Chính thức ký kết Hiệp định RCEP, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Sáng 15/11/2020, tại Hà Nội, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 9 - 15/11). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Lễ ký kết
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Lễ ký kết

RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. FTA lớn nhất thế giới này là thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ Đô la Mỹ tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cho thấy, thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phảm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký kết Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký kết Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký kết Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ.

Các Bộ trưởng Kinh tế RCEP đều bày tỏ tin tưởng, với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Hiệp định chắn chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao lại bản ký cho đại diện ASEAN
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao lại bản ký cho đại diện ASEAN

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA. Thay vì hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo ra một khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

Cụ thể, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Các nước đại diện ký kết Hiệp định RCEP

Ngoài ra, RCEP cũng là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu thông qua đảm bảo thị trường cho sự hình thành và phát triển không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Các nền kinh tế đa dạng trong RCEP với nhiều tiềm năng về vốn đầu tư, công nghệ, nguyên nhiên liệu đầu vào,… sẽ hợp tác mạnh mẽ để đưa khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới này phát triển hơn.

Đáng chú ý, tại Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Ấn Độ, các Bộ trưởng RCEP khẳng định Hiệp định để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ kể từ ngày có hiệu lực.

Theo đó, các Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với Hiệp định và khẳng định RCEP vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia. Việc tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP sẽ được hoan nghênh, với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.

Lễ ký kết Hiệp định RCEP

Thy Thảo