Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

ThS. NGÔ HOÀI NAM - ThS. ĐỖ THỊ KIM THU (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Chính phủ đã có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp không được hưởng lợi và thậm chí không tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Giai đoạn “bình thường mới” rất cần có sự định hướng và hỗ trợ từ Chính phủ nhằm đưa các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đồng thời chủ động tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Từ khóa: doanh nghiệp, ảnh hưởng dịch Covid-19, giai đoạn “bình thường mới”.

1. Đặt vấn đề

Kết quả khảo sát doanh nghiệp của VCCI (2020) cho thấy các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 đã được nhiều doanh nghiệp tiếp cận và hưởng được những lợi ích từ các chính sách. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Cụ thể có khoảng 28,1% doanh nghiệp được khảo sát chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Đối với các doanh nghiệp đã tiếp cận được chính sách thì tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận ở các nhóm chính sách cũng khác nhau. Khả năng tiếp cận nhóm chính sách về, thuế, phí, tiền thuê đất, tiền điện,… của các doanh nghiệp là cao nhất. Trong đó, doanh nghiệp đã tiếp cận với chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (GTGT) và tiền thuê đất đạt 40,5%, tiếp theo là các chính sách giảm chi phí kinh doanh như tiền điện, tiền nước,… đạt 25,2% và giảm các loại phí, lệ phí thì có khoảng 19,5% doanh nghiệp. Đối với nhóm các chính sách hỗ trợ tín dụng cũng có nhiều doanh nghiệp tiếp cận, cụ thể như chính sách gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất đã được 23,2% doanh nghiệp tiếp cận.

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tiếp cận với chính sách vay qua Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động gần như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được vì tỷ lệ trả lời trả lời khảo sát chỉ đạt 1,7%. Tiếp theo là nhóm các chính sách hỗ trợ khác như lùi thời điểm đóng phí công đoàn có khoảng 13,3% doanh nghiệp và chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất chiếm 9,6%. Nhìn chung, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ của các doanh nghiệp còn chưa cao. Do đó, bài viết đề cập đến những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và những hạn chế khi tiếp cận chính sách này trên góc độ doanh nghiệp.

2. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, theo điều 2 của Nghị quyết, người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021 được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng, từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Điều này đã góp phần giảm gánh nặng trong việc đóng bảo hiểm xã hội của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Phần hỗ trợ được quy định cụ thể tại điều 1 của Nghị quyết. Cụ thể như sau:

- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.

-  Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

- Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây: (i) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; (ii) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (ii) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau:

a) Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng;

b) Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19,... Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19. Về hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, có thể kể đến một số chính sách nổi bật:

- Trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí   

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Thực chất đây là Nghị định kéo dài đến hết năm 2021 đối với các quy định tại Nghị định sổ 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,…; các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Liên quan đến miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, trong năm 2021, nhiều chính sách mới được tiếp tục ban hành, cụ thể: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Đây là Nghị định hướng dẫn thực hiện một trong những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

- Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với thời hạn đến ngày 31/12/2021. Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Trong đó, sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 01/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP), ngày 21/7/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 7.500 tỷ đồng, lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận với các chính sách này của doanh nghiệp đang ở mức thấp, do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chính từ các thông tin tuyên truyền, thủ tục đăng ký,… Việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số biện pháp ban hành còn chậm. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi. Khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu,...).

Hơn nữa, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đối với Ngân hàng chính sách chỉ được lợi thế lãi suất ưu đãi còn các các thủ tục, thời hạn cho vay thì Ngân hàng Thương mại lại có lợi thế hơn. Do đó, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp chưa cao và trở thành vấn đề cần giải quyết đặc biệt trước bối cảnh “bình thường mới”.

3. Khuyến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bối cảnh hậu Covid-19

Một là, trong bối cảnh “bình thường mới”, các bộ, ban, ngành cần phải nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm thuế, tiền thuê đất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay và điều kiện vay đối với doanh nghiệp. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trả lương cho người lao động, và phòng dịch cho người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công làm động lực cho phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong công cuộc tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường trong nước; tăng cường chuỗi cung ứng nội địa; đặc biệt các doanh nghiệp cần nghiên cứu và ứng dụng thương mại điện tử.

Ba là, các đơn vị thực hiện chính sách cần rà soát quy trình triển khai thực hiện các gói hỗ trợ của chính phủ để cập nhất các vướng mắc, bất cập để điều chỉnh phù hợp. Mọi điều chỉnh phải đặt yêu cầu giảm thiểu các thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là các thủ tục chứng minh về tài chính.

Bốn là, thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với quy mô và ngành nghề của doanh nghiệp nhằm đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, tránh các hiện tượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ. Đồng thời liên tục đánh giá cả hiệu quả của chính sách hỗ trợ nhằm điều chỉnh nội dung, cách thức triển khai phù hợp và tối ưu nhất cho đối tượng thụ hưởng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2021), Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
  2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2021), Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
  3. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
  4. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
  5. Ngân hàng Nhà nước (2020), Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ KH chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
  6. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (2020), Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý VI và cả năm 2020.

Vietnam’s support policies for businesses affected by the COVID-19 pandemic

Master. Ngo Hoai Nam

Master. Do Thi Kim Thu

Faculty of Finance - Banking, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Support policies for businesses from the Government of Vietnam have greatly helped businesses overcome challenges of the COVID-19 pandemic. However, there are some businesses that have not yet received benefits, even have not yet accessed to these support policies. As Vietnam is entering the new normal, it is necessary for the government to have further guidance and supports to help businesses overcome difficulties, and find new and appropriate development directions. This paper presents Vietnam’s support policies for businesses affected by the COVID-19 pandemic.

Keywords: enterprises, impcts of the COVID-19 pandemic, the new normal.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]