Chiều 23/7/2020, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và 9 trong số 13 doanh nghiệp có 58 container tiêu xuất khẩu đang bị kẹt tại Nepal để cập nhật tình hình mới nhất của vụ việc. Đồng thời tìm hiểu trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Doanh nghiệp mong muốn hãng tàu chia sẻ chi phí
Chia sẻ với Thứ trưởng, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các doanh nghiệp đã cung cấp thêm nhiều thông tin chi tiết và cập nhật tình hình đến hiện tại đối với các lô hàng đang mắc kẹt và kiến nghị Bộ Công Thương làm việc, đưa ra giải pháp để Chính phủ Nepal nhanh chóng cho tái xuất 58 container do chi phí lưu kho, lưu bãi lớn đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hiệp hội và các doanh nghiệp mong muốn, Bộ và cơ quan liên quan hỗ trợ trao đổi để 5 hãng tàu liên quan đến 58 container chia sẻ chi phí kho bãi với doanh nghiệp xuất khẩu.
Bởi, hiện nay, chi phí lưu container, lưu bãi 58 container tại cảng gần 3 tháng khoảng hơn 1 triệu USD (chiếm hơn 30% giá trị lô hàng).
Cụ thể, phí lưu container, lưu bãi tại cảng phi lãi suất và lãi suất quá hạn ngân hàng: 3 triệu USD x 4 tháng x 0.41% = 42.900 USD.
Chất lượng hàng bị xuống cấp, hư hỏng, hao hụt: khoảng 10% trị giá lô hàng tương đương với 300.000 USD. Phí dịch vụ hải quan, tàu lửa để kéo container hàng ra: khoảng 1.200USD/container, tương đương 69.600 USD…
Tuy nhiên, thiệt hại vẫn tiếp tục tăng thêm mỗi ngày khi hiện nay hãng tàu áp dụng biểu phí tính lưu container, lưu bãi là 120USD/ngày cho container 20 feet và 160 USD/ngày cho container 40 feet. Do vậy với 58 container này, mỗi ngày các doanh nghiệp phải trả chi phí lưu container, bãi khoảng 8.000USD.
“Các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, vụ việc đã gây thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu", đại diện Hiệp hội Hồ tiêu thông tin.
Nỗ lực hỗ trợ, đưa 58 container tái xuất
Ghi nhận tâm tư, phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp hồ tiêu, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương luôn mong muốn hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
“Ngay từ khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo rất sát sao để hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc như ngay lập tức gửi công thư cho Bộ trưởng Công Thương và Vật tư Nepal, liên tục chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) phối hợp với Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để tác động cơ quan chức năng Nepal qua các kênh như công hàm, điện đàm trực tuyến...”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Đồng thời chia sẻ, việc Việt Nam và Nepal không có cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi Bên, thời điểm xảy ra vụ việc trùng với thời điểm dịch Covid-19, đi lại hạn chế, khiến cho các nỗ lực giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp càng vất vả hơn.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng rất mừng vì các nỗ lực của Bộ, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal), cũng như các doanh nghiệp đã bước đầu có kết quả.
“Hiện nay, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các công hàng đang bị mắc kẹt được tái xuất về nước theo mong muốn của các doanh nghiệp.
Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các Chi cục Hải quan yêu cầu cho phép các công hàng hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu Nepal hoàn thiện chứng từ tái xuất theo quy định”, Thứ trưởng thông tin.
Để đánh giá toàn diện, có cơ sở tiếp tục làm việc với cơ quan đối tác phía Nepal nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã đề nghị phía Hiệp hội Hồ tiêu và các doanh nghiệp nhanh chóng thống kê giá trị thiệt hại cụ thể đến thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, cần tính toán sơ bộ các thiệt hại nếu việc lưu kho bãi tiếp tục bị kéo dài do phía Nepal gây ra, liên tục cập nhật các diễn biến mới nhất của vụ việc, gửi Bộ Công Thương để nắm thông tin và có phương án phản hồi, trao đổi đề xuất với phía Nepal.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế, cần tìm hiểu kỹ thông tin về nước sở tại, các thủ tục xuất nhập khẩu của nước đối tác cũng như tìm hiểu kỹ đối tác của mình.
Trong trường hợp doanh nghiệp cần hỗ trợ đối với các thông tin nói trên, Hiệp hội và doanh nghiệp có thể liên hệ với Bộ Công Thương hoặc liên hệ trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại thị trường đó.
Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng các điều kiện thanh toán thương mại quốc tế ít rủi ro như T/T hoặc việc mở L/Cat sight, 100%, không hủy ngang.
Hiệp hội cần phát huy vai trò kết nối các doanh nghiệp, định hướng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, tránh việc cạnh tranh phá giá, dẫn đến việc Chính phủ các nước áp dụng các biện pháp/quy định hạn chế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Trước đó, 13 doanh nghiệp đã có đơn kêu cứu lên Thủ tướng do 58 container mắc kẹt tại Nepal vì liên quan đến quy định cấm nhập khẩu hồ tiêu của nước này.
Cụ thể, ngày 6/4/2020, Chính phủ Nepal đột ngột ra lệnh cấm nhập khẩu 5 mặt hàng, trong đó có mặt hàng hồ tiêu. Theo thông báo từ các nhà nhập khẩu Nepal thì lệnh cấm trên chỉ cấm những lô hàng vận chuyển sau ngày 29/3/2020 còn những lô hàng đã xuất trước ngày 29/3/2020 thì Chính phủ Nepal vẫn cho phép nhập khẩu bình thường.
Tuy nhiên, sau khi các lô hàng hồ tiêu của Việt Nam (xuất trước ngày 29/3/2020) đến Nepal, nhà xuất khẩu Việt Nam yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán thì người mua thông báo rằng họ không có giấy phép nhập khẩu từ Chính phủ nên ngân hàng Nepal không chấp nhận thanh toán.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã liên hệ với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) để hỗ trợ, xin tái xuất 58 container hàng về Việt Nam.