Bàn về “liêm chính tư pháp”

Nghiên cứu "Bàn về “liêm chính tư pháp”" do Nguyễn Thị Thu Trang (Cán bộ Tòa án Nhân dân tối cao, Học viên Cao học Luật Khóa 26, Chuyên ngành Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Ở Việt Nam, tầm quan trọng của Cải cách tư pháp đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (XHCN); hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”[1]. Để đạt được mục tiêu này, điều thiết yếu là các cơ quan tư pháp phải đảm bảo được tính liêm chính của mình. Bài viết nghiên cứu “liêm chính tư pháp” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu của Cải cách Tư pháp.

Từ khóa: liêm chính, cải cách tư pháp, tư pháp, pháp luật, quyền tư pháp.

1. Tư pháp và quyền Tư pháp

1.1. Tư pháp

Theo nghĩa Hán Việt, tư pháp được hiểu là “pháp đình y theo pháp luật mà xét định các việc ở trong phạm vi pháp luật”[2]. Về bản chất, “Tư pháp là một lĩnh vực quyền lực Nhà nước (QLNN), được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật[3]. Theo thuyết tam quyền phân lập, tư pháp là một trong ba quyền của QLNN bao gồm: lập pháp (làm pháp luật và ban hành pháp luật); hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp (giữ gìn, bảo vệ pháp luật và xử lý các việc vi phạm pháp luật). Theo quan điểm của nhà nước Việt Nam, tư pháp chỉ thực hiện công việc tổ chức giữ gìn và bảo vệ pháp luật. Tư pháp còn là từ chung chỉ các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử hoặc là tên các cơ quan làm các nhiệm vụ về hành chính tư pháp (như: Bộ Tư pháp hay Sở Tư pháp…).

1.2. Quyền tư pháp

Bản chất của tư pháp hay hoạt động tư pháp bắt nguồn từ quyền lực đặc biệt là quyền tư pháp. Trong đó, quyền tư pháp là một nội dung của QLNN, được định danh khi QLNN phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, hỗ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau, đó là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Trong lịch sử nhân loại, quyền tư pháp lần đầu tiên được xuất hiện trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, đã giải thích: Quyền lập pháp là quyền làm ra luật… sửa đổi hay hủy bỏ luật (đã ban hành), quyền hành pháp là quyền quyết định việc hòa hay chiến, gửi đại sứ đi các nước, thiết lập an ninh, đề phòng xâm lược, còn quyền tư pháp là quyền trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa các cá nhân [4]. Theo định nghĩa của từ điển Black’s Law Dictionary, quyền tư pháp (judicial power) là “thẩm quyền được trao cho tòa án và các thẩm phán xem xét và quyết định các vụ việc và đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các vụ việc ấy; quyền giải thích và áp dụng pháp luật khi có tranh cãi phát sinh từ việc một điều gì đó có phù hợp hay không phù hợp với pháp luật điều chỉnh việc ấy”[5]. Ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu, quyền tư pháp là: “quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, hành chính [6]”; “xét xử các hành vi vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật (VPPL) từ phía công dân và các cơ quan nhà nước; bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân và trật tự an toàn xã hội[7]”; “phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật”[8]. Quyền tư pháp là một dạng QLNN và được hình thành khi QLNN phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, bổ trợ cho nhau và thực hiện kiểm soát lẫn nhau (cụ thể là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp).

Mặc dù còn nhiều quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau về quyền tư pháp, song nhận thức chung về quyền tư pháp cốt lõi vẫn là quyền xét xử, là việc nhân danh nhà nước giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột xã hội trên cơ sở pháp luật và lẽ công bằng, thông qua xét xử, theo các thủ tục tố tụng luật định. Do đó, quyền tư pháp được phân biệt với quyền lập pháp (xây dựng chính sách, tạo lập ra các quy tắc chung làm khuôn mẫu cho các hành vi) và quyền hành pháp (quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, tổ chức đời sống theo pháp luật).

Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm về tư pháp và quyền tư pháp đã có những bước phát triển để theo kịp với yêu cầu tổ chức thực hiện QLNN, đặc biệt là trong xu thế phát triển dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền (NNPQ) trên thế giới. Khái niệm về quyền tư pháp hiện nay đã không chỉ giới hạn ở chức năng xét xử thuần túy (áp dụng các quy định của pháp luật vào các tranh chấp cụ thể để xác định sự đúng sai, hợp pháp/bất hợp pháp trong hành vi của con người và xác định biện pháp chế tài tương ứng) mà đã mở rộng thêm nhiều quyền hạn khác bao gồm quyền giải thích pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ việc ấy, hoặc quyền tuyên vi hiến các hành vi của cơ quan nhà nước và quyền tạo ra án lệ… Mặc dù nội dung quan niệm về phạm vi quyền tư pháp ở các quốc gia trên thế giới còn có nhiều điểm khác biệt nhau, tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới về quyền tư pháp là mở rộng phạm vi của quyền tư pháp không chỉ có chức năng xét xử mà còn có chức năng bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, lẽ công bằng… Đồng thời, cùng với sự phát triển của Nhà nước và pháp luật thì việc xét xử của Tòa án càng mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các lĩnh vực tranh chấp khác về quyền lợi và trách nhiệm cũng được chuyển sang cho Tòa án giải quyết.

Tổ chức QLNN ở Việt Nam không thừa nhận và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, tuy nhiên pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Việt Nam hiện nay đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền. Đây là cách gọi tên về các quyền và các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, trong đó xác định Tòa án là mắt xích trọng tâm của hệ thống tư pháp (Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013) cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này và là phương hướng về tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp nói riêng. Đây là một trong ba trụ cột của QLNN cụ thể phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp sẽ không đồng dạng với hai loại quyền còn lại và luôn có giữ một vị thế độc lập, một nhánh về quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong NNPQ hiện nay.

Quyền tư pháp là một trong ba quyền tạo nên hệ thống QLNN, xét về bản chất thì quyền tư pháp là quyền thi hành công lý, quyền nhân danh nhà nước mang lại công lý cho người dân. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” Montesquieu (1689 - 1755) đã viết: “Với quyền lực thứ ba, nhà Vua hay pháp quan trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa các cá nhân, người ta gọi đây là quyền tư pháp”[9]. Trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” xuất bản năm 1762, Rousseau đã viết: “Cơ quan tư pháp… là người bảo vệ luật; mà luật là do cơ quan quyền lực tối cao ban hành và do chính phủ chấp hành”[10]. Ở đa số các quốc gia và trải qua lịch sử lâu dài, quyền tư pháp được nhìn nhận là quyền xét xử, chủ thể của quyền này chính là tòa án và hoạt động xét xử chính là HĐTP. Ở các nước theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa thì HĐTP không đồng nghĩa với quyền tư pháp. Theo quan niệm của các nước phương Tây, tư pháp có vai trò “làm luật”, giải thích Hiến pháp và ban hành “án lệ”. Nếu như chủ thể của quyền tư pháp chỉ có thể là tòa án, cơ quan duy nhất có quyền xét xử thì HĐTP còn hàm chứa các hoạt động khác nằm trong quỹ đạo của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp đó[11].

Trong cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” của Tocqueville xuất bản năm 1835 đã đưa ra 3 đặc tính của quyền tư pháp:

Đặc tính thứ 1 của quyền lực tư pháp là đứng ra làm trọng tài.

Đặc tính thứ 2 của quyền lực tư pháp là phán quyết về những trường hợp riêng lẻ chứ không phát ngôn về nguyên tắc chung.

Đặc tính thứ 3 của quyền tư pháp là chỉ có thể hành động khi người ta yêu cầu nó hoặc nói theo ngôn từ pháp lý, khi nó được giao xét xử... người ta báo cho nó một điều bất công và nó sửa lại. Người ta đặt trước mặt nó một sự vụ và nó giải thích sự vụ đó. Nhưng tự nó không bao giờ khởi tố những kẻ phạm tội, không đi tìm chỗ có chuyện bất công và xem xét các sự việc[12]. Nhận định về đặc tính thứ ba của quyền tư pháp đã cho ta thấy một điều rằng cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, đem lại công bằng cho người dân nhưng nhiệm vụ này chỉ phát sinh khi có yêu cầu của người dân, tuy nhiên người dân chỉ yêu cầu tòa án đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích cho mình khi và chỉ khi họ biết về công lý còn tin vào công lý. Khi người ta không còn niềm tin vào công lý nữa sẽ chẳng còn ai đến tòa án đưa đơn kiện, sẽ chẳng ai còn cần tới hệ thống tư pháp đứng ra bảo vệ cho mình và như vậy liêm chính tư pháp còn ý nghĩa gì khi nó chỉ còn là một bức tranh đẹp để trang trí cho bộ máy quyền lực.

