TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng sử dụng các tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay. Trong quá trình phát triển, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xác định giá trị doanh nghiệp hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp chưa được định giá đúng, tài sản Nhà nước bị thất thoát nhiều, quá trình cổ phần hóa tiến hành chậm, nên hiệu quả của cổ phần hóa chưa cao. Nhận thức được tính chất quan trọng của vấn đề, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.
Từ khóa: giá trị doanh nghiệp, lâm nghiệp, giá trị đất, giá trị rừng, cổ phần hóa công ty lâm nghiệp Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Chúng ta biết rằng, tất cả các quyết định sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đều liên quan đến việc sử dụng các tiêu chí để xác định giá trị doanh nghiệp. Với các thông tin về tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể biết được giá trị thị trường của các tài sản cao hơn hay thấp hơn so với giá trị thực của nó, để từ đó có các quyết định mua hay bán một cách đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và các loại tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp vẫn còn những bất cập, nhất là liên quan đến tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất hay tiêu chí lợi thế vị trí địa lý, tiêu chí giá trị thương hiệu, những quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị, các quy định về xác định giá trị thị trường của tài sản. Với những bất cập, hạn chế đó, thời gian qua các doanh nghiệp đã tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp đã không chính xác, không đầy đủ, gây thất thoát lớn về tài sản, đặc biệt là trong quá trình cổ phần hóa và chuyển nhượng hay giải thể doanh nghiệp. Nhận thức được tính chất quan trọng của vấn đề, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.
2. Thực trạng xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp hiện nay
Hiện nay, các công ty lâm nghiệp đang sử dụng các tiêu chí để xác định giá trị doanh nghiệp theo các quy định của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu đều xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, vì phương pháp này đơn giản dễ tính toán, số liệu được sử dụng phần lớn từ các báo cáo kế toán và đối với doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua cũng sử dụng phương pháp tài sản để xác định giá trị của mình. Giá trị doanh nghiệp xác định theo phương pháp tài sản bao gồm các tiêu chí sau đây:
- Đối với các công ty lâm nghiệp chưa cổ phần hóa thì giá trị doanh nghiệp được xác định gồm những tiêu chí sau:
Tổng giá trị doanh nghiệp = giá trị TSCĐ và ĐTDH + giá trị TSLĐ và ĐTNH
- Đối với các công ty tiến hành cổ phần hóa thì giá trị doanh nghiệp được xác định bao gồm các tiêu chí sau:
Tổng giá trị doanh nghiệp = giá trị TSCĐ và ĐTDH + giá trị TSLĐ và ĐTNH + giá trị lợi thế kinh doanh + giá trị quyền sử dụng đất
Tiêu chí Tài sản cố định (TSCĐ) và đầu tư dài hạn (ĐTDH) gồm các tiêu chí: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, tài sản dở dang dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác thì được tính toán theo quy định của BTC hiện hành.
Tiêu chí Tài sản lưu động (TSLĐ) và đầu tư ngắn hạn (ĐTNH) gồm các tiêu chí: Tiền và các khoản tương đương tiền, Các khoản đầu tư ngắn hạn, Các khoản phải thu ngắn hạn, Hàng tồn kho và Tài sản ngắn hạn khác cũng được tính toán xác định theo quy định của Bộ Tài chính hiện hành.
Tiêu chí Giá trị lợi thế kinh doanh là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Tiêu chí Giá trị quyền sử dụng đất là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành theo quy định tại Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Trường hợp khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà giá đất thực tế nhận chuyển nhượng, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất làgiá đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thực tế hoặc giá đất trúng đấu giá.
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy: riêng đối với các công ty lâm nghiệp có đặc thù là lấy rừng và đất rừng làm những tư liệu sản xuất chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tại các công ty. Vì vậy, đất rừng và rừng là loại tài sản đặc biệt, cũng phải được tính toán riêng và đưa vào xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Tiêu chí xác định giá trị quyền sử dụng đất là khâu hết sức phức tạp đối với các công ty lâm nghiệp, bởi vì nhiều nguyên nhân như diện tích đất lớn, gồm nhiều loại đất khác nhau, có sự xen kẽ giữa đất rừng trồng, rừng phòng hộ, có sự sinh sống xen kẽ của người dân trong khu vực đất đai công ty quản lý. Việc lựa chọn loại đất nào được định giá và đưa vào giá trị của doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng, vì nếu đưa tất cả giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp thì giá trị đất sẽ rất lớn, điều này phản ánh không đúng giá trị doanh nghiệp.
