TÓM TẮT:
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, vai trò của môi trường công nghệ thông tin ngày càng quan trọng. Việc tạo ra một cấu trúc pháp lý để quản lý môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, đảm bảo an ninh thông tin quốc tế là rất cần thiết trong hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, một trong những vấn đề thách thức toàn cầu hiện nay là tội phạm mạng và những sự cố do các hoạt động bất hợp pháp trên internet gây ra. Mặc dù vậy, các cơ hội hiện có để hỗ trợ pháp lý và hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm mạng ở hầu hết các trường hợp được coi là không đủ. Do đó, cần phải có tầm nhìn chung, hoặc có sự thỏa hiệp về cơ sở pháp lý của môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như hài hòa hóa pháp luật để điều chỉnh các hoạt động trong môi trường công nghệ thông tin, truyền thông nói chung và tội phạm mạng nói riêng trong quá trình hội nhập. Bài viết bàn về sự cần thiết thiết lập cơ quan tư pháp quốc tế xét xử về tội phạm mạng và một số vấn đề đặt ra.
Từ khóa: cơ quan tư pháp quốc tế, an ninh mạng, công nghệ thông tin và truyền thông, không gian mạng, tội phạm mạng.
1. Đặt vấn đề
Tình hình tội phạm trong nước và thế giới ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường liên kết, hợp tác đồng bộ và toàn diện bằng các biện pháp chính trị, pháp luật, kinh tế, an ninh... Trong bối cảnh đó, an ninh mạng là biện pháp tất yếu, khách quan và hiệu quả nhất để bảo đảm hoạt động trên không gian mạng tránh gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, hoạt động an ninh mạng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của nó. Một điều không thể phủ nhận là hiện nay khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cùng với Internet và mạng xã hội cũng có những bước phát triển vượt bậc và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển này đã góp phần đem lại lợi ích vô cùng to lớn, đang từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người. Từ đó, vấn đề an ninh mạng cũng như pháp luật về an ninh mạng lại càng được quan tâm. Hiểu và vận dụng tốt các quy định pháp luật giúp các chủ thể bảo vệ các thông tin cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng được một không gian mạng thực sự lành mạnh và an toàn, tránh những rủi ro, ngăn chặn và ứng phó với các cuộc tấn công.
2. Thực trạng về tội phạm mạng và các quy định trong pháp luật hiện hành
Mạng internet xuất hiện đã tạo ra nhiều tiện lợi cho con người. Máy tính đang trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của chính phủ, thương mại, dịch vụ, giải trí,… Bên cạnh đó, nó cũng mang lại những thách thức to lớn. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” cho loại tội phạm mới: tội phạm mạng. Loại tội phạm này ngày càng thực hiện nhiều hành vi phi pháp khác nhau như lừa đảo, đánh cắp sở hữu trí tuệ, đánh cắp danh tính hoặc vi phạm quyền riêng tư, làm hỏng hoặc vô hiệu hóa máy tính để thỏa mãn mục đích cá nhân hay chính trị. Theo thống kê năm 2022, thiệt hại trên toàn cầu do tội phạm mạng gây ra ước tính khoảng 8,4 nghìn tỷ USD. Đồng thời, chi phí cho các sự cố do các hoạt động bất hợp pháp trên internet gây ra dự kiến sẽ vượt hơn 11 nghìn tỷ USD. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, chi phí hàng năm phục vụ cuộc chiến chống tội phạm mạng trên toàn thế giới có thể hơn 20 nghìn tỷ USD, tăng gần 150% so với năm 2022. Vấn đề rủi ro an ninh mạng trong năm 2022 và những năm sau đó sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Trong khi đó, tội phạm mạng cũng trở nên quyết liệt và sáng tạo hơn, trong bối cảnh thiếu hụt các kỹ năng an ninh mạng, các tổ chức đang phải vật lộn để duy trì một thế trận an ninh tối ưu. Trước diễn biến phức tạp của tội phạm trong nước cũng như quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tội phạm mạng đang phát triển tích cực. Theo đó, các hình thức hợp tác trong lĩnh vực truy tố hình sự là tương trợ tư pháp, hợp tác trong lĩnh vực bắt giữ, hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật, công nhận lẫn nhau về các bản án nước ngoài... như các điều ước đa phương về hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm; điều ước đa phương về truy tố một số tội phạm xác định; các hiệp định song phương tương tự; luật pháp quốc gia, trong đó các điều khoản có thể điều chỉnh các cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tội phạm mạng. Đây là cơ sở để hỗ trợ pháp lý và hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm mạng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ.
