Tóm tắt:
Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập là một phương thức để xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công, mở rộng nguồn lực cung cấp dịch vụ công, nhằm mang đến cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, các quy định pháp luật điều chỉnh về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn thi hành các quy định về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ ra một số bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: cổ phần hóa, xã hội hóa, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty cổ phần.
1. Một số bất cập trong các quy định pháp luật về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất, bất cập về xác định đối tượng chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành Công ty cổ phần (CTCP).
Theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì: “Chỉ cổ phần hóa các ĐVSNCL có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học”. Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 cũng xác định mục tiêu đến năm 2021 là “Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các ĐVSN kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành CTCP (trừ các bệnh viện và trường học)”. Đến năm 2025, “100% ĐVSN kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành CTCP”. Đến năm 2030, thì “tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu”. Tổng hợp các văn bản này cho thấy, chủ trương của Đảng xác định 2 đối tượng nằm trong sự quan tâm đặc biệt khi chuyển đổi như sau:
Một là, đối tượng thuộc trường hợp loại trừ việc chuyển đổi theo thời hạn.
Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 xác định mục tiêu đến năm 2021 là “hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành CTCP (trừ các bệnh viện và trường học)”. Như vậy, Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 xác định 2 yếu tố “trừ các bệnh viện, trường học” không được thực hiện việc chuyển đổi thành CTCP ở giai đoạn 2021 trở về trước. Việc Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 xác định các bệnh viện, trường học là đối tượng loại trừ việc chuyển đổi mà không xác định rõ phạm vi khái niệm của 2 đối tượng này đã dẫn đến sự lúng túng của Chính phủ khi quyết định chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP.
Đơn cử như trường hợp tại Hải Dương, trong công văn số 2225/UBND-VP ngày 2/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc chuyển Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương thành CTCP thì ngay sau đó Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 9614/VPCP-ĐMDN ngày 11/9/2017 trả lời là “1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xác định hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe và các ngành nghề tương tự có thuộc diện không thực hiện cổ phần hóa trong khái niệm “bệnh viện, trường học” hay không theo chủ trương “Cổ phần hóa các ĐVSNCL có điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học” nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW…; 2. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét việc chuyển Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương thành CTCP sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo tại mục 1 nêu trên”. Điều này cho thấy việc tìm hiểu nội hàm của thuật ngữ “bệnh viện” và “trường học” là một vấn đề quan trọng có tác động đến quyết định phê duyệt chuyển đổi thành CTCP của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Điều 41 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: “Bệnh viện; Cơ sở giám định y khoa; Phòng khám đa khoa; Phòng khám chuyên khoa, bác sĩ gia đình; Phòng chẩn trị y học cổ truyền; Nhà hộ sinh; Cơ sở chẩn đoán; Cơ sở dịch vụ y tế; Trạm y tế cấp xã và tương đương; Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác”. Tại Điều 3 Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/09/2011 hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh quy định “Tổ chức và cá nhân thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải theo các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây: Bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền; Cơ sở giám định y khoa; Phòng khám bệnh, chữa bệnh bao gồm phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng khám bác sỹ gia đình, phòng chẩn trị y học cổ truyền và bệnh xá; Nhà hộ sinh; Cơ sở chẩn đoán bao gồm phòng chẩn đoán hình ảnh và phòng xét nghiệm; Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; Cơ sở dịch vụ kính thuốc; Cơ sở dịch vụ làm răng giả; Trạm y tế cấp xã; Y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức”.
Qua phân tích trên, có thể thấy, “bệnh viện” là một hình thức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khoản 7 Điều 02 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 điều chỉnh[1]. Trong cấu thành của hình thức bệnh viện có 2 dạng nữa bao gồm: (i) bệnh viện đa khoa; (ii) bệnh viện chuyên khoa; (iii) bệnh viện y học cổ truyền. Ở 3 dạng này đều có thể tồn tại dạng “bệnh viện” và dạng “bệnh viện tư nhân” hoạt động do Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động (Điều 45 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).
Như vậy, với cách hiểu theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 yêu cầu “việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành CTCP (trừ các bệnh viện và trường học)”, tức là trong số tất cả loại hình cơ sở khám chữa bệnh công lập theo quy định ở Điều 41 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và Điều 3 Nghị định số 87/2011/NĐ-CP thực hiện sứ mệnh cho sự nghiệp y tế sẽ được phép chuyển đổi sang CTCP, riêng chỉ có các loại hình (i) bệnh viện đa khoa; (ii) bệnh viện chuyên khoa; (iii) bệnh viện y học cổ truyền hoạt động theo hình thức công lập là không được thực hiện việc chuyển đổi sang CTCP nhưng vẫn thực hiện việc tự chủ tài chính hoặc tự chủ hoàn toàn theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, pháp luật hiện hành không khái niệm hóa thuật ngữ trường học mà chỉ điều chỉnh các loại hình của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo Điều 47 Luật Giáo dục năm 2019 thì nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: “Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động; Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động”. Hệ thống giáo dục quốc dân được chia thành 4 cấp cơ sở, đó là: Cơ sở giáo dục mầm non[2]; Cơ sở giáo dục phổ thông[3]; Cơ sở giáo dục đại học[4]; Cơ sở giáo dục thường xuyên[5].