Có sự khác nhau trong cách xác định giá trị doanh nghiệp giữa doanh nghiệp lâm nghiệp chưa tiến hành cổ phần hóa và doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa là do mục tiêu khi xác định giá trị doanh nghiệp của những công ty này là khác nhau: đối với những doanh nghiệp chưa tiến hành cổ phần hóa mục tiêu của xác định giá trị doanh nghiệp là đánh giá quy mô tài sản của doanh nghiệp, phục vụ cho công tác quản lý. Trong khi đó đối với những doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải đưa ra được giá trị thị trường của doanh nghiệp, bao gồm cả lợi thế kinh doanh và giá trị quyền sử dụng đất, để làm cơ sở cho việc xác định giá trị cổ phần.
Các công ty lâm nghiệp đều đưa tiêu chí giá trị rừng vào giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp, tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất là một tài sản chủ yếu và đặc biệt của các doanh nghiệp lâm nghiệp vẫn chưa được tính toán để đưa vào giá trị doanh nghiệp. Tiêu chí giá trị lợi thế kinh doanh chỉ mới được đề cập khi thực hiện phương án cổ phần hóa mà thôi. Điều này làm cho giá trị doanh nghiệp của công ty lâm nghiệp khi xác định thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.
3. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp
3.1. Đề xuất hoàn thiện các tiêu chí chung xác định giá trị cho các công ty lâm nghiệp
Công ty lâm nghiệp có đặc thù là lấy rừng và đất rừng làm những tư liệu sản xuất chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất - kinh doanh tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tại các công ty. Vì vậy, đất rừng và rừng là loại tài sản đặc biệt cũng phải được tính toán riêng và đưa vào xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Do giá trị đất, giá trị rừng chiếm tỷ trọng lớn và có phương pháp xác định riêng, nên tách thành một mục riêng.
Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy, giá trị tài sản của doanh nghiệp còn có khoản các khoản nợ thực tế doanh nghiệp phải trả, những yếu tố này có vai trò rất quan trọng trong việc định giá doanh nghiệp, tuy nhiên các công ty nghiên cứu đều không đưa khoản này vào.
Xuất phát từ những nghiên cứu trên đây, tác giả đề xuất việc xác định giá trị doanh nghiệp lâm nghiệp được xác định bởi các tiêu chí sau:
Tổng giá trị doanh nghiệp = giá trị TSCĐ và ĐTDH + giá trị TSLĐ và ĐTNH + giá trị lợi thế kinh doanh + giá trị quyền sử dụng đất + giá trị rừng - Nợ thực tế phải trả.
3.2. Đề xuất hoàn thiện các tiêu chí chi tiết
3.2.1. Đối với các khoản vốn bằng tiền
Đối với tiền mặt tại quỹ và tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá giá trị các khoản ngoại tệ theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm định giá. Đối với các chứng từ có giá phải thực hiện đánh giá lại giá trị của các chứng từ này theo quy định.
3.2.2. Đối với các khoản phải thu
Do khả năng đòi nợ các khoản này có thể ở nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đối chiếu công nợ, xác minh tính pháp lý, đánh giá độ tin cậy của từng khoản phải thu để thực hiện như sau:
- Phân loại các khoản nợ thành nợ có khả năng thu hồi, không có khả năng thu hồi, nợ khó đòi đã được khoanh tính đến thời điểm định giá doanh nghiệp.
- Đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
- Các khoản nợ khó đòi đã được xin khoanh nợ cần phải được tính vào giá trị doanh nghiệp.
