Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cho biết, theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết ngày 2/3/2020, tổng đàn heo cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với tổng đàn heo trước khi có dịch, khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) dự báo tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 64 - 67%, tương đương tăng 8,8% so với năm 2019. Tại vùng chăn nuôi heo trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt heo và sản phẩm thịt heo các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kì năm 2019.
Cơ cấu chủng loại thịt heo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada, Đức, Brazil, Ba Lan, Mỹ,...
Theo Bộ Công Thương ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là có dấu hiệu lan nhanh tại Hà Nội, Bộ đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt heo.
Đồng thời có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng trên cả nước để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu.
Việc các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lí nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt heo trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt heo nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Trước đó, liên quan đến việc bình ổn cung cầu trong nước, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách thành công, hiệu quả.
Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ NN&PTNT - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt heo, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên trao đổi, làm việc với các Sở Công Thương và lực lượng Quản lí thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép heo sống và các sản phẩm từ heo qua biên giới trên địa bàn.
Theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với heo sống và các sản phẩm từ thịt heo để phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước cũng như đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo và sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường.
Đồng thời, cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt heo.
Thị trường xuất nhập khẩu thịt heo thế giới sẽ tăng khoảng 10%
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người tiêu dùng sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, bình quân trên toàn thế giới giảm khoảng 37% so với năm 2019. Tổng đàn heo thế giới năm 2020 dự báo đạt 1,02 tỉ con, giảm 10% so với năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc là nước có đàn heo chiếm 45% tổng đàn heo trên thế giới, nhưng do dịch bệnh nên số lượng đàn heo nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 25% trong năm tới. Sản lượng thịt heo thế giới năm 2020 ước tính cũng sẽ giảm, trong đó các nước châu Á có sản lượng giảm mạnh nhất, sau Trung Quốc là Philippines (giảm 16%), Việt Nam (giảm 7%).
Tuy nhiên, mặc dù sản lượng thịt heo sản xuất giảm nhưng dự báo thị trường xuất nhập khẩu thịt heo sẽ tăng khoảng 10% đạt 10,4 triệu tấn, trong đó nhu cầu nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc sẽ tăng 35% và đồng thời cũng chiếm 35% tổng sản lượng thịt heo nhập khẩu toàn thế giới.