Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/2006/CT-BTM, ngày 06/12/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về chương trình hành động cụ thể, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại V

Xác định tầm quan trọng của hoạt động TMĐT, nhiều DN trên địa bàn TP. Cần Thơ đã triển khai, ứng dụng thành công công nghệ thông tin (CNTT) và các hoạt động TMĐT trên các sàn giao dịch, thực hiện kết nối, giao dịch kinh doanh qua Internet giúp DN tiết kiệm được thời gian và chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 55,7% DN đã sử dụng thư điện tử cho hoạt động kinh doanh. Các DN đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết nối mạng Internet, xây dựng mạng nội bộ đã hỗ trợ rất đắc lực trong việc trao đổi, tìm kiếm thông tin, tư vấn khách hàng qua thư điện tử, cập nhật thông tin website...
Nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, được các sở, ngành đẩy mạnh phát triển TMĐT, tổ chức điều tra tình hình ứng dụng TMĐT của các DN trên địa bàn Thành phố, nên đã thu hút được sự quan tâm chú ý của các cấp, các ngành và các DN. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến TMĐT cho người dân, DN cũng được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tin phổ biến chủ trương, chính sách để phát triển TMĐT của Thành phố thông qua các hình thức báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Tuy nhiên, ứng dụng TMĐT trong việc xây dựng website của các DN xuất khẩu vẫn còn thấp, số liệu điều tra năm 2010 của Sở Công Thương TP. Cần Thơ tại 600 DN mẫu trên địa bàn, tỷ lệ DN có website mới chỉ đạt 18,5%. DN ứng dụng thanh toán trực tuyến hiện chỉ ở mức 1%, còn lại vẫn áp dụng các phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng... Nguyên nhân do TMĐT là lĩnh vực còn mới nên nhiều DN chưa thực sự quan tâm nhiều đến công cụ kinh doanh hữu ích này. Việc triển khai các loại hình giao dịch điện tử của DN còn hạn chế như vấn đề chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử, ứng dụng chữ ký số, giải quyết tranh chấp... Nguồn nhân lực dành cho CNTT và TMĐT tại các DN có tỷ lệ rất thấp (15,3%), còn lại phần lớn là chưa có cán bộ chuyên trách.
Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thì hoạt động ứng dụng TMĐT của Việt Nam nói chung và của TP.Cần Thơ nói riêng ngày càng được quan tâm phát triển. TMĐT giải quyết được những yêu cầu thiết yếu, cấp bách trên các lĩnh vực như hệ thống giao dịch hàng hóa, điện tử hóa tiền tệ và phương án an toàn thông tin... Điều này giúp DN nắm bắt cơ hội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. TMĐT cũng tạo ra động lực cải cách hành chính mạnh mẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của DN và xã hội. Do đó, việc phát triển TMĐT của TP. Cần Thơ trong giai đoạn tới là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nâng cao vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng ĐBSCL.
Theo kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 7/10/2010 của UBND TP.Cần Thơ về phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, TP. Cần Thơ sẽ dành 700 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách địa phương để phát triển TMĐT. Thành phố đặt ra mục tiêu đẩy nhanh loại hình giao dịch TMĐT giữa DN với người tiêu dùng, giữa DN với DN, trong đó có 80% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin; 35% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm DN, 10% DN tham gia các website TMĐT để mua bán, 20% DN ứng dụng các phần mềm ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT, phát triển các dịch vụ công điển hình liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh được cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên. Cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm DN, giới thiệu để người tiêu dùng quen với hình thức mua sắm hiện đại trên các website TMĐT…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến về TMĐT, tăng cường thực thi pháp luật về TMĐT, hỗ trợ về công nghệ xây dựng chương trình hợp tác, phát triển công nghệ liên quan đến TMĐT nhằm hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ DN như thanh toán trực tuyến, bảo mật thông tin... Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các sở, ngành của Thành phố trong các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT nhằm học tập kinh nghiệm cũng như nhận được sự hỗ trợ về công nghệ từ các nước trong việc ứng dụng TMĐT.
Đối với DN, cần nghiên cứu, xem xét và đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình sản xuất. DN cần tăng cường xúc tiến thương mại, nghiên cứu, phân tích và tìm kiếm thị trường thông qua các cổng, sàn giao dịch TMĐT trong nước hoặc quốc tế. Tăng cường tìm hiểu thông tin và cập nhật các loại văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực TMĐT như Luật Giao dịch điện tử, Luật CNTT, chứng từ điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng trên website TMĐT nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện ứng dụng TMĐT, nếu DN gặp khó khăn, bất cập thì có thể trực tiếp đề xuất ý kiến đến cơ quan quản lý nhà nước để được hướng dẫn và hỗ trợ.
Đối với người tiêu dùng, phần lớn vẫn chưa có thói quen mua hàng trên mạng vì hình thức này đòi hỏi người mua phải trang bị những kỹ năng nhất định để phòng và hạn chế tối đa các trường hợp lừa đảo, gian lận... Do đó, người tiêu dùng vẫn sử dụng cách mua sắm truyền thống là đến tận nơi để lựa chọn, xem rồi mới quyết định mua sản phẩm. Tuy nhiên, để hoạt động mua bán trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần hình thành môi trường mua sắm hiện đại cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí, người tiêu dùng có thể tìm hiểu và thực hiện các giao dịch mua sắm trên các website TMĐT có uy tín, đáng tin cậy, hàng hóa bảo đảm chất lượng.