Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Thượng tướng, PGS. TS. NGUYỄN VĂN THÀNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chưa thể đánh giá hết. Thực tế đó, đòi hỏi cần tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời tham khảo các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của các quốc gia phát triển trên thế giới là hết sức cần thiết. Qua đó, đề ra các giải pháp kịp thời và căn cơ nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung bàn về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Từ khóa: Đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ, ảnh hưởng Covid-19, kinh nghiệm thế giới, bài học.

1. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của một số quốc gia trên thế giới

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Mỹ

Mỹ là nước chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch Covid-19, cả về y tế lẫn kinh tế. Theo thông tin từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự kiến đại dịch này có thể gây thiệt hại 16.000 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong 10 năm tới. Khi điều chỉnh theo lạm phát, đại dịch được dự đoán gây thiệt hại 7.900 tỷ USD, tương đương 3% GDP thực tế đến năm 2030. Nhiều cửa hàng bách hóa mang tính biểu tượng cho đến các doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí ở Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã phải tính đến bước đường cùng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành hàng loạt các biện pháp hỗ trợ chưa từng có. Theo đó, ngày 27/3/2020, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật Viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (viết tắt là CARES) trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Mục đích của Đạo luật CARES là cam kết bảo vệ người dân và DN Mỹ khỏi các tác động kinh tế và sức khỏe cộng đồng của Covid-19. Đạo luật CARES cung cấp hỗ trợ kinh tế nhanh chóng và trực tiếp cho công nhân, gia đình và DN nhỏ của Mỹ nhằm duy trì việc làm cho các ngành công nghiệp Mỹ.

Ngoài ra, Đạo luật CARES còn phân bổ 500 tỷ USD cho Quỹ Bình ổn kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, tiểu bang và thành phố đủ điều kiện. CARES cũng đưa ra chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay trị giá 669 tỷ USD, được gọi là Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP). Hầu hết công ty có nhiều nhất 500 nhân viên đều đủ điều kiện nhận quỹ PPP và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh. CARES cũng cho Bộ trưởng Tài chính quyền hạn cho vay hoặc bảo lãnh khoản vay cho các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp đủ điều kiện.

Chính phủ Mỹ cũng mở rộng các khoản cho vay của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (EIDL) chi trả cho các tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các tổ chức tôn giáo. Theo đó, một hồ sơ EIDL có thể được vay 25.000 tới 2 triệu USD. Chương trình này có lãi suất thấp và có thời hạn lên tới 30 năm. Người nộp đơn EIDL có thể nhận được khoản thanh toán trước 10.000USD.

CARES còn cho phép người sử dụng lao động trì hoãn việc thanh toán thuế an sinh xã hội trong tối đa 2 năm. Việc thanh toán một phần thuế tương ứng với phần thuế an sinh xã hội của người sử dụng lao động cũng có thể được hoãn lại tới 2 năm. Đạo luật cũng cung cấp khoản tín dụng thuế giữ chân nhân viên được hoàn lại cho các chủ lao động có hoạt động bị đình chỉ, hoặc doanh thu của họ đã giảm đáng kể do Covid-19. Tín dụng thuế bằng 50% tiền lương đủ tiêu chuẩn được trả trong khoảng thời gian từ ngày 13/3 đến ngày 31/12/2020, và mức tín dụng tối đa 5.000USD/nhân viên.

CARES tăng khấu trừ thuế cho các khoản lỗ hoạt động ròng từ 80% lên 100%, cho năm 2018, 2019 và 2020; đình chỉ giới hạn 500.000 USD đối với các khoản lỗ hoạt động ròng được khấu trừ thuế cho đến năm 2021; cho phép các khoản lỗ hoạt động ròng từ năm 2018, 2019 và 2020 được mang về tối đa 5 năm, dẫn đến hoàn thuế hồi tố. CARES cũng tăng giới hạn cho hầu hết các khoản đóng góp từ thiện được khấu trừ thuế từ 10% đến 25% thu nhập cho các tập đoàn; tăng giới hạn khấu trừ thuế cho các khoản đóng góp từ thiện của hàng tồn kho thực phẩm từ 15% lên 25% thu nhập[1].

Không chỉ đối với các doanh nghiệp, chính quyền Mỹ còn hỗ trợ gói trợ cấp thất nghiệp liên bang là một phần trong gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3/2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ hỗ trợ 600 USD tiền trợ cấp thất nghiệp/tuần cho cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây được coi là "phao cứu sinh" đối với những lao động bị mất việc làm khi Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lan rộng.

