Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Bạc Liêu

THS. NGUYỄN MINH TÂN (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) THS. TĂNG THỊ NGÂN (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) THS. LÂM HẢI BẰNG ( Bưu điện huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng tỉnh Bạc Liêu. Dữ liệu nghiên cứu gồm 60 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Phương pháp hồi qui đa biến được sử dụng để kiểm định mối tương quan giữa các yếu tố. Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bao gồm: trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp, kinh nghiệm quản lý và loại hình doanh nghiệp.

Từ khóa: Hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp xây dựng, tỉnh Bạc Liêu.

1. Giới thiệu

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang được chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng. Bạc Liêu hiện có 1.568 DNNVV (nguồn: Niên giám thống kê Bạc Liêu, năm 2019). Trong đó, có 156 DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng (Nguồn: Báo cáo Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, năm 2019). Khu vực doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh để cùng với cả nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với xu thế chung về phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, chính quyền địa phương cần thể hiện vai trò của mình với những chính sách hợp lý để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Bởi vì, bên cạnh các yếu tố thuộc về nội tại doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cũng góp phần đáng kể cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung. Việc phát hiện ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là cơ sở cho việc hoạch định cũng như đề ra những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Do đó, nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng tỉnh Bạc Liêu” được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra ở trên.

2. Tổng quan tài liệu

Trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu liên quan đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó bao gồm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn, nghiên cứu của Hansen và cs. (2002) chỉ ra rằng, tuổi của doanh nghiệp hay số năm hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thêm vào đó, Hansen và cs. (2002), Kokko và Sjoholm (2004) cho thấy rằng, một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, Hansen và cs. (2002), Phan Đình Khôi và cs (2008) cho thấy chính sách hỗ trợ của Chính phủ và trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNVV.

Bên cạnh đó, Lộc và Trọng (2010) chỉ ra rằng, loại hình doanh nghiệp, kinh nghiệm và trình độ của chủ doanh nghiệp cũng tác động đến hiệu quả hoạt kinh doanh của DNVVN. Nghiên cứu của Mai Văn Nam và Nguyễn Quốc Nghi (2011) cho thấy một số nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, như: các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, mối quan hệ xã hội, trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng doanh thu là những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV. Ngoài ra, nghiên cứu của Lê Khương Ninh (2011) cũng chỉ ra quy mô của doanh nghiệp có tác động đến ROS của DNVVN ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và DNXD nói riêng đều chịu tác động bởi cả những yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp. Ngoài ra, đặc điểm của chủ doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, có khá nhiều yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu này thực hiện trong điều kiện đối với các doanh nghiệp xây dựng, phần lớn thuộc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó để đơn giản trong việc đo lường các biến trong mô hình nghiên cứu, tác giả chỉ đưa vào mô hình nghiên cứu biến "Chính sách hỗ trợ của Chính phủ", xem như đại diện cho các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Các nghiên cứu của Hansen, Rand và Tar (2002); Phan Đình Khôi và cs (2008); Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011); Nguyễn Minh Tân và cs (2015) cho thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ở các tỉnh thuộc ĐBSCL.

Đối với các yếu tố bên trong doanh nghiệp, là những yếu tố thuộc nhóm đặc điểm của DN và chủ DN, như: loại hình DN, qui mô DN, tốc độ tăng doanh thu, thời gian hoạt động (tuổi của DN); giới tính của chủ DN, trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý DN và mối quan hệ xã hội.

Trên cơ sở lý thuyết về hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN và các mô hình nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh được lược khảo ở trên, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD tại tỉnh Bạc Liêu được viết dưới dạng phương trình hồi qui như sau:

Y = a0 + a1X1+ a2X+a3X3+a4X4+a5X5+a6X6 +a7X7+a8X8+a9X9+ εi                  (1)

Trong đó:

Biến phụ thuộc (Y): hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN được đo lường thông qua các chỉ tiêu tài chính, như: ROA, ROE và ROS. Các chỉ số tài chính được tính trung bình qua 3 năm (2016 - 2018). Các biến độc lập được mô tả ở Bảng 1.

