Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là Hiệp định thương mại thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, với mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết...
Sau gần 10 năm đàm phán, ngày 08/6/2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 01/8/2020. Ngày 06/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA; để kịp thời triển khai thực hiện hiệp định tại địa phương, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ. EVFTA là Hiệp định đầy tiềm năng, bao gồm 27 quốc gia thành viên với hơn 500 triệu dân, là một trong 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc và khi tham gia Hiệp định EVFTA là có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Hiện nay, theo thống kê kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Đắk Nông hàng năm phát sinh chủ yếu tại thị trường các nước thành viên CPTPP, chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, nhưng chỉ phát sinh chiếm khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu tại thị trường các nước thành viên EVFTA (khoảng 20 Triệu USD/ năm); điều này, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (Cafe, Điều, Hồ tiêu, Cao su), đối với một số sản phẩm tiềm năng như: rau củ quả, trái cây các loại chưa phát sinh giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
Trong khi đó EU là thị trường nhập khẩu rau, quả hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, rau quả nhập từ Việt Nam hàng năm chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 0,08%, nhu cầu). Theo cam kết EU sẽ mở cửa rất mạnh cho mặt hàng rau quả của Việt Nam trong EVFTA, cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.
Nhận thấy, đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông thuộc Nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; trong đó, đặc biệt là củ quả, trái cây các loại, hiện nay Đắk Nông có diện tích trồng và sản lượng thu hoạch hàng năm là rất lớn khoảng 12.000 ha, tập trung tại các huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong, Tuy Đức… như: Sầu riêng khoảng 2.837 ha, sản lượng khoảng 24.672 tấn; Xoài khoảng 1.146 ha, sản lượng khoảng 4.365 tấn; Bơ khoảng 2.427 ha, sản lượng khoảng 20.776 tấn và Chanh dây ước khoảng 1.180 ha, sản lượng khoảng 20.539 tấn và nhiều loại cây ăn quả có múi khác như cam, mít…; các sản phẩm này, hiện nay chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, đến mùa thu hoạch nông dân chủ yếu bán cho thương lái thu mua gom hàng về các vựa, sau đó phân loại và bán ra thị trường nội địa các tỉnh và một số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên thường xuyên diễn ra tình trạng bị tư thương ép giá và đối tác nhập khẩu thương xuyên áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, gây bất lợi và nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, nông sản của tỉnh để được xuất khẩu sang thị trường EU phải chấp nhận đương đầu với những khó khăn, thách thức như: rào cản kỹ thuật rất chặt chẽ, đặc biệt là về kiểm dịch động thực vật, quản lý chất lượng, thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) …Vì vậy, đối với mặt hàng nông sản củ quả, trái cây của tỉnh Đắk Nông như: bơ, sầu riêng, xoài, chanh dây … cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…để đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của thị trường này.
Để đáp ứng với yêu cầu hàng hóa nhập khẩu sang thị trường EVFTA và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, góp phần ổn định an ninh- chính trị trên địa bàn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã rất quan tâm chỉ đạo và ban hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh Đắk Nông đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án phát triển ngành nông nghiệp. Đó là, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết, giai đoạn 2020- 2025 trên địa bàn tỉnh …
Thời gian tới, với sự quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, dự kiến sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường thành viên các nước EVFTA, đặc biệt là nhóm sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra./.