Áp dụng án lệ trong chương trình đào tạo cán bộ tư pháp ở Việt Nam

ThS. Trần Ngọc Thúy (Trường Đại học Luật - Đại học Huế)

TÓM TẮT:

      Án lệ có vai trò quan trọng, lâu đời trong pháp luật và ngày nay nó đang có xu hướng được áp dụng rộng rãi ở các các nước thuộc hệ thống dân luật. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu các vấn đề về lý luận và thực tiễn, cũng như hoạt động đào tạo đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư để áp dụng án lệ ở Việt Nam. Bài viết đề xuất những giải pháp phù hợp để tăng cường sử dụng án lệ trong hoạt động tư pháp và đào tạo nghề luật.

Từ khóa: Áp dụng án lệ, đào tạo cán bộ tư pháp, nghề luật, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

  • Án lệ thứ nhất, vụ McLoughlin kiện O’Brian

      O’ Brian là tài xế xe tải, do sơ ý đã đụng phải chiếc xe do ông McLoughlin lái chở 3 người con. Kết quả là, ông McLoughlin và hai người con bị thương nặng, người con thứ ba chết ngay. Bà McLoughlin đang ở nhà cách đó vài dặm, được một người đi mô-tô đến báo và chở bà đến bệnh viện. Bà McLoughlin đã kiện O’ Brian phải bồi thường thiệt hại tinh thần do bà bị sốc khi nghe tin dữ và sau đó càng sốc hơn khi thấy tình cảnh chồng và hai đứa con của mình bị thương nặng, đang đau đớn kêu la và một đứa con đã chết. Tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm đều bác bỏ đơn kiện của bà nhưng Ủy ban phúc thẩm Thượng nghị viện đã chấp thuận, buộc bị đơn phải bồi thường cho bà.

  • Án lệ thứ 2, vụ Attia kiện công ty cung cấp gas của Anh

      Attia gọi người của công ty đến lắp đặt hệ thống sưởi ấm, nhưng trong lúc làm việc, do sơ ý họ đã để ngọn lửa bén vào gác xép. Khi đội cứu hỏa đến, lửa đã lan khắp nhà và 4 tiếng đồng hồ sau, ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà và tài sản ở trong đó. Bà Attia đệ đơn lên toà với hai khoản kiện: đòi bồi thường thiệt hại ngôi nhà cũng như tài sản và đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần do bị sốc khi phải chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi hoàn toàn. Công ty cung cấp ga đồng ý bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng từ chối bồi thường cho cú sốc tinh thần. Tòa sơ thẩm cũng đồng ý với lập luận của bị đơn và bác bỏ khoản kiện thứ 2 của bà. Thế nhưng, bà Attia tiếp tục kiện lên Tòa phúc thẩm của Anh. Năm 1987, tòa này đã chấp nhận khoản kiện và buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho nguyên đơn là bà Attia.

      Tòa phúc thẩm của Anh khi xử vụ này đã dựa trên quyết định của vụ McLoughlin kiện O’ Brian do Ủy ban phúc thẩm Thượng nghị viện xét xử. Hai vụ án này, một bên là bị sốc do chứng kiến những người thân thiết trong gia đình mất đi và bị thương nặng; một bên bị sốc do ngôi nhà bị thiêu rụi. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm lại lấy vụ McLoughlin kiện O’ Brian làm cơ sở để xử vụ Attila là vì hai chữ “house” và “home”. Cả hai đều có nghĩa là nhà. Nhưng khi mô tả về sự việc ngôi nhà bị cháy, Tòa phúc thẩm dùng từ “house”, có thể dịch là ngôi nhà. Còn khi nói về mối liên hệ giữa bà Attia và ngôi nhà của bà, Tòa lại dùng từ “home”, có thể dịch là tổ ấm. Bởi vậy, khi chứng kiến tổ ấm bị thiêu rụi trong ngọn lửa, bà Attia cảm thấy mình như đang bị mất đi cái gì đấy thân thương, yêu quý nhất; như mất đi người thân, mà mình thì bất lực không có gì cứu được. Đấy là lý do vì sao Tòa phúc thẩm lại dựa vào quyết định của Ủy ban phúc thẩm Thượng nghị viện để xử lý vụ kiện này.

2. Vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật

      Từ hai vụ án trên có thể thấy rằng, các thẩm phán ở các nước thông luật đề cao vai trò của án lệ và thường phải tuân theo các bản án, quyết định được tuyên cho các vụ việc tương tự trước đó. Vậy án lệ là gì?

      Ở các nước thuộc hệ thống thông luật, án lệ được hiểu là “những quyết định (đã được tuyên bởi tòa án) có quyền uy bởi vì được quyết định và giải quyết bởi thẩm phán, và có vị trí trong sự nhận thức thực tiễn pháp luật[1]”. Khái niệm án lệ gắn liền với nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ (stare dicisis), có nghĩa là tòa án cấp dưới phải tuân theo án lệ của tòa án cấp trên. Ngược lại, ở các nước thuộc hệ thống dân luật, các tòa án cấp dưới không chính thức bị ràng buộc bởi các quyết định trong xét xử của các tòa án cấp trên[2].

      Hiện nay, án lệ có hai loại là các án lệ bắt buộc (binding precedent) và các án lệ tham khảo (persuasive president). Án lệ bắt buộc là án lệ mà tòa án xem xét vụ việc bắt buộc phải tuân theo. Còn án lệ tham khảo là các án lệ không bắt buộc tòa án đang xem xét vụ việc phải tuân theo, nó có sức thuyết phục và chỉ dùng để tham khảo. Dù là án lệ bắt buộc hay tham khảo thì khi đưa vào áp dụng trong từng vụ việc cụ thể phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản như:

      Thứ nhất, án lệ phải tồn tại từ lâu và phù hợp với nội dung vụ việc đang xem xét. Án lệ càng tồn tại lâu càng chứng tỏ giá trị của mình. Đó là những án lệ có khả năng thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện, hoàn cảnh thực tế và án lệ phải phù hợp với nội dung vụ việc đang xem xét thì mới đạt được hiệu quả trong việc xét xử. Ví dụ, án lệ “Donoghue v Steveson” (1932) đến nay vẫn có giá trị và được áp dụng trong xét xử.

      Thứ hai, tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của tòa án cấp trên. Nguyên tắc này đặt ra nhằm đảm bảo sự thống nhất của các cấp tòa án và thể hiện được sự tôn trọng đối với phán quyết của tòa án cấp trên. Tại Hoa Kỳ, các tòa án cấp dưới của liên bang và các tòa án bang có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của Tòa án Tối cao liên bang. Các phán quyết của tòa án phúc thẩm khu vực của liên bang mang tính bắt buộc, phải tuân theo đối với các tòa án cấp dưới nằm trong lãnh thổ khu vực đó. Tương tự, các phán quyết của tòa án cấp trên chỉ có giá trị ràng buộc đối với các tòa án cấp dưới trong cùng một bang.

      Thứ ba, khi vấn đề cần giải quyết đã có luật thành văn thì luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp các quy định của luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích luật thành văn. Đây được xem như là một biện pháp để hạn chế sự tùy tiện và lạm quyền của thẩm phán trong quá trình xét xử. Các thẩm phán không chỉ tìm hiểu án lệ khi xét xử mà còn phải biết tình huống đó đã có quy phạm pháp luật thành văn nào điều chỉnh hay chưa.

      Thứ tư, tòa án không áp dụng án lệ duy nhất trong trường hợp chỉ ra được tình tiết khác biệt cơ bản giữa án lệ và vụ án đang xét xử. Nguyên tắc này phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của thẩm phán, bởi vì khái niệm tình tiết khác biệt cơ bản thì không một quy phạm nào có thể định nghĩa chính xác được. Để coi một tình tiết khác nhau là cơ bản hay không còn phụ thuộc vào khả năng lập luận và thuyết phục của các luật sư tại phiên tòa.