Ở Việt Nam, quyền tư pháp là một dạng quyền lực chủ yếu nằm trong tay tòa án được ghi nhận bởi Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật, để quyền lực này được thực thi trên thực tế thì phải thông qua một hoạt động gọi là HĐTP. Hoạt động tư pháp là quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, trong đó bao gồm hoạt động xét xử của tòa án, các hoạt động điều tra, công tố, thi hành án, các hoạt động bổ trợ tư pháp có liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử của tòa án nhằm duy trì và bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của xã hội.

Nội dung của hoạt động tư pháp gồm các hoạt động tương ứng với vị trí của mỗi chủ thể thực hiện quyền tư pháp như sau: hoạt động điều tra được thực hiện bởi cơ quan điều tra, hoạt động kiểm sát và thực hiện quyền công tố do VKS thực hiện, hoạt động xét xử thuộc thẩm quyền của tòa án, hoạt động thi hành án do cơ quan thi hành án tiến hành và hoạt động bổ trợ tư pháp do các cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện. Hoạt động tư pháp không chỉ là hoạt động xét xử của tòa án mà còn là hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước trực tiếp liên quan hoặc phục vụ cho hoạt động xét xử của tòa án theo đó tòa án sử dụng các kết quả của quá trình điều tra, truy tố, bào chữa, giám định... một cách công khai và áp dụng các thủ tục tố tụng để nhân danh nhà nước đưa ra phán quyết cuối cùng. Hoạt động tư pháp ở Việt Nam “do các chủ thể của quyền tư pháp và chủ thể tham gia thực hiện quyền tư pháp thực hiện”[13], trong đó chủ thể trọng tâm là tòa án và hoạt động xét xử của tòa án đóng vai trò quan trọng nhất và là trọng tâm của hoạt động tư pháp nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ công lý của quyền tư pháp, bảo vệ những gì đúng đắn, công bằng và hợp pháp. Chính vì vai trò và vị trí của nó nên yêu cầu đối với việc xét xử phải: đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Chủ thể tiến hành hoạt động xét xử là thẩm phán, chỉ có thẩm phán mới có quyền nhân danh nhà nước thực hiện quyền xét xử, bởi vậy nên vị trí, vai trò của thẩm phán trong hoạt động tư pháp được xem xét là đặc biệt quan trọng để bảo vệ công lý, công bằng cho xã hội.

Tư pháp đảm bảo tính pháp quyền, thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật. Sự độc lập tư pháp chính là tách biệt giữa lập pháp và hành pháp đóng vai trò cốt tử để duy trì pháp quyền, khi quyền làm luật được tách khỏi quyền hiểu và áp dụng pháp luật thì chính nền tảng của pháp quyền sẽ được tăng cường, khi đó mọi tranh chấp được điều chỉnh trên cơ sở luật đã được xây dựng từ trước. Điều này càng đẩy mạnh quá trình xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam. Mặt khác, tư pháp là thiết chế tạo cho thẩm phán các đảm bảo cần thiết để quyết đoán xét xử các vụ việc, trừng trị tội phạm mang lại trật tự ổn định cho xã hội. Thử đặt một câu hỏi rằng: nếu nền tư pháp không liêm chính thì hậu quả nó mang lại là gì? Hậu quả của nó sẽ để lại không nhỏ, đó là: hối lộ, lạm quyền, trục lợi... tham nhũng gia tăng cả về số lượng và mức độ, giảm hiệu quả công tác PCTN. Quyền lợi của người dân bị xâm hại, án oan, án sai, lợi ích chính đáng không được bảo vệ thì người dân không còn tin vào hệ thống công lý, người ta sẽ không tìm đến tòa án khi có vụ việc xảy ra và con người sẽ tìm cách tự giải quyết các mâu thuẫn xung đột bằng cách thức riêng của mình - một thứ “luật” nhưng không phải “pháp luật” mà người ta gọi đó là “luật rừng”, xã hội sẽ bất ổn, mất trật tự và an toàn gây tổn hại đến an ninh chính trị xã hội; giảm mức độ tự nguyện tuân thủ pháp luật của cộng đồng đối với các quy định của pháp luật. Một bên là sự tồn vong của xã hội còn một bên là hình ảnh một nhà nước kiểu mẫu NNPQ XHCN mà ranh giới của nó là nền tư pháp liêm chính. Điều này nói lên ý nghĩa lớn lao của việc đảm bảo liêm chính để duy trì ổn định trật tự xã hội và nâng cao vị thế của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

