Các yếu tố ảnh hưởng đến FDI trong bối cảnh hội nhập kinh tế - Trường hợp các nước Đông Nam Á

ThS. VÕ THỊ NGỌC TRINH, PHẠM HUỲNH THANH TRÚC và ĐẶNG THỊ NGỌC TRÂM (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tầm quan trọng lớn trong việc tăng trưởng và hội nhập kinh tế toàn cầu những thập kỷ qua (Sjöholm, 2014). Bài viết xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến FDI, sử dụng phương pháp GMM cho dữ liệu bảng tại các nước Đông Nam Á (ĐNA) giai đoạn 2000 - 2018.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quốc gia ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng cần chú trọng trong nâng cao chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện mở cửa thương mại và đặc biệt là tăng quy mô thị trường để thúc đẩy tăng trưởng vốn FDI.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, hội nhập kinh tế, Đông Nam Á.

1. Đặt vấn đề

FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển - nơi mà luôn thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. Nó thể hiện thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giúp phát triển nguồn nhân lực và cung cấp công nghệ mới cho sự phát triển. Vì thế, FDI luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, dòng vốn vào FDI thường biến động vì chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố liên quan đến môi trường cạnh tranh, như: Quy mô thị trường, độ mở nền kinh tế, sự cạnh tranh trong nguồn lực lao động,…(S.D. Jayasekara, 2014).

Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến dòng vốn FDI. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này được thực hiện cho các nước phát triển (Lipsey, R. E, 2001). Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển, các nghiên cứu loại này dường như ít hơn (Alam, A., & Zulfiqar Ali Shah, S., 2013). Mặt khác, kết quả nghiên cứu thực nghiệm đưa ra cũng không đồng nhất. Ví dụ, kết quả nghiên cứu của Khachoo, A. Q., & Khan, M. I (2012) mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của Demirhan, E., & Masca, M. (2008) và Anyanwu, J.C. (2011) khi cho rằng độ mở của nền kinh tế không ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển. Mặt khác, các bài nghiên cứu về FDI tại khu vực ĐNA càng ít hơn và thường chỉ đánh giá tác động của FDI (Sjöholm. F, 2014).

Bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến FDI tại các nước ĐNA trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu giai đoạn 2000 - 2018, từ đó rút ra được hàm ý chính sách có thể áp dụng cho Việt Nam. Bằng việc sử dụng dữ liệu bảng (panel data) của các nước ĐNA trong giai đoạn 19 năm, với phương pháp ước lượng GMM sẽ đem lại một số lợi thế về kích cỡ quan sát cũng như có thể khắc phục tốt hơn các sai phạm có thể có của mô hình.

2. Cơ sở lý thuyết

Có rất nhiều lý thuyết giải thích các yếu tố quyết định đến dòng vốn vào FDI. Caves (1971) lý giải động cơ của đầu tư FDI theo chiều ngang và chiều dọc. FDI theo chiều ngang là loại hình đầu tư nhằm mục đích tìm kiếm thị trường. Mục tiêu chính của loại hình đầu tư này là các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng một số lợi thế của nước chủ nhà để phân phối sản phẩm, bán sản phẩm, kéo dài vòng đời của chu kỳ kinh doanh. Trong khi đó, FDI theo chiều dọc là loại hình đầu tư nhằm mục đích tìm kiếm tài nguyên. Mục tiêu chính của loại hình đầu tư này nhằm khai thác nguyên liệu thô, tận dụng những công nghệ, tài nguyên, giá lao động rẻ của nước chủ nhà để tối ưu hóa chi phí cũng như quy trình sản xuất sản phẩm.

Dunning (1988) nghiên cứu các yếu tố quyết định đến FDI thông qua mô hình lý thuyết OLI (Ownership- Location-Internalization) gồm 3 nhóm yếu tố về lợi thế: Lợi thế về quyền sở hữu (O), lợi thế về vị thế (L) và lợi thế về nội bộ hóa (I). Với mục tiêu của FDI là nhằm giảm chi phí nghiên cứu thị trường, các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

Nunnenkamp, P. (2002) nghiên cứu các yếu tố quyết định FDI ở các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kết quả cho thấy, toàn cầu hóa có ảnh hưởng đến FDI. Ngoài ra, các yếu tố phi truyền thống - như chi phí, yếu tố bổ sung của sản xuất và độ mở nền kinh tế - dần trở nên quan trọng và các yếu tố truyền thống - như quy mô và tăng trưởng của thị trường - đang trên đà giảm. Tuy nhiên, các yếu tố truyền thống vẫn là yếu tố chi phối hình thành sự phân bổ FDI.

Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến FDI bằng các phương pháp khác nhau. Demirhan, E., & Masca, M. (2008) xác định các yếu tố tác động đến FDI của 38 quốc gia đang phát triển giai đoạn 2000 – 2004, sử dụng mô hình phân tích dữ liệu chéo, bao gồm: quy mô thị trường; tỷ lệ lạm phát; cơ sở hạ tầng; chi phí lao động; độ mở nền kinh tế; rủi ro chính trị và thuế. Kết quả cho thấy, các yếu tố trên đều có ảnh hưởng tích cực đến thu hút FDI, ngoài chi phí lao động và rủi ro chính trị.

Jayasekara S.D. (2014) nghiên cứu các yếu tố quyết định FDI tại Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan giai đoạn 1975-2012, sử dụng mô hình hồi quy nhỏ nhất được sửa đổi (FM-OLS). Các yếu tố đưa vào mô hình phân tích bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP đại diện cho quy mô thị trường; tỷ lệ lạm phát, chi tiêu tiêu dùng của Chính phủ, tỷ giá hối đoái đại diện cho ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất cho vay đại diện cho phát triển tài chính; tổng giá trị xuất nhập khẩu đại diện cho độ mở của nền kinh tế; lực lượng lao động; số lượng đường dây điện thoại trên 100 người trong quốc gia đại diện cho cơ sở hạ tầng. Kết quả cho thấy, có ảnh hưởng tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP, chi tiêu của Chính phủ, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất lại ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn FDI và cạnh tranh giữa các nước. Ngoài ra, bài nghiên cứu đã chỉ ra thêm thuế quan đánh vào thương mại quốc tế, điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia cũng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI.

3. Phương pháp nghiên cứu và nguồn dữ liệu

Mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

mo_hinh_nghien_cuu_co_dang

Trong đó:

  • FDIi,t : Đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (tính theo USD hiện hành) của quốc gia i tại năm t.
  • GDPGRi,t: Tốc độ tăng trưởng GDP, đại diện cho quy mô thị trường.
  • POPi,t: Tổng dân số của quốc gia i tại năm t.
  • INFi,t: Lạm phát, giá tiêu dùng (% hàng năm) của quốc gia i tại năm t, đại diện cho yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô.
  • GOVERi,t: Chi tiêu Chính phủ được tính theo %GDP của quốc gia i tại năm t, đại diện cho yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô.
  • LABORi,t: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (% số lao động trong độ tuổi 15 - 64 trên tổng dân số) của quốc gia i tại năm t.
  • TRADEi,t: Tỷ lệ % giao dịch thương mại trên GDP của quốc gia i tại năm t, đại diện cho độ mở của nền kinh tế.
  • CREPSi,t: Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân (Tỷ lệ % tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân trên GDP) của quốc gia i tại năm t, đại diện cho yếu tố phát triển tài chính.
  • TELi,t: Số thuê bao đăng ký di động (tính trên 100 người) của quốc gia i tại năm t, đại diện cho yếu tố cơ sở hạ tầng.
  • DWTO: Biến giả đại diện cho sự kiện gia nhập WTO của các quốc gia (DWTO = 1: sau khi gia nhập WTO; DWTO = 0: trước khi gia nhập WTO).

Việc ước lượng mô hình (Eq.1) có thể gặp những vấn đề phát sinh khi ước lượng dữ liệu bảng như: Vấn đề phương sai sai số thay đổi (HET), hiện tượng tự tương quan trong sai số và nội sinh.

Vấn đề như phương sai số thay đổi và hiện tượng tương quan trong sai số có thể bị gây ra bởi việc sử dụng dữ liệu bảng gồm nhiều quốc gia trong nhiều năm. Mặt khác, do bản chất kinh tế, FDI ở thời điểm hiện tại có khả năng bị ảnh hưởng bởi thời điểm năm trước - do kỳ vọng của các nhà đầu tư tại thời điểm hiện tại thường dựa vào tình hình kinh tế của năm trước.

Ngoài ra, vấn đề nội sinh có thể tồn tại trong mô hình do FDI một mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển nhưng mặt khác bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế. Để khắc phục các vấn đề trên, mô hình (Eq.1) được ước lượng bằng phương pháp sai phân GMM có trọng số (weighted GMM) với sự hiện diện của quá trình tự hồi quy AR bậc (1) và AR bậc (2). Arellano và Bond (1991) đề xuất sử dụng độ trễ của các biến công cụ (instrumented variables) để tạo ra các biến công cụ (instruments) trong mô hình. Hơn nữa, cần thiết kiểm định tính dừng trong hồi quy cùng với việc đảm bảo biến công cụ trong mô hình là phù hợp.

