Bộ sưu tập được giới thiệu tại sự kiện Re-Opening HERADG 168 Lò Đúc. Chất liệu chủ đạo được sử dụng trong bộ sưu tập lần này là các chất liệu từ sợi tự nhiên thân thiện môi trường như tơ, lụa, poplin, vải recycle… rất đặc sắc bởi những hoạ tiết độc quyền đỏ Viva Magenta hứng khởi, xanh cổ vịt Verdigris tràn đầy sức sống hay xanh dương Tranquil Blue… đẹp mắt và thời thượng. Sự kiện này tiếp tục khẳng định tên tuổi của thời trang Đức Giang trên con đường chinh phục thị trường 100 triệu dân nội địa.
Xây dựng thị trường nội địa bền vững
Đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế đã khiến thị trường xuất khẩu khó khăn hơn bao giờ hết. Lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… gây sụt giảm nghiêm trọng các đơn hàng may mặc, khiến ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải quay trở lại với thị trường nội địa.
Nhưng có một doanh nghiệp đã bền bỉ và kiên trì, từng bước một xây dựng thương hiệu của mình trên thị trường nội địa từ hơn 10 năm và đã có dấu ấn nhất định trong người tiêu dùng Việt Nam – đó là Đức Giang với một loạt các thương hiệu thời trang S.PEARL, HERADG, Paul Downer, DGC, Forever Young cho cả nam và nữ được các tín đồ thời trang đánh giá cao cả về thiết kế, chất liệu và giá cả.
Tự đánh giá đây là một bước đi mà mình rất tâm đắc, ông Hoàng Vệ Dũng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang chia sẻ, “Đức Giang đã sớm định hướng đi vào thị trường nội địa một bách bền vững chứ không hào nhoáng.
Trong suốt hơn 10 năm qua, Tổng công ty đã từng bước phát triển thị trường nội địa đến nay tuy mới chỉ ở một vị trí rất kiêm tốn, nhưng hàng năm với mức doanh thu khoảng 600-700 tỉ đồng, tôi cho rằng đây là sự cố gắng rất lớn từ thiết kế đến may, cung ứng nguyên phụ liệu và đặc biệt là hệ thống phân phối, bán hàng qua các hình thức khác nhau. Trong vài năm gần đây, khoảng 30-40% doanh thu của Đức Giang là từ nội địa, khi thị trường xuất khẩu khó khăn”.
Ông Dũng cũng đánh giá, ngoài thị trường Mỹ và Nhật thực sự tiềm năng thì thị trường Việt Nam với 100 triệu dân, nếu khai thác tốt sẽ là hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. “Mình không có đường lùi, lùi là mất thị phần, vì vậy, chỉ có tiến về phía trước” – ông Dũng nhấn mạnh.
Ba khó khăn trong phát triển thị trường nội địa
Theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất trong phát triển thị trường nội địa là khâu thiết kế, nguyên liệu và tiêu thụ. Ba khâu này đều khó như nhau, đều cần tập trung vốn đầu tư để giải quyết.
Về thiết kế, Đức Giang hiện có 4 trung tâm nghiên cứu phát triển, đội ngũ thiết kế hỗ trợ lẫn nhau, làm nhiệm vụ thiết kế phát triển mẫu, may mẫu và duyệt mẫu.
Bên cạnh đó, Đức Giang đã hình thành trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu, có nhiệm vụ tìm tất cả các nguồn nguyên liệu vải, đặc biệt là vải thân thiện môi trường.
Cuối cùng là đầu tư cho phát triển hệ thống tiêu thụ, bán hàng. Hàng được đưa vào hệ thống Aeon, Lotte, các trung tâm thương mại lớn và hệ thống các showroom của Đức Giang. Bên cạnh đó đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng số, thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, mở thêm đại lý…
Phấn đấu năm 2023, phấn đấu đưa thị trường nội địa lên 30%. Đây sẽ là cố gắng cực lớn, vì với thị trường xuất khẩu, mình làm theo mẫu mã khách hàng, đầu tiêu thụ khách hàng lo. Còn thị trường nội địa mình phải làm từ A đến Z, từ thiết kế, sản xuất đến tiêu thụ, lấy tiêu thụ làm vốn tái đầu tư. Trong thời gian qua Tổng công ty đã đi vào sản xuất xanh, vải tái tạo, tự hủy, vải thân thiện môi trường, tiến đến các công nghệ may làm sao mà giảm phát thải zero Cacbon và sẽ tiếp tục theo đuổi tăng tỉ trọng các loại vải thân thiện môi trường trên các sản phẩm của Đức Giang trong thời gian tới.
“Con đường đi còn nhiều gian truân, thách thức lắm, nhưng tôi rất tự hào vì đội ngũ anh chị em ở Đức Giang. Nhìn vào những mẫu mã này, không thua kém gì mẫu mã của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, mà tự tay người Việt mình thiết kế. Vì vậy, khi được người tiêu dùng nội địa tin tưởng, ủng hộ, nhất định chúng tôi sẽ thành công. Và đó sẽ là nguồn động viên to lớn để Đức Giang có thêm động lực phát triển chuỗi để đi vào thị trường thế giới một cách bền vững hơn” – ông Hoàng Vệ Dũng khẳng định.