Ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính tại các doanh nghiệp công nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Nguyễn Thị Ngọc Lan - TS. Nguyễn Hồng Anh (Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài báo tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính tại các doanh nghiệp công nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng với các giả thuyết nghiên cứu: Quy mô công ty kiểm toán, tính độc lập của kiểm toán viên, đặc điểm của nhóm kiểm toán, kinh nghiệm của kiểm toán viên tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán và chất lượng kiểm toán tác động tích cực tới hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp công nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu đã sử dụng phần mềm Smart PLS 3.0 để phân tích độ tin cậy thang đo, độ phân biệt, giá trị hội tụ, mức độ phù hợp của mô hình với dữ liệu nghiên cứu và đánh giá giả thuyết nghiên cứu. Mẫu nghiên cứu được thực hiện tại các doanh nghiệp công nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng với dữ liệu được thu thập từ bảng hỏi. Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để đề xuất một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính tại các doanh nghiệp này thông qua công cụ kiểm toán.

Từ khóa: Hiệu quả tài chính, chất lượng kiểm toán, doanh nghiệp công nghiệp, đồng bằng sông Hồng.

1. Đặt vấn đề

Khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)  gồm các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình là vùng có vị trí đặc biệt về địa chính trị, địa kinh tế, là đầu mối giao thương bằng cả đường biển, đường sắt và đường hàng không của cả vùng, cả nước với quốc tế. Vùng ĐBSH cũng là nơi có mật độ tập trung cao nhất các ngành công nghiệp (CN) cả nước với những khu CN lớn và hiện đại.

Các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) tại khu vực ĐBSH đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Để làm tốt điều đó, các DNCN khu vực ĐBSH cần quan tâm đến các giải pháp và các công cụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tài chính cũng như hiệu quả tài chính tại DN, vì hiệu quả tài chính là vấn đề hết sức quan trọng, là tiền đề để thu hút vốn và giảm thiểu chi phí vốn của DN.

Một DN có hiệu quả tài chính cao sẽ tạo uy tín với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư, nhà quản lý muốn biết DN hoạt động có hiệu quả hay không thường dựa vào báo cáo tài chính (BCTC) được kiểm toán của các DN. Do đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính DN tại các DNCN khu vực ĐBSH là cần thiết để có cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính thông qua công cụ kiểm toán.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Hiệu quả tài chính của các DN là vấn đề hết sức quan trọng, nó là tiền đề để thu hút vốn và giảm thiểu chi phí vốn của DN. Một DN có hiệu quả tài chính cao sẽ tạo uy tín với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, nhà quản lý, muốn biết DN hoạt động có hiệu quả hay không họ dựa vào báo cáo tài chính được kiểm toán của các DN.

Từ đó đặt ra câu hỏi chất lượng kiểm toán BCTC của các DN ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tài chính. Để làm rõ hơn về vấn đề nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân loại quá trình nghiên cứu bao gồm: các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán; các nghiên cứu; các nghiên cứu về hiệu quả tài chính doanh nghiệp; các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính

2.1. Các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán

Chất lượng kiểm toán  là chủ đề được nghiên cứu từ đầu những năm 1980 ở nhiều nước khác nhau như Mỹ (DeAngelo 1981; Francis 1984; Francis & Simon 1986), Australia (Craswell, Francis & Taylor 1995), Anh (Che Ahmad & Houghton 1996), Hong Kong (Gul 1999), và Malaysia (Mohd-Mohid & Takiah 2004). Chất lượng kiểm toàn thường gắn với chất lượng của báo cáo tài chính. Bằng chứng cho thấy, chất lượng kiểm toán khác biệt tồn tại cùng với số lượng các yếu tố như quy mô hãng kiểm toán, lĩnh vực chuyên môn, đặc điểm văn phòng và sự khác biệt xuyên biên giới trong hệ thống pháp lý và mức độ chịu trách nhiệm của kiểm toán viên (Francis 2004).

