Từ năm 2014, Việt Nam luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản trên toàn thế giới. Trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, thủy sản vẫn giữ vững được vị thế của ngành với kim ngạch xuất khẩu ước tính năm 2020 đạt 8,58 tỷ USD, tương đương với năm 2019.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu đối với mặt hàng thủy sản của nước ta, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, theo sau là Trung Quốc (17%), Nhật Bản (16%) và EU (12%).
Trong các mặt hàng thủy sản, cá tra, cá basa là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, bên cạnh tôm. Tuy nhiên, ngay từ năm 2002, Hoa Kỳ đã điều tra chống bán phá giá với cá tra, cá basa của nước ta. Đến nay, cá tra và cá basa của Việt Nam đã trải qua 17 kỳ rà soát về thuế chống bán phá giá từ Hoa Kỳ.
Trong các lần rà soát, có những kỳ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam được hưởng mức thuế suất từ 0-1% nhưng cũng có lúc sản phẩm này của Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 15%.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong các lần rà soát hầu hết liên quan đến các yếu tố như mức độ hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan điều tra Hoa Kỳ; cách thức cơ quan điều tra Hoa Kỳ tiến hành trong kỳ rà soát đó.
Thực tế cho thấy, đa số các doanh nghiệp hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt kỳ rà soát thường sẽ có kết quả có lợi với mức thuế thấp hơn do “tự chủ động về các thông tin, dữ liệu cung cấp”.
Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ chịu mức thuế cao do cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng dữ liệu sẵn có, thường là bất lợi cho các nhà xuất khẩu.
Do vậy, mức độ hợp tác có thể xem là điều kiện tiên quyết để có thể đạt được một kết quả khả quan trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói chung cũng như các kỳ rà soát nói riêng.
Tiếp theo, yếu tố quan trọng tác động đến kết quả rà soát là phương pháp, cách thức cơ quan điều tra tiến hành trong các kỳ rà soát.
Trong đó, việc cơ quan điều tra Hoa Kỳ lựa chọn các giá trị thay thế để tính toán chi phí sản xuất, từ đó xác định giá bán của các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến mức thuế tại kết luận cuối cùng.
Do đó, trong quá trình điều tra, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể đưa ra đề xuất phù hợp, có lợi khi cơ quan điều tra sử dụng giá trị thay thế. Thông thường, việc lựa chọn giá trị này sẽ được diễn ra tại giai đoạn khởi xướng điều tra rà soát, vì vậy các doanh nghiệp cần rất lưu ý các thời hạn cơ quan điều tra đưa ra để có kế hoạch xử lý kịp thời.
Trong mỗi lần rà soát Bộ Công Thương cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan đều theo dõi chặt chẽ diễn biến, phối hợp, xây dựng phương án, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường xuyên trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại-Bộ Công Thương, cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng Hiệp hội để cập nhật thông tin vụ việc và được giải đáp các vấn đề liên quan.
Hiện nay, khối lượng thông tin cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp là rất lớn, thời gian bị giới hạn, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra ngay từ thời điểm cơ quan điều tra thông tin về đợt rà soát.
Do vậy, để chủ động cung cấp thông tin doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu.
Trong các vụ việc cụ thể, Bộ Công Thương sẽ chủ động làm việc, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu những tác động bất lợi.