Bộ Công Thương sẽ phối hợp tích cực để bình ổn giá thịt lợn
Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) về giá thịt lợn, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, thời gian qua, giá thịt lợn đã là vấn đề nóng, được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm vào cuộc. Từ cuối năm 2019 tới nay, lồng ghép với công tác bình ổn thị trường, Vụ Thị trường trong nước đã trình lãnh đạo Bộ ký nhiều văn bản gửi các địa phương về công tác bình ổn thị trường dịp Tết, cũng như trong giai đoạn chống dịch để bình ổn các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn.
Ngày 17/3, Vụ đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Trung ương về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn mặt hàng thịt lợn, theo đó yêu cầu, các địa phương chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực, tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất nông sản và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, có kế hoạch đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Ngoài ra, Vụ cũng đề nghị các Sở Công Thương theo dõi sát biến động giá cả mặt hàng thịt lợn, cũng như các sản phẩm khác và có báo cáo hàng ngày gửi Vụ.
“Thịt lợn là mặt hàng có chuỗi cung ứng rất đặc biệt, có sự tham gia của nhiều bộ ngành, nhiều loại hình doanh nghiệp và chính vì vậy, tại kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ ngành”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng kế hoạch tái đàn, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi, doanh nghiệp, hộ gia đình, từng lộ trình cụ thể, thời gian, theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu trong nước ngay từ đầu Quý III.
Bộ NN&PTNT cũng được giao chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá thịt lợn hơi, về việc cung ứng thịt lợn hơi. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, đảm bảo nhập đủ số lượng còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bổ sung nguồn cung thiếu hụt trên thị trường từ nay đến Quý III, không để thiếu nguồn cung thịt lợn trong mọi trường hợp, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, bản chất của vấn đề giá thịt lợn hiện nay là do cung cầu, khi nguồn cung thiếu rõ rệt.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21% về tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. Ba tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 lại tiếp tục thiếu 20% nữa.
Thậm chí, phản ánh của một số địa phương, ví dụ như Bắc Giang, cho thấy số lượng lợn giống và lợn thịt thiếu tới 50% hoặc trên mức này.
Thêm nữa, trên toàn quốc hiện vẫn còn 17-18 tỉnh thành chưa công bố hết dịch, người nông dân chưa yên tâm để tái đàn, càng khiến nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu.
“Kể cả một số hộ đang muốn tập trung tái đàn thì lại gặp 2 vấn đề. Thứ nhất là họ không có vốn để đầu tư tái đàn, thứ 2, kể cả có, thì con giống rất đắt, khoảng hơn 2,5 - 3 triệu đồng/con”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Tất nhiên, tái đàn là biện pháp được ưu tiên và sẽ là biện pháp mang tính bền vững, nhưng nếu vẫn thiếu cung thì sẽ cần nhập khẩu để bù đắp lại. Tuy nhiên, như Thủ tướng đã yêu cầu, cần phải có kế hoạch và tính toán cụ thể sẽ cần bao nhiêu, hiện trong nước có thể cung cấp bao nhiêu, còn lại cần nhập khẩu bao nhiêu. Khi nguồn cung trong nước tăng lên, phải giảm ngay nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân.
Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết vẫn phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong nhiều vấn đề. Đặc biệt với nguồn nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại các nước giới thiệu những đầu mối nhập khẩu đảm bảo chất lượng, giá cả phong phú, có sự chọn lựa để doanh nghiệp trong nước có thể nhập khẩu. Các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện các thủ tục với Bộ NN&PTNT với Tổng cục Hải quan để có thể nhập khẩu thịt lợn, tương đối gọn nhẹ.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo lượng quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép, kể cả việc có hiện tượng việc xuất khẩu lợn đi ra ở các nước không, và ngược lại liệu có mang thịt lợn sống, thịt có mầm mống dịch bệnh vào Việt Nam hay không? Đấy là nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối tổ chức chương trình khuyến mại và bình ổn giá về mặt hàng thịt lợn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng doanh nghiệp phân phối không thể mãi bán thịt với giá thấp hơn giá thị trường bởi họ phải lấy lợi nhuận từ các mặt hàng khác để bù vào phần lỗ, như Big C trong tháng 4 vừa qua đã phải bù hơn 17 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá thịt lợn tại Việt Nam. Do đó, câu chuyện cần giải quyết cuối cùng vẫn sẽ quay về vấn đề nguồn cung.
