Dự Lễ kỷ niệm còn có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban, Bộ ngành, các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong nước.
Về lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và TP. Cần Thơ qua các thời kỳ và đông đảo người dân tỉnh Hậu Giang.
Cách đây 20 năm, ngày 26/11/2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ ra thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Tỉnh Hậu Giang được thành lập là dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử hình thành và phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ, qua 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng để bứt phá vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, ấn tượng, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Trung ương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội; cùng với những nỗ lực, quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, Hậu Giang sớm thoát khỏi tình trạng yếu kém của một tỉnh mới thành lập, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, chọn các chủ đề gắn với nghị quyết từng năm để làm bước đột phá, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận định, Hậu Giang - vùng đất trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau; căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến; nơi ghi dấu ấn nhiều chiến thắng vang dội như Tầm Vu, Chương Thiện; nơi đặt cơ sở đầu tiên của Trường Đảng miền Nam đào tạo cán bộ cách mạng. Hậu Giang có dòng kênh xáng Xà No trở thành biểu tượng “Con đường lúa gạo miền Hậu Giang”; có chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng, lưu truyền mối tình đẹp của anh bán chiếu và lưu giữ nhiều giá trị truyền thống độc đáo của vùng Nam Bộ. Hậu Giang còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đất chín rồng. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, nhân dân Hậu Giang đã vun đắp nên truyền thống đoàn kết, kiên trung, bất khuất, gan dạ, anh hùng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của tỉnh nhà và những bài học kinh nghiệm quý báu trong 20 năm qua, tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng hội tụ các điều kiện thế mạnh, tiềm năng; nằm ở khu vực trung tâm, giáp ranh với thành phố Cần Thơ, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam bộ, vì thế, tỉnh cần tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền sông nước; lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đất nước. Sau 20 năm thành lập, Hậu Giang hôm nay với sức sống mới, khí thế mới, một khát vọng mạnh mẽ vươn lên tầm cao mới, một niềm tin vững bước đi tới tương lai.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hậu Giang chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gần với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, phục vụ đời sống Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, đẩy mạnh liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Thúc đẩy các trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng: Công nghiệp hiện đại - nông nghiệp sinh thái - đô thị văn minh - du lịch, bảo đảm chất lượng, vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hiệu quả tình trạng xâm nhập mặn, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Đồng thời, Chủ tịch nước Võ Văn thưởng cũng lưu ý Hậu Giang phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Quan tâm nhiều hơn cho chăm sức khỏe Nhân dân, nâng chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo nguồn lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang cần đặc biệt coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; coi biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là bài học để ứng xử khiêm tốn và khoa học với thiên nhiên.
Chủ tịch nước chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm các tổ chức Đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, sâu sát cơ sở, hiểu dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị - xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.