Sáng 23/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM phối hợp với Hiệp hội bất động sản Việt Nam - VNREA và Tạp chí Thương Gia tổ chức.
Diễn đàn xoay quanh những vấn đề về tác động của bối cảnh, của chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào để tận dụng những lợi thế có sẵn để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp hiện đang trở thành phân khúc hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư năm 2019. Với sự thay đổi từ bối cảnh đến chính sách, các dự án bất động sản công nghiệp sẽ còn nhiều dư địa và thời cơ để phát triển.
Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp của nước ta hiện đã và đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cho phân khúc này. Trong tương lai, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Nam nhấn mạnh, trong xu thế thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.
“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, sự tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc bất động sản công nghiệp chịu tác động của định hướng xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, còn có sự tham gia tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nguồn nhân lực trẻ, dồi dào.
Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng lớn vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam, giúp tăng cường uy tín và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM khẳng định, “Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: “chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi…”
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ông Cung cũng cho rằng sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của nhiều khu công nghiệp vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, chính sách liên quan chưa đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển.
Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 đã đưa ra những thông tin, nhận định chung về tình hình phát triển của phân khúc này trong hiện tại đồng thời dự báo xu hướng và triển vọng phát triển trong tương lai.
Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhận diện những cơ hội và thách thức từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất kịp thời với Chính phủ và các ban ngành liên quan nhằm hỗ trợ quá trình hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp còn mắc phải... để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, 2 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề: “Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ - cơ hội đầu tư kinh doanh và phát triển”, “Làm thế nào để khơi dậy làn sóng đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp” cũng sẽ được diễn ra.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước dành sự quan tâm cho phân khúc bất động sản công nghiệp tìm hiểu thêm thông tin cần thiết cũng như giao lưu, trao đổi tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp.
Theo báo cáo của ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha, 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt 73,9%, tỷ lệ khu công nghiệp đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt 88%.