Tóm tắt:
Cơ chế giá mua bán điện FIT (Feed-in-tariff) đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã chứng minh được là một trong những công cụ chính sách hiệu quả, giúp khắc phục được những rào cản chi phí để phổ biến và thương mại hóa các dạng năng lượng tái tạo (NLTT). Bài báo đưa ra một cái nhìn tổng quan về cơ chế giá điện FIT, các mô hình đã được triển khai cũng như chính sách của một số quốc gia trên thế giới, sau đó tập trung đánh giá cơ chế giá FIT của Việt Nam trong thời gian qua và chỉ ra những hạn chế của các chính sách, từ đó đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp cho Việt Nam để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
Từ khóa: giá điện FIT, cơ chế giá mua bán điện FIT, năng lượng tái tạo cho phát điện.
1. Đặt vấn đề
Tốc độ tiêu thụ năng lượng tăng nhanh trong vài thập kỷ qua đang trở thành mối lo ngại toàn cầu về các tác động tiêu cực của nó. Việc chuyển dịch năng lượng hướng đến sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Chính vì vậy, vấn đề tạo động lực cho sự phát triển NLTT đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới.
Cơ chế giá điện FIT là một công cụ hỗ trợ cho các nhà sản xuất điện từ các nguồn NLTT, được khuyến khích bằng hợp đồng mua điện giá cố định dài hạn cho các nhà đầu tư sản xuất điện từ NLTT, cùng nghĩa vụ mua và quyền tiếp cận lưới điện được đảm bảo sẽ giúp tăng tính an toàn cho nhà đầu tư. Qua đó, cơ chế này nâng cao tính cạnh tranh NLTT so với các dạng năng lượng truyền thống.
Nghiên cứu này sẽ tập trung xem xét thực trạng cơ chế FIT đã và đang triển khai tại Việt Nam, các mô hình FIT cũng như các cơ chế khác nhằm phát triển NLTT cho phát điện được triển khai trên thế giới để có những khuyến nghị giải pháp nhằm giúp đẩy mạnh phát triển bền vững NLTT cho phát điện tại Việt Nam.
2. Tổng quan về cơ chế giá điện FIT và triển vọng phát điện từ năng lượng tái tạo
2.1. Khái niệm về giá điện FIT
Thuật ngữ “Feed-in Tariffs” (FIT) có từ những năm 70 của thế kỷ XX khi đề cập đến phát triển NLTT và hiện đã phổ biến trên toàn thế giới. Theo Kangsadan Sagulpongmalee, Apichit Therdyothin (2016), giá điện FIT có thể được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ, nó được ban hành đầu tiên tại Mỹ vào năm 1978. Đây là một cơ chế đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, tăng khả năng cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống trong phát điện. Wilson Rickerson (2012) cho rằng cơ chế giá điện FIT thường được áp dụng trong các hợp đồng có thời hạn từ 10 - 25 năm, có thể phân biệt theo loại công nghệ, quy mô dự án, chất lượng tài nguyên cũng như vị trí dự án,… và giá điện FIT cũng có thể được hiệu chỉnh định kỳ. Giá điện FIT hàm chứa 3 yếu tố cốt lõi để phát triển nguồn NLTT, đó là: (i) một sự đảm bảo để nguồn NLTT kết nối với lưới điện; (ii) một hợp đồng mua bán điện dài hạn; và (iii) một mức giá bán điện hợp lý cho nhà đầu tư.
2.2. Phương pháp tiếp cận xác định giá điện FIT
Một trong những vấn đề cơ bản đối với các nhà hoạch định chính sách là xác định giá điện FIT như thế nào. Hiện có nhiều phương pháp được áp dụng, việc lựa chọn tùy theo mục tiêu chính sách của các quốc gia. Toby D. Couture, Karlynn Cory, Claire Kreycik, Emily Williams (2010) cho rằng cơ bản có thể chia thành 4 loại như sau:
(1) Dựa trên chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận này được sử dụng phổ biến nhất ở EU và nó cũng rất thành công trong việc thúc đẩy phát triển NLTT trên toàn thế giới.
