Ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam

NCS. BÙI DUY THỌ (Trường Đại học Giao thông Vận tải)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được tiến hành dựa trên việc khảo sát 189 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam về tác động của các nhân tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Dữ liệu thu thập về, được xử lý trên phần mềm SPSS và bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, cả 5 nhân tố của hệ thống kiểm soát nội bộ có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam. Trong đó, mức độ tác động mạnh nhất là nhân tố “Hệ thống thông tin và truyền thông” có β4 = 0.344; thứ hai là nhân tố “Hoạt động kiểm soát” có β3 = 0.310; thứ ba là nhân tố “Môi trường kiểm soát” có β1 = 0.232; thứ tư là nhân tố “Hoạt động giám sát” có β5 = 0.206; cuối cùng là nhân tố “Đánh giá rủi ro” có β2 = 0.193.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp vận tải, vận tải hành khách.

1. Đặt vấn đề

Nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) đã được nhiều tác giả trên thế giới tiếp cận, nhưng chủ yếu theo 3 hướng nghiên cứu chính, đó là: (i) tập trung giải thích, chứng minh tồn tại mối quan hệ giữa hệ thống kiểm soát nội bộ với hiệu quả tài chính, kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp; (ii) nghiên cứu hệ thống KSNB gắn với hệ thống thông tin tổ chức; (iii) nghiên cứu hệ thống KSNB gắn với hoạt động quản trị tổ chức. Ở nước ta, hầu hết các công trình nghiên cứu về KSNB chỉ tiếp cận theo hướng đánh giá các nhân tố của KSNB trong doanh nghiệp hoặc hoàn thiện hệ thống KSNB mà chưa đề cập đến tác động của KSNB tới các hoạt động khác của doanh nghiệp.

Hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô ở nước ta được thực hiện bởi rất nhiều các công ty với quy mô nhỏ và vừa. Tình trạng hoạt động còn nhiều bất cập trong việc kiểm soát chi phí, kiểm soát giá thành, kiểm soát hoạt động,… Điều này dẫn đến sự yếu kém và thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở nước ta. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn chưa nhìn nhận đúng vai trò của hệ thống KSNB đối với việc tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, nên đa số chưa có bộ phận hay vị trí chuyên trách KSNB trong tổ chức.

Xuất phát từ những vấn đề trên, nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá mức độ và chiều hướng tác động của các thành phần hệ thống KSNB đến tính hữu hiệu của KSNB, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách hằng ô tô ở Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận

  • Các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB

Có nhiều quan điểm khác nhau về các yếu tố cấu thành nên hệ thống KSNB. Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) trong IAS 400 và AICPA trong SAS 55 - Chuẩn mực về Hệ thống KSNB, hệ thống KSNB được cấu thành bởi 3 yếu tố, đó là môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán và các thủ tục kiểm soát. Cách phân chia các yếu tố cấu thành này cũng tương đồng như trong VSA 400. Theo cách tiếp cận này, hệ thống KSNB chủ yếu tập trung trong lĩnh vực kế toán - tài chính, cụ thể là hệ thống kế toán được xem như trung tâm, môi trường kiểm soát và thủ tục kiểm soát được thiết kế nhằm tìm lỗi và phân định trách nhiệm của các bên. Với hệ thống KSNB như vậy, các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn gian lận và sai sót phát sinh hoàn toàn chưa được đề cập đến. Do vậy, đây chính là nhược điểm của cách tiếp cận này.

Với quan điểm toàn diện hơn, hệ thống KSNB, theo mô hình COSO, bao gồm 5 thành phần: (i) Môi trường kiểm soát, (ii) Đánh giá rủi ro, (iii) Các hoạt động kiểm soát, (iv) Hệ thống thông tin và truyền thông, và (v) Giám sát kiểm soát. Cách tiếp cận này đề cao quan điểm “phòng hơn chống”, các hoạt động đánh giá, giám sát ngăn ngừa rủi ro đã được chú trọng. Mục tiêu của hệ thống KSNB hướng tới là tăng cường hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua hoạt động quản trị rủi ro.