      Thứ năm, việc áp dụng án lệ phải đảm bảo được tính chắc chắn và sự ổn định của một hệ thống pháp luật. Qua quá trình xét xử số lượng án lệ ngày càng tăng lên, do đó sẽ có rất nhiều án lệ mà các thẩm phán có thể không biết hết được. Điều này dẫn đến những sự thiếu chính xác thậm chí mâu thuẫn trong xét xử. Nếu hiện tượng này diễn ra nhiều lần sẽ làm cho hệ thống pháp luật mất đi tính ổn định và chắc chắn. Vì vậy, khi áp dụng án lệ đòi hỏi các thẩm phán phải thận trọng và suy xét kỹ lưỡng.

      Ngoài ra, pháp luật mỗi quốc gia có những quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp lý để tạo ra án lệ riêng. Các bản án, quyết định được thừa nhận là án lệ sẽ được viện dẫn làm căn cứ pháp lý để giải quyết những vụ việc có tình tiết tương tự. Án lệ được hình thành từ hoạt động thực tiễn của các chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể trên cơ sở khách quan, công bằng nên dễ dàng được xã hội chấp nhận. Với đặc tính linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tế nên ở nhiều quốc gia, án lệ được coi là một loại nguồn chủ yếu. Vì vậy, đòi hỏi người áp dụng án lệ phải có trình độ hiểu biết sâu rộng. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình xét xử, các bản án đều được viết khá sơ sài, thẩm phán chỉ nhận định sự kiện thực tế, đưa điều luật áp dụng và đưa ra kết luận pháp lý. Còn vấn đề quan trọng là việc tòa án giải thích điều luật đã áp dụng cũng như lý do vì sao lại áp dụng án lệ đó vào vụ việc đang giải quyết thì dường như không được đề cập đến. Điều này gây khó khăn cho việc vận dụng bản án đó sau này.

Mặt khác, luật thành văn dù có được xây dựng cẩn thận đến đâu cũng không thể dự đoán hết được những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật rất tinh vi, nhiều tranh chấp xảy ra mà các nhà làm luật không thể nào dự đoán hết được. Trong trường hợp đó, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thành văn để kịp thời điều chỉnh các tình huống này. Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy phạm này phải trải qua một trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Điều này dẫn đến việc pháp luật phải chạy theo thực tiễn, còn các thẩm phán thì không thể nào xét xử khi chưa có luật thành văn và dẫn đến việc để lọt tội phạm. Ngoài ra, một số luật thành văn cũng không rõ ràng và khó hiểu nếu thiếu văn bản hướng dẫn. Cho nên, nếu trao cho thẩm phán quyền được ra phán quyết ngay cả khi chưa có luật điều chỉnh sẽ hạn chế được các tình huống trên. Như vậy, án lệ đã bổ sung và giúp luật thành văn gần gũi với thực tiễn.[3]

3. Thực tiễn áp dụng án lệ trong hoạt động đào tạo cán bộ tư pháp ở Việt Nam hiện nay

      Đối với quốc gia đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của hệ thống thông luật như Anh, Mỹ thì án lệ là một loại nguồn quan trọng bên cạnh pháp luật thành văn. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của luật thành văn do Nghị viện ban hành vẫn cao hơn án lệ do thẩm phán tạo ra. Đặc biệt, ở Mỹ, hiến pháp vẫn có giá trị pháp lý cao nhất, luật được ban hành để bổ sung hoặc thay thế cho án lệ. Và khi các loại nguồn này mâu thuẫn với nhau thì vẫn ưu tiên áp dụng hiến pháp và luật thành văn. Ở các nước theo hệ thống thông luật, sinh viên thường được giao nghiên cứu trước các án lệ của tòa phúc thẩm tương ứng với nội dung chương trình học. Khi đến lớp, sinh viên sẽ tham gia vào việc hỏi - đáp, thảo luận, tranh luận trên lớp về các án lệ đó với tốc độ cao giữa giảng viên và sinh viên[4].

