Cần Thơ đặt mục tiêu có 200 doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 được UBND TP. Cần Thơ ban hành hướng đến việc huy động tối đa nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, chương trình đưa ra mục tiêu chung là tiếp tục tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của thành phố và phù hợp yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp cả nước, bao gồm ba lĩnh vực: sản xuất linh kiện phụ tùng (công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chế biến nông thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống); công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may- da giày.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thu hút các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.

Về mục tiêu cụ thể, chương trình kỳ vọng đến năm 2025, có 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Trong đó, có trên 50% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Để đạt mục tiêu nêu trên, chương trình này của TP Cần Thơ yêu cầu rà soát, bổ sung và vận dung linh hoạt các cơ chế chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích hấp dẫn hơn cho đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hình thành, phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng nhân lực, cả về chất lượng và số lượng để phục vụ cho phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

T.Xuân