- Cần rà soát các hợp đồng kinh tế để xác định các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ nhưng đã hạch toán toàn bộ giá trị trả trước vào chi phí kinh doanh như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền mua bảo hiểm dài hạn, tiền lương, tiền công,…
3.2.3. Đối với hàng tồn kho
Đối với hàng tồn kho là các sản phẩm dở dang như vườn cây, rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay các doanh nghiệp đang xác định giá trị các loài tài sản đặc biệt này vào giá trị sản phẩm dở dang và giá trị hàng tồn kho. Theo đề xuất của chúng tôi thì nên tách tiêu chí này thành một tiêu chí riêng, đó là tiêu chí giá trị vườn cây và giá trị rừng để áp dụng phương pháp riêng xác định, không xác định căn cứ vào sổ sách kế toán như đang thực hiện. Vì vậy, các doanh nghiệp lâm nghiệp phải thực hiện việc phân loại rừng theo nhiều tiêu chí, như: độ tuổi, vị trí địa lý, chất lượng và phải định giá căn cứ vào suất đầu tư. Để làm tốt điều này, các doanh nghiệp cần phải theo dõi và xác định được chi phí đầu tư cho từng loại rừng trồng theo thời gian. Sau đó, căn cứ vào những quy định hiện hành như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và căn cứ vào hệ số phân loại rừng do cơ quan có thẩm quyền ban hành để xác định giá trị rừng trồng cho phù hợp. Đối với rừng trồng được đầu tư trong nhiều năm thì cần phải sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính suất đầu tư.
3.2.4. Đối với giá trị tài sản dài hạn
Đối với các khoản vốn ĐTDH của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác thông qua các việc mua cổ phiếu, theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thì sẽ căn cứ vào giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để xác định giá trị của khoản đầu tư. Tuy nhiên, với một thị trường chứng khoán còn chưa phát triển, các thông tin thị trường còn thiếu minh bạch và đáng tin cậy như hiện nay chỉ dựa vào giá của cổ phiếu để xác định giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp là chưa hợp lý, có thể dẫn đến làm giảm giá trị khoản vốn đầu tư của nhà nước.
3.2.5. Đối với tài sản cố định hữu hình
Nếu TSCĐ đó quá cũ, trên thị trường không có TSCĐ mới cùng loại tương ứng thì có thể căn cứ vào năng lực của tài sản thông qua công suất hoạt động của tài sản như số giờ hoạt động, số lượng sản phẩm sản xuất trong năm để định giá tài sản, giá trị thanh lý tài sản cố định có khả năng thu hồi để định giá lại giá trị tài sản.
- Cần phải quy định rõ hơn về cách định giá tài sản được hình thành từ quỹ phúc lợi trước đây sử dụng cho mục đích phúc lợi nay chuyển sang sử dụng cho mục đích kinh doanh, các tài sản.
- Cần phải quy định cụ thể đối với những tài sản mà doanh nghiệp đầu tư đã đưa vào sử dụng với thời gian lớn hơn 5 năm hay giá trị còn lại trên sổ sách kế toán dưới 50% nguyên giá của tài sản thì sẽ phải xử lý như thế nào.
3.2.6. Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn
Cần có những quy định về định giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn một cách cụ thể hơn cho doanh nghiệp, bởi vì giá trị của các khoản đầu tư tài chính dài hạn không chỉ gói gọn ở giá trị của các khoản đầu tư ở thời điểm hiện tại mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sinh lời của các khoản đầu tư cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp vào khoản đầu tư đó trong tương lai.
3.2.7. Về giá trị lợi thế kinh doanh
Khi tiến hành xác định giá trị lợi thế của doanh nghiệp cần đưa ra nhiều phương pháp xác định để doanh nghiệp có thể lựa chọn, đánh giá, xác định giá trị thương hiệu cho phù hợp với đặc điểm từng loại tài sản và đặc điểm chung của doanh nghiệp mình, cụ thể như:
- Xác định giá trị thương hiệu dựa vào chi phí để xây dựng thương hiệu tương tự có thể so sánh được. Đó là cách lấy chi phí thị trường hiện tại xây dựng thương hiệu để ước tính tổng số tiền cần bỏ ra để xây dựng một thương hiệu tương đương với thương hiệu hiện tại. Số tiền này bao gồm các chi phí như xây dựng đề án, nghiên cứu thị trường, sản xuất mẫu thử, quảng cáo, khuyến mại,... Tuy nhiên, đối với các công ty lâm nghiệp hiện nay chưa có công ty nào tiến hành xây dựng thương hiệu nên trong thực tế phương pháp này chưa được áp dụng.