      Đối với các nước thuộc hệ thống Dân luật, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực, vì vậy không thừa nhận vai trò lập pháp của cơ quan xét xử. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX đến nay, vai trò của án lệ đã dần được khẳng định bên cạnh luật thành văn. Tiến trình cải cách trong phương pháp đào tạo luật gắn liền với án lệ được thừa nhận khi vai trò của án lệ ngày càng được đề cao trong nguồn luật của hệ thống pháp luật Pháp và Đức. Đặc biệt, dưới sự tác động của pháp luật Liên minh châu Âu (EU), vai trò nguồn luật của án lệ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật đã được Tòa án Công lý liên minh châu Âu (the European Court of Justice) và Tòa án nhân quyền châu Âu (the European Court of Human Rights) thừa nhận[5]. Ngày nay, án lệ đang dần chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động đào tạo luật ở Pháp. Những nguyên tắc, quy phạm trong các bộ luật đã được giải thích bởi tòa án trong các vụ án cụ thể. Điều này giúp sinh viên tiếp cận được những vấn đề pháp lý một cách rõ ràng, thực tế hơn so với sự phân tích các nguyên tắc và quy phạm trong các bộ luật. Những chú thích về các quyết định của tòa án được đưa ra trong các tập bản án của các tòa án ở Pháp là nguồn tài liệu quan trọng cho sinh viên luật muốn tiếp cận các kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, việc yêu cầu sinh viên đọc các tài liệu, bản án và các tóm tắt, bình luận là cách có hiệu quả để tạo ra sự cân bằng giữa các kiến thức lý thuyết và thực tiễn pháp luật.

Ngày nay, cùng với việc hội nhập kinh tế, hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng có nhu cầu xích lại gần nhau. Vì vậy, “các trường luật của nước ta nên học hỏi thêm những kinh nghiệm về xây dựng giáo trình, tài liệu trong các trường luật của các nước phát triển,… để tăng cường hơn nữa chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam. Các giảng viên, giáo sư luật ở Việt Nam nên từ bỏ phương pháp truyền thống khi viết giáo trình theo sự phân tích văn bản quy phạm pháp luật thuần túy mà không có sự liên hệ, viện dẫn, phân tích các án lệ”[6]. Các môn học có hoạt động sử dụng án lệ là các môn học có nội dung giảng dạy trực tiếp hoặc liên quan đến các lĩnh vực tố tụng, như: tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, hôn nhân gia đình, lao động, hình sự, hành chính, luật quốc tế, luật thương mại quốc tế, tư pháp quốc tế, luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế,… Việc đưa các án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy sẽ góp phần tích cực trong việc đào tạo sinh viên luật theo hướng rèn luyện tư duy pháp lý, thông qua việc tìm hiểu phương pháp lập luận, hệ thống, liên hệ các vấn đề cũng như khả năng chuẩn bị tốt về nội dung cho việc thực hành tranh tụng, bảo vệ một vấn đề trước toà án, từ đó có thể áp dụng trong hoạt động nghề nghiệp.

Mặc khác, các cơ sở đào tạo khi lập chương trình, nội dung đào tạo cần tham khảo ý kiến của các cơ sở tuyển dụng, các cựu sinh viên đang công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội để tìm hiểu nhu cầu thực tế, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của thực tiễn công tác. Ở Việt Nam, chương trình đào tạo nghiệp vụ các chức danh tư pháp hiện đang được thực hiện tại Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án. Đại học kiểm sát chưa có môn học độc lập về án lệ nhưng một số chương trình đã có bài học riêng. Hơn hết, các trường đang ngày càng tăng cường việc sử dụng án lệ với tính chất là học liệu để nghiên cứu, thực hành tình huống tương ứng với các kỹ năng nghiệp vụ của thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên trong các lĩnh vực của hoạt động tố tụng, xét xử ở tòa án Việt Nam.[7]

Đối với các chương trình đào tạo cán bộ tư pháp, giảng viên thường cung cấp nguồn tài liệu để học viên tra cứu hoặc cung cấp cho học viên hồ sơ về án lệ, hướng dẫn để họ nắm được toàn bộ nội dung, sau đó thực hành thảo luận hoặc đóng vai trong các hoạt động giải quyết vụ việc. Sau đó, giảng viên sẽ khái quát kỹ năng xử lý của thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên trong mỗi vụ việc và tình huống tương tự. Tuy nhiên, hoạt động sử dụng án lệ trong các chương trình đào tạo cán bộ tư pháp ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đặt ra từ công tác phát triển án lệ mà Việt Nam đang triển khai, cũng như yêu cầu đặt ra từ chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước trong xu thế áp dụng án lệ trong hoạt động tư pháp và đào tạo nghề Luật.