  • Môi trường kiểm soát

Theo Arens và cộng sự, môi trường kiểm soát gồm các hành động, các chế độ và các thể thức phản ánh thái độ chung của ban quản trị cấp cao, giám đốc và các chủ nhân của một tổ chức về quá trình kiểm soát và về tầm quan trọng của nó đối với tổ chức đó [2]. Theo COSO ERM 2004, môi trường kiểm soát được hiểu là “tinh thần chung của nhà quản trị”. Môi trường kiểm soát là quan điểm và hành động của nhà quản trị đối với những việc làm sai trái, các vi phạm về giá trị đạo đức của chính bản thân họ và của nhân viên trong doanh nghiệp. Quan điểm này của nhà quản trị còn được đề cập trên khía cạnh liệu họ ứng xử một cách phù hợp và nhất quán trong các tình huống hay không [8]. Môi trường kiểm soát còn quyết định đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB, nền tảng để phát huy tính hiệu lực của 4 yếu tố còn lại trong hệ thống KSNB chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan điểm của nhà quản trị, phong cách lãnh đạo và đạo đức của nhà quản trị [9]. Môi trường kiểm soát bao gồm: Cam kết về tính chính trực và giá trị đạo đức, triết lý quản trị và phong cách điều hành của nhà quản lý; Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp và cách thức phân quyền, phân chia nhiệm vụ; Chính sách nhân sự và năng lực của nhân viên.

  • Đánh giá rủi ro

Rủi ro được định nghĩa là khả năng xảy ra những hư hỏng và mất mát một cách tình cờ của doanh nghiệp. Sự kiện không chắc chắn được coi là rủi ro khi có những tác động xấu đến kết quả của đơn vị. Đây được xem như là định nghĩa nguyên thủy nhất về rủi ro được tác giả John Hayners đưa ra từ năm 1895 [12]. Theo cách phân loại của Casualty Actuarial Society (2003), rủi ro được chia thành các loại sau [5]: Rủi ro thảm họa là những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn...; Rủi ro tài chính là những rủi ro về giá (giá cả hàng hóa, lãi suất, tỷ giá hối đoái,...), khả năng thanh khoản (luồng tiền, chi phí cơ hội,...), tín dụng (phá sản, giảm giá), lạm phát/sức mua,...; Rủi ro hoạt động là những rủi ro liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, nguồn lực, hiệu quả, quản trị kênh phân phối,...), việc trao quyền (khả năng lãnh đạo/sự sẵn sàng thay đổi), công nghệ thông tin (sự sẵn có và phù hợp), báo cáo thông tin/báo cáo kinh doanh,...; Rủi ro chiến lược gồm những rủi ro liên quan đến danh tiếng (thương hiệu, nhãn hiệu, gian lận,...), sự cạnh tranh, nhu cầu khách hàng, xu hướng xã hội, văn hóa, tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

  • Hoạt động kiểm soát

Theo COSO, hoạt động kiểm soát là các hoạt động được thiết lập thông qua các chính sách, thủ tục để giúp đảm bảo rằng các chỉ thị quản trị được thực hiện nhằm hạn chế rủi ro và đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Hoạt động kiểm soát được thực hiện ở tất cả các mức độ trong tổ chức, ở tất cả các giai đoạn trong quá trình của doanh nghiệp và trên mọi môi trường công nghệ. Hoạt động kiểm soát về bản chất có thể là bảo vệ hay phát hiện, có thể bao gồm một loạt các hoạt động tự động hay bằng tay như phân quyền, phê chuẩn, xác minh, điều chỉnh và xem xét lại hoạt động trong doanh nghiệp [6],[ 7]. Sau khi nhận diện và đánh giá rủi ro, nhà quản trị cần thực thi các hoạt động kiểm soát cần thiết nhằm giảm khả năng xuất hiện và giảm mức độ ảnh hưởng của rủi ro. Hoạt động kiểm soát bao gồm các chính sách kiểm soát và thủ tục/quy trình kiểm soát. Chính sách kiểm soát là những nguyên tắc chung làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục kiểm soát. Thủ tục kiểm soát là những qui định cụ thể để thực thi chính sách kiểm soát [1].