Xác định giá trị thương hiệu dựa trên giá trị chuyển nhượng: Cách dễ nhất để nhìn nhận giá trị một thương hiệu là dựa trên giá chuyển nhượng. Bởi vì theo cách này thì ít nhất là có người chấp nhận giá trị của thương hiệu và sẵn sàng dùng tiền để có được giá trị đó. Tuy nhiên, giá trị chuyển nhượng thường bao gồm cả giá trị TSCĐ và trị giá thương hiệu nên người ngoài cuộc không ai biết chính xác nếu tính riêng thì giá trị của thương hiệu là bao nhiêu.
Xác định giá trị thương hiệu dựa trên thu nhập lợi thế: Người tiêu dùng không thể có kiến thức về mọi loại sản phẩm nên thường có xu hướng chọn các sản phẩm có thương hiệu quen thuộc hoặc nổi tiếng, dù sản phẩm này được bán giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhưng có thương hiệu yếu hơn hoặc không có thương hiệu. Phần chênh lệch giá này là do thương hiệu mang lại. Theo phương pháp này, giá trị của thương hiệu là phần doanh thu chênh lệch của nhãn hàng so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy nhiên, việc chọn thương hiệu so sánh và tính toán giá bán chung của thị trường lại rất khó khăn. Một số công ty, đặc biệt là các công ty hàng tiêu dùng, thường kinh doanh cùng một lúc nhiều thương hiệu. Họ dễ dàng dùng lợi nhuận của thương hiệu này để đầu tư phát triển thương hiệu khác. Đôi khi giá bán sản phẩm chỉ đơn thuần thể hiện ý chí của chủ thương hiệu muốn thống lĩnh thị trường nhiều hơn là giá trị thực tế của sản phẩm.
Xác định giá trị thương hiệu dựa trên giá trị cổ phiếu: Với doanh nghiệp đã tham gia thị trường chứng khoán, có thể định giá thương hiệu qua giá trị cổ phiếu. Nếu lấy giá trị thị trường của doanh nghiệp trừ đi toàn bộ giá trị tài sản hữu hình trên bảng cân đối tài sản như nhà xưởng, trang thiết bị, hàng tồn kho, vốn tiền mặt,... sẽ có số dư là tài sản vô hình.
3.2.8. Đối với giá trị quyền sử dụng đất
Để định giá đất một cách hợp lý thì cần phải giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đối với diện tích đất ở vị trí địa lý khó khăn, diện tích hoang hóa, đất nghèo không có khả năng phục hồi, không có khả năng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phải có biện pháp để thu hồi toàn bộ tiền thuê đất còn nợ ngân sách của các CTLN, nhất là đối với trường hợp thuê đất theo phương thức trả tiền một lần hay trường hợp giao đất. Có như vậy mới có thể định giá quyền sử dụng đất hợp lý, tránh trường hợp quyền sử dụng đất được định giá cao trong khi các doanh nghiệp không có tiền để trả tiền thuê đất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Kiều Đức Anh (2010). Các giải pháp xác định giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác cổ phần hóa và chuyển giao doanh nghiệp. Luận văn thạc sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Trần Việt Anh (2005). Phương pháp xác định giá trị cho Ngân hàng Thương mại Việt Nam. Tài liệu hội thảo Hoàn thiện các Phương pháp định giá doanh nghiệp trong CPH và chuyển đổi DNNN ở Việt Nam.
- Trần Hữu Dào (2010-2011). Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về cổ phần hóa công ty lâm nghiệp. Đề tài cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội.
- Lê Trọng Hùng (2008). Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách cho thuê rừng, xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất rừng sản xuất ở Việt Nam. Đề tài cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Huy (2004). Cổ phần hóa: giải pháp quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước. Mục Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: 10 năm - một chặng đường. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
SOLUTIONS TO COMPLETE THE CRITERIA
FOR DETERMINING THE VALUE OF STATE-OWNED
FORESTRY ENTERPRISES
• Master. LE THI CONG NGAN
Vietnam National University of Forestry
ABSTRACT:
This paper analyzes the current use of criteria to determine the value of state-owned forestry enterprises. The determination of enterprise value plays a key role in the development and implementation of the equitization of state-owned enterprises policy. Over the past years, the value of some state-owned enterprises were not properly determined, resulting in the lost of state assets, and the slow and inefficient equitization process. This paper proposes some solutions to complete the criteria for determining the value of state-owned forestry enterprises.
Keywords: enterprise value, forestry, land value, forest value, equitization of Vietnamese forestry companies.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]