      Vì vậy, để tăng cường nội dung, cách thức đào tạo về án lệ cho đội ngũ các chức danh tư pháp, trước hết cần xây dựng một môn học độc lập về kỹ năng của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư liên quan đến án lệ trong phần các môn học tự chọn thuộc các chương trình đào tạo theo tín chỉ, đồng thời phải có các tuyển tập án lệ tương ứng. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp cần cung cấp các tài liệu hướng dẫn, bình luận của các chuyên gia trong và ngoài nước để giảng viên, học viên có thể viện dẫn, phân tích các án lệ điển hình.

      Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc tăng cường sử dụng án lệ trong chương trình đào tạo các chức danh tư pháp. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học về án lệ cũng ngày càng phát triển, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hội thảo, bài viết, báo cáo của các nhà nghiên cứu về án lệ đã được công bố, bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống lý luận về án lệ. Những kinh nghiệm xây dựng, sử dụng án lệ của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng án lệ vào Việt Nam luôn được các chuyên gia nghiên cứu, thảo luận. Việc nghiên cứu án lệ của các quốc gia trên thế giới không chỉ giúp các chuyên gia lập pháp mà còn giúp cả người dạy, người học tiếp cận, thực hành phương pháp học tập của các nước tiên tiến là nghiên cứu tình huống thực tiễn hơn là áp dụng lý thuyết thuần túy.

      Hơn hết, các cơ sở đào tạo đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cần tăng cường hoạt động bình luận án lệ với sự tham gia của giảng viên, học viên, các thẩm phán có uy tín, kinh nghiệm và các chuyên gia pháp lý. Tiếp đó, bổ sung tuyển tập án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, các tài liệu nghiên cứu, tập huấn về sử dụng án lệ trong và ngoài nước vào hệ thống học liệu bắt buộc của các chương trình đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa giảng viên các cơ sở đào tạo và thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình nghiên cứu, sử dụng, công bố và phát triển án lệ ở Việt Nam.[8]

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Văn Nam (2012). Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam. Nxb. Công an nhân dân.

[2] Hans W Baade (2000). Stare Decisis In Civil - law Countries: The last Bastion, in “The Themes In Comparative Law In Honour Of Bernard Rudden”, Edited by Peter Birks and Arianna Pretto, Oxford University Press.

[3] Dương Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thúy (2009). Vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tạp chí Luật học số 5.

[4] Russell L.Weaver. http://digitalcommons.law.villanova.edu/

vlr/vol36/iss2/3[Accessed 10 April 2020].

[5] Nguyễn Bá Bình (2019), Án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay. Nxb. Tư pháp.

[6] TS. Nguyễn Văn Nam (2012). Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam. Nxb. Công an nhân dân.

[7,8] Nguyễn Bá Bình (2019). Án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay. Nxb. Tư pháp.

 

TÀILIỆU THAM KHẢO:

Nguyễn Văn Đại (2019). Áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự, từ thực tiễn của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/ap-dung-an-le-trong-xet-xu-cac-vu-an-dan-su-tu-thuc-tien-xet-xu-cua-toa-an-nhan-dan-tinh-dong-nai, xem ngày 10/4/2020.

 

USING CASE LAW IN TRAINING JUDICIAL OFFICIALS IN VIETNAM

Master. TRAN NGOC THUY

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Case law has an important and long-standing role in countries with a common law system. Case law tends to be widely applied in countries with a civil law system. It poses an urgent need for the study on theoretical and practical issues relating to case law as well as training of judges, prosecutors and lawyers to apply case law in Vietnam. This paper proposes suitable solutions to promote the use of case law in judicial activities and legal training activities.

Keywords: Using case law, training of judicial officials, legal profession, law.