  • Thông tin và truyền thông

Thông tin và truyền thông là điều kiện không thể thiếu cho việc thiết lập, duy trì và nâng cao năng lực kiểm soát trong doanh nghiệp thông qua việc hình thành các báo cáo cung cấp thông tin về hoạt động, tài chính và sự tuân thủ [1]. Theo Bovee và Bharadwaj, truyền thông nội bộ được định nghĩa đơn giản nhất là sự trao đổi thông tin và ý tưởng trong tổ chức. Apoorva Bharadwaj (2001) truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu xung đột, chia sẻ thông tin với độ chính xác, ảnh hưởng đến thái độ, nâng cao sự thấu hiểu, và là một công cụ để thuyết phục nhân viên hành động theo mong muốn một cách tinh tế [3], [4].

  • Hoạt động giám sát

Giám sát là quá trình người quản lý đánh giá chất lượng của hệ thống KSNB. Hoạt động giám sát đòi hỏi doanh nghiệp xác định hệ thống KSNB có vận hành đúng như thiết kế hay không và có cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp hay không. Hoạt động giám sát thường xác định nguyên nhân của các hạn chế, bất thường, điểm yếu và tìm ra vấn đề, nguy cơ tiềm ẩn trong doanh nghiệp [1]. Để đạt được kết quả tốt, nhà quản lý cần phải có những hoạt động giám sát liên tục và giám sát độc lập. Hai hoạt động giám sát này phải song hành cùng nhau để đảm bảo ngăn ngừa và phát hiện sớm các sai sót, gian lận [6].

  • Tính hữu hiệu của KSNB

Theo tác giả Wells, một hệ thống KSNB hữu hiệu sẽ cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh của tổ chức, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tài chính đã thiết lập, hạn chế được rủi ro, đảm bảo việc ghi chép các giao dịch chính xác và báo cáo tài chính được lập đáng tin cậy [11]. Tác giả Moeller, khi nghiên cứu KSNB ứng dụng cho mục đích kiểm toán nội bộ, đã phát triển thêm lý luận của tổ chức COSO và bổ sung thêm một số mục tiêu của KSNB cần đạt được là cung cấp sự đảm bảo hợp lý về độ tin cậy của thông tin tài chính và thông tin hoạt động; tuân thủ các chính sách, thủ tục, nội quy, quy chế và luật pháp; bảo vệ tài sản; thực hiện được sứ mệnh, mục tiêu và kết quả của các hoạt động hoặc chương trình của đơn vị; đảm bảo tính chính trực và giá trị đạo đức [10].

Như vậy, 5 yếu tố cấu thành của hệ thống KSNB cũng được xem xét như các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi đánh giá sự hữu hiệu của hệ thống KSNB, mỗi bộ phận hợp thành của hệ thống KSNB không nhất thiết phải hoạt động ở mức độ đồng đều nhau hoặc cùng mức độ ở các tổ chức khác nhau. Báo cáo COSO giải thích lý do là có sự bù trừ tự nhiên giữa các bộ phận của hệ thống KSNB. KSNB phục vụ cho nhiều mục đích, vì vậy, việc kiểm soát ở bộ phận này có thể phục vụ cho yêu cầu kiểm soát ở bộ phận kia. Để đối phó với một rủi ro cụ thể, nhà quản lý có thể đề ra nhiều mức độ kiểm soát khác nhau ở các bộ phận khác nhau. Các yếu tố cấu thành của hệ thống KSNB có thể đáp ứng cả 5 tiêu chí đánh giá tính hiện hữu mà không nhất thiết phải có sự đồng nhất về mức độ hoạt động của các yếu tố.

3. Mô hình và dữ liệu

Từ việc khái quát cơ sở lý luận trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam như mô tả ở Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1:. Mô hình nghiên cứu

mo-hinh-nghien-cuu Nguồn: Tác giả đề xuất

Dựa theo mô hình nghiên cứu, tác giả đề xuất các giả thuyết nghiên cứu sau:

  • Giả thuyết 1: Môi trường kiểm soát (X1) có mối quan hệ tỉ lệ thuận với tính hữu hiệu của KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam (Y1).
  • Giả thuyết 2: Đánh giá rủi ro (X2) có mối quan hệ tỉ lệ thuận với tính hữu hiệu của KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam (Y1).
  • Giả thuyết 3: Hoạt động kiểm soát (X3) có mối quan hệ tỉ lệ thuận với tính hữu hiệu của KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam (Y1).
  • Giả thuyết 4: Hệ thống thông tin và truyền thông (X4) có mối quan hệ tỉ lệ thuận với tính hữu hiệu của KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam (Y1).
  • Giả thuyết 5: Hoạt động giám sát (X5) có mối quan hệ tỉ lệ thuận với tính hữu hiệu của KSNB trong các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam (Y1).