Bài nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp có cấu trúc bảng không cân bằng (unbalanced panel) của 11 quốc gia ĐNA (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei, Đông Timor và Myanmar) trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2018 từ Ngân hàng Thế giới (World Bank). Bộ dữ liệu có tổng cộng 209 quan sát nhưng do sự không đầy đủ của dữ liệu (một số biến bị thiếu dữ liệu ở một số năm) nên số quan sát còn lại là 143 quan sát.

4. Kết quả nghiên cứu

Vì các biến đều dừng ở bậc 1, đồng thời dữ liệu có độ phân tán cao và chứa các giá trị dị biệt nên mô hình nghiên cứu được ước lượng theo phương pháp GMM dưới dạng sai phân bậc 1 có trọng số.

Ngoài ra, nhằm kiểm tra tính vững của kết quả ước lượng, mô hình được ước lượng với 3 kỹ thuật khác nhau: Mô hình (1) và (2) là các mô hình ước lượng sai phân GMM nhưng không tính đến tác động cố định (trong đó mô hình (1) là ước lượng sai phân GMM thông thường với xử lý tự tương quan bậc 1, mô hình (2) tương tự mô hình (1) với xử lý tự tương quan bậc 2); mô hình (3) tương tự mô hình (2) nhưng tính đến tác động cố định.

Kết quả ước lượng của 3 mô hình được trình bày trong Bảng 1.

ket_qua_uoc_luong_mo_hinh_sai_phan_gmm_co_trong_so

Ghi chú: Các số trong ngoặc đơn thể hiện giá trị t-value. Ký hiệu* đại diện cho mức ý nghĩa thống kê là 1%

Nhìn chung, kết quả của 3 mô hình đều có ý nghĩa thống kê và phù hợp với dữ liệu. Tuy nhiên, trong 3 mô hình, mô hình (2) cho kết quả tốt nhất với độ phù hợp cao nhất và không còn bị hiện tượng tự tương quan (được kiểm định bởi hệ số Durbin-Watson và lược đồ PACF). Tất cả hệ số ước lượng đều có ý nghĩa cao ở mức 1% và có ý nghĩa kinh tế phù hợp với lý thuyết. Vì vậy, mô hình (2) được chọn để thảo luận kết quả.

Kết quả ước lượng cho thấy, các biến có ý nghĩa thống kê và có ảnh hưởng tích cực đến FDI bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP; tổng dân số; lạm phát; đăng kí điện thoại di động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, thương mại; tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân và hội nhập kinh tế. Biến có ảnh hưởng tiêu cực đến FDI là chi tiêu chung cuối cùng của Chính phủ.

Một trong những yếu tố quyết định quan trọng được tìm thấy có tác động đáng kể thu hút FDI trong mô hình là tốc độ tăng trưởng GDP và tổng dân số đại diện cho quy mô thị trường. Tốc độ tăng trưởng GDP và tổng dân số có ý nghĩa ở mức 1% và có dấu hiệu tích cực đến FDI. Cụ thể, cứ tăng 1% tốc độ tăng trưởng GDP thì làm tăng 8.61 triệu USD vốn FDI và khi dân số tăng 1 triệu người thì nguồn vốn FDI vào các nước đang phát triển cũng tăng 294.039 triệu USD. Điều đó cho thấy, sự cần thiết của một thị trường lớn cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực và khai thác các quy mô của nền kinh tế có ảnh hưởng tích cực vào nguồn vốn FDI. Một thị trường lớn sẽ có nhu cầu cao và khả năng tiêu thụ lớn là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các nước đang phát triển nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Điều này nhất quán với kết quả nghiên cứu của Erdal Demirhan and Mahmut Masca (2008) và Khachoo, A. Q., & Khan, M. I. (2012).

Nhóm biến đại diện cho ổn định kinh tế vĩ mô có hệ số ước lượng α3 = -11.378 và α4 = 31.052, đều có ý nghĩa thống kê cao ở mức 1%, cho thấy chi tiêu chung cuối cùng của Chính phủ và lạm phát có tác động đáng kể đến FDI. Khi tăng 1% chi tiêu chung cuối cùng của Chính phủ sẽ làm giảm 11.378 triệu USD, điều này phù hợp với lý thuyết kinh tế vì chi tiêu của Chính phủ càng cao thì cho thấy sự bất ổn về kinh tế vĩ mô của quốc gia đó. Tuy nhiên, lạm phát lại có tác động tích cực đến FDI, 1% tăng lên của lạm phát thì làm FDI tăng 31.052 triệu USD. Nguyên nhân, do FDI đầu tư vào ĐNA là loại FDI tìm kiếm lợi nhuận. Lạm phát cao sẽ đi cùng với tăng trưởng kinh tế cao và tỷ suất sinh lợi cao.

