Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

CÔ THỊ DIỄM - TS. LÊ HOÀNG PHÚC (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Kết quả phân tích cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với mức độ ảnh hưởng được theo thứ tự quan trọng như sau: giám sát; quy mô doanh nghiệp; hoạt động kiểm soát; môi trường kiểm soát; đánh giá rủi ro; thông tin và truyền thông. Qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cáo tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Từ khóa: hệ thống kiểm soát nội bộ, tính hữu hiệu, tỉnh Trà Vinh.

1. Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm sót nội bộ

Kiểm soát nội bộ là một quá trình, chịu ảnh hưởng bởi Hội đồng quản trị, người quản lý và các nhân viên của đơn vị, được thiết kế để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu: tính hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động, sự tin cậy của báo cáo tài chính (BCTC), sự tuân thủ của các luật lệ và quy định (theo COSO 2013 - The Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission - Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính). HTKSNB là những chính sách, quy định, các thủ tục kiểm soát, các bước công việc do lãnh đạo đơn vị xây dựng và áp dụng nhằm quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị đạt kết quả. Mục đích của hệ thống KSNB: Tuân thủ luật pháp và quy định; Đảm bảo mục tiêu của hoạt động và Đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính. Tính hữu hiệu của nó chính là đạt được được những mục tiêu và mục đích đã đề ra.

Theo báo cáo COSO 2013, có 5 yếu tố cấu thành HTKSNB như sau: (1) Môi trường kiểm soát; (2) Đánh giá rủi ro; (3) Hoạt động kiểm soát; (4) Thông tin và truyền thông; (5) Giám sát.

1.1. Môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát là một yếu tố cơ bản của HTKSNB tại một đơn vị, bởi nó là văn hóa của tổ chức được thể hiện thông qua các chính sách, quy trình, cơ cấu tổ chức, nó chi phối ý thức của các thành viên trong đơn vị về rủi ro và đóng vai trò nền tảng cho các yếu tố khác của HTKSNB. Theo COSO 2013, “Môi trường kiểm soát là tập hợp các tiêu chuẩn, quy trình và cơ cấu tổ chức cung cấp cơ sở để thực hiện KSNB trong toàn tổ chức”.

1.2. Đánh giá rủi ro

Các tác giả Lannoye và Dinapoli cho rằng: “Đánh giá rủi ro là việc nhận dạng, phân tích và quản lý các rủi ro có thể đe dọa đến việc đạt được các mục tiêu của tổ chức như: mục tiêu sản xuất, bán hàng, marketing, tài chính và các hoạt động khác, từ đó có thể quản trị được rủi ro” (Lannoye, 1999); (Dinapoli, 2007).

Nhận dạng rủi ro: là quá trình xác định những mối nguy có thể gây tác động xấu tới tổ chức như có thể gây tổn hại con người, hư hỏng tài sản, hủy hoại môi trường… Cần xác định rõ rủi ro ở mức độ toàn đơn vị hay mức độ một hoạt động nào đó để đánh giá rủi ro ở mức độ nào và có hướng xử lý cho phù hợp.

Phân tích rủi ro: đây là công việc tiếp theo sau khi nhận dạng được rủi ro và tiến hành phân tích các rủi ro. Thực chất việc phân tích này là dự đoán xác suất xảy ra đối với đơn vị dựa trên rất nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài của đơn vị.

1.3. Hoạt động kiểm soát

Hoạt động kiểm soát là những chính sách, quy trình, các thủ tục được chỉ thị bởi nhà quản lý để thực hiện một cách nghiêm túc và để đối phó với các rủi ro đe dọa đến mục tiêu của đơn vị, đồng thời các hoạt động này cũng tạo điều kiện để thực thi các mục tiêu đó một cách hiệu quả. Hoạt động kiểm soát bao gồm 2 nhân tố chính là chính sách kiểm soát và thủ tục kiểm soát. Chính sách kiểm soát: là những nguyên tắc được ban hành bởi ban quản trị doanh nghiệp cần thực hiện để giảm thiểu rủi ro, đạt được mục tiêu, là cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục kiểm soát. Thủ tục kiểm soát: là những quy định cụ thể để thực thi chính sách kiểm soát.

