TÓM TẮT:
Bài viết đề cập đến những khía cạnh điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay như: các hình thức tổ chức và điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân; quan hệ pháp luật cung ứng dịch y tế tư nhân và các trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Qua đó, đánh giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: pháp luật, điều chỉnh pháp luật, y tế tư nhân, điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân.
1. Khái niệm điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân
Y tế là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức tư nhân có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước. Y tế tư nhân được hiểu là lĩnh vực y tế do tư nhân đảm nhiệm.
Pháp luật về y tế tư nhân là hệ thống các quy tắc xử sự chung trong lĩnh vực y tế tư nhân do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm đảm bảo trật tự trong thành lập và hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.
Điều chỉnh pháp luật nói chung được hiểu là việc nhà nước dựa vào pháp luật, sử dụng những công cụ, phương tiện nhằm mục đích thiết lập một trật tự xã hội nhất định hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Cụ thể như sử dụng các quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật, những hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, những yếu tố tác động vào những mối quan hệ được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân là những khía cạnh, những vấn đề trong thành lập, tổ chức và cung ứng dịch vụ y tế tư nhân được pháp luật điều chỉnh và đảm bảo thực hiện trên thực tế.
2. Các nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
2.1. Các hình thức tổ chức và điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân
Các hình thức tổ chức của cơ sở y tế tư nhân
Trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009 và theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP về hình thức tổ chức cơ sở y tế được sử dụng chung cho cả tư nhân lẫn nhà nước gồm: bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa; phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; nhà hộ sinh; cơ sở dịch vụ y tế; cơ sở giám định y khoa và cơ sở giám định pháp y.
Các điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân
Thứ nhất, các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân:
- Đối với cá nhân: để được phép cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh, điều kiện trước hết phải có giấy chứng nhận hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể.
- Đối với các cơ sở y tế tư nhân như bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở giám định y khoa, nhà hộ sinh, phòng khám chẩn đoán hình ảnh, phòng xét nghiệm, để được phép cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép đầu tư, giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
Ngoài ra, còn phải đáp ứng các điều kiện như:
+ Phải đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
+ Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
+ Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất 36 tháng.
+ Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở y tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các quy định liên quan đến điều kiện của người hành nghề:
Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam: Phải có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; có văn bản xác nhận quá trình thực hành; có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám, chữa bệnh; người hành nghề không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y theo bản án, quyết định của tòa án..., mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau: Sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong khám chữa bệnh; có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
2.2. Quan hệ pháp luật cung ứng dịch y tế tư nhân
Chủ thể của quan hệ pháp luật y tế tư nhân
Thứ nhất, quy định về năng lực của chủ thể cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh: Đối với cá nhân phải có năng lực pháp luật của cá nhân và năng lực hành vi đầy đủ của cá nhân được quy định tại Điều 22 và Điều 23, 24 Bộ luật Dân sự năm 2015; tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam còn phải đáp ứng điều kiện về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cơ sở khám chữa bệnh, số lượng, tiêu chuẩn của người hành nghề khám, chữa bệnh trong cơ sở đó.
Thứ hai, quy định về năng lực của chủ thể sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, gồm 2 nhóm:
(a) Là chủ thể dịch vụ khám, chữa bệnh, trực tiếp sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: Người bệnh khi có nhu cầu được khám, chữa bệnh hoặc chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế tư nhân. Đây là chủ thể thường xuyên, trực tiếp tham gia quan hệ khám, chữa bệnh.
(b) Là chủ thể dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không trực tiếp sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh: Các chủ thể trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh còn người thứ ba được hưởng lợi ích từ kết quả của hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nội dung của quan hệ pháp luật y tế tư nhân
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của chủ thể cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh là cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề như:
(i) Quyền và trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân: quyền được thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; được thu phí khi tiến hành khám, chữa bệnh; quyền yêu cầu người bệnh phải cung cấp các thông tin; quyền từ chối khám chữa bệnh nếu trong quá trình khám chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái phạm vi hoạt động chuyên môn;
(ii) Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám, chữa bệnh: hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh được giao kết giữa cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh; tuy nhiên, người hành nghề khám, chữa bệnh là người trực tiếp thực hiện các hành vi khám, chữa bệnh nhân danh cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, người hành nghề cũng có các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo luật định.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: quyền được khám chữa, bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế; quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám chữa bệnh; quyền được lựa chọn trong khám chữa bệnh; quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám, chữa bệnh; quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh.
2.3. Các trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân
Chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân khi phát sinh trách nhiệm bồi thường do “người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật” được quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009, gồm: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh. Điều 76 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009 quy định: “Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh hoặc trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều 73 của Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám, chữa bệnh; nếu cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường”. Trường hợp người hành nghề tuân thủ đầy đủ quy chế chuyên môn mà vẫn xảy ra tai biến thì không phải bồi thường.