(2) Dựa trên “giá trị” của điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo đối với xã hội, thường được thể hiện dưới dạng “chi phí tránh được”. Cách tiếp cận này được sử dụng ở California, cũng như ở British Columbia (miền Tây Canada).
(3) Đưa ra một hình thức khuyến khích giá cố định mà không liên quan đến chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo cũng như chi phí tránh được.
(4) Dựa trên kết quả đấu giá hoặc đấu thầu. Đây là cách tiếp cận định hướng thị trường, thúc đẩy cạnh tranh. Cơ chế dựa trên đấu giá có thể được áp dụng và phân biệt dựa trên các công nghệ, quy mô dự án khác nhau,... Đây là một biến thể của phương pháp dựa trên chi phí.
2.3. Lựa chọn mô hình thiết kế chi trả của giá điện FIT
Mô hình giá điện được thiết kế chia làm 2 loại, đó là mô hình độc lập với thị trường điện và mô hình phụ thuộc vào thị trường điện. Cụ thể:
(1) Mô hình độc lập với thị trường (gồm 4 lựa chọn): Lựa chọn đầu tiên và cơ bản nhất là mô hình FIT theo giá cố định trong suốt thời gian của hợp đồng; Thứ hai là mô hình giá cố định có điều chỉnh lạm phát toàn bộ hoặc một phần; Thứ ba là mô hình FIT được áp dụng trả cao hơn trong những năm đầu và thấp hơn ở những năm sau; Thứ tư là mô hình khoảng cách thị trường giao ngay, trong đó thanh toán FIT thực tế bao gồm khoảng cách giữa giá thị trường giao ngay và giá FIT được yêu cầu. Mô hình này không hoàn toàn là một mô hình phụ thuộc vào thị trường vì nó được đảm bảo về việc mua điện.
(2) Mô hình phụ thuộc thị trường (gồm 3 lựa chọn): Đầu tiên là mô hình FIT bù giá thị trường, là mô hình trả giá cao hơn giá điện bán lẻ hoặc điện thị trường tại thời điểm đó; Thứ hai là mô hình FIT biến đổi, cấu trúc của mô hình này kết hợp thanh toán trần hoặc thanh toán sàn. Phần khuyến khích của các nhà đầu tư nhận được sẽ phụ thuộc vào hành vi của thị trường. Trong mô hình này, khoản trợ giá nhận được sẽ giảm dần và bằng 0 khi giá thị trường đạt đến một mức xác định và nhà đầu tư chỉ nhận được giá bán lẻ; Thứ ba là mô hình FIT xác định bằng tỷ lệ phần trăm cố định của giá bán lẻ điện năng.
3. Cơ chế giá điện FIT được triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua
3.1. Các chính sách và mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cho phát điện của Việt Nam
Các chính sách đã ban hành
Tầm quan trọng của năng lượng tái tạo từ lâu đã được đề cập trong các chiến lược, chính sách năng lượng quốc gia của Việt Nam. Nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ cho phát triển NLTT đã được ban hành để thúc đẩy phát triển NLTT, đặc biệt là NLTT cho phát điện. Trong các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia V, VI, VII đều đã đưa ra những cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT, đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn NLTT cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn NLTT.
Bên cạnh đó, một loạt những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được ban hành, cụ thể:
- Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam;
- Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam;
- Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam;
- Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cho phát điện
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các loại NLTT trong tổng thể năng lượng quốc gia được xác định như sau: (Bảng 1)
Bảng 1. Quy hoạch năng lượng tái tạo cho phát điện
3.2. Cơ chế giá điện FIT đã triển khai trong thời gian qua
Đối với các dự án điện gió nối lưới
Theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg (Quyết định 37), các dự án điện gió được áp dụng cơ chế giá FIT cố định bằng VNĐ, tương đương 7,8 UScents/kWh (giá chưa bao gồm thuế VAT).
Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (Quyết định 39) về điều chỉnh giá FIT so với Quyết định 37 cho các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 11 năm 2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Cụ thể:
- Đối với các dự án điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 8,5 UScents/kWh.
- Đối với các dự án điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 9,8 UScent/kWh.
Đối với các dự án điện mặt trời nối lưới
Giá điện FIT cố định cho các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (Quyết định 11). Cụ thể:
- Đối với dự án nối lưới: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 9,35 UScents/kWh. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15% và được áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019.
- Đối với dự án trên mái nhà: được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều.
Ngày 08/01/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg (Quyết định 02) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg. Theo Quyết định này, một số chính sách liên quan đến dự án điện mặt trời được, cơ bản là điều chỉnh cơ chế mua bán điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà, thay đổi từ cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) thành cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt:
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QÐ-TTg (Quyết định 13) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tháo gỡ nút thắt về giá mua điện do Quyết định số 11/2017/QÐ-TTg đã hết hiệu lực vào tháng 6/2019. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 quy định mức giá mua điện mới áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 (trừ các dự án đã vào quy hoạch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021, với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được áp dụng mức giá mua điện cũ là 9,35 cent/kWh).
Đối với các dự án điện sinh khối nối lưới
Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện cho các dự án điện sinh khối nối lưới. Giá bán điện của các dự án điện sinh khối nối lưới được quy định như sau:
- Đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 5,8 UScents/kWh.
- Đối với các dự án điện sinh khối khác: Giá bán điện được áp dụng theo biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối. Hàng năm, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối.
Ngày 05/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg, điều chỉnh giá bán điện đối với các dự án điện sinh khối như sau:
- Đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 7,03 UScents/kWh.
- Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện bằng VNĐ, tương đương 8,47 UScents/kWh.
Nhận xét chung về cơ chế cơ chế giá điện FIT của Việt Nam
Qua các cơ chế giá điện FIT của Việt Nam được ban hành trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy Việt Nam đã lựa chọn mô hình biểu giá FIT cố định, độc lập với thị trường điện. Giá điện FIT áp dụng thống nhất trong cả nước, không phân biệt quy mô và vị trí địa lý dự án (trừ các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì được phân biệt điện gió trong đất liền và điện gió trên biển). Cơ chế giá điện FIT đối với các dự án đều được thiết kế với thời hạn hợp đồng là 20 năm.
3.3. Những hạn chế, vướng mắc của cơ chế giá điện FIT ở nước ta
Hành lang pháp lý
Thị trường NLTT cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư, cơ chế giá điện FIT ở nước ta trong thời gian qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Cụ thể:
- Đối với điện mặt trời. Trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2020, Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh bằng các Quyết định 11; Quyết định 02 và Quyết định 13. Hơn nữa, Quyết định 13 cũng chỉ áp dụng cho các dự án đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31/12/2020.
- Đối với điện gió. Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39 áp dụng cơ chế giá điện FIT cho các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Các dự án điện gió sau ngày 1/11/2021 cũng chưa có cơ chế áp dụng.
Biểu giá điện FIT
- Giá FIT được áp dụng thống nhất trong cả nước dẫn đến hiện tượng tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng kinh tế lớn (bức xạ điện mặt trời cao, tốc độ gió bình quân lớn). Hệ quả là quá tải lưới điện một số khu vực hoặc do đầu tư tại những nơi có nhu cầu điện thấp, phải truyền tải điện đi xa.
- Giá FIT được áp dụng chung, không phân biệt quy mô cũng sẽ dẫn đến bất cập. Các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các dự án có quy mô nhỏ nếu có cùng các điều kiện tự nhiên.
