Đơn hàng tăng trở lại, ngành da giày kỳ vọng phục hồi những tháng cuối năm

Từ đầu tháng 8 đến nay, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành da giày đã có sự cải thiện, kỳ vọng vào một bức tranh sáng hơn trong quý IV/2023 và đầu năm 2024.
Tháng 8/2023, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 3,9% so với tháng trước
Tháng 8/2023, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 3,9% so với tháng trước

Sản xuất da giày tháng 8 tăng 3,9%

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2023 chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 3,9% so với tháng 7/2023 và giảm 1,4% so với tháng 8/2022. 

Trong đó, sản xuất giày, dép có đế hoặc mũ bằng da đạt gần 20 triệu đôi, giảm 6,71% so với tháng 7/2023 và giảm 35,61% so với tháng 8/2022; giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic đạt gần 35,7 triệu đôi, tăng 2,12% so với tháng 7/2023 và giảm 10,59% so với tháng 8/2022; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài đạt trên 38,2 triệu đôi, giảm 0,75% so với tháng 7/2023 và giảm 18,24% so với tháng 8/2022.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, sản xuất giày, dép có đế hoặc mũ bằng da đạt gần 165,9 triệu đôi, giảm 14,75% so với cùng kỳ năm 2022; giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic đạt hơn 271,5 triệu đôi, giảm 7,61% so với cùng kỳ năm 2022; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài đạt trên 303,1 triệu đôi, giảm 17,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Về xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt trên 1,72 tỷ USD, giảm 4% so với tháng 7/2023 và giảm 2,29% so với tháng 8/2022, chiếm 4,91% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,36 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 5,86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước.

Xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù trong tháng 8/2023 đạt trên 337,81 triệu USD, giảm 2,47% so với tháng 7/2023 và giảm 14,21% so với tháng 8/2022, chiếm 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 2,51 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm trên 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Mục tiêu tăng trưởng là bất khả thi

Năm 2022 ngành da giày Việt Nam về đích với 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 6,2 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với năm 2021.

Đầu năm 2023, theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD cả năm, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát tăng cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,… Cùng với đó, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này sụt giảm, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có da giày.

Sụt giảm tổng cầu khiến các doanh nghiệp khó duy trì đơn hàng
Sụt giảm tổng cầu khiến các doanh nghiệp khó duy trì đơn hàng

Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng, lên tới 30-50% đối với các thị trường truyền thống, đặc biệt hai thị trường chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam là Hoa Kỳ và EU đã lần lượt giảm 35% và 13%. 

Đơn hàng bị co hẹp và xuất khẩu chưa dự báo được thời điểm phục hồi khiến các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm lao động.

Con số 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 rõ ràng là bất khả thi trong bối cảnh này, khi mà đến thời điểm hết tháng 8 ngành da giày còn chưa chạm đến mốc 16 tỷ USD. Tại Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2023 diễn ra hồi tháng 6, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trong 3 kịch bản vạch ra năm nay, ngành đang ở kịch bản trung bình, tức xuất khẩu trong quý III tiếp tục giảm dưới 10% và phục hồi lại vào quý IV. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm ngành da giày sẽ giảm khoảng 7,5% so với năm trước.

Chủ động tìm lối ra, đơn hàng trở lại

Dự báo, tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến quý I/2024. Tuy nhiên, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành da giày.

Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do đang phát huy hiệu quả trong mang lại lợi thế cho sản phẩm khi ra "đấu trường" quốc tế và khách hàng nước ngoài khi làm việc với các doanh nghiệp đều có những đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng của hàng Việt Nam.

Nhờ vậy, điểm sáng là đơn hàng quý III/2023 đã có cải thiện.

Ngành da giày ghi nhận lượng đơn hàng tăng trở lại với nhiều tín hiệu thị trường tích cực hơn
Ngành da giày ghi nhận lượng đơn hàng tăng trở lại với nhiều tín hiệu thị trường tích cực hơn

Lãnh đạo một doanh nghiệp giày dép cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, lượng khách đặt hàng, hỏi giá đã nhiều hơn. Đơn hàng đã tăng 25% so với tháng 7, là các đơn hàng đặt cho tháng 9, tháng 10. Từ giờ đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ phục hồi dần và tăng nhiều trong những tháng đầu năm 2024, đảm bảo công việc ổn định cho người lao động sau chuỗi ngày dài tiết giảm sản xuất.

Để bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm tại các thị trường truyền thống, doanh nghiệp ngành da giày cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tại các thị trường ngách như Trung Đông, châu Á, châu Phi. Bằng chứng là tăng trưởng ở thị trường châu Á đạt hơn 10%; trong khi Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất.

Xem thêm: "Ngành da giày hướng tới giải pháp trung và dài hạn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cần hỗ trợ kết nối

Trong bối cảnh "đơn hàng quý như vàng", xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm khách hàng mới, khai thác tối đa từng cơ hội có được để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, việc cung cấp thông tin, kết nối cung cầu cần được thúc đẩy mạnh mẽ, tốt hơn trong thời gian từ nay đến đầu năm 2024 và các tháng sau đó, thông qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm,... đang được tổ chức liên tục, để sự hiện diện của các doanh nghiệp không dừng lại trong khuôn khổ sự kiện, cần có sự hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc kịp thời.

Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tăng cường chia sẻ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, để doanh nghiệp thực sự giới thiệu được "cái thị trường cần, chứ không phải cái mình có". Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần được cung cấp thông tin về chính sách ở thị trường nhập khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến rào cản kĩ thuật, thủ tục hải quan,... sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ,...

Các doanh nghiệp mong muốn được kết nối cung cầu, cung cấp thông tin về thị trường và chính sách
Các doanh nghiệp mong muốn được kết nối cung cầu, cung cấp thông tin về thị trường và chính sách

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam lưu ý thêm, doanh nghiệp của ta đang rất cần đơn hàng, vì thế khi có các khách hàng từ một số thị trường mới, ví dụ như thị trường Trung Đông, thì mặc dù rất muốn ký kết triển khai, nhưng doanh nghiệp lại khá e ngại về độ tin cậy, tính trung thực của việc đặt hàng của các đối tác mới.

Hiệp hội và doanh nghiệp mong muốn các thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực, phát huy vai trò cầu nối để tham gia sâu hơn vào hoạt động xác minh, đảm bảo độ tin cậy của các đối tác này, tránh rủi ro không đáng có.

Về phía mình, các doanh nghiệp ngành da giày cho biết sẽ tiếp tục tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và năng lực cạnh tranh, tiến đến tập trung sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giầy da, túi xách thông dụng và thời trang phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đặt ra cho ngành da giày là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,5% - 7,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2025 đạt 27 - 28 tỷ USD và năm 2030 đạt 38 - 39 tỷ USD.

Tỷ lệ nội địa hoá ngành da giày giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%. Riêng các dòng sản phẩm chủ lực đạt tối thiểu 60% và 75% theo từng giai đoạn tương ứng.

Đến năm 2025, có ít nhất 25% lượng hàng xuất khẩu trong các dòng sản phẩm chủ lực được doanh nghiệp trong nước tự phát triển sản phẩm. Đến năm 2030, tỷ lệ này đạt tối thiểu 40%.

Thy Thảo