8 biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện, hướng tới giảm thiểu nguy cơ bằng một số biện pháp cụ thể.

Hiện Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), cả song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Việc hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Cụ thể, nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 (khi ta ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) mới chỉ đạt hơn 30 tỷ USD thì đến năm 2019 con số này đã là 517 tỷ USD.

Đặc biệt, từ 2016 đến nay là quãng thời gian đặc biệt thành công về xuất khẩu. Quy mô xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tương đương 87,1% GDP của năm (202 tỷ USD). Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tương đương 98% GDP của năm (220 tỷ USD).

Năm 2018, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tương đương 99,2% GDP (245,2 tỷ USD); năm 2019 xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tương đương 100,7% GDP (261,6 tỷ USD); 11 tháng đầu năm 2020,  kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD.

Tính từ 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn tốc độ nhập khẩu. Cụ thể, năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu/nhập khẩu là 9% so với 5,2%; năm 2017 là 21,2% so với 20,8%; năm 2018 là 13,8% so với 11,5%; Năm 2019 là 8,1% so với 7%; 9 tháng đầu năm 2020 là 4,2% so với -0,8%%.

Vì thế, cán cân thương mại luôn nghiêng về xuất siêu và tăng rất nhanh qua từng năm: 2,5 tỷ USD năm 2016; 2,92 tỷ USD năm 2017; 7,2 tỷ USD năm 2018; 11,12 tỷ USD năm 2019 và gần 21 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020.

Cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng. Nếu như giai đọan 2005 - 2010 mới chỉ có 21 vụ việc thì từ  2016 tới tháng 11/2020 là 99 vụ. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm.

Trong các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Thép là một trong những sản phẩm xuất khẩu có nhiều chủng loại với kim ngạch hàng năm khoảng 4,2 tỷ USD năm 219, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 300 triệu USD, chiếm tỷ lệ 7,4% trong tổng xuất khẩu thép của Việt Nam.

Kiện phòng vệ thương mại là thực tế khách quan gắn liền với mở cửa thị trường. Mặc dù vậy, bất chấp những vụ PVTM đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ tăng rất mạnh. Nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm thì lượng kim ngạch xuất khẩu bị đánh thuế PVTM sẽ không đáng kể.

Để đảm bảo quyền cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương thời gian qua luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để đấu tranh chống lại các biện pháp này, thậm chí trong nhiều trường hợp đã kiện các biện pháp này ra WTO, mang lại kết quả tích cực.

pvtm
Trong các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ Thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện, hướng tới giảm thiểu nguy cơ bằng các biện pháp sau:

Một là không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Hai là, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính;

Ba là, có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện PVTM khi xây dựng chiến lược xuất khẩu;

Bốn là, chủ động tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước: trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn.

Thực tiễn cho thấy, trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra (như Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) có thể chủ động điều tra mà không công bố công khai. Quy định về “chuyển đổi đáng kể” hay yêu cầu “hợp tác”, “cung cấp thông tin” cũng có thể thay đổi qua từng vụ việc, do đó các doanh nghiệp cần tìm hiểu để kịp thời nắm bắt các thay đổi này.

Năm là, chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.

Sáu là, xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Bảy là, có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.

Tám là, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết.

[Quảng cáo]

Nguyễn Văn