Như vậy, có thể khẳng định, trường học ở Việt Nam có kết cấu là một hệ thống giáo dục quốc dân cấu thành từ 4 cấp độ riêng biệt, đồng thời ở mỗi cấp độ trong hệ thống đều chứa đựng 3 loại hình nhà trường.
Với cách hiểu theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 yêu cầu “việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành CTCP (trừ các bệnh viện và trường học)”, tức là trong số các loại hình nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Điều 47 Luật Giáo dục năm 2019 thì loại hình “Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu” là chịu sự hạn chế cổ phần hóa chuyển đổi sang loại hình CTCP, còn 2 loại hình còn lại không giới hạn việc chuyển đổi sang hình thức CTCP. Nói cách khác, trong hệ thống giáo dục quốc dân thì cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu là đối tượng không được thực hiện việc chuyển đổi sang CTCP, nhưng vẫn thực hiện việc tự chủ tài chính hoặc tự chủ hoàn toàn theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đối tượng bệnh viện và trường học bị loại trừ việc chuyển đổi thành CTCP? Theo quan điểm của ngành Y tế là không “mặn mà”, thậm chí nói không với việc cổ phần hóa bệnh viện. Bởi vì, ngành đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện, cơ chế, để các bệnh viện công lập giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, còn y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Một quan điểm khác cho rằng để các trường học và bệnh viện hoạt động có hiệu quả, vẫn cần cổ phần hóa. Tuy nhiên, cách làm này có liên quan đến việc đảm bảo tính công bằng của xã hội. Bởi lẽ, khi trường học và bệnh viện hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, người nghèo khó có đủ khả năng được cung ứng dịch vụ ở mức căn bản. Đây là điều đáng băn khoăn khi xây dựng chính sách, ở mức độ nào đó cũng đành phải đánh đổi giữa hiệu quả về mặt kinh doanh và công bằng xã hội. Vì thực tế hiện nay, tồn tại “vùng xám” về cơ chế thị trường của mô hình cổ phần hóa này để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội. Chẳng hạn, tồn tại song song cả hình thức khám bệnh theo bảo hiểm xã hội và khám bệnh theo dịch vụ, hoặc muốn phổ cập giáo dục các cấp thì chắc chắn phải có trường công lập. Câu chuyện này không bao giờ giải quyết triệt để được. Không thể theo thị trường hoàn toàn mà cũng không thể bao cấp hoàn toàn. Còn thị trường ở mức độ nào hay bao cấp ở mức độ nào lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.
Như vậy, việc chuyển đổi bệnh viện công lập và trường học công lập sang mô hình CTCP được nhiều quan điểm khoa học ủng hộ, là một xu hướng không chỉ riêng Việt Nam, mà còn là xu hướng của thế giới. Điều này cũng được Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 định hướng rõ ở giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 đó là, “100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành CTCP”, tức là 2 đối tượng bệnh viện và trường học đã được văn bản của Đảng cho phép thực hiện chuyển đổi thành CTCP và không còn nằm trong đối tượng chịu sự loại trừ ở giai đoạn 2021 - 2025 nữa.
Hai là, đối tượng nằm trong phạm vi không chuyển đổi.
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP quy định: “Các ĐVSNCL quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển thành CTCP khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP”. Theo đó, các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP hiện nay được Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 xác định là đến năm 2030 việc chuyển đổi ĐVSNCL “chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu”. Vấn đề đặt ra hiểu thế nào là ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước? Và hiểu thế nào là đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu? Vấn đề này hiện không có câu trả lời trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Thứ hai, bất cập về thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL để chuyển thành CTCP.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP quy định thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL để chuyển thành CTCP là ngày cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị ĐVSNCL. Trong khi đó, cũng tại một điều khoản khác trong cùng một văn bản quy phạm này, cụ thể là khoản 3 Điều 22 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP cũng quy định “Thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL chuyển thành CTCP là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định chuyển đổi ĐVSNCL và do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phù hợp với phương pháp tài sản”.