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đức

Cũng như nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đức đứng trước cảnh báo về một làn sóng phá sản với quy mô không thể tưởng tượng được, buộc Chính phủ nước này phải ra tay cứu thị trường khỏi "giấc ngủ đông" trong Covid-19,... Từ cuối tháng 3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra một loạt giải pháp đồng bộ cho gói cứu trợ 165 tỷ EUR (tương đương 178 tỷ USD), hướng tới các đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình, người thuê nhà, người kinh doanh tự do,… với thủ tục hành chính xét và cấp đơn giản. Đây là bước đầu tiên trong tổng gói cứu trợ có thể lên tới 750 tỷ EUR (tương đương hơn 800 tỷ USD) mà quốc gia này dự kiến triển khai.

Cụ thể, Chính phủ Đức phân loại các giải pháp cứu trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và lớn, cá nhân tự doanh và cả người thuê nhà, theo đó:

- Đối với doanh nghiệp nhỏ: Chính phủ Đức hỗ trợ tài chính trực tiếp.

- Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, người kinh doanh tự do: Sẽ được nhận trực tiếp từ 9.000 - 15.000 EUR trong vòng 3 tháng. Chính phủ Đức dành cho nhóm đối tượng này một khoản cứu trợ lên tới 50 tỷ EUR. Các thủ tục hành chính được tiến hành một cách nhanh chóng và đơn giản hóa. Nhóm đối tượng này chỉ cần chứng minh rằng cuộc khủng hoảng corona đã khiến họ mất khả năng thanh toán.

- Đối với doanh nghiệp vừa và lớn: Chính phủ Đức thiết lập một Quỹ bình ổn kinh tế với quy mô hơn 100 tỷ EUR. Quỹ bình ổn này bao gồm một gói bảo lãnh chính phủ cho khoản vay ngân hàng lên tới 400 tỷ EUR. Ngoài ra, sẽ có các chương trình cho vay không giới hạn thông qua ngân hàng tái thiết Đức KfW. Các công ty lớn như Lufthansa nếu cần có thể được cứu bằng cách bán cổ phần cho chính phủ Đức. Chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp cho họ các gói bảo lãnh giá trị hàng tỷ EUR và tiếp quản các khoản nợ hiện tại.

Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, các doanh nghiệp này sẽ lại được tư nhân hóa. Các công ty tại Đức cũng được phép nộp chậm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng gói cứu trợ ước tính lên tới 156 tỷ EUR để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

- Đối với người thuê nhà: Được hỗ trợ để thanh toán tiền thuê nhà trong khoảng thời gian từ ngày 01/4 tới 30/09/20. Điều kiện bắt buộc là người thuê nhà bị cấm không được hủy hợp đồng thuê nhà và thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đầy đủ. Việc chứng minh việc mất khả năng thanh toán tiền nhà của người thuê nhà cũng được đơn giản hóa rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong thời buổi khó khăn vì Covid-19, "chìa khóa đối phó với thất nghiệp" của Đức cũng được khuyến khích. Theo đó, khi các doanh nghiệp không còn có công việc để giao cho nhân viên nữa, họ có thể chuyển sang chế độ Kurzarbeit - rút ngắn thời gian làm việc dành cho nhân viên. Đây được coi là phương thức chống lại việc thất nghiệp hàng loạt. Bộ Lao động Đức cũng chi trả 60% tiền lương đối với người lao động không có con và 67% đối với người lao động có con. Doanh nghiệp sẽ được hoàn trả các khoản tiền trợ cấp xã hội. Doanh nghiệp sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp này, nếu hơn 10% tổng số nhân viên bị buộc phải nghỉ việc.

Ngoài ra, để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, ngày 03/6/2020, Chính phủ Đức đã nhất trí thông qua gói kích cầu trị giá 130 tỷ euro (146 tỷ USD) để giúp các doanh nghiệp và người lao động của nền kinh tế đầu tàu châu Âu phục hồi nhanh chóng hơn trước những tác động của dịch bệnh. Gói kích cầu này được thực hiện trong 2 năm 2020-2021, trong đó chính phủ liên bang sẽ chi 120 tỷ euro. Một số biện pháp đáng chú ý trong gói này, gồm có: giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 19% xuống còn 16% trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2020; tổng giá trị của nhóm biện pháp liên quan tới giảm VAT là khoảng 20 tỷ euro. Ngoài ra, Chính phủ Đức sẽ tăng cường trợ cấp các hộ gia đình với khoản tiền 300 euro/trẻ em và tăng gấp đôi khoản hỗ trợ của Chính phủ đối với những người mua xe ô-tô điện. Gói kích cầu mới còn thiết lập quỹ trị giá 50 tỷ euro để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đổi mới và số hóa trong nền kinh tế Đức[2].

