Đoàn Thanh niên Tạp chí Công Thương thăm và tặng quà tại Trung tâm nhân đạo Hồng Đức

Với tinh thần “ Lá lành đùm lá rách”, nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn, ĐTN Tạp chí Công Thươg đã trích Quỹ từ thiện của ĐTN mua 300kg gạo, tổ chức đến thăm và tặng quà cho các em khuyết tậ

Có mặt trong đoàn đi thăm và tặng quà cho trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc màu da cam tại Trung tâm, chúng tôi có cơ hội được biết nhiều hơn về những câu chuyện xúc động của không ít mảnh đời bất hạnh đang nương tựa dưới mái ấm tình thương hết sức đặc biệt này. Đặt chân đến đây, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là sự phấn khởi, niềm vui mừng, sự mến khách của cô và trò tại Trung tâm.

Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức nằm sâu trong con ngõ nhỏ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội chuyên nhận dạy nghề may cho người khuyết tật. Hiện nay, trung tâm đang dạy nghề và tạo việc làm cho gần 20 người khuyết tật có thu nhập ổn định hằng tháng. Ngoài ra, Trung tâm còn một cơ sở khác ở Chùa Ngòi (Bắc Ninh). Hơn 10 năm qua, Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức đã dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thanh, thiếu niên khuyết tật. Nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà của người khuyết tật, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Tiếp đoàn chúng tôi, bà Vũ Thị Viễn, Phó giám đốc Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức chia sẻ: Nhiều gia đình có con bị khuyết tật nặng, cứ ngỡ con mình không có khả năng lao động nhưng rồi dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của trung tâm nhiều em đã làm được việc và tiết kiệm gửi tiền lương hằng tháng về phụ giúp gia đình. Các em đến đây, mỗi em một hoàn cảnh một nỗi khó khăn riêng, có em khiếm thính, em khiếm thì, e thì thiểu năng trí tuệ, câm điếc, dị tật ở chân tay... Nhưng tất các em đều yêu thương chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Có những khi cô Viễn bận đi công tác xa vài ba ngày, nhưng khi về, nhà cửa công việc vẫn đâu ra đấy, các em tự bảo ban, phân chia sắp xếp công việc ổn thỏa.


Bà Vũ Thị Viễn - Phó giám đốc Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức (người đứng) chia sẻ về cuộc sống của các học viên tại Trung tâm.

Ban đầu, các em từ nhiều miền quê xa gần khác nhau, mỗi người một nơi đến với Trung tâm các em đều được học nghề miễn phí trong 3 tháng và được bố trí chỗ ăn, chỗ ở dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của cô Viễn. Trong thời gian học nghề, các em nào làm được sản phẩm sẽ được tính thành lương. Sau khi học nghề xong sẽ được trung tâm bố trí việc làm phù hợp theo khả năng của từng người. Công việc chủ yếu ở trung tâm là may quần, áo đồng phục cho các trường học và bảo hộ lao động cho công ty xí nghiệp.

Cảm thông với tấm lòng bao dung, sự hy sinh của cô Viễn đối với hàng trăm đứa trẻ khuyến tật, bác Chu Thị Minh Châu - một giáo viên về hưu, cũng có con đang học nghề và sống dưới mái ấm tình thương của Trung tâm Hồng Đức đã thường xuyên qua lại hỗ trợ cô Viễn, trong việc dạy dỗ các em. Bác Châu cũng tâm sự: có đến đây hàng ngày mới hiểu hết sự vất vả, sự tận tụy của cô Viễn với học trò và sự yêu thương quý mến các học trò dành cho cô, bản thân là một người mẹ tôi thấy rất ngưỡng mộ tình cảm cô trò dành cho nhau. Mặc dù, cuộc sống của các em vẫn còn nhiều khó khăn, bữa cơm của các em cả ngày chỉ khoảng 15 nghìn đồng, có thời gian đích thân bác Châu đã đi liên hệ xin những suất cơm thừa còn sạch sẽ từ Trường tiểu học Võ Thị Sáu về cho các em ăn thêm.

Những mảnh đời bất hạnh tưởng chừng không có lối thoát, những căn bệnh oái oăm đã gieo lên người các em, thế nhưng đến hôm nay nhiều em sau khi rời trung tâm có nghề đã về địa phương làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc tự mở cửa hàng may. Những em còn lại đang học nghề và làm việc tại trung tâm vẫn nhận hỗ trợ, giúp đỡ, dìu dắt để có được một cuộc sống yên bình, tất cả đều nhờ vào cái tâm và tấm lòng nhân ái của cô Viễn cũng như các nhà hảo tâm.