Điều khiến người dân, doanh nghiệp hợp tác đấu tranh với hành vi kinh doanh trái pháp luật

Cơ quan chức năng có thể thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng trong hợp tác đấu tranh với các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
kinh doanh trái pháp luật

Tâm lý e ngại

Trong một buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sau khi nghe lãnh đạo Tổng cục báo cáo có nhiều doanh nghiệp rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này; lãnh đạo Bộ Công Thương đã phân tích và giao nhiệm vụ “Chính các đồng chí làm mới có thể thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng”.

“Thay đổi tư duy” mà lãnh đạo Bộ nói ở đây là doanh nghiệp và người dân hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước chống lại việc sản xuất, kinh doanh hàng giả. “Hợp tác” là có đi có lại, xuất phát từ hai phía. Nhưng trong khi doanh nghiệp và người dân còn “có tâm lý  e ngại” thì cơ quan quản lý phải là người chủ động thúc đẩy sự hợp tác đó.

Tâm lý e ngại của doanh nghiệp mà lãnh đạo Tổng cục nói là có thực. Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả, nhưng nhiều doanh nghiệp cắn răng chịu trận. Không báo cho cơ quan chức năng hay thông tin cho cơ quan truyền thông vì sợ rằng, người tiêu dùng biết mặt hàng này bị làm giả, lại không có kỹ năng phân biệt thật-giả, nên họ sẽ lảng tránh, chuyển sang mua sản phẩm tương tự của những doanh nghiệp chưa bị phát hiện làm giả.

Một số doanh nghiệp khác chưa hiểu rằng, tuy việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định là hàng giả, phải có giám định kết luận hàng giả, lúc đó mới bị tiêu hủy. Thấy quá trình xử lý hàng giả theo từng bước như quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng có thể nản lòng, không muốn báo cơ quan chức năng xử lý.

Kiên quyết đấu tranh

Hành động quyết liệt của cơ quan chức năng có tác động rất lớn đến sự hợp tác của người dân và doanh nghiệp. Năm 2022 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động nghiên cứu, rà soát các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật; xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực như phân bón, vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường cao tốc...

Trong năm 2022, đã tiếp nhận và xử lý 145 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam...

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022; triển khai các Đề án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ hơn 12.000 cuộc gọi của người tiêu dùng; giải quyết gần 1.000 phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành để kịp thời phát hiện, chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý các hành vi, vụ việc nổi cộm vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên thị trường như: vụ thu phí nắng nóng của Grab; vụ bán kèm gói dịch vụ khi mua ô tô...

Trong lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong năm 2022, đã chuyển thông tin 18 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời đối với các đối tượng có hiện diện trong nước, hoặc chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính trái phép không có hiện diện tại Việt Nam.

Đã tiếp nhận và xử lý 19 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 27 hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 70 hồ sơ thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; 01 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, 04 hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ.

Trong năm 2022, đã thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 doanh nghiệp với số tiền phạt 1,87 tỷ đồng, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp.

Qua sự việc trên chúng ta thấy rõ, việc xây dựng niềm tin mang tính quyết định nhất đến sự hợp tác của người dân và doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tổng cục QLTT xây dựng niềm tin bằng những phương châm, kế hoạch cụ thể. Đó là:

- Phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình tấn công vào những trung tâm đầu nậu, những điểm nóng, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả.

- Cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Trong đó, các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể.

- Đối với các vụ việc điển hình đã được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm, Tổng cục cần nghiên cứu sâu, phân tích và rút ra những định hướng, nhất là các biện pháp, giải pháp để làm tốt trong các vụ việc tiếp theo.

- Tổ chức các đoàn làm việc tại địa phương, xây dựng các đề án trực tiếp gắn với các địa bàn cụ thể.

- Nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng QLTT để tìm ra các sở trường, sở đoản; đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường, đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả.

Trên cơ sở đó, Tổng cục QLTT đã xây dựng chiến lược hoạt động trong các năm tới. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP, các Chỉ thị 17, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ; các Kế hoạch số  11 và Kế hoạch 1239 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Hành động quyết liệt, có kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm không chỉ nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, mà còn là tiền đề khiến người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng đấu tranh với các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Hợp tác đấu tranh với kinh doanh trái pháp luật

Trên thực tế, trong những năm qua, với tinh thần kiên quyết đấu tranh, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố.

Năm 2022, đã ban hành gần 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, mặt hàng như: hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; xăng dầu; khí dầu mỏ hóa lỏng; vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; đường cát; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; bánh kẹo, đồ chơi dịp Tết Trung thu; phương tiện PCCC...

Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Tổng cục đã triển khai 2 Đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết. Trong năm 2022, lực lượng QLTT thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, chú trọng ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua đó, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cũng trong năm 2022, lực lượng QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra khoảng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp NSNN 348,2 tỷ đồng.

Nhờ những nỗ lực trên, lực lượng QLTT đã bước đầu tạo dựng được niềm tin của mình, làm thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng trong hợp tác đấu tranh với các hành vi kinh doanh trái pháp luật. Mỗi năm, thông qua đường dây nóng đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi phản ánh, tố giác về tình hình buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sửo hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, trong bối cảnh tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, đòi hỏi đòi hỏi lực lượng QLTT phải tập trung nguồn lực với ý thức trách nhiệm cao, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời phản ứng chính sách, đề xuất các giải pháp ứng phó nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra, gây dựng lòng tin với doanh nghiệp, người dân. Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng QLTT một số nhiệm vụ sau:

- Triển khai thí điểm giới thiệu, bổ nhiệm người đứng đầu Cục QLTT cấp tỉnh không phải là người ở địa phương đối với một số địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm. Tăng cường phân cấp về tổ chức, quản lý công chức và người lao động của lực lượng QLTT. Duy trì kiểm tra, sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ đối với lãnh đạo cấp Phòng, Đội và kiểm soát viên thị trường toàn lực lượng công khai kết quả.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, chính sách, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực thi công vụ của công chức toàn lực lượng để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT trong tình hình mới

- Hoàn thành công tác số hóa các cơ sở dữ liệu về thương nhân và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng. Xây dựng hạ tầng, cải tiến công nghệ, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại; xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử (TMĐT) được quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

- Nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thực thi công vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên TMĐT.

- Xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc thiên tại, dịch bệnh.

- Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

- Chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, như: thương mại điện tử, rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng, điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đường cát, hóa chất... và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

- Tổ chức triển khai một số Đề án trọng tâm: Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu tại các đơn vị. Tổ chức trao đổi, họp bàn và làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý tài sản của các đơn vị. Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý tài sản để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.

Chu Duy Linh