Để tiến hành nghiên cứu này, tác giả thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 189 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 11/2019. Số liệu thu thập về được xử lý và viết báo cáo từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020 và dựa trên phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định giá trị các thang đo cho thấy, hệ số KMO = 0,725 thỏa mãn điều kiện 0.5<KMO<1 và giá trị Sig.=0.000, ta kết luận các nhân tố phù hợp với dữ liệu khảo sát và các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Giá trị phương sai trích là 68,85% với điểm dừng các nhân tố Eigenvalues bằng 1,59. Điều này cho biết, có tới 68,85% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát và 19 biến quan sát được nhóm lại thành 5 nhân tố chính phù hợp với mô hình lý thuyết. Như vậy, sau khi thu thập số liệu và phân tích ta thấy, các nhân tố thuộc hệ thống kiểm soát nội bộ tác động đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ phù hợp với mô hình lý thuyết đã khái quát. Tiếp theo, tác giả tiến hành kiểm định độ tin cậy của các khái niệm và thang đo nghiên cứu. Kết quả kiểm định độ tin cậy của các thang đo trong mô hình cho thấy, tất cả 3 thang đo trong mô hình đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.7 và các biến quan sát thành phần có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0.3 nên không biến quan sát nào bị loại bỏ.

Tiếp theo, các biến độc lập: MT “Môi trường kiểm soát” (X1), RR “Đánh giá rủi ro” (X2), KS “Hoạt động kiểm soát” (X3), TT “Hệ thống thông tin và truyền thông” (X4); GS “Hoạt động giám sát” (X5) và biến phụ thuộc “Tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam” (Y) được đưa vào phân tích hồi quy bội. Phương pháp phân tích được chọn là phương pháp lựa chọn 1 lần (Enter), theo phương pháp này, các biến độc lập sẽ được đưa vào mô hình 1 lần. Giá trị của biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mô hình được tính theo giá trị trung bình của các thang đo thành phần. Kết quả phân tích hồi quy được thể hiện như Bảng 1.

Bảng 1. Bảng kết quả hồi quy

Model Summaryb

bang-ket-qua-hoi-quy

a. Predictors: (Constant), GS, TT, KS, RR, MT

b. Dependent Variable: HH

 Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả phân tích hồi quy thu được cho thấy, trị số R = 0.737 nghĩa là mối quan hệ giữa các biến trong mô hình tương đối chặt chẽ. Hệ số xác định R2 = 0.543, điều này nói lên độ thích hợp của mô hình là 54,3%. Ngoài ra, giá trị R2 hiệu chỉnh phản ánh chính xác hơn sự phù hợp của mô hình với tổng thể. Kết quả phân tích cho thấy, R2 hiệu chỉnh có giá trị bằng 0.531 (hay 53,1%), tức là có tới 53,1% sự biến thiên của biến phụ thuộc (Y) “Tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam” được giải thích bởi 5 biến trong mô hình tương ứng với 5 nhân tố của hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam, còn 46,9% sẽ do các yếu tố khác ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Để đánh giá việc mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến ta xem xét hệ số phóng đại phương sai VIF. Trong nghiên cứu này, hệ số phóng đại phương sai VIF thu được trong bảng số liệu dưới đây của các nhân tố đều bằng nhỏ hơn 2, từ đó, có thể kết luận rằng, mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến, tức là các biến độc lập có tương quan chặt chẽ với nhau.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Coefficientsa