3. Những hạn chế và một số giải pháp hoàn thiện nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
3.1. Những hạn chế trong nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, các hạn chế trong quy định của pháp luật về y tế tư nhân nói chung như: hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển y tế tư nhân; trong hệ thống pháp luật, vấn đề tập hợp hóa pháp luật về y tế tư nhân chưa tốt; các quy định pháp luật về y tế tư nhân mang tính quy phạm, mô phạm cao mà thiếu tính chi tiết; tên gọi của y tế tư nhân hiện nay trong văn bản pháp lý không được chính thức. Một số văn bản sử dụng tên gọi “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập” hay “y tế ngoài công lập”. Cách gọi này có phần thể hiện sự phân biệt đối xử trong - ngoài và người lập pháp đứng ở góc nhìn bên trong - công lập để nhìn ra bên ngoài - ngoài công lập.
Thứ hai, các hạn chế trong quy định của pháp luật về hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân, như: Đối với hình thức tổ chức, vì không có sự phân định giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong hai văn bản pháp lý khác nhau, nên pháp luật hiện hành không có sự phân định một cách chính thức các hình thức tổ chức của y tế tư nhân; phạm vi hoạt động của y tế tư nhân cũng chưa được pháp luật hiện hành xác định và khoanh vùng cụ thể;
Thứ ba, các hạn chế trong quy định của pháp luật về các điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân như: pháp luật hiện hành quy định giấy phép hành nghề của cá nhân và giấy phép hoạt động của cơ sở hành nghề y tế tư nhân đều là giấy phép không có thời hạn; việc quy định ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh bắt buộc là tiếng Việt hoàn toàn hợp lý, song lại không quy định về ngôn ngữ khám chữa bệnh là tiếng dân tộc thiểu số tại địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống là thiếu sót; chưa có quy định về các cơ chế đặc thù đối với một số cơ sở y tế tư nhân thực hiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân tại các địa bàn đặc thù; quy định về đánh giá năng lực hành nghề còn chưa rõ ràng;
Thứ tư, các hạn chế trong quy định của pháp luật về quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân như: pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về người đại diện người bệnh; vấn đề quan trọng nhất hiện này là xác định giá cung ứng dịch vụ y tế tư nhân vẫn chưa được làm rõ trong các quy định pháp lý. Dịch vụ y tế tư nhân là một loại hình dịch vụ được cung ứng bởi tư nhân nhưng lại không được tự do quyết định giá. Điều này đến từ vai trò, tính chất của dịch vụ y tế. Việc tự do quyết định giá cùng với tính chất “bất cân xứng thông tin” như đã phân tích sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiệt thòi về phía người bệnh; vấn đề quyền tiếp cận thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành;
Thứ năm, các hạn chế trong quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân như: chưa có chủ chể chuyên thực hiện công tác quản lý nhà nước về y tế tư nhân; chủ thể cấp giấy phép hành nghề được quy định trong luật hiện hành ngoài cơ quan chuyên quản về y tế là Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành còn có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Quy định này trao cho hai bộ không có chuyên môn ngành nghề về y tế có quyền cấp phép hành nghề là chưa đúng về nguyên tắc quản lý nhà nước; chủ thể tham gia đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh còn chưa được quy định khoa học; vấn đề về các phương pháp quản lý bằng kinh tế, tài chính chưa được cụ thể hóa trong luật; còn tồn tại nhiều vướng mắc trong thực hiện quản lý nhà nước bằng phương pháp cưỡng chế hành chính.
Thứ sáu, việc xác định trách nhiệm pháp lý của người hành nghề cung ứng dịch vụ y tế nói chung và y tế tư nhân nói riêng theo pháp luật hiện nay được ghi nhận tại Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, cụm từ: “vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề đối với bệnh nhân” không hoàn toàn đúng với y tế tư nhân. Cụ thể, hoạt động cung ứng và thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân là một hợp đồng cung ứng dịch vụ. Các hành vi không tuân thủ hợp đồng này của bên cung ứng phải được xác định là các hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề chứ không phải là vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc điều trị người bệnh.
3.2. Một số giải pháp hoàn thiện nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở những hạn chế đã phân tích ở trên, cần có những hoàn thiện nội dung điều chỉnh pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân:
- Xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân. Chiến lược y tế tư nhân được luật hóa và chính sách hóa sẽ giúp nhà nước, xã hội và các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân xác định được lộ trình và mục tiêu phát triển y tế tư nhân ở Việt Nam trong tương lai.
- Cần quy định chi tiết các hình thức tổ chức mà các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có thể tổ chức. Theo đó, cần ghi nhận rõ hình thức tổ chức của y tế tư nhân bao gồm những loại nào thay vì sử dụng chung danh mục các hình thức tổ chức với y tế công lập như hiện nay.
Đối với hình thức tổ chức đơn vị cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài cũng được ghi nhận theo cơ chế thông thoáng hơn, sòng phẳng hơn với việc thành lập cơ sở y tế tư nhân có vốn hoàn toàn trong nước.