Một nghiên cứu ở Malaysia cho thấy, quy mô của các hãng kiểm toán có một mối quan hệ tích cực đáng kể với chất lượng của BCTC (Lily Marlina & Takiah 2003). Các BCTC được ban giám đốc gửi đến các bên liên quan cần phải được chứng thực bởi các kiểm toán viên độc lập. Việc chứng thực bởi một đơn vị bên ngoài, độc lập với người chuẩn bị báo cáo, mang lại cho BCTC độ tin cậy nhất định. Các BCTC được kỳ vọng không có các sai sót trọng yếu nếu như kiểm toán viên cung cấp hoạt động kiểm toán chất lượng.

Điều này thống nhất với De Angelo (1981), người đã định nghĩa chất lượng kiểm toán là xác suất mà một sai sót trọng yếu trong BCTC có thể được phát hiện và báo cáo bởi kiểm toán viên. Điều này để chỉ tầm quan trọng của năng lực và tính độc lập của kiểm toán viên trong việc xác định chất lượng kiểm toán. Cả 2 yếu tố về chất lượng kiểm toán, tính độc lập và năng lực, đều liên quan đến các đặc tính của kiểm toán viên.

2.2. Các nghiên cứu về hiệu quả tài chính doanh nghiệp

Khái niệm về hiệu quả tài chính được Almajali và cộng sự (2012) lập luận rằng có nhiều cách đo lường hiệu quả tài chính. Ví dụ, doanh thu bán hàng cho thấy công ty thu được bao nhiêu tiền liên quan đến doanh thu, lợi nhuận trên tài sản giải thích khả năng sử dụng tài sản của công ty và lợi nhuận trên vốn cổ phần cho thấy hiệu quả đầu tư trên cổ phần của các nhà đầu tư. Hiệu quả tài chính của công ty có thể được đánh giá theo 3 khía cạnh:

Đầu tiên là hiệu suất của công ty, hoặc chế biến đầu vào thành đầu ra một cách hiệu quả; Thứ hai là khía cạnh lợi nhuận, hoặc mức độ thu nhập của công ty lớn hơn chi phí của nó; Thứ ba là giá trị thị trường, hoặc mức giá trị thị trường của công ty vượt quá giá trị sổ sách (Walker, 2001). Cohen, Chang và Ledford (1997) đo lường lợi nhuận kế toán sử dụng Return on Assets (ROA). Họ chỉ ra rằng, lợi nhuận trên tài sản (ROA) được sử dụng rộng rãi bởi các nhà phân tích thị trường như một thước đo của hoạt động tài chính vì nó đánh giá hiệu quả của tài sản trong việc tạo ra thu nhập.

Chỉ số kế toán được sử dụng nhiều nhất là Return on Assets (ROA) (McGuire và cộng sự, 1988, Russo và Fouts, 1997, Stanwick và Stanwick, 2000, Clarkson và cộng sự, 2008), Return of Equity (ROE) Bowman và Haire, 1975), và Return on Sales (ROS) (Stanwick và Stanwick, 1998). Do đó, kế thừa kiến thức từ các nghiên cứu trước, nghiên cứu sử dụng chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) như một thước đo về hiệu quả tài chính.

2.3. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính

Tác động của chất lượng kiểm toán lên hiệu quả tài chính của DN đã nhận được sự chú ý từ các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy chất lượng kiểm toán có tác động lên hiệu quả tài chính của DN (Heil, 2012; Miettinen, 2007). Bouaziz (2012) đã điều tra mối quan hệ giữa ủy ban kiểm toán và hiệu quả tài chính; kết quả cho thấy ủy ban kiểm toán có một tác động quan trọng đến hiệu quả tài chính của DN, điều này được đo lường bởi lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Các nhà nghiên cứu khác, với cơ hội tiếp cận nhiều hơn vào quá trình đào tạo kiểm toán viên và thực hiện nhiều thử nghiệm khác nhau cho rằng, các hãng kiểm toán lớn hơn có xu hướng cung cấp dịch vụ kiểm toán với chất lượng cao hơn (Mojtahedizadeh and Aghaee, 2004). Điều này được Farouk và Hassan (2014) ủng hộ, họ thấy quy mô hãng kiểm toán và sự độc lập của kiểm toán viên có tác động đáng kể đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Zureigat (2010) đã điều tra về tác động của cấu trúc tài chính ở các DN được niêm yết ở Jordan đối với chất lượng kiểm toán. Sử dụng mẫu 198 công ty, phân tích hồi quy logistic của ông cho thấy một mối quan hệ tích cực đáng kể giữa chất lượng kiểm toán và cấu trúc tài chính. Năm 2011, Miettien  đã điều tra mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán và hiệu quả tài chính.