2. Liêm chính tư pháp

2.1. Khái niệm

Liêm chính tư pháp là một nền tư pháp trong sạch, minh bạch và tiến tới loại bỏ tham nhũng, đòi hỏi một loạt những thái độ tích cực của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, thực thi chính xác các yêu cầu của pháp luật, nhằm tăng cường tính trung thực và tư cách đạo đức của các cán bộ tư pháp trong thừa hành công việc cùng với phương pháp làm việc có hiệu quả mang lại lợi ích cho xã hội. “Cốt lõi của liêm chính tư pháp là đòi hỏi về một nền tư pháp trong sạch, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, là ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự và lương tâm nghề nghiệp tư pháp và đấu tranh chống tham nhũng, bảo đảm sự trong sạch của tư pháp. Để bảo đảm cho liêm chính tư pháp, cần bảo đảm sự độc lập của tư pháp; bảo đảm năng lực tiếp cận công lý cho người dân nhằm thúc đẩy trách nhiệm của cơ quan tư pháp và tăng cường liêm chính tư pháp; có cơ chế giám sát hoạt động cơ quan tư pháp và cải cách tố tụng hình sự để tăng cường tranh tụng bình đẳng. Ngoài ra, theo quan điểm của Tổ chức hướng tới minh bạch (TT), để bảo đảm liêm chính tư pháp, cần tăng cường tính minh bạch của hoạt động tư pháp, trách nhiệm giải trình và xử lý kỷ luật trong ngành Tư pháp, nâng cao tính công bằng trong bổ nhiệm thẩm phán và nâng cao điều kiện làm việc của ngành Tư pháp”[14].

2.2. Nội dung

Liêm chính tư pháp là đòi hỏi cơ bản của công dân của mỗi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch với đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ, trong sáng, liêm khiết, dấn thân, sẵn sàng đứng về lẽ phải, bảo vệ công lý. Liêm chính là giá trị hình thành nên nhân cách, là phẩm chất cốt lõi của người Thẩm phán. Liêm chính là phẩm chất để đấu tranh loại bỏ tham nhũng; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; phẩm chất đạo đức, làm xói mòn tính công bằng của Tòa án. Vì vậy, Thẩm phán không được lợi dụng quyền năng pháp lý của mình để thúc đẩy lợi ích cá nhân; không được để bất kỳ ai, không phụ thuộc vào vị trí công tác và địa vị của họ, các đồng nghiệp, người thân thích, bạn bè hoặc người quen tác động, ngăn cản, làm sai lệch hoạt động xét xử. Ðặc biệt, khi cuộc đấu tranh PCTNTC của Ðảng ngày càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh vững vàng, không dễ bị tác động bởi tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ mà họ được giao. Đề có một nền tư pháp đúng nghĩa, dứt khoát cán bộ tư pháp phải có trình độ nghiệp vụ, lương tâm trong sáng, đạo đức nghề nghiệp, nhất là thẩm phán phải là những người “không biết sợ tác động, không bị mua chuộc”, nghĩa là để bảo đảm tính liêm chính trong hoạt động tư pháp nói chung, bảo đảm sự độc lập của thẩm phán (trụ cột của tòa án), các chuyên gia cho rằng, phải bổ sung các qui định về vai trò và trách nhiệm đặc thù của thẩm phán vào bộ qui tắc đạo đức ứng xử của ngành Tòa án như một cơ chế đảm bảo sự liêm chính của thẩm phán. Không chỉ nói suông, cán bộ tư pháp phải có lương tâm trong sáng, đạo đức nghề nghiệp. Nếu không có những yếu tố đó thì không nên hoạt động trong ngành Tư pháp, nhất là đối với thẩm phán phải là những người “không biết sợ tác động, không bị mua chuộc. Muốn vậy phải có giải pháp xã hội để bảo đảm sự độc lập của thẩm phán như tuyên thệ khi vào ngành cũng có tác dụng nhất định của nó. Đây là một hình thức nhắc nhở cán bộ tư pháp luôn nhớ đến những yêu cầu đối với nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, cần cả chế tài pháp luật và chế tài đạo đức mà thực chất là sức ép xã hội để đánh giá khách quan về phẩm chất đạo đức của thẩm phán”.

Các tiêu chuẩn quốc tế về liêm chính tư pháp, như: (i) Các cơ quan tư pháp phải trong sạch, thẩm phán, cán bộ tòa án phải liêm chính. Để thực hiện vai trò quan trọng trong đấu tranh PCTN một cách hiệu quả, chính các cơ quan tư pháp phải trong sạch, cán bộ, thẩm phán phải liêm chính. Các quốc gia thành viên có những giải pháp để tăng cường liêm chính của cán bộ HTTP và thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống (UNCAC); (ii) Quản trị tòa án bảo đảm tính độc lập của thẩm phán; đề cao tính tối thượng và công minh của pháp luật; tạo sự tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật trong công chúng; (iii) Đảm bảo về quyền tiếp cận công lý của người dân.