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Hàn Quốc

Ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc công bố sẽ hỗ trợ 250 tỷ won (211,3 triệu USD) cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19. Biện pháp này căn cứ theo phương án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và giới tiểu thương do Chính phủ Hàn Quốc công bố trong hội nghị đối sách thúc đẩy kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thiệt hại được hỗ trợ 25 tỷ won (21,1 triệu USD) từ Quỹ ổn định kinh doanh khẩn cấp của Cơ quan thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ (KOSMES), 105 tỷ won (88,7 triệu USD) từ Quỹ bảo lãnh công nghệ (KIBO).

Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong những ngành nghề gặp thiệt hại về kinh doanh do tiêu dùng giảm, như du lịch, biểu diễn; hoặc chịu thiệt hại do các đối tác chính chậm cung ứng; hoặc gặp trở ngại trong xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa với Trung Quốc.

KOSMES sẽ giảm lãi suất cho vay từ quỹ ổn định kinh doanh khẩn cấp, cho mỗi doanh nghiệp vay tối đa 1 tỷ won (846.000 USD) với kỳ hạn 5 năm. Quỹ bảo lãnh công nghệ sẽ hỗ trợ cho mỗi doanh nghiệp vay tối đa 300 triệu won (gần 254.000 USD).

Để nhanh chóng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, KOSMES sẽ cử nhân viên hỗ trợ khẩn cấp tới chi nhánh tại các địa phương, nhận đăng ký hỗ trợ trực tuyến từ các doanh nghiệp[3].

Tiếp đó, đầu tháng 3/2020, Chính phủ nước này cũng công bố gói ngân sách bổ sung trị giá hơn 9,8 tỷ USD, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế. Đây là gói ngân sách bổ sung ứng phó dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, lớn hơn gói ngân sách bổ sung ứng phó dịch Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế, Xã hội và Lao động của Hàn Quốc còn công bố Thỏa thuận của người lao động, giới chủ và Chính phủ cùng nỗ lực vượt qua dịch bệnh. Thỏa thuận bao gồm các phương án phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ Hàn Quốc, người lao động và giới chủ doanh nghiệp, nhằm chống đỡ tình trạng đình trệ kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, ba bên nhất trí sẽ thay đổi giờ làm việc để rút ngắn thời gian ở công xưởng và duy trì việc tuyển dụng người lao động trong thời điểm khó khăn. Để làm được điều này, chính phủ Hàn Quốc sẽ nâng khoản hỗ trợ duy trì tuyển dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời nới lỏng tiêu chuẩn xét trợ cấp.

Các chương trình hỗ trợ đối với các lĩnh vực cụ thể, như hàng không, vận tải biển, du lịch cũng được triển khai. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc lập chương trình hỗ trợ vốn khẩn cấp cho các hãng hàng không giá rẻ, đồng thời gia hạn thời hạn nộp phí sử dụng hạ tầng hàng không trong tối đa 3 tháng đối với những hãng hàng không giá rẻ phải tạm dừng hoặc giảm số đường bay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối với các doanh nghiệp vận tải biển, Chính phủ cũng lập mới khoản vốn hỗ trợ kinh doanh khẩn cấp và miễn giảm tối đa toàn bộ phí sử dụng hạ tầng cảng biển và tiền thuê bến tàu khách trong thời gian các hãng phải tạm dừng vận tải hành khách do dịch bệnh.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Chính phủ hỗ trợ vốn vay đặc biệt không cần bảo lãnh với lãi suất thấp 1% để giúp các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ giải tỏa khó khăn về vốn. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ vốn vay thông thường và kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 01 năm nếu có đề nghị từ doanh nghiệp. Các khách sạn, nhà nghỉ sẽ được miễn giảm thuế tài sản. Với các nhà hàng ăn uống, Chính phủ cũng mở rộng quy mô hỗ trợ vốn và giảm 0,5% lãi suất cho vay[4].