Theo dự kiến, các yếu tố của lực lượng lao động được kỳ vọng là có dấu hiệu tích cực và có ý nghĩa thống kê. Nghĩa là, lực lượng lao động sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng 1% lực lượng lao động sẽ làm tăng dòng vốn FDI lên 152.66 triệu USD. Một doanh nghiệp muốn mở một nhà máy sẽ ưu tiên chọn khu vực có thể đáp ứng được số lượng và chất lượng của lao động với chi phí hợp lý. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Jayasekara S. D. (2014), Erdogan, M., & Unver, M. (2015).

Bên cạnh đó, số lượng điện thoại di động đại diện cho cơ sở hạ tầng cũng có ảnh hưởng tích cực đến dòng vốn FDI: Sự gia tăng 1% trong cơ sở hạ tầng làm tăng dòng vốn FDI lên khoảng 1.019 triệu USD. Thông thường, các nhà đầu tư FDI đang tìm kiếm một vị trí có sẵn và thuận tiện trong cơ sở hạ tầng như đường bộ, viễn thông và giao thông. Nếu địa điểm được phát triển tốt, các nhà đầu tư có thể giảm chi tiêu của họ và sau đó tăng lợi nhuận. Kết quả này cũng nhất quán với một số nghiên cứu của Mottaleb, K. A., & Kalirajan, K. (2010), Khachoo, A. Q., & Khan, M. I. (2012) và Jayasekara S.D. (2014). 

Thương mại có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có tác động tích cực đến FDI. Có nghĩa là, khi tăng 1% khối lượng thương mại (xuất khẩu cộng với nhập khẩu) so với GDP thì tương đương với mức tăng 20.633 triệu USD FDI. Như đã phân tích ở trên, độ mở của nền kinh tế hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vì các tín hiệu mở cho thấy Chính phủ có các chính sách sẵn sàng chào đón cả thương mại và cạnh tranh, đồng thời cho phép nhập khẩu các máy móc để sản xuất từ quốc gia của họ một cách dễ dàng. Kết quả này tương tự như nghiên cứu của Erdal, Mahmut (2008), Jayasekara S. D. (2014) và Hasli, A., Ho, C. S., & Ibrahim, N. A. (2015).

Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân có ý nghĩa tích cực đến FDI ở mức 1%. Cứ tăng 1% tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân thì làm tăng 17.557 triệu USD. Điều này có nghĩa là, phát triển tài chính có ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào các nước ĐNA. Kết quả này cũng thống nhất với nghiên cứu của Mahmut Erdogan & Mustafa Unver (2015).

Cuối cùng, biến giả DWTO đại diện cho sự hội nhập toàn cầu. Việc gia nhập WTO cho thấy, dấu hiệu tích cực và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Điều này có nghĩa, việc gia nhập WTO giúp tăng FDI đầu tư vào các quốc gia trong thời gian phân tích (2000 - 2018). Kết quả này phù hợp với lý thuyết kinh tế. Việc gia nhập WTO mang lại các lợi ích khi buộc các nước giới thiệu và duy trì một cơ cấu kinh tế tương đối tự do, mang lại cho họ tình trạng quốc gia được ưu tiên và không có điều kiện (MNF) với tất cả các thành viên khác, đồng thời có một cơ chế giải quyết tranh chấp. Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác rằng, các nước là thành viên WTO có khả năng tăng FDI cũng như tỷ trọng thương mại thế giới.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Nghiên cứu xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến FDI vào khu vực ĐNA trong bối cảnh hội nhập quốc tế bằng phương pháp hồi quy sai phân GMM với bộ dữ liệu bảng của 11 quốc gia ĐNA trong giai đoạn 2000 - 2018. Kết quả nghiên cứu hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế và các nghiên cứu thực nghiệm rằng, quy mô thị trường, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng tốt sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra các quyết định về dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, độ mở của một nền kinh tế có tác động tích cực đến FDI. Hàm ý rằng, các quốc gia có thị trường mở cửa sẽ giúp cho nguồn vốn tự do luân chuyển và vì vậy sẽ thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư hơn. Việc mở cửa thị trường của các quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng làm thuận lợi hơn cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, ổn định kinh tế vĩ mô cũng có tác động đáng kể đến FDI. Đáng ngạc nhiên là, lạm phát lại có tác động tích cực đến FDI. Điều này có thể được giải thích là loại FDI đầu tư vào ĐNA là loại FDI tìm kiếm lợi nhuận và mở rộng thị trường. Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy, sự gia nhập WTO cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến FDI.