Bảng 1. Diễn giải các biến đo lường trong mô hình 

TT

Tên Biến

Ký hiệu

Diễn giải biến đo lường

Cơ sở chọn biến

2

Giới tính

X1

Biến giả: 0 là nữ; 1 là nam

Qureshi và cs. (2012); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

3

Trình độ học vấn

X2

Biến liên tục: số năm đi học của chủ doanh nghiệp

Hansen, John Rand & Tar (2002) Nguyễn Đức Trọng (2009); Trương Đông Lộc và Nguyễn Đức Trọng (2010); Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

4

Kinh nghiệm

X3

Biến liên tục: số năm làm quản lý

Trương Đông Lộc và Nguyễn Đức Trọng (2010); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

5

QHXH

X4

Biến giả: 1, nếu có người thân làm việc trong các hiệp hội, tổ chức, cơ quan nhà nước; 0, nếu trường hợp khác

Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

6

Loại hình

X5

Biến giả: 1, nếu là DNTN; 0, nếu là Cty TNHH- CP

Hansen, Rand & Tar (2002); Nguyễn Đức Trọng (2009); Trương Đông Lộc và Nguyễn Đức Trọng (2010); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

7

Tuổi DN

X6

Số năm hoạt động của doanh nghiệp

Kinyua (2014); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

8

Chính sách hỗ trợ

X7

Biến giả: 1, nếu có hỗ trợ vốn; 0 nếu không được hỗ trợ vốn

Hansen, Rand & Tar (2002); Phan Đình Khôi và cs (2008); Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011); Nguyễn Minh Tân và cs (2015)

9

Lao động

X8

Số lượng lao động của doanh nghiệp (người)

Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011)

Nguồn: Tổng hợp của tác giả, năm 2019

 3.2. Số liệu nghiên cứu

Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên được sử dụng trong nghiên cứu này. Để đảm bảo tính đại diện, kích cỡ mẫu cần thiết cho nghiên cứu được xác định theo công thức xác định cỡ mẫu của nhà nghiên cứu Yamane (1967): n=N/(1+N.e2) (1).

Trong đó:

n: là cỡ mẫu cần khảo sát

N: là tổng thể nghiên cứu

e: là sai số lấy mẫu (e không vượt quá 10% thì mẫu khảo sát đại diện được cho tổng thể).

Tại thời điểm nghiên cứu, tổng số DNXD đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là 156 DN. Như vậy, theo công thức (1), nghiên cứu khảo sát 60 DN để làm dữ liệu phân tích. Các DN được chọn khảo sát theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Cụ thể, tác giả dựa vào danh sách DNXD từ Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, sau đó chọn ngẫu nhiên 60 DN bằng hàm Random trên phần mềm Excel để khảo sát. Hình thức khảo sát là phỏng vấn trực tiếp các chủ doanh nghiệp hoặc lãnh đạo điều hành doanh nghiệp hoặc trưởng phòng kinh doanh trong doanh nghiệp bằng bảng câu hỏi được thiết kế sẵn.

4. Kết quả và thảo luận

Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD tỉnh Bạc Liêu, phương pháp hồi qui tuyến tính đa biến được sử dụng để ước lượng. Kết quả hồi quy thể hiện qua Bảng 2.

 Bảng 2. Kết quả ước lượng mô hình hồi qui 

Biến

Mô hình với biến phụ thuộc là ROA (1)

Mô hình với biến phụ thuộc là ROE (2)

Mô hình với biến phụ thuộc là ROS (3)

Hệ số β sau khắc phục

Hệ số β sau khắc phục

 P

Hệ số β sau khắc phục

Giới tính

0,002

0,853

-0,005

0,693

0,011

0,516

Trình độ hv

0,010

0,007***

0,011

0,007***

0,010

0,120

Tuổi DN

-0,001

0,883

-0,005

0,248

0,007

0,384

Kinh nghiệm

0,019

0,007***

0,011

0,006***

0,019

0,002***

Loại hình

-0,04

0,045**

-0,024

0,250

-0.117

0,002***

Hỗ trợ

0,011

0,486

0,012

0,400

0,010

0,680

Quan hệ XH

-0,020

0,157

-0,008

0,548

-0.021

0,337

Hệ số chặn

-0,131

0,007

-0,109

0,005

-0,097

0,224

R2

0,499

0,433

0,51

Số quan sát

60

60

60

Nguồn: Xử lý từ số liệu khảo sát 60 doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Bạc Liêu, 2019

Ghi chú: **; ***: tương ứng với mức ý nghĩa 5% và 1%

Trước khi ước lượng mô hình hồi qui các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD tỉnh Bạc Liêu, các kiểm định đa cộng tuyến và phương sai sai số thay đổi được thực hiện. Kết quả kiểm định đa cộng tuyến (VIF) ở cả 3 mô hình cho thấy, hệ số VIF = 1,88 < 5, tức là không có xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi (kiểm định Breusch-Pagan) bằng câu lệnh “hettest” cho thấy. Kết quả kiểm định cho thấy, ở cả 3 mô hình đều có xảy ra hiện tượng phương sai sai số thay đổi do kết quả kiểm định Chi bình phương có Prob > chi2 = 0,000 < 1%. Do đó, để đảm bảo mô hình nghiên cứu là phù hợp, nghiên cứu sử dụng vòng lặp robustness để khắc phục và hệ số ước lượng được thực hiện lại (Bảng 2).

