơn vị: PVC, PTSC, PAP, DQS, PVE, PVEIC, Petrosetco, PVTrans, PVPower, Ban QLDA Xây dựng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, Ban QLDA Điện lực Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch, Ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú 1, Ban QLDA Điện lực Sông Hậu 1, Ban QLDA Điện lực Thái Bình 2. Một khối lượng công việc quá lớn, quá rộng, đòi hỏi thật nhiều tâm huyết, năng lực, trí tuệ. Nào là thoái vốn tại các dự án, các đơn vị ngoài ngành, thực hiện tái cấu trúc các đơn vị, tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu phù hợp tuân thủ theo Luật Đấu thầu mới, nào là hỗ trợ các đơn vị cải thiện tình hình và đẩy nhanh tiến độ các dự án như: Đóng mới và hoán cải tàu chứa và xuất dầu thô FSO 105K của PVTrans và DQS, dự án Nạo vét cảng Nghi Sơn - thuộc Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Sửa chữa giàn Đại Hùng 01, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2, đôn đốc đẩy nhanh sớm hoàn thành công tác vận hành chạy thử Tổ máy 2 dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1…
Đặc biệt trong thời gian qua, ông đã cùng tập thể Lãnh đạo Tổng công ty PVC, PVEIC, DQS chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tổ chức, tài chính, quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát, tích cực đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn, tâm lý CBCNV đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vào ổn định; chỉ đạo VSP, PVC - MS thực hiện và hoàn thành trước kế hoạch dự án DK12/15,16… Còn hiện nay, ông đang miệt mài với dự án DK1/8, DK1/9 và các dự án DK góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo…
Nói về những thành công của một ngành không thể không nói tới những cá nhân điển hình trong tập thể đó. Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng mang trong mình trái tim và bầu nhiệt huyết của một người Dầu khí trí tuệ, quả cảm, mạnh mẽ và không quản ngại khó khăn. Việc được là 1 trong 13 cá nhân được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 12, với Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng là vinh dự của cá nhân ông và của cả ngành Dầu khí.