Chất lượng kiểm toán được đo lường bằng quy mô kiểm toán và mức độ thường xuyên của các cuộc họp ủy ban kiểm toán. Kết quả cho thấy, chất lượng kiểm toán có cả ảnh hưởng trực tiếp cũng như trung gian đến hiệu quả tài chính thông qua quy mô kiểm toán. Các kết quả chỉ ra rằng, các thước đo chất lượng kiểm toán không chỉ đơn thuần là biểu tượng, mà còn đóng góp vào hiệu quả tài chính.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả chọn mẫu các DNCN theo danh sách các DNCN vực ĐBSH theo các khối ngành, đó là: Chế biến thực phẩm, cơ khí luyện kim, thiết bị điện tử, dệt may da dày, hóa chất, giấy, vật liệu xây dựng và khai khoáng, điện. Với mỗi khối ngành, nhóm tác giả lựa chọn 36 DN ngẫu nhiên có trong danh bạ của các ngành tương ứng, sau đó tiến hành gửi phiếu khảo sát online bằng email hoặc phát trực tiếp qua đường bưu điện. Kết quả thu về được 256 phiếu khảo sát. Sau khi rà soát và loại bỏ những phiếu khảo sát không hợp lệ còn lại 228 phiếu đủ điều kiện để đưa vào phân tích.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở những nghiên cứu về chất lượng kiểm toán và các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán, các nghiên cứu về hiệu quả tài chính DN, các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán, nhóm tác giả đã đưa ra mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới hiệu quả tài chính tại các DNCN khu vực ĐBSH như sau:

Giả thuyết nghiên cứu:

H1: Quy mô công ty kiểm toán tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán

H2: Tính độc lập của kiểm toán viên tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán

H3: Đặc điểm của nhóm kiểm toán tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán

H4: Kinh nghiệm của kiểm toán viên tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán

H5: Chất lượng kiểm toán tác động tích cực tới hiệu quả tài chính của các DNCN khu vực ĐBSH

Để phân tích dữ liệu nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng phần mềm Smart PLS 3.0. Phân tích độ tin cậy thang đo, độ phân biệt, giá trị hội tụ, mức độ phù hợp của mô hình với dữ liệu nghiên cứu và đánh giá giả thuyết nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả đánh giá độ tin cậy tổng hợp như sau:

Kết quả từ Bảng 1 cho thấy, các giá trị Cronbach’s Alpha > 0.7, rho_A > 0.7, AVE > 0.5, do vậy thỏa mãn điều kiện về độ tin cậy của thang đo theo gợi ý của Hesenler và cộng sự (2015).

Từ kết quả ở Bảng 2 cho thấy, giá trị trên cùng của 1 cột lớn hơn các giá trị còn lại, do vậy, dữ liệu nghiên cứu thỏa mãn điều kiện giá trị phân biệt, đủ điều kiện cho kiểm định giả thuyết nghiên cứu.

Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu như Hình 2:

Từ kết quả ở Hình 2 cho thấy, quy mô công ty kiểm toán có tác động tích cực ở mức cao với hệ số tác động là 0.435 ở mức ý nghĩa 1% (P = 0.000), có nghĩa là quy mô của các công ty kiểm toán tác động rất mạnh tới chất lượng của kiểm toán. Các DN được kiểm toán cho rằng, quy mô công ty kiểm toán càng lớn thì chất lượng kiểm toán càng được đảm bảo. Tính độc lập của kiểm toán viên là một chuẩn mực đạo đức quan trọng của kiểm toán viên.

Theo đánh giá của các nhà quản trị DN của các DNCN khu vực ĐBSH, tính độc lập của kiểm toán viên tác động rất mạnh tới chất lượng kiểm toán với hệ số tác động là 0.505 ở mức ý nghĩa 1% (P = 0.000). Khả năng làm việc nhóm là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công và hiệu quả làm việc của nhóm. Với đặc thù của hoạt động kiểm toán và áp lực thời gian và khối lượng công việc rất lớn, do vậy, mỗi cuộc kiểm toán thường có nhiều kiểm toán viên phối hợp với nhau.

Và theo nhận định của các DN được kiểm toán, đặc điểm của nhóm kiểm toán, ví dụ như: khả năng làm việc nhóm, vai trò của trưởng nhóm, vv… có tác động mạnh mẽ tới chất lượng kiểm toán với hệ số tác động là 0.402 ở mức ý nghĩa 1% (P = 0.000). Cuối cùng, kinh nghiệm của kiểm toán viên cũng tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán với hệ số tác động ở mức trung bình là 0.218 ở mức ý nghĩa 1% (P = 0.000). Theo các nhà quản trị các DNCN khu vực ĐBSH, kinh nghiệm của kiểm toán viên chỉ tác động mức trung bình tới chất lượng kiểm toán, điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ các DN kiểm toán là môi trường đào thải nhân viên cực kỳ mạnh ở Việt Nam.

Cuối cùng, chất lượng kiểm toán có tác động rất mạnh tới hiệu quả tài chính của các DNCN khu vực ĐBSH, với hệ số tác động 0.562 ở mức ý nghĩa 1% (P = 0.000). Với các BCTC có chất lượng kiểm toán tốt sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn và chiếm được niềm tin của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, từ đó giúp doanh nghiệp huy động vốn tốt hơn. Với DN có cơ cấu vốn vay lớn thì đòn bẩy tài chính cao và khả năng sinh lời tốt dẫn tới tăng hiệu quả tài chính của DN.

5. Kết luận

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến hiệu quả tài chính là tích cực, có ý nghĩa và kiểm toán là một trong những công cụ được sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của DN. Chất lượng hoạt động tài chính thể hiện ở hoạt động tài chính có hiệu quả hay không. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị với các DNCN khu vực ĐBSH nên xây dựng một quy trình để lựa chọn DN kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính.

Trong quá trình lựa chọn đơn vị kiểm toán, cần quan tâm đến quy mô của công ty kiểm toán, cũng như tính độc lập, liêm chính của các kiểm toán viên trong các DN kiểm toán để có cơ sở lựa chọn DN kiểm toán cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính tại DN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Văn Mai (2016), "Báo cáo kiểm toán công ty niêm yết đạt yêu cầu, Báo Đầu tư Chứng khoán”, tr. 314, tr.18-21.
  2. Nguyễn Quang Quynh và Nguyễn Thị Phương Hoa (2015), Giáo trình Lý thuyết Kiểm toán, NXB Tài chính, Hà Nội.
  3. Nguyễn Quang Quynh và Ngô Trí Tuệ (2006), Giáo trình Kiểm toán tài chính, NXB Tài chính, Hà Nội.
  4. Carcello, J. V., Hermanson, D. R., Neal, T. L., & Riley, R. A. (2012). Board Characteristics and Audit Fees, Contemporary Accounting Research., 365-384.
  5. Chen, L. G., Kilgore, A., & Radich, R. (2011). Audit committees: voluntary formation by ASX non-top 500, Managerial auditing journal, 475-493.

IMPACTS OF AUDIT QUALITY ON FINANCIAL PERFORMANCE OF INDUSTRIAL ENTERPRISES IN THE RED RIVER DELTA

Ph.D Nguyen Thi Ngoc Lan -

Ph.D Nguyen Hong Anh

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This study is to assess the impact of audit quality on financial performance of industrial enterprises located in the Red River Delta with a research hypothes that the size of audit firm, the independence of auditors, the characteristic of audit team and the experience of auditors positively affect the financial performance of industrial enterprises in the Red River Delta. Smart PLS 3.0 was used in this study to analyze the scale reliability, discrimination, convergence value, relevance of the research model with data and to evaluate the research hypothes.

The study sample was collected from industrial enterprises in the Red River Delta via questionnaires. This study’s results are used to propose some solutions for improving the financial performance of industrial enterprises located in the Red River Delta through audit tools.

Keywords: Financial performance, quality of audits, industrial enterprise, Red River Delta.