Nhờ những chính sách này, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung đã từng bước được duy trì và đứng vững trước những thách thức của Covid-19.

2. Giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Đại dịch Covid-19 hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chưa thể đánh giá hết. Thực tế đó, đòi hỏi cần tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời tham khảo các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của các quốc gia phát triển trên thế giới là hết sức cần thiết. Qua đó, đề ra các giải pháp kịp thời và căn cơ nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các bài học kinh nghiệm có thể rút ra gồm:

Thứ nhất, kịp thời triển khai các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định nền kinh tế.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, ngay từ đầu mùa dịch, Chính phủ các nước đã kịp thời có nhiều giải pháp nhằm “cứu các doanh nghiệp”. Bởi lẽ, các doanh nghiệp luôn được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế, mà còn đảm bảo việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Việt Nam, ngay từ khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều hoạt động nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Thực hiện Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, như: hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh; hỗ trợ DN thông qua nhóm chính sách tài khóa; hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh; hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, nhìn chung, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ này vẫn còn những vướng mắc nhất định do do điều kiện quy định quá chặt chẽ, thủ tục giải ngân còn tương đối phức tạp nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các gói hỗ trợ.

Do vậy, để chính sách hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực, trước mắt cần rà soát, đánh giá, bổ sung và điều chỉnh kịp thời những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cần hỗ trợ, ít nhất là hàng quý trong năm 2020 để đảm bảo trúng, đúng và không bỏ lại phía sau những đối tượng thực sự cần hỗ trợ.

Đối với các doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn. Đồng thời, hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng BHXH,... Nên ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này.

Thứ hai, tích cực hỗ trợ đối với người lao động để vừa gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Đây cũng là giải pháp mà nhiều quốc gia như Mỹ và Đức áp dụng nhằm hỗ trợ trực tiếp người lao động, giúp duy trì và ổn định cuộc sống trong giai đoạn phải giãn cách xã hội và tránh nguy cơ thất nghiệp hàng loạt. Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho nhiều đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…

Tính đến hết tháng 7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm 6 nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỉ đồng[5]. Kho bạc Nhà nước đã giải ngân hơn 11,2 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ  hơn 11 triệu người và 6.196 hộ kinh doanh. Cụ thể, Chương trình cũng hỗ trợ gần 169,5 nghìn người lao động (NLĐ) với kinh phí hơn 176 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng, lao động không có giao kết hợp đồng, lao động mất việc, lao động tự do cùng với các nhóm người yếu thế: Hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng. Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đang thực sự phát huy tác dụng[6].

Bên cạnh những tác động tích cực của chính sách hỗ trợ đối với người lao động, thực tế triển khai ở một số địa phương nhìn chung còn chậm. Việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết 42 và Quyết định 15 chưa được quan tâm đúng mức. Số người được hỗ trợ chưa nhiều. Số hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động được phê duyệt còn ít. Đặc biệt, hồ sơ đề nghị vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động[7]. Do vậy, để chính sách thực sự phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả kịp thời, cần tiếp tục triển khai theo hướng đơn giản hóa thủ tục để người lao động dễ dàng tiếp cận với nguồn hỗ trợ thiết thực này.

Cùng với đó, Chính phủ và các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch. Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp mang tính ngắn hạn trước mắt, để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, cần thiết phải có các chính sách mang tính đồng bộ, căn cơ hơn. Việc hỗ trợ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI được coi là giải pháp có tính chiến lược hơn.

Môi trường kinh doanh tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước. Chủ động, có cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái, nhất là từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu trong các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính - ngân sách nhà nước, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác. Phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh. Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu.

Đặc biệt, tích cực hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, thoái vốn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển kinh tế số, chính phủ số và đầu tư cho các nền tảng kinh doanh sáng tạo là những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia phát triển trên thế giới. Nhờ những giải pháp này, nền kinh tế của các quốc gia phát triển dễ dàng thích ứng và chuyển đổi nhanh chóng trong đại dịch. Do vậy, đây cũng là thời điểm để tăng cường thêm nhận thức và thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0. Đây là xu thế không thể đảo ngược trong thời đại số và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, trước mắt cần tập trung nguồn lực để phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, vùng và địa phương; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với mọi điều kiện thay đổi tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Dịch Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; đồng thời xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,... tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hóa dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics,… Chính điều này cũng đem lại cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường./.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Văn Cường (2020). Mỹ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. <https://saigondautu.com.vn/ho-so/my-tang-cuong-ho-tro-nen-kinh-te-82395.html>