1.4. Thông tin truyền thông

Thông tin và truyền thông là một bộ phận không thể thiếu cho việc thiết lập, duy trì và nâng cao năng lực kiểm soát trong đơn vị thông qua việc tạo lập các báo cáo để cung cấp và truyền đạt những thông tin về hoạt động, tài chính và sự tuân thủ, bao gồm bên trong và bên ngoài đơn vị. Thông tin cần thiết cần phải được xác định, thu thập và truyền đạt tới những cá nhân, bộ phận có liên quan một cách kịp thời và thích hợp. Truyền thông là quy trình đưa các thông tin, tin tức đến người sử dụng kể cả bên trong và ngoài đơn vị, cung cấp cho tổ chức thông tin cần thiết để kiểm soát hằng ngày.

1.5. Giám sát

Giám sát là bộ phận cuối cùng, cũng là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống kiểm soát nội bộ, là quá trình đánh giá chất lượng theo thời gian của hệ thống kiểm soát nội bộ (Annukka Jokipii, 2010). Mục tiêu của giám sát hệ thống kiểm soát nội bộ là đánh giá xem hệ thống kiểm soát nội bộ đã được thiết kế đầy đủ, chặt chẽ và có hiệu quả hay không? Giám sát có thể chia thành hai loại chính là giám sát thường xuyên và giám sát định kỳ.

2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất về các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở kết hợp các lý thuyết có liên quan và kế thừa các nghiên cứu trước đây, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Thông qua nghiên cứu định tính, tác giả tiến hành kiểm tra mô hình và xây dựng thang đo hoàn chỉnh để bắt đầu khảo sát, thu thập dữ liệu bằng bảng câu hỏi đã được thiết kế.

Sử dụng thang đo Likert 5 mức độ: (1) Hoàn toàn không đồng ý; (2) Không đồng ý; (3) Bình thường; (4) Đồng ý; (5) Hoàn toàn đồng ý. Tác giả tiến hành khảo sát 130 DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với 260 mẫu và thu về đủ 260 mẫu (tháng 9/2022). Với dữ liệu thu thập được, thông qua sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0 được dùng để đánh giá độ tin cậy của thang đo (sử dụng phương pháp phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s alpha) và kiểm định giá trị của thang đo (dùng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA). Sau khi đã đánh giá được độ tin cậy và kiểm định giá trị thang đo, tiến hành kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu bằng phương pháp phân tích hồi quy bội. Cuối cùng tiến hành thảo luận, phân tích các kết quả xử lý số liệu để đưa ra kết luận và đề xuất các giải pháp.

Mô hình nghiên cứu như sau:

THH = β0 + β1MTKS + β2DGRR + β3HDKS + β4TTTT + β5GS + β6CNTT + β7QMDN + ε

Trong đó:

Biến phụ thuộc: THH là tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Hằng số: β0, β1, β2, β3, β4, β5, β6, β7 là các hệ số của mô hình.

Biến độc lập: MTKS là Môi trường kiểm soát; DGRR là Đánh giá rủi ro; HDKS là Hoạt động kiểm soát; TTTT là Thông tin truyền thông; GS là Giám sát; CNTT là Công nghệ thông tin; QMDN là Quy mô doanh nghiệp.

ε là sai số.

2. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Các thang đo được kiểm định độ tin cậy bằng công cụ Cronbach’s Alpha. Kiểm định độ tin cậy của thang đo dựa trên cơ sở các biến quan sát có hệ số tương quan biến - Tổng hiệu chỉnh (Corrected Item-Total Correlation) < 0.3 sẽ bị loại và tiêu chuẩn chọn thang đo khi Cronbach Alpha từ 0.6 trở lên.

Bảng 1. Kết quả kiểm định chất lượng thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Kết quả phân tích phần mềm SPSS

Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo cho thấy trong 46 biến quan sát của 7 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc trong nghiên cứu này, 6 biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng <0.3 (MTKS9, DGRR1, DGRR6, HDKS6, TTTT4, CNTT5) nên sẽ bị loại các biến quan sát, còn lại đạt yêu cầu >0.3 được giữ lại để phân tích tiếp và hệ số Cronbach’s Alpha đều >0.6 đạt độ tin cậy cần thiết.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Các thang đo tiếp tục được đánh giá bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho 40 biến quan sát.