Quản lý quy hoạch
Như đã đề cập trong mục 3.3, khi tỷ trọng các nguồn điện gió, điện mặt trời tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây rất nhiều khó khăn trong đảm bảo vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia. Dễ dàng thấy được điều này từ phân tích từ hình dạng biểu đồ phụ tải ngày 30/12/2020 ở Hình 1. Với công suất nguồn điện mặt trời tương đương khoảng 16.500 MW đã được lắp đặt, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h - 14h do lúc này, phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày. Mặt khác, vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30 - 18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn. Nhưng lúc này, khả năng đáp ứng của điện mặt trời hầu như không còn. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng các tổ máy phát điện truyền thống.
Hình 1: Biểu đồ phụ tải hệ thống điện toàn quốc ngày 30/12/2020
Nguồn: https://cpc.vn
4. Một số giải pháp khuyến nghị
Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng đã có những điều chỉnh, sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện NLTT để bắt kịp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Qua quá trình triển khai các cơ chế giá điện FIT tại Việt Nam, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:
Đối với cơ chế thúc đẩy phát điện từ NLTT và giá điện FIT
(1). Cơ chế thúc đẩy phát điện từ NLTT và giá điện FIT cần đảm bảo kiểm soát được sự gia tăng công suất điện từ NLTT, cũng như đảm bảo kiểm soát được chi phí tổng thể của chính sách.
(2). Cơ chế cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án để có thể điều chỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như khuyến khích phát triển các công nghệ phát điện từ NLTT.
(3). Cơ chế cần khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà phát triển dự án và cần mang tính “định hướng thị trường”. Hình thức đấu giá cạnh tranh đã được chứng minh là rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư và hiện đang là xu thế trên thế giới. Việt Nam có thể xem xét duy trì song song cả cơ chế giá điện FIT cho các dự án quy mô nhỏ và hình thức đấu giá đối với các dự án có quy mô lớn.
(4). Cơ chế phải kiểm soát được sự phát triển tại từng khu vực, từng vùng, miền theo từng giai đoạn. Tránh việc chỉ tập trung tại các vị trí thuận lợi cho việc kết nối lưới. Điều này có thể dẫn đến việc không đảm bảo tối ưu, không sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến độ tin cậy của lưới điện như đã xảy ra trong thời gian qua.
Đối với công tác dự báo, hoạch định và thực thi chính sách
(1). Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, những công nghệ sản xuất điện từ NLTT có sự thay đổi nhanh chóng, suất đầu tư và chi phí phát điện quy dẫn của NLTT giảm nhanh. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải dự báo tốt được xu thế nhằm có thể hoạch định các chính sách phù hợp, tránh những sửa đổi quá đột ngột và / hoặc quá lớn, dẫn đến giảm tính ổn định, do đó làm giảm sức hấp dẫn của thị trường NLTT đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
(2). Cần nghiên cứu đề xuất cơ chế phù hợp với các điều kiện thị trường khác nhau, đặc biệt khi chúng ta đã triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và chuẩn bị tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
(3). Cần đảm bảo rằng chính sách ban hành phải kiểm soát được chi phí tổng thể ngay từ đầu. Do vậy, cơ chế, chính sách cần được xem xét đánh giá cụ thể chi phí và lợi ích của nó, phải đánh giá được tác động ròng của chính sách với từng phương án để có thể lựa chọn được phương án hiệu quả nhất.
(4). Cần phải cân nhắc chi phí của “cơ chế thúc đẩy phát điện từ NLTT và giá mua bán điện FIT” sẽ được tài trợ như thế nào? Có nên kết hợp cơ chế chia sẻ chi phí để phân bổ khi cơ chế này tác động đến chi phí cung cấp điện năng. Nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển năng lượng bền vững và có cơ chế chính sách để tạo nguồn cho quỹ này để hỗ trợ, trợ cấp cho dự án phát điện từ NLTT.
(5). Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan: Cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, chủ đầu tư và đơn vị điện lực trong quá trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch, chủ trương đầu tư trong quá trình chuẩn bị đầu tư và đầu tư, qua đó nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện.