Năm 2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 65/230 để tăng cường các cơ chế tư pháp hiện có, hoặc đề xuất các biện pháp tư pháp quốc gia và quốc tế mới hoặc nhiều biện pháp khác chống tội phạm mạng. Theo đó, một nhóm chuyên gia liên chính phủ với thành phần mở rộng đã được thành lập để tiến hành nghiên cứu toàn diện về tội phạm mạng của Ủy ban LHQ về phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự. Việc thành lập tòa án xét xử tội phạm mạng quốc tế không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp đầu tiên của nhóm diễn ra tại Vienne vào tháng 1/2011. Với các cơ chế tư pháp quốc tế minh bạch, hiệu quả trong hoạt động hiện tại của hệ thống LHQ sẽ đảm bảo rằng các hành vi phạm tội không bị phân biệt đối xử ở các khu vực tài phán khác nhau và sẽ đảm bảo khả năng truy tố ở các quốc gia thường từ chối truy tố các hành vi đó. Do đó, cần thiết phải thiết lập một cơ chế tư pháp quốc tế khả thi để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này. Một số học thuyết trong và ngoài nước đã đưa ra một số khái niệm về việc thưc hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
3. Các phương án đề xuất thành lập Tòa án Quốc tế xét xử tội phạm mạng
3.1. Mở rộng quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế và thành lập một bộ phận về không gian mạng
Không gian mạng là khái niệm chỉ mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, đây còn là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ở Việt Nam, không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát được gọi là không gian mạng quốc gia1. Trong tình hình hiện nay, việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý hợp lý của các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Luật An ninh mạng ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, tập trung bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong công tác an ninh mạng liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được thông qua tại Đại hội LHQ về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, do Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm tổ chức tại Bangkok năm 2005. Nên chăng cần mở rộng thêm thẩm quyền xem xét các trường hợp liên quan đến không gian mạng, cụ thể là xem xét tội khủng bố mạng và tội phạm mạng nhằm đưa ra một định nghĩa có thể chấp nhận được và đưa vào danh sách tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Phương án này nên được thực hiện thông qua áp dụng các điều khoản bổ sung trong Quy chế Rome2, sẽ bao gồm môi trường công nghệ thông tin và truyền thông và mở rộng danh sách các tội phạm thuộc thẩm quyền tài phán của quy chế đó. Đồng thời, điều đặc biệt quan trọng là phải đạt được thỏa thuận toàn cầu để tất cả các quốc gia phê chuẩn các sửa đổi đối với Quy chế Rome. Tuy nhiên, do một số quốc gia chưa phê chuẩn tài liệu này, vì nhiều điều khoản của nó trái với lợi ích quốc gia và chủ quyền quốc gia, nên quá trình bổ sung các điều khoản trở nên phức tạp hơn. Do đó, trong khuôn khổ thực hiện phương án này, đề xuất chọn một đơn vị của Phòng Thương mại quốc tế (Tiếng Anh là Internation Chamber of Commerce - ICC) chuyên trách không gian mạng.