Kết quả kiểm định KMO và Bartlett cho thang đo của 7 nhân tố đều tác động đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ với trị số KMO = 0.785 > 0.50 và trị số Sig. = 0.000 < 0.05 và. Do đó, đều phù hợp để phân tích EFA.

Bảng 2. Kiểm định KMO and Bartlett's Test cho thang đo các biến độc lập

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Kết quả phân tích phần mềm SPSS

Bảng 3. Kiểm định KMO and Bartlett's Test thang đo biến phụ thuộc

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Kết quả phân tích phần mềm SPSS

Kết quả tại Bảng 2, Bảng 3 cho thấy hệ số KMO = 0.881 và kiểm định Barlett có sig. = 0.000 (< 0.05), như vậy phân tích EFA là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu.

4.3. Phân tích tương quan

Xét ma trận tương quan giữa các biến trong mô hình: Các biến có giá trị Sig. (2-tailed) < 0.05 theo hàng biến phụ thuộc được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến. Kết quả tất cả 6 biến có giá trị sig. (2-tailed) < 0.05 nên được chọn làm các biến độc lập để chạy mô hình hồi quy đa biến.

Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: Đa cộng tuyến là hiện tượng các biến độc lập có sự tương quan hoàn toàn với nhau. Để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến, chỉ số thường dùng là hệ số phóng đại phương sai VIF (Variance Inflation Factor). Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình, ta thấy hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các khái niệm độc lập trong mô hình đều nhỏ hơn 2; từ đó có thể kết luận mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến (Nguyễn Đình Thọ, 2011), tức là các biến độc lập có tương quan chặt chẽ với nhau.

Bảng 4. Bảng tóm tắt mô hình hồi quy (Model Summaryb)

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Kết quả phân tích phần mềm SPSS

Kiểm định về tính độc lập của phần dư: Kết quả tại Bảng 4 cho thấy d = 2.231 thuộc khoảng 1 < d < 3 nên có thể kết luận các phần dư là độc lập với nhau.

4.4. Phân tích hồi quy 

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy

hệ thống kiểm soát nội bộ

Nguồn: Kết quả phân tích phần mềm SPSS

Kết quả phân tích cho thấy có 6 nhân tố trong mô hình có mức ý nghĩa có giá trị nhỏ hơn < 0.05. Do vậy, các biến độc lập này tương quan ý nghĩa với biến phụ thuộc với độ tin cậy là 95%. Mặt khác mô hình có độ phù hợp đạt yêu cầu (R2 hiệu chỉnh = 0.696), điều này có nghĩa 69,6% sự biến thiên của tính hữu hiệu hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được giải thích bởi sự biến thiên của 6 nhân tố trong mô hình còn lại 30,4% là do sai số ngẫu nhiên và do có thể có biến độc lập khác giải thích cho biến phụ thuộc mà chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu.

Phương trình hồi quy được viết như sau:

THH = 0.405*GS + 0.229*QMDN + 0.200*HDKS + 0.155*MTKS + 0.155*DGRR + 0.150*TTTT

Như vậy, có 6 nhân tố được chấp nhận có ảnh hưởng cùng chiều với tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nhân tố giám sát là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất.

5. Kết luận và đề xuất hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Dựa trên báo cáo COSO 2013 và các công trình nghiên cứu trước đây, tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu với 7 nhân tố (môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, giám sát, thông tin và truyền thông, công nghệ thông tin, quy mô doanh nghiệp) gồm 41 biến quan sát độc lập và 5 biến quan sát của biến phụ thuộc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo thứ tự quan trọng như sau: giám sát; quy mô doanh nghiệp; hoạt động kiểm soát; môi trường kiểm soát; đánh giá rủi ro; thông tin và truyền thông.

Qua đó, nhận thấy khi so sánh về quy mô các DN, DN quy mô càng lớn, đánh giá về hiệu lực của KSNB càng cao hơn so với DN nhỏ. Điều đó cho thấy, các DN có quy mô càng lớn, KSNB tổ chức tốt hơn và có hiệu lực hơn. Ở DN quy mô nhỏ, KSNB chưa được chú trọng và quan tâm.