[2] Hoàng Hà (2020). Đức tung thêm gói kích cầu kinh tế, Tây Ban Nha kéo dài tình trạng khẩn cấp. <https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/duc-tung-them-goi-kich-cau-kinh-te-tay-ban-nha-keo-dai-tinh-trang-khan-cap-460220/>

[3] Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19. <https://www.vcci.com.vn/han-quoc-ho-tro-cac-doanh-nghiep-bi-thiet-hai-do-dich-covid-19>

[4] Bảo Châu (2020). <https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/han-quoc-ho-tro-cac-doanh-nghiep-vuot-kho-452989/>

[5] Đức Bình (2020). Đề xuất gói hỗ trợ lần 2: 18.600 tỉ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19 <https://tuoitre.vn/de-xuat-goi-ho-tro-lan-2-18-600-ti-cho-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-bi-anh-huong-vi-covid-19-20200821165007435.htm>

[6] Thanh Hải - Lan Anh (2020).  Gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng: Đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng hỗ trợ hơn 11 triệu người. <https://phapluatxahoi.vn/goi-ho-tro-an-sinh-62-nghin-ty-dong-da-giai-ngan-hon-11000-ty-dong-ho-tro-hon-11-trieu-nguoi-200128.html>

[7] Xuân Anh (2020). Hoàn thành hỗ trợ đối tượng của gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. <https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/hoan-thanh-ho-tro-doi-tuong-cua-goi-an-sinh-xa-hoi-62-nghin-ty-dong-trong-thang-6-475553/>

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
  2. Ngân hàng Thế giới (2020), Báo cáo cập nhật chính sách về Covid-19, http://documents1.worldbank.org, tháng 3/2020.
  3. Minh Huệ (2020). Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Nhiều quốc gia sử dụng biện pháp gia hạn nộp thuế, <http://tapchithue.com.vn/dien-dan-nghiep-vu/159-dien-dan-nghiep-vu/18244-ho-tro-dn-co-vid.html>, ngày 25/5/2020.
  4. Phạm Thu Lan (2020), Đại dịch Covid-19: Việc làm của người lao động và tương lai phát triển của Việt Nam, http://www.congdoan.vn, ngày 16/05/2020.
  5. Ngọc Ánh (2020), Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp, http://tapchitaichinh.vn, ngày 20/8/2020.
  6. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (2020), Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành kinh tế nào của Việt Nam?, https://cafebiz.vn, ngày 12/4/2020.
  7. Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, http://thitruongtaichinhtiente.vn, ngày 14/04/2020.
  8. Võ Huy Hùng (2020). Doanh nghiệp Việt Nam "hậu Covid": Thách thức song hành cùng cơ hội, https://dangkykinhdoanh.gov.vn, ngày 15/05/2020.
  9. Nguyễn Viết Lợi (2020), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, http://tapchitaichinh.vn, ngày 20/8/2020.
  10. Việt An (2020), Fed: Kinh tế Mỹ cần thêm các biện pháp hỗ trợ mới để xoa dịu tác động tiêu cực từ Covid-19, https://baoquocte.vn, ngày 20/08/2020.

 

SUPPORT POLICIES FOR BUSINESSES UNDER THE COVID-19

PANDEMIC OF SOME COUNTRIES IN THE WORLD

AND LESSONS FOR VIETNAM

Senior Lieutenant General, Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN VAN THANH

Member of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam,

Ministry of Public Security

ABSTRACT:

In the context of the on-going Covid-19 pandemic, the impacts of the outbreak on all socio-economic aspects have yet to be fully assessed. It is necessary for Vietnam to focus on the pademic control and prevention. Vietnam should consult support policies for businesses in particular and for the economy in general of developed countries in the world in order to work toward solutions to keep supporting domestic enterprises. These support polices could help businesses to overcome difficulties and challenges brought by the Covid-19 pandemic while taking advantages to soon recover, promote production and improve competitiveness, contributing to the national socio-economic development. This paper is to focus on support policies for businesses under the Covid-19 pandemic of some countries in the world and lessons for Vietnam.

Keywords: Covid-19 pandemic, support policies, impacts of the Covid-19 pandemic, international experience, lessons.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]