3.2. Tòa án hình sự Quốc tế hay Tòa án không gian mạng
Phương án này đang được xem xét trong khuôn khổ việc thành lập tòa án Hình sự Quốc tế đặc biệt hoặc tòa án về không gian mạng, sẽ hoạt động theo Quy chế được đề xuất của Tòa án hình sự Quốc tế về không gian mạng (ICCT). Có quan điểm cho rằng “các cuộc tấn công mạng gây lo ngại nhất trên toàn cầu là cố ý gây ra sự gián đoạn đáng kể và lan rộng đối với cơ sở hạ tầng thông tin và liên lạc quan trọng nên thuộc thẩm quyền của ICC”. Ý tưởng tạo ra ICTC được đề xuất bởi ông Stein Solberg - thẩm phán người Na Uy, chuyên gia quốc tế về tội phạm mạng, một trong những người sáng lập khái niệm hài hòa hóa pháp luật về tội phạm máy tính. Trong công trình của mình, ông trình bày ý tưởng thành lập ICCT. Nhiệm vụ của Tòa án này bao gồm việc truy tố các cá nhân phạm tội nghiêm trọng nhất luật tội phạm mạng quốc tế theo các điều khoản của Hiến chương đã được đề xuất, cũng như kết án các cuộc tấn công mạng toàn cầu. Những vi phạm nghiêm trọng bao gồm các hành vi cố ý tấn công hệ thống máy tính, hệ thống thông tin, dữ liệu, thông tin hoặc tài sản khác được bảo vệ theo Luật Hình sự Quốc tế có liên quan; các hành vi được thực hiện bằng cách phá hoại, làm hỏng hoặc vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng thông tin và liên lạc quan trọng dẫn đến thiệt hại cho an ninh quốc gia, phòng thủ dân sự, hành chính và dịch vụ công, sức khỏe và an toàn công cộng, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
3.3. Thành lập các tòa án vụ việc, hoặc tòa án đặc biệt
Việc thành lập các tòa án vụ việc, hoặc tòa án như các cơ chế tư pháp tạm thời đặc biệt trên cơ sở quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ), được thông qua trên cơ sở Chương VII của Hiến chương LHQ quy định các quốc gia thành viên liên quan đến các mối đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế và các hành động xâm lược. Theo đề xuất trên, thẩm quyền của các tòa án này sẽ mở rộng thêm việc truy tố và trừng phạt tội phạm mạng gồm những vấn đề vi phạm hiệp ước toàn cầu, hiệp ước về tội phạm mạng cũng như các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng có phối hợp trên toàn cầu. Thẩm quyền của các tòa vụ việc hoặc tòa án đặc biệt và các cơ quan tài phán quốc gia, quyền tài phán sẽ được thực hiện và quyền ưu tiên sẽ được dành cho tòa án vụ việc hoặc tòa án đặc biệt.
3.4. Tòa án Quốc tế về không gian mạng
Các phương án đề xuất thành lập một Tòa án Quốc tế về không gian mạng độc lập sẽ giúp xử lý các tội phạm mạng nghiêm trọng gây ra mối đe dọa cho cộng đồng quốc tế và an ninh thông tin quốc tế. Nếu 3 phương án trên liên quan đến thẩm quyền về trách nhiệm hình sự cá nhân đối với một số hành vi trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, thì phương án thứ tư liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế.
Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, cần thiết phải thành lập một tòa án không gian mạng - LHQ, một cơ cấu có các hoạt động nhằm điều tra tội phạm trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, sáng kiến này chọn lọc quốc gia tham gia, nghĩa là cơ cấu này sẽ được sử dụng cho các mục đích chính trị, lợi ích của các quốc gia, phân biệt đối xử giữa các quốc gia với nhau. Mục tiêu của tòa án này không phải để thực hiện các lợi ích chính trị của từng quốc gia riêng lẻ, mà là việc hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế để hợp tác, vì lợi ích ngăn ngừa xung đột trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, nên đó là mục tiêu chính của việc thiết lập một cơ cấu như vậy. Điều quan trọng là các sáng kiến này hướng tới việc thành lập một môi trường tư pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu công bằng, cởi mở và bình đẳng. LHQ dường như là nền tảng hiệu quả nhất cho các đề xuất này, vì một quyết định như vậy có thể ràng buộc đối với tất cả các thành viên của tổ chức thông qua quyết định của HĐBA LHQ.