5.2. Đề xuất hàm ý quản trị

Doanh nghiệp cần xây dựng quy trình làm việc chuẩn phù hợp với đặc điểm quy mô, ngành nghề riêng; cần có sự phân quyền hạn giữa các phòng ban, các cá nhân cũng như là bảng mô tả phân công công việc cụ thể cho từng vị trí. Đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng, bởi nó sẽ đẩy mạnh tiến độ công việc và hạn chế được những thiếu sót có thể sai ra như về số liệu gây ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo và thời gian.

Để đảm bảo và đẩy mạnh sự phát triển của đơn vị, DN cần đảm bảo nguồn nhân lực vững mạnh, cụ thể đề cập ở đây là năng lực nhân viên. Để đảm bảo năng lực nhân viên, duy trì và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu của đơn vị, yếu tố nhân sự đầu vào cần được kiểm soát chặt chẽ thông qua quy trình tuyển dụng thống nhất cho tất cả bộ phận. Chính sách tuyển dụng cần nhất quán cho mọi trường hợp, không phân biệt đối với các trường hợp luân chuyển nội bộ. Doanh nghiệp cần xây dựng chính sách nhân sự tốt để thu hút và giữ chân nhân viên có năng lực để tạo ra một đội ngũ nhân viên có chất lượng và hoàn thành mục tiêu của đơn vị. Thêm nữa, để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc của nhân viên, các chính sách khen thưởng, xử phạt nhân viên rõ ràng.

Tổ chức định kỳ cho tất cả nhân viên các khóa đào tạo về chuyên môn, về quy định trong cam kết đạo đức nghề nghiệp, cập nhật, từ đó nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm làm việc, tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp của các thành viên trong đơn vị.

Định kỳ nên rà soát lại các quy trình, cập nhật các văn bản pháp luật nhằm đưa ra tiêu chí đánh giá rủi ro kịp thời nếu có thay đổi.

Xây dựng các công cụ nhằm hỗ trợ cho việc truyền tải thông tin trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và khách hàng, đối tác. Tăng cường và đẩy mạnh sức mạnh của website để cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng, đối tác đồng thời ghi nhận lại các phản hồi từ khách hàng, đối tác đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. COSO (2013). The 2013 Internal Control - Integrated Framework. [Online] Availabile at https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/pdf/2016/05/2750-New-COSO-2013-Framework-WHITEPAPER-V4.pdf
  2. Bubilek, O. (2017). Importance of Internal Audit and Internal Control in an organization - Case Study. [Online] Availabile at https://core.ac.uk/download/pdf/84797907.pdf
  3. C.T. Gamage., Kevin L.L., & A.A.J. Fernando (2014). Effectiveness of internal control system in state commercial banks in Sri Lanka. International Journal of Scientific Research and Innovative Technology, 1(5), 25-45.
  4. Mahadeen, B., Al-Dmour, R. H., Obeidat, B. Y., & Tarhini, A. (2016). Examining the effect of the Organizations Internal Control System on Organizational Effectiveness: A Jordanian empirical study. International Journal of Business Administration, 7(6), 22-41.
  5. Suárez, C. A., (2016). Best Management Practices: SMEs Organizational Performance. Journal of International Business and Economics, 4(2), 41-58.
  6. Sultana R and Haque M. E. (2011). Evaluation of Internal Control Structure: Evidence from Six Listed Banks in Bangladesh. ASA University Review, 5(1), 1-6.

FACTORS AFFECTING THE EFFECTIVENESS

OF THE INTERNAL CONTROL SYSTEM OF ENTERPRISES

IN TRA VINH PROVINCE

• CO THI DIEM1

Ph.D LE HOANG PHUC1

1University of Economics Ho Chi Minh City 

ABSTRACT:

This study determines and measures the impact of factors on the effectiveness of the internal control system of enterprises in Tra Vinh province. The study’s results show that there are six factors affecting the effectiveness of the internal control system of enterprises in Tra Vinh province. These factors, in descending order of importance, are monitoring, ebusiness scale, control activities, control environment, risk assessment, information and communication. Based on these results, some solutions are proposed to enhance the effectiveness of the internal control system of enterprises in Tra Vinh province.

Keywords: internal control system, effectiveness, Tra Vinh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 11 năm 2022]