Kết quả ước lượng ở Bảng 2 cho thấy, trong 7 biến độc lập đưa vào mô hình nghiên cứu:

Có 3 biến tác động có ý nghĩa thống kê đối với mô hình (1), các biến bao gồm: trình độ học vấn (tdhv), kinh nghiệm quản lý (knghiem) và loại hình doanh nghiệp (loaihinh), các biến có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và 5%. Trong đó, biến loaihinh có mối tương quan nghịch với hiệu quả hoạt động (ROA). Điều này có nghĩa là các DNXD thuộc loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động hiệu quả hoạt các doanh nghiệp tư nhân. Các biến tdhvknghiem có mối tương quan thuận với hệ số ROA, nghĩa là khi chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn càng cao, kinh nghiệm quản lý càng nhiều, hiệu quả hoạt động càng cao.

Có 2 biến tác động có ý nghĩa thống kê đối với mô hình (2), các biến bao gồm trình độ học vấn (tdhv) và kinh nghiệm (knghiem). Các biến này đều tác động có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có mối tương quan thuận với hệ số ROE.

Có 2 biến tác động có ý nghĩa thống kê đối với mô hình (3), các biến bao gồm: kinh nghiệm quản lý (knghiem) và loại hình doanh nghiệp (loaihinh). Trong đó, biến loại hình doanh nghiệp (loaihinh) có mối tương quan nghịch với hệ số ROS, các biến đều tác động có ý nghĩa thống kê ở mức 1%.

5. Kết luận

Kết quả phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNXD tỉnh Bạc Liêu cho thấy, doanh thu DNXD tăng dần qua các năm, nhưng có sự giảm dần về tốc độ tăng trưởng so với năm trước. Lợi nhuận của ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh vào các năm 2017 và năm 2018. Sự sụt giảm mạnh của lợi nhuận có nguyên nhân đến từ sự gia tăng đột biến của chi phí trong tổng doanh thu. Bên cạnh đó, kết quả ước lượng mô hình hồi qui cho thấy, có 3 biến tác động có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động của các DNXD tại tỉnh Bạc Liêu, các biến bao gồm: trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý và loại hình doanh nghiệp. Trong đó, biến kinh nghiệm quản lý của chủ doanh nghiệp tác động mạnh nhất đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trương Đông Lộc và Nguyễn Đức Trọng, Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNVVN đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số (50), tháng 5/2010.
  2. Mai Văn Nam (2008), Giáo trình nguyên lý thống kê, Nxb Văn hóa thông tin, (2008).
  3. Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam, Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thành Phố Cần Thơ, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số (19b), tr.122-129, (2011).
  4. Lê Khương Ninh, Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số (67), 10/2011.
  5. Nguyễn Minh Tân, Võ Thành Danh và Tăng Thị Ngân, Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bạc Liêu, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số (38d), tr.34-40, (2015).
  6. Anne Ngima Kinyua, Factors Affecting the Performance of Small and Medium Enterprises in the Jua Kali Sector In Nakuru Town, Kenya, Journal of Business and Management, e-ISSN: 2278-487X, p-ISSN: 2319-7668. Volume (16), Issue 1. Ver. IV (Jan. 2014), PP 80-93, (2014).
  7. Henrik Hansen, John Rand and Finn Tarp (2002), SME Growth and Survival in Vietnam: Did Direct Government Support Matter? (2002).

Factors affecting the performance of construction enterprises located in Bac Lieu province

Master. Nguyen Minh Tan

Can Tho University of Technology

Master. Tang Thi Ngan

Can Tho Technical Economic College

Master. Lam Hai Bang

Post Office of Phuong Long District, Bac Lieu Province

ABSTRACT:

This study analyzes factors that affect the performance of construction enterprises located in Bac Lieu province. This study’s data was collected from 60 provincial construction enterprises. The multivariate regression model was used in this study to test the correlation among factors. The study’s estimated result showed that education, management experience and type of business are factors affecting the performance of construction enterprises in Bac Lieu province.

Key words: Performance, construction enterprise, Bac Lieu province.