3.5. Đối thoại thể chế thường xuyên
Đây là một phương án khác có thể được lựa chọn trong khuôn khổ các cuộc đối thoại thể chế thường xuyên về bảo mật thông tin, đang được thảo luận trong Nhóm công tác mở của LHQ (OEWG) về các vấn đề bảo mật trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự và khó khả thi trong tương lai gần, do các bên có sự xung đột, bất đồng về các vấn đề thuộc thẩm quyền của WGE và vấn đề thiết lập một phiên tòa xét xử có thể làm chậm quá trình đàm phán hơn nữa.
3.6. Giữ nguyên hiện trạng
Như đã trình bày, do thiếu sự thống nhất về các nền tảng lý luận cơ bản, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số quan điểm cho rằng, không cần hình thức tài phán bổ sung đối với không gian mạng, vì hợp tác quốc tế thành công là có thể thực hiện được trong khuôn khổ các cơ chế hiện có.
4. Tòa án xét xử về tội phạm mạng quốc tế có cần thiết hay không trong giai đoạn hiện nay
Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về sự cần thiết của Tòa án Quốc tế xét xử tội phạm mạng, song có thể thấy vấn đề này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức không chỉ đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà còn đối với các nguyên tắc chủ quyền quốc gia, cũng như việc thiết lập trật tự quốc tế trên không gian mạng. Thời gian tới, thế giới được dự báo tiếp tục phải đối mặt với một số vấn đề phát sinh từ không gian mạng, an ninh mạng nói chung và tội phạm mạng nói riêng, cụ thể như nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp và thậm chí là xung đột giữa các nước lớn, dẫn đến sự thay đổi trật tự thế giới. Việc thiếu các cơ chế phù hợp để bổ trợ cho khái niệm tòa án xét xử về tội phạm mạng ở tầm quốc tế đã khiến các quốc gia gia tăng chạy đua và đưa ra nhiều định nghĩa mở rộng về khái niệm này để lập luận cho các hành động về gián điệp mạng, quân sự mạng... Điều này sẽ tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa các quốc gia, thậm chí có thể dẫn đến những cuộc tấn công mạng. Hơn nữa, cách tiếp cận và cách thức hợp tác trong không gian mạng chưa có sự thống nhất chung, việc diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế trong không gian mạng còn thiếu sự đồng thuận. Do có những mâu thuẫn và không có hệ thống quy định pháp lý quốc tế rõ ràng về công nghệ thông tin, nên việc tạo ra một cơ chế như vậy là quá sớm vào lúc này.
Hiện nay, trong học thuyết luật pháp quốc tế đã có một cuộc thảo luận về sự cần thiết phải thành lập một cơ quan tư pháp có nhiệm vụ xét xử các vụ việc liên quan đến môi trường công nghệ thông tin và truyền thông và bảo mật thông tin quốc tế. Tuy nhiên, bản chất của không gian ảo đưa ra một số thách thức. Ví dụ như sự phức tạp của việc quy kết các cuộc tấn công mạng cũng như khó thu thập bằng chứng từ quan điểm kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xác định sự tham gia của một quốc gia cụ thể trong một cuộc tấn công mạng. Ngoài ra, thực tế cho thấy không có thỏa thuận nào về các vấn đề cơ bản của bảo mật thông tin quốc tế như hiểu thống nhất về các thuật ngữ chính. Có sự khác biệt lớn về hệ tư tưởng về các vấn đề khác nhau liên quan sử dụng và quy định công nghệ thông tin và truyền thông. Không có sự thống nhất về việc liệu các quy tắc hiện hành của luật pháp quốc tế có thể áp dụng cho môi trường công nghệ thông tin và truyền thông hay liệu những quy tắc mới có cần thiết hay không và liệu các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý của luật pháp quốc tế sẽ áp dụng được cho môi trường công nghệ thông tin và truyền thông là cần thiết hay chỉ cần dùng đến “luật pháp mềm” là đủ. Đồng thời, để thực thi tố tụng ở cấp độ toàn cầu, trước hết cần có tầm nhìn chung hoặc có sự thỏa hiệp về cơ sở pháp lý của môi trường công nghệ thông tin và truyền thông cũng như hài hòa hóa pháp luật, không đề cập đến một quy ước toàn cầu. Mặc dù thực tế là nhiều quốc gia và tổ chức khu vực đã xây dựng và thông qua khung pháp lý để chống tội phạm mạng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các hệ thống luật pháp quốc gia và chưa có một công ước quốc tế nào để điều chỉnh các hoạt động trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông nói chung, tội phạm mạng nói riêng.