Với các quy định trên, có thể nhận thấy, về kỹ thuật lập pháp, trong cùng một văn bản quy phạm lại có tới hai khái niệm điều chỉnh cùng một nội dung về “thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL để chuyển thành CTCP”. Đây là một khuyết điểm về mặt lập pháp cần được điều chỉnh nhất quán. Ngoài ra, trong khái niệm ở khoản 4 Điều 3 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP lấy thời điểm “là ngày cơ quan có thẩm quyền… lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị ĐVSNCL” (có 01 điều kiện); còn khái niệm ở khoản 3 Điều 22 lấy thời điểm “là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định chuyển đổi ĐVSNCL và do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phù hợp với phương pháp tài sản” (có 02 điều kiện).
Như vậy, với sự khác biệt về điều kiện trong khái niệm về “thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL để chuyển thành CTCP” ở 2 điều luật nêu trên cho thấy sự thiếu nhất quán về tư duy lập pháp giữa điều khoản chung và điều khoản cụ thể.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất, với những phân tích nêu trên, có thể thấy các quy định hiện hành chưa cụ thể hóa nội hàm của 3 mục đích: phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ quản lý nhà nước; cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Đảng về không thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP, dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền lúng túng khi thực hiện. Danh mục các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ được xác định rõ, nhưng danh mục các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP thì lại không rõ, dẫn đến việc áp dụng thực hiện Điều 4 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 của Chính phủ hiện cũng quy định 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, tuy nhiên sự độc quyền đó cũng có thể được cổ phần hóa chứ không buộc là độc quyền nhà nước thì không được cổ phần hóa. Do đó, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ và hoàn chỉnh để các Bộ, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ĐVSNCL tổ chức thực hiện việc rà soát cụ thể xác định ĐVSNCL nào không thuộc 3 mục đích là phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ quản lý nhà nước; cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, để lập danh sách trước năm 2025 trình Thủ tướng phê duyệt không thực hiện việc chuyển ĐVSNCL đổi thành CTCP. Việc này nhằm cung cấp các quy định pháp lý làm cơ sở để thực hiện mục tiêu cổ phần hóa ĐVSNCL ở giai đoạn năm 2025 đến năm 2030.
Bên cạnh đó, hiện nay, ở 3 mục đích hạn chế về việc chuyển ĐVSNCL đổi thành CTCP nêu trên chỉ được đề cập trong văn bản của Đảng mà chưa quy định vào Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, nên tính quy phạm cho việc áp dụng pháp luật chưa cao. Chính vì thế, Nhà nước nghiên cứu để bổ sung thêm 1 khoản vào Điều 2 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP để làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật với nội dung là: “ĐVSNCL không thực hiện chuyển thành CTCP được quy định tại Điều 4 Nghị định này bao gồm: ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị; ĐVSNCL phục vụ quản lý nhà nước; ĐVSNCL cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các ngành, các lĩnh vực không thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP theo từng thời kỳ.”
Thứ hai, Chính phủ cần bãi bỏ khoản 3 Điều 22 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi nội dung tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP. Theo đó, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP có thể sửa thành “Thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL để chuyển thành CTCP là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định chuyển đổi ĐVSNCL và do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị ĐVSNCL”.
Việc sửa đổi này theo hướng thống nhất 2 điều kiện: (i) ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định chuyển đổi ĐVSNCL; và (ii) do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phù hợp với phương pháp tài sản, nhằm phù hợp với thực tế thay vì chỉ quy định 1 điều kiện./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
- Theo khoản 7 Điều 02 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Điều 26 Luật Giáo dục năm 2019 quy định cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: “1. Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi; 2. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi; 3. Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi”.
- Điều 33 Luật Giáo dục năm 2019 quy định cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: “1. Trường tiểu học; 2. Trường trung học cơ sở; 3. Trường trung học phổ thông; 4. Trường phổ thông có nhiều cấp học”.
- Điều 7 Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.
- Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019 quy định cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: “a) Trung tâm giáo dục thường xuyên; b) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; c) Trung tâm học tập cộng đồng; d) Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2009). Luật Khám chữa bệnh năm 2009.
- Quốc hội (2018). Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018.
- Quốc hội (2019). Luật Giáo dục năm 2019.
- Chính phủ (2011). Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật khám bệnh, chữa bệnh.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2016). Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bùi Công Quang (2016), Bàn về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 7.
- Nguyễn Thị Kim Oanh, Lê Thị Liên (2020), Những vấn đề cần xem xét khi cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán, số 10.
IMPROVING REGULATIONS ON THE EQUITIZATION OF PUBLIC NON-BUSINESS
Luong Thi Ngoc Quy
Tra Vinh University
Abstract:
The equitization of public non-business units is a method to socialize the provision of public services and expand the resources for providing public services in order to improve the quality of public services. However, current regulations on the equitization of public non-business units still have many shortcomings. This paper analyzes a number of theoretical and legal issues as well as practical implementation of regulations on the equitization of public non-business units. The paper points out some shortcomings about these regulations and make some recommendations to improve regulations on the equitization of public non-business.
Keywords: equitization, socialization, public non-business units, joint stock companies.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]