Công khai, minh bạch các vấn đề trong ngành điện lực
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi trẻ TP. HCM, đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương vừa qua đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Sở Công Thương về việc giảm giá điện, giảm tiền điện để giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19.
Về vấn đề lỗ treo trong ngành điện như phóng viên hỏi, Bộ Công Thương đảm bảo trong năm 2020 sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ các đơn vị Điện lực cũng như các hoạt động điện lực của EVN và các đơn vị liên quan thuộc ngành điện để đảm bảo giá điện luôn công khai, minh bạch.
“Trong Quý III-IV sắp tới, theo định kỳ và theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ có đợt đi kiểm tra giá điện và sau đó sẽ công bố rộng rãi thông tin, công khai minh bạch thông tin để dư luận hiểu rõ về tình hình của ngành điện”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Về tình hình cung ứng điện trong 2020, do diễn biến dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian vừa qua, tình hình phụ tải ngành điện có giảm so với kế hoạch mà Bộ Công Thương đã đặt ra từ đầu năm, đặc biệt tình hình cung ứng nguyên liệu cho sản xuất điện như than, khí cũng gặp nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc EVN thường xuyên cập nhật về nhu cầu phụ tải từ nay đến cuối năm, cũng như kế hoạch đảm bảo sẵn sàng cho các nhà máy điện với khả năng cao nhất, bám sát tình hình cung ứng nhiên liệu, triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó phòng chống hạn hán trong nước, đảm bảo các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Liên quan đến việc sửa biểu giá bán lẻ điện, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, từ tháng 6/2018 Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan để làm rõ bối cảnh, tình hình thực tế của biểu giá bán lẻ điện mà chủ yếu là biểu giá bán lẻ sinh hoạt.
Ngày 31/3/2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có công văn số 21/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt. Bộ đang tiếp tục phối hợp với EVN nghiên cứu, tính toán và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoàn chỉnh vào cuối năm nay. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chính thức, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư thực hiện điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu phối hợp với evn cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng bản hoàn chỉnh và sau khi Thủ tướng phê duyệt thì Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Liên quan đến việc thí điểm bán điện tái tạo trực tiếp cho khách trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm bán điện năng lượng tái tạo cho khách hàng. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, cơ chế thí điểm này sẽ được đưa vào triển khai.
Cụ thể hơn, các nhà máy điện đủ điều kiện sẽ được xét duyệt tham gia vào cơ chế thí điểm, bán điện tái tạo cho các khách hàng lớn thông qua lưới điện truyền tải. Giá bán điện do hai bên tự thỏa thuận trực tiếp.
Liên quan đến kiến nghị giảm một số loại thuế, phí của EVN hồi đầu tháng 4, Cục Điều tiết cho rằng EVN cũng như các đơn vị điện lực đều là doanh nghiệp và có nghĩa vụ nộp đầy đủ các loại thuế, phí cho Nhà nước. Do vậy, kiến nghị của EVN là xuất phát từ phía doanh nghiệp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét nếu thấy phù hợp.
Tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải Bắc Giang
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế đô thị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến để hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương vượt qua khó khăn.
Dịch bệnh bùng phát đã khiến các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương truyền thống như đưa đoàn xúc tiến ra nước ngoài hay mời đối tác về Việt Nam không thể thực hiện. Do vậy, Cục Xúc tiến thương mại đã mạnh dạn đề xuất và được lãnh đạo Bộ cho phép triển khai các hội nghị giao thương trực tuyến, qua mạng internet, như Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm phòng chống dịch Covid-19 Trung Quốc (Tứ Xuyên); Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa (chuyên đề nông sản, thực phẩm) Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) 2020; Hội thảo trực tuyến Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid 19;…
Đối với vấn đề phóng viên quan tâm, Cục Xúc tiến thương mại cho biết trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, Bộ Công Thương, đã quán triệt tinh thần và giao Cục Xúc tiến thương mại làm việc trực tiếp với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trong đó có quả vải.
Bộ Công Thương đã có đoàn làm việc với Sở Công Thương Bắc Giang, qua đó hai bên thống nhất sẽ tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung cầu nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiểu năm 2020, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới đây khi bắt đầu vào mùa vụ vải tại Bắc Giang.
Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến từ đầu cầu Bắc Giang kết nối với 62 tỉnh, thành trên cả nước và 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Đây cũng là hai tỉnh tiêu thụ chính sản lượng vải xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm.
Tại các đầu cầu Việt Nam sẽ có sự tham gia của Sở Công Thương tỉnh, thành và đại diện Sở Thương mại của 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng hai nước.
Không chỉ với quả vải, Bộ Công Thương cũng cho biết đã chủ động phối hợp hỗ trợ địa phương xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại nông sản, không chờ đến khi việc tiêu thụ gặp vấn đề mới tìm giải pháp xử lý.
Sau hội nghị trực tuyến giao thương cho quả vải, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn trong tháng 7 với mô hình tương tự như tỉnh Bắc Giang.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng dịch Covid-19 cũng là dịp để Cục Xúc tiến thương mại, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thực hiện đổi mới phương thức cho hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, Cục đã tổ chức hàng loạt hội nghị trực tuyến với không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ mà còn nhiều thị trường khác tại châu Âu, Mỹ Latin hay châu Á.
Tất nhiên, các hoạt động giao thương truyền thống không thể loại bỏ và thay thế, nhưng xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử là xu hướng bắt buộc và sẽ phải thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, theo Thứ trưởng.
Đối với nông sản mùa vụ như quả vải, chỉ 3 tuần - 1 tháng thì việc xúc tiến tiêu thụ là rất cần thiết, “nếu không làm nhanh chỉ có thể vứt đi”. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại đang có nhu cầu rất lớn với sản phẩm này của ta.
“Hàng trăm thương nhân Trung Quốc sẵn sàng sang đợi chờ các lô vải, chấp nhận thời gian cách ly tại Việt Nam để sau đó có thể mang vải về”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, cho thấy khả năng xuất khẩu vải là hoàn toàn khả thi.
Do đó, Thứ trưởng khẳng định câu chuyện này không chỉ của riêng đơn vị nào mà cần sự phối hợp của tất cả các Bộ, ngành trong nước để xúc tiến đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản,…
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng đang có sự sáng tạo trong nâng cao giá trị chế biến trong quả vải để làm ra các sản phẩm như vải khô, vải đóng hộp,… thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu vải tươi. Đây là hướng giải pháp hợp lý và quan trọng để khắc phục vấn đề mùa vụ của mặt hàng nông sản này.
Đảm bảo an ninh năng lượng, hài hòa lợi ích các bên liên quan đến xăng dầu
Đối với câu hỏi của phóng viên Petrotimes về kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hạn chế nhập khẩu xăng dầu để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kiến nghị của PVN chủ yếu liên quan đến hai nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Lọc hóa dầu Bình Sơn. Trong đó, Nghi Sơn là liên doanh có vốn nước ngoài chiếm 75%, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đại diện chỉ nắm 25% vốn và Bình Sơn có 100% vốn trong nước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu thô thế giới sụt giảm, PVN đã gặp nhiều khó khăn, khi giảm tới hơn 65% nguồn thu trong 3 tháng.
“Bộ Công Thương chia sẻ với khó khăn của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có PVN và các doanh nghiệp dầu khí”, Thứ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn không xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô để chế biến xăng dầu thành phẩm bán tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
Trong khi đó, có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu Nghị định 83 của Chính phủ, tức được phép xuất khẩu xăng dầu.
Ba tháng vừa qua, các doanh nghiệp này cũng đã gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu trong nước giảm tới 8 lần liên tiếp, ở lần thứ 9 giá xăng chỉ tăng lại ở mức vừa phải, giá dầu vẫn tiếp tục giảm lần thứ 9.
Do vậy, khi xem xét đề xuất của PVN, Bộ Công Thương đã bàn bạc, làm việc kĩ với các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, người tiêu dùng và cả các Hiệp hội ngành hàng có sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.
“Nếu hạn chế nhập khẩu thì 33 doanh nghiệp chỉ còn một số doanh nghiệp được nhập khẩu bán ở đây, có thể ảnh hưởng đến giá cả, quyền lợi của người tiêu dùng và toàn bộ doanh nghiệp dùng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Chưa kể, nếu cấm nhập khẩu hoàn toàn, khi các nước bị hạn chế xuất khẩu vào Việt Nam, liệu họ có dùng biện pháp tương tự với các mặt hàng của ta sang thị trường họ không? Do vậy, đây là vấn đề cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.