5. Kết luận
Phát triển năng lượng bền vững giúp chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng cuộc sống của con người. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc đẩy nhanh sự tham gia của các nguồn NLTT cho phát điện đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng mà còn đảm bảo cho phát triển bền vững của nền kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển NLTT cho phát điện, cơ chế giá mua bán điện FIT là một công cụ quan trọng được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam trong thời gian qua cũng đã áp dụng FIT để kích thích phát triển NLTT và chúng ta cũng đã đạt được những kết quả khả quan nhất định. Nhưng có thể thấy, qua giai đoạn 10 năm triển khai, cơ chế giá FIT được ban hành cũng còn có nhiều hạn chế, bất cập.
Nghiên cứu này đã tập trung đánh giá cơ chế giá điện FIT tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó tìm ra những hạn chế và đề xuất một số khuyến nghị giải pháp trong xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát điện từ NLTT nói chung và giá điện FIT nói riêng, nhằm đảm bảo sự phối hợp tối ưu giữa các nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo trong phát điện cũng như khuyến khích phát triển NLTT một cách bền vững và có hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Atkins. (2018). Study on the Feed-in Tariff Rates for Renewable Energy in Hong Kong. Atkins Ltd.
- IRENA. (2019). Renewable Power Generation Costs in 2018. Retrieved from: https://www.irena.org/publications/2019/May/Renewable-power-generation-costs-in-2018
- Kangsadan Sagulpongmalee, Apichit Therdyothin. (2016). The Evaluation of Feed-in Tariff Models for Photovoltaic System in Thailand. EDP Sciences.
- Lorenz & Partners. (2019). Renewable Energy in Thailand. Newsletter No. 210 (EN). Retrieved from: https://lorenz-partners.com/renewable-energy-in-thailand/
- REN21. (2021). Renewables 2021- Global status report. Retrieved from: https://www.ren21.net/gsr-2021/
- Sanjayan Velautham (2018). ASEAN Feed-In-Tariff (FIT) mechanism report. ASEAN Centre for Energy.
- Toby D. Couture, Karlynn Cory, Claire Kreycik, Emily Williams. (2010). A Policymaker’s Guide to Feed-in Tariff Policy Design. Retrieved from: https://www.nrel.gov/docs/fy10osti/44849.pdf
- Wilson Rickerson. (2012). Feed-in tariffs as a policy instrument for promoting renewable energies and green economics in developing countries. United Nations Environment Programme.
- Winston & Strawn (2014). Feed-In Tariff Handbook for Asian Renewable Energy Systems. Rechieved from: https://www.winston.com/images/content/9/1/v2/91697/Feed-In-Tariff-Handbook-for-Asian-Renewable-Energy-Systems.pdf
- Chính phủ (2015). Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Chính phủ (2016). Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.
- Chính phủ (2011). Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
- Chính phủ (2017). Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
- Chính phủ (2018). Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam
- Chính phủ (2019). Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
- MOIT (2021). Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 11,4% trong 6 tháng đầu năm. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/nang-luong-tai-tao-chiem-ty-trong-11-4-trong-6-thang-dau-nam.html19. https://solar.evn.com.vn/#/
THE FEED-IN-TARIFF POLICY OF VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
Ph.D Pham Canh Huy1
Master. Nguyen Thanh Trang2
Master. Nguyen Tuan Cuong3
1School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology
2National Load Dispatch Centre
3 Electricity and Renewable Energy Authority, Ministry of Industry and Trade
Abstract:
The feed-in-tariff (FIT) policy has been applied in many countries around the world. The fact shows that the FIT is one of effective tools to overcome cost barriers to encourage and commercialize renewable energy sources. This paper presents an overview of the FIT mechanism, models that have been implemented, and FIT policies of some countries. This paper also evaluates the FIT policy of Vietnam over the past time, and points out shortcomings of this policy. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to encourage the development of renewable energy sources in Vietnam in the future.
Keywords: feed-in-tariff, feed-in-tariff mechanism, electricity generation from renewable energy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]