ket-qua-phan-tich-hoi-quy-da-bien

a. Dependent Variable: HH

 Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

Từ kết quả hồi quy cho thấy, các biến độc lập đại diện cho các nhân tố của hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam đều có ý nghĩa trong mô hình (Sig.<0.05), có tác động tới “Tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam” và đều là tác động thuận chiều. Dựa trên giá trị Beta chuẩn hóa, có thể kết luận các nhân tố thuộc hệ thống KSNB tác động tới “Tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam” có thể xếp theo thứ tự tác động từ cao xuống thấp như sau: Mức độ tác động mạnh nhất là nhân tố “Hệ thống thông tin và truyền thông” có β4 = 0.344; thứ hai là nhân tố “Hoạt động kiểm soát” có β3 = 0.310; thứ ba là nhân tố “Môi trường kiểm soát” có β1 = 0.232; thứ tư là nhân tố “Hoạt động giám sát” có β5 = 0.206; cuối cùng là nhân tố “Đánh giá rủi ro” có β2 = 0.193. (Bảng 2)

5. Kết luận

Qua việc khảo sát, đánh giá 189 doanh nghiệp vận tải về tác động của các yếu tố cấu thành hệ thống KSNB đến tính hữu hiệu của KSNB  tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 5 nhân tố cấu thành hệ thống KSNB đều có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam và được xếp theo thứ tự giảm dần từ cao xuống thấp như sau: Mức độ tác động mạnh nhất là nhân tố “Hệ thống thông tin và truyền thông”; thứ hai là nhân tố “Hoạt động kiểm soát”; thứ ba là nhân tố “Môi trường kiểm soát”; thứ tư là nhân tố “Hoạt động giám sát”; cuối cùng là nhân tố “Đánh giá rủi ro”. Kết quả nghiên cứu này giúp tạo ra các căn cứ cho việc hoàn thiện hệ thống KSNB, nhằm tăng tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (2014). Kiểm toán, tái bản lần thứ 6. NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 620.
  2. A. Arens, Alvin et al. (2000). Auditing: An Intergrated aproach. USA: Prentice Hall.
  3. Bharadwaj, Apoorva. (2010). Imparting intercultural business communication competencies in a business school, a new perspective. Journal of Media and Communication Studies, 2(9), 191-199.
  4. Bovee, C. L., Thill, J. V. (2000). Business Communication Today. 6, ed. Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall.
  5. Casualty Actuarial Society Enterprise Risk Management. (2003). Overview of enterprise risk management. Retrieved from: https://erm.ncsu.edu/library/article/casualty-actuarial-society.
  6. Committee of Sponsoring Organisations of the Treadway Commission. (2013). The 2013 Internal Control - Integrated Framework. New York: AICPA.
  7. Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission. (1992). Internal control - Integrated framework, chief author.
  8. Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission. (2004). Enterprise risk management- Integrated framework, chief author.
  9. Joseph, F.C., Susan, S.L. (2005). Using cultural audits to assess tone at the top. The CPA Journal, 2005.
  10. Moeller, Robert. (2009). Brink's modern internal auditing - A common body of kwoledge, 7, ed. USA: John Wiley & Sons, Inc.
  11. Wells, J. T. (2011). Principles of Fraud Examination. Hoboken: Wiley Publishing.
  12. William, C.A, Heins, R.M. (1971). Risk management and insurance, 2nd, ed. New York: McGraw - Hill Book Co.

 

IMPACTS OF THE INTERNAL CONTROL SYSTEM ON THE EFFECTIVENESS OF INTERNAL CONTROL SYSTEM IN VIETNAMESE PASSENGER TRANSPORTATION SERVICE BY CAR ENTERPRISES

PhD. student BUI DUY THO

University of Transport and Communication

ABSTRACT:

This study assesses the impacts of factors consiting of the internal control system on the effectiveness of internal control system in Vietnamese passenger transportation service by car enterprises. This study surveyed 189 automobile passenger transportation service enterprises in Vietnam and survey data were processed by the SPSS Statistics and the linear regression analysis. The study’s results show thatt all five factors in the proposed research model have positive impacts on the effectiveness of internal control system in passenger transportation service by car enterprises in Vietnam. In which, the "Information and communication system" is the most affecting factor with with β4 = 0.344. It is followed by the “Controlling activities” with β3 = 0.310, the “Controlled environment” with β1 = 0.232, the “Monitoring activities” with β5 = 0.206 and the “Risk assessment” wih β2 = 0.193.

Keywords: internal control, internal control system, transport enterprises, passenger transport.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 25, tháng 10 năm 2021]