Giá quặng sắt tiếp tục phá kỷ lục, chạm mức 226 USD/tấn

Ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay ngày 10/5, giá quặng sắt đã ngay lập tức tăng thêm tới 10% lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 226 USD/tấn do nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc tăng vọt và giá các loại hàng hoá cơ bản trên toàn cầu đều tăng cao kỷ lục.
Khai thác quặng sắt
Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 40% khi nhu cầu sử dụng thép tại nhiều nước, đặc biệt là tại Trung Quốc tăng mạnh (Ảnh: Progradex)

Cụ thể, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore đã tăng mạnh 10% lên mức 226 USD/tấn ngay sau khi bắt đầu phiên giao dịch sáng nay ngày 10/5. Mới chỉ trong tuần trước, giá quặng sắt đã đạt mức kỷ lục trên 200 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 40%. 

Giá quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép, đã liên tục tăng kể từ hồi tháng 5/2020 khi nhiều nền kinh tế tung ra các dự án xây dựng hạ tầng lớn nhằm chống lại các ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn trong những tháng gần đây khi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, đẩy mạnh thu mua. Trên thị trường nội địa Trung Quốc, nhu cầu sử dụng thép hiện ở mức rất cao và giá thép tăng liên tục khi hoạt động xây dựng và sản xuất chế biến của nước này tăng trưởng tốt.

Chính phủ Trung Quốc vừa qua đã phải đưa ra một số biện pháp siết chặt xuất khẩu thép nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu về 0% đối với sắt thép phế liệu, phôi thép và gang thỏi nhằm gia tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép khi giá quặng sắt ở mức cao kỷ lục.

Ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích của tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (Australia), nhận định giá quặng sắt hiện đang rất cao và câu hỏi lớn đặt ra trong năm nay là “khi nào nhu cầu thép của Trung Quốc mới hạ nhiệt khi nguồn cung chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tăng mạnh như