Tóm lại, dù luôn cố gắng nỗ lực vì sự phát triển chung, ổn định, bền vững của cộng đồng quốc tế, nhưng các quốc gia phải đối mặt nhiều thách thức và khó khăn. Do đó, hoạt động hợp tác trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông và tội phạm mạng đang được coi là hoạt động hợp tác hiệu quả nhằm trấn áp các loại tội phạm. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy nghiên cứu tác động của công nghệ thông tin và truyền thông trong không gian mạng, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Theo khoản 3, 4 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018.
2Quy chế Rome: https://www.icc-cpi.int/resource-library/documents/rs-eng.pdf
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo Nhân dân (2022). Gia tăng rủi ro an ninh mạng trên toàn cầu, Truy cập tại https://nhandan.vn/nam-2022-gia-tang-rui-ro-an-ninh-mang-tren-toan-cau-post680928.html
- Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
- Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
- Quốc hội (2018). Luật số 24/2018/QH14: Luật An ninh mạng, ban hành ngày 12/6/2018.
- Đại hội đồng Liên hiệp quốc (2022). Nghị quyết số 56/121 về “đấu tranh chống hành vi sử dụng trái phép công nghệ thông tin”.
- Đại hội đồng Liên hiệp quốc (2022). Nghị quyết số 58/199 về “việc xây dựng văn hóa toàn cầu về an ninh mạng và bảo vệ kết cấu hạ tầng dữ liệu thiết yếu”.
- Nguyễn Việt Lâm (2019). Chính sách an ninh mạng trong quan hệ quốc tế hiện nay và đối sách của Việt Nam. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
- Nguyễn Văn Tỵ (2019). Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Truy cập tại http://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nang-cao-y-thuc-lam-chu-va-bao-ve-khong-gian-mang-cua-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan
- Peter Robert (2022). Cybersecurity facts and figures for 2022, statistics and trends. [Online] Availabile at https://www.ecsoffice.com/cybersecurity-statistics-and-trends/
THE NECESSITY TO ESTABLISH AN INTERNATIONAL
JUDICIAL INSTITUTION TO ADJUDICATE CYBERCRIME
AND SOME RISING ISSUES
• Master. NGUYEN DANG NGHIA
Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
The information technology environment plays an increasingly important role in international relations. In international cooperation, it is essential to create a legal structure to manage the information and communication technology environment and ensure the international information security. One of the current global challenges is cybercrime and incidents caused by illegal activities on the Internet. However, in most cases, existing opportunities for legal assistance and international cooperation in the fight against cybercrime are inadequate. Therefore, it is necessary to have a common vision or compromise on the legal basis of the information and communication technology environment, and harmonize laws to regulate activities in the information technology and communication environment in general, on the Internet in particular. This study is to deliberate the necessity to establish an international judicial institution to adjudicate cybercrime and some rising issues.
Keywords: international judicial institutions, cyber security, information and communication technology, cyberspace, cybercrime.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]