3. Kết luận

Liêm chính được xem là phẩm chất đạo đức nền tảng của mỗi cá nhân, phẩm chất cơ bản của con người. Đây cũng là một phẩm chất cơ bản của những người có chức vụ, quyền hạn, mà qua đó bảo đảm rằng người đó sẽ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân (hay tham nhũng). Liêm chính tư pháp là một nền tư pháp trong sạch, minh bạch và tiến tới loại bỏ tham nhũng, đòi hỏi một loạt những thái độ tích cực của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp, thực thi chính xác các yêu cầu của pháp luật nhằm tăng cường tính trung thực và tư cách đạo đức của các cán bộ tư pháp trong thừa hành công việc cùng với phương pháp làm việc có hiệu quả mang lại lợi ích cho xã hội.

Liêm chính tư pháp góp phần bảo vệ công lý, công bằng, trật tự và tiến bộ xã hội. Ngoài việc trừng trị các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ kỷ cương, bảo vệ trật tự xã hội, các phán quyết của thẩm phán còn có giá trị giáo dục đạo đức xã hội và bản thân người thẩm phán liêm chính cũng trở thành một tấm gương về đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi người dân. Pháp luật được bảo vệ và tôn trọng sẽ tăng cường niềm tin của người dân vào thiết chế bảo vệ pháp luật là tư pháp và như vậy tư pháp còn thực hiện được nhiệm vụ là phổ biến, giáo dục và giải thích pháp luật cho người dân từ đó nâng cao vị thế của pháp luật trong đời sống, đưa pháp luật lên vị thế thượng tôn. Đây là một trong các yếu tố xây dựng NNPQ tại Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hà Nội.
  2. Đào Duy Anh (1996). Hán Việt từ điển. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Đăng Dung (2005). Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, tr11.
  4. Montesquieu (2006). Bàn về tinh thần pháp luật. Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, tr105-106.
  5. Garner (ed.) (2009).mBlack’s Law Dictionary. 9thed, tr924.
  6. Viện khoa học pháp lý (2006). Từ điển luật học, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, tr657.
  7. Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (2006). Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân: Lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr60.
  8. Nguyễn Đăng Dung (2005). Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền. Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, tr11.
  9. Montesquieu (1996). Tinh thần pháp luật. Hoàng Thanh Đạm dịch. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  10. J. Rousseau (1992). Bàn về khế ước xã hội. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr174.
  11. Alexander Hamilton (1995). APlace Apart, Judicial Independence andAccountability in Canada, at53.
  12. Tocqueville (2007). Nền dân trị Mỹ, tập 1. Nhà xuất bản Tri thức, tr231-232.
  13. Đào Trí Úc (2014). “Bản chất đặc điểm các nguyên tắc chủ đạo của quyền tư pháp”, Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính, tr14-34.
  14. Hội thảo "Liêm chính tư pháp - Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam". Truy cập tại: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/201410/hoi-thao-liem-chinh-tu-phap-cac-tieu-chuan-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam-295901/.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1 Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013

2 Thảo Nguyên (2014). “Liêm chính trong hoạt động tư pháp: Không chỉ “nói suông”. Truy cập tại: https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/Liem-chinh-trong-hoat-dong-tu-phap-Khong-chi-noi-suong-80182.html

 

 

Discussion about “judicial integrity”

Nguyen Thi Thu Trang

Officer, the Supreme People’s Court,

Graduate Student of Law, Intake 26, majoring in State Governance and Anti-Corruption, University of Law, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:

In Vietnam, the importance of judicial reform is affirmed in Resolution No. 49-NQ/TW in 2005 of Politburo of the Communist Party of Vietnam on  the Judicial Reform Strategy until 2020. The Resolution sets the goal of “Building a transparent, powerful, democratic, strict judicial system for protecting justice and modernizing the judicial system step by step to better serve the people and the Fatherland of Socialist Republic of Vietnam; judicial activities with the focus on judgment activities that are executed efficiently”[1]. To achieve this goal, judicial authorities must maintain their integrity. This study is to discuss the judicial integrity which plays a key roke in improving the judgment quality to meet the judicial reform’s goal.

Keywords: integrity, judicial reform, justice, law, judicial power.