- Thay vì không có quy định xác lập rõ phạm vi hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân ở Việt Nam, cần thiết phải ghi nhận điều này một cách cụ thể và riêng biệt trong luật. Đây là vấn đề rất quan trọng vì sẽ quyết định đến tính chất, quy mô và vai trò của y tế tư nhân trong đời sống xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về các điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân:
- Cần bổ sung thêm yêu cầu về ngôn ngữ của dân tộc thiểu số của nơi hành nghề có đồng bào dân tộc thiểu số đó sinh sống. Nghĩa là bên cạnh điều kiện có thể sử dụng ngôn ngữ khám chữa bệnh bắt buộc là tiếng Việt, cần bổ sung thêm điều kiện là sử dụng ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn đăng ký hành nghề.
- Giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh cũng cần có thời hạn thay vì không thời hạn như hiện nay.
- Bổ sung thêm các quy định trong điều kiện đặc thù cho các cơ sở y tế tư nhân như:
+ Điều kiện cụ thể về nhân lực và vật lực của các phòng khám đa khoa tư nhân được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
+ Xác định chi tiết phạm vi không gian lãnh thổ mà điều luật này có hiệu lực để tránh tranh cãi hoặc hiểu nhầm trong quá trình thực hiện.
+ Xác định rõ các tình huống có thể áp dụng giường lưu tại các phòng khám đa khoa tư nhân.
+ Cần quy định một số trường hợp như thiên tai, dịch bệnh, các tình huống bất khả kháng khác... khoảng thời gian tối đa sử dụng giường lưu tại các phòng khám đa khoa tư nhân có thể kéo dài trên 72 giờ.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về quan hệ pháp luật cung ứng dịch y tế tư nhân:
- Pháp luật cần chỉ rõ người đại diện được thay người bệnh quyết định những vấn đề gì khi người bệnh chưa thành niên, người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bệnh đang không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng bệnh. Đồng thời, cũng cần làm rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại diện khi đại diện người bệnh đưa ra những quyết định đó.
- Về khách thể trong quan hệ pháp luật về y tế tư nhân, điểm cần hoàn thiện chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế của chủ thể cung ứng. Đây là lợi ích chủ yếu của các cơ sở y tế tư nhân khi tham gia vào cung ứng dịch vụ y tế. Chính vì thế, pháp luật cần quy định chi tiết hơn vấn đề liên quan đến giá khám, chữa bệnh để đảm bảo lợi ích này là động lực hoạt động và phát triển của y tế tư nhân, song cũng không làm cản trở khả năng tiếp cận của người thụ hưởng.
- Cần ghi nhận cơ chế cụ thể thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền được tiếp cận thông tin. Bất cân xứng thông tin là một trong những thực tế của cung ứng dịch vụ y tế. Sự bất cân xứng này như đã phân tích sẽ đem đến nhiều bất lợi cho người bệnh, đặc biệt trong cung ứng và thụ hưởng y tế tư nhân. Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2013 đã ghi nhận về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người hành nghề, cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Đồng thời, cũng quy định quyền được tiếp cận thông tin của người bệnh như về tình trạng bệnh; cung cấp các tư vấn không cần thiết để thực hiện các dịch vụ y tế cho người bệnh...
4. Kết luận
Qua nghiên cứu thực tiễn có thể thấy, hệ thống y tế tư nhân đã có những phát triển nhất định trong thời gian vừa qua. Pháp luật về y tế tư nhân cũng đang dần hoàn thiện và pháp điển hóa theo yêu cầu của thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế liên quan đến quy định của pháp luật về y tế tư nhân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình như pháp luật còn chưa được tập hợp hóa; nhiều quy định về điều kiện hành nghề còn chưa rõ ràng; còn thiếu một số các chế định liên quan đến quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.
Trên cơ sở đó, có thể thấy việc xây dựng giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu ở rất nhiều khía cạnh, từ nhu cầu của quản trị nhà nước; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân; xu hướng hội nhập; vai trò của y tế tư nhân trong đời sống xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- R. Roemer (2018). Health Legislation as a Tool for Public Health and Health Policy in: Health Legislation at the Dawn of the XXIst Century, supra note 2.
- Trương Bảo Thanh (2015). Chính sách cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ y tế ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Kinh tế Chính trị. Đại học Quốc gia.
- Đinh Thị Thanh Thủy (2016). Nâng cao hiệu quả hoạt động đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 01, 45-49.
Some aspects of amending and supplementing the current Law on Private health in Vietnam
Ph.D student Dang Quang Manh
Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
This paper presents some aspects of amending and supplementing the current Law on Private health in Vietnam, such as: organizational forms, conditions for providing private medical services, legal relations of private healthcare services and legal responsibilities of private healthcare services. Based on the paper’s analysis, some solutions are proposed to strengthen regulations on private healthcare services in Vietnam.
Keywords: law, amending the law, private healthcare, amending the law on private health.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]