Qua kết quả nghiên cứu, ta có thể rút ra một số hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất, quy mô thị trường là một yếu tố vô cùng quan trọng. Để thu hút FDI, mở rộng thị trường thì Chính phủ các quốc gia ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng nên tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực.

Thứ hai, lực lượng lao động là một yếu tố quan trọng để thu hút FDI. Do đó, Chính phủ các nước cần có biện pháp để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo đầy đủ và toàn diện về mọi mặt để có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng, phát triển tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô đều có tác động lớn đến dòng chảy FDI, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng như lĩnh vực viễn thông là yếu tố quan trọng cần được Chính phủ quan tâm trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ tư, Chính phủ các nước cần loại bỏ rào cản và quan tâm nhiều hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu để giúp các nước có cơ hội trao đổi thương mại và hợp tác quốc tế về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo nên động lực cơ bản cho sự phát triển.

Riêng đối với Việt Nam, khi mở cửa thương mại, cần chú ý tới việc nâng cao về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, công nghệ phù hợp, củng cố kiến thức thị trường, như vậy mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alam, A., & Zulfiqar Ali Shah, S. (2013). Determinants of foreign direct investment in OECD member countries. Journal of Economic Studies40(4), 515-527.
  2. Anyanwu, J. C. (2011). Determinants of foreign direct investment inflows to Africa, 1980-2007(pp. 1-32). African Development Bank Group.
  3. Caves, R. (1971). International Corporations: The Industrial Economics of Foreign Investment. Economica, 38(149), new series, 1-27. doi:10.2307/2551748
  4. Demirhan, E., & Masca, M. (2008). Determinants of foreign direct investment flows to developing countries: a cross-sectional analysis. Prague economic papers4(4), 356-369.
  5. Dunning, J. (1988). The Eclectic Paradigm of International Production: A Restatement and Some Possible Extensions. Journal of International Business Studies, 19(1), 1-31.
  6. Erdal Demirhan and Mahmut Masca, (2008), Determinants of foreign direct investment flows to developing countries: a cross-sectional analysis, Prague Economic Papers, 2008, (4), 356-369.
  7. Erdogan, M., & Unver, M. (2015). Determinants of foreign direct investments: Dynamic panel data evidence. International Journal of Economics and Finance7(5), 82.
  8. Hasli, A., Ho, C. S., & Ibrahim, N. A. (2015). Determinants of FDI inflow in Asia. Journal of Emerging Economies and Islamic Research3(3), 1-9.
  9. Jayasekara, S. D. (2014). Determinants of foreign direct investment in Sri Lanka. Journal of the University of Ruhuna2(1-2).
  10. Khachoo, A. Q., & Khan, M. I. (2012). Determinants of FDI inflows to developing countries: A panel data analysis. (No. 37278). University Library of Munich, Germany.
  11. Lipsey, R. E., & Sjöholm, F. (2011). South-south FDI and development in East Asia.
  12. Mottaleb, K. A., & Kalirajan, K. (2010). Determinants of foreign direct investment in developing countries: A comparative analysis. Margin: The Journal of Applied Economic Research, 4(4), 369-404.
  13. Nunnenkamp, P. (2002). Determinants of FDI in developing countries: has globalization changed the rules of the game? (No. 1122). Kiel Working Paper.
  14. Sjöholm, F. (2013). Foreign Direct Investments in Southeast Asia (No. 2013: 37). Lund University, Department of Economics.

 

DETERMINANTS OF FDI ATTRACTION IN THE CONTEXT OF ECONOMIC INTEGRATION - CASE OF SOUTHEAST ASIAN COUNTRIES

Master. VO THI NGOC TRINH

Lecturer, Faculty of Economics and Public Management

Ho Chi Minh City Open University

PHAM HUYNH THANH TRUC

Ho Chi Minh City Open University

DANG THI NGOC TRAM

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) has played a great important role in economic growth and global economic integration in recent decades (Sjöholm, 2014). This study examines factors that affect FDI by using the GMM method for panel data collected from countries in Southeast Asia from 2000 to 2018. Findings of this study are relatively consistent with theories and previous empirical studies. These findings reveal that Southeast Asian countries in general and Vietnam in particular need to focus on improving the quality of labor, infrastructure, macroeconomic stability, facilitating trade opening and especially increasing market size to promote the growth of FDI.

Keywords: Foreign direct investment (FDI), economic integration, Southeast Asia.