Nâng cao vai trò bộ phận kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. LÊ MINH THÀNH (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Kiểm toán nội bộ là một công cụ kiểm soát hữu hiệu của doanh nghiệp, là nguồn cung cấp thông tin tin cậy cho ban giám đốc các doanh nghiệp để điều hành sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và chiếm được thị trường. Do vậy, để hệ thống kiểm toán nội bộ phát huy được hiệu lực và hiệu quả, cần nâng cao vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là nội dung được tập trung phân tích trong bài viết này.

Từ khóa: Kiểm toán nội bộ, doanh nghiệp, hoạt động tài chính, kế toán.

1. Sự cần thiết của bộ phận kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam

Thế giới hiện đại với xu hướng mới bắt buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thích ứng. Các doanh nghiệp phải đón bắt được những thay đổi trong tương lai để chuẩn bị, tạo tiền đề tốt nhằm chớp lấy thời cơ, đối phó với những thách thức mới. Ngày nay, các doanh nghiệp ở trong một mặt bằng pháp lý như nhau, môi trường cạnh tranh khốc liệt, thị trường đòi hỏi: chất lượng hàng hóa cao, tốc độ phục vụ nhanh... Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược để có được vốn và kế hoạch phù hợp, khả năng làm việc của doanh nhân được nâng cao. Xu thế mới đòi hỏi những con người biết làm việc thực sự, có kiến thức và thực hành hiệu quả. Xu thế mới gắn liền với khoa học - công nghệ và luôn đặt các doanh nghiệp trước những thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm tới hiệu quả của mình nếu không muốn tự mình bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường.

Trong doanh nghiệp, vấn đề nhận thức các chức năng đã được khẳng định rõ ràng hơn. Việc đào tạo và sử dụng nhân viên đã được khẳng định vị trí quan trọng của nó, bởi vì con người sẽ luôn là chủ thể của mọi hoạt động. Việc đổi mới trong tỷ trọng tài sản cố định, vấn đề khấu hao là những vấn đề các doanh nghiệp nhằm tìm đến để có được chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất và phù hợp với nhu cầu thị trường. Vấn đề thiết lập hệ thống thông tin nội bộ nhằm tăng cường chức năng kiểm soát đánh giá được các doanh nghiệp hết sức coi trọng. Những vấn đề này xuất phát từ nhu cầu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Song để nâng cao được khả năng hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp phải nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh doanh và hiệu năng về quản lý hoạt động công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, hiệu năng liên quan đến việc hình thành các mục tiêu đề ra, còn hiệu quả đề cập đến chi phí để thực hiện các mục tiêu đó, hay nhằm tối thiểu hóa chi phí để có kết quả tối đa. Nỗ lực của mỗi doanh nghiệp đều nhằm đạt tới các mục tiêu do mình đề ra và các doanh nghiệp phải đi tìm một bộ phận trợ giúp nhằm đạt tới các mục tiêu trên. Các doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống kiểm soát tốt nhằm có thể truyền đạt và xử lý thông tin một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Có thể khẳng định rằng kiểm toán nội bộ là một nhân tố quan trọng để nâng cao khả năng đáp ứng kịp thời cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển, đồng thời việc thành lập kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp là rất cần thiết.

2. Thực trạng thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu trong việc tổ chức kiểm toán nội bộ trên phạm vi cả nước nhưng hoạt động này vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng và chưa thực sự thâm nhập vào “đời sống” của các doanh nghiệp. Việc tổ chức kiểm toán nội bộ cũng có nhiều vướng mắc, lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu do:

Một là, tại các doanh nghiệp đã thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ do không đi đúng hướng nội dung, thực hiện quy trình kiểm toán không đầy đủ, nên công việc trùng lặp với kiểm tra kế toán, làm giảm đáng kể vai trò của kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, với các quy định hiện hành, việc bố trí nhân lực cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ vừa khó, lại vừa gây xáo trộn cho công tác kế toán của doanh nghiệp. 

Hai là, sự không đồng bộ của các văn bản pháp lý. Rõ ràng với một hoạt động độc lập, một công cụ quản lý quan trọng thì thiết chế về kiểm toán nội bộ hiện tại là quá nghèo nàn. Cho đến nay, Bộ Tài chính mới chỉ cố gắng xây dựng được một số chuẩn mực kiểm toán độc lập. Lĩnh vực kiểm toán nội bộ hoàn toàn chưa có quy định cụ thể về nội dung, quy trình và phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ... điều này tạo nên hạn chế đáng kể cho hoạt động kiểm toán nội bộ. Mặt khác, sự thành lập kiểm toán nội bộ tại nhiều doanh nghiệp có nguồn gốc do quy định quá cứng nhắc chứ không xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi từ chính bản thân doanh nghiệp. Thực trạng này tạo ra sự lệch lạc, méo mó trong nhận thức của nhiều đối tượng về bản chất và vai trò của kiểm toán nội bộ.

Ba là, nhận thức của các nhà quản trị doanh nghiệp. Một khó khăn nổi bật trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại nhiều doanh nghiệp nước ta thời gian qua là sự nhận thức không đầy đủ của các nhà quản lý đối với hoạt động kiểm toán. Có tình trạng này một phần do sự hiểu biết về kiểm toán nội bộ còn ít ỏi bởi tính mới mẻ của nó. Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ yếu nữa là tiến trình đổi mới ở các doanh nghiệp Việt Nam - trong đó có phần quan trọng là sự đổi mới về cách nghĩ, về phương thức và phong cách quản lý của các nhà quản trị doanh nghiệp quá chậm. Tất cả những điều đó khiến họ không đánh giá đầy đủ được tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ, càng không thể khai thác hết lợi ích của công cụ quản lý hữu ích này. Thậm chí có nơi còn cho rằng kiểm toán nội bộ là một bộ máy thừa, trong khi xu hướng hiện đại là tinh giảm biên chế. Có không ít người nghĩ rằng bộ phận kiểm toán nội bộ là bộ phận “nhòm ngó” mọi hoạt động của bộ phận khác... Tất cả những nhận thức này làm cho các nhà quản lý thấy không thực sự cần thiết phải có kiểm toán nội bộ để soi xét hoạt động của doanh nghiệp mình. Ngay cả tại các đơn vị đã tổ chức kiểm toán nội bộ có tình trạng các bộ phận trong doanh nghiệp không có con mắt nhìn thiện cảm, không có tinh thần hợp tác khiến hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ không cao. Thực tế đó càng làm giảm vai trò, tác dụng của kiểm toán nội bộ vốn đã bị đánh giá không đúng đắn và kết quả công tác kiểm toán nội bộ như hiện nay ở phần đông các doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

3. Giải pháp nâng cao vai trò bộ phận kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp

Hoạt động kiểm toán đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và đã khẳng định vị trí của mình trong hoạt động tài chính và kế toán. Cùng với đó, kiểm toán nội bộ đã hình thành trong các doanh nghiệp như một nhu cầu tất yếu tự thân và vị thân. Kiểm toán nội bộ ở các nước có nền kinh tế phát triển đã phát triển thành một ngành nghề độc lập. Còn hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp muốn nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ cần thực hiện nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất: Xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ phù hợp. Đây là một trong những yếu tố cơ bản nhất đảm bảo cho tính hiệu quả của hệ thống kiểm toán nội bộ. Thông thường ở các nước này, bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị của tập đoàn, doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, bộ phận này có thể trực thuộc sự điều hành của Tổng giám đốc. Với cơ cấu tổ chức như thế này tạo ra sự độc lập trong hoạt động của kiểm toán nội bộ, là một yếu tố đảm bảo tính khách quan, hiệu quả và độ tin cậy của thông tin mang lại.

Thứ hai: Kiểm toán nội bộ chỉ thực sự hoạt động có hiệu quả khi có một hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp tạo cơ sở cho hoạt động của kiểm toán nội bộ. Cụ thể, là tại Hoa Kỳ đã thiết lập hệ thống chuẩn mực kiểm toán nội bộ và đã được thừa nhận rộng rãi. Bên cạnh đó, về mặt luật pháp, các báo cáo kiểm toán nội bộ cũng mang một giá trị to lớn, các kiểm toán viên nội bộ cũng phải chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán của mình như trách nhiệm với báo cáo của các kiểm toán viên độc lập.

Thứ ba: Ý thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với hệ thống kiểm toán nội bộ. Việc thành lập hệ thống kiểm toán nội bộ do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp với mục đích tăng hiệu quả trong quản lý và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Chính vì thế ở các nước phương Tây, như Mỹ, Pháp, Canada… các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn có một sự quan tâm thích đáng tới hệ thống này, tạo các điều kiện tốt nhất cho bộ phận này hoạt động, tách ly trách nhiệm của bộ phận này với các bộ phận khác và các báo cáo kiểm toán nội bộ được các nhà quản lý xem xét và dùng để cân nhắc các quyết định quản lý nên có một ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì lý do đó mà hoạt động của kiểm toán nội bộ thực sự mang lại hiệu quả, người ta không tổ chức bộ phận này với nghĩa là lập thêm một bộ phận chức năng mà với một ý nghĩa đích thực của kiểm toán nội bộ là giúp quản trị doanh nghiệp.

Thứ tư: Kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả do có một đội ngũ có trình độ chuyên môn cao và thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ năng lực. Đây là một ưu điểm riêng đối với các nước phát triển do có một đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn vững mạnh, chính điều này là một nhân tố quan trọng cho tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ, và các báo cáo kiểm toán nội bộ được lập ra càng có độ tin cậy cao.

Thứ năm: Ở các nước có nền kinh tế phát triển và kiểm toán nội bộ hoạt động mạnh mẽ thì các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp cũng phát triển. Ở Hoa Kỳ có Viện Kiểm toán viên nội bộ là tổ chức lớn nhất cho các kiểm toán viên nội bộ, là nơi đào tạo và cấp các chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ (CIA). Chính việc chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ được thừa nhận rộng rãi và được hành nghề kiểm toán nội bộ trên toàn thế giới càng làm cho hoạt động kiểm toán nội bộ ở các nước này có một ý nghĩa như một ngành nghề hơn.

4. Kết luận

Một hệ thống kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả là mục tiêu của bất kỳ một nhà quản trị doanh nghiệp nào. Xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ là yêu cầu tất yếu đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước và bản thân doanh nghiệp ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quy chế kiểm soát nội bộ và hạch toán kế toán Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

2. Chế độ mới về quản lý tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước - Nhà xuất bản Tài chính - Bộ Tài chính.

3. PGS.TS. Đặng Văn Thanh - PTS. Lê Thị Hòa; Kiểm toán nội bộ - Nhà xuất bản Tài chính.

4. Victor Z.Brink And Herbert Witt; Kiểm toán nội bộ hiện đại - Nhà xuất bản Tài chính 2000.

5. Kiểm toán nội bộ - Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ kiểm toán nhà nước.

IMPROVING THE ROLE OF INTERNAL AUDITING UNITS IN VIETNAMESE ENTERPRISES

● MA. LE MINH THANH

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Internal audit is an effective control tool of enterprises. It is also a source of reliable information for the board of directors of enterprises to manage their business effectively and increase their market share. This article is to propose some solution to improve the role of the internal audit unit in Vietnamese enterprises to empower the effectiveness of the internal audit system. 

Keywords: Internal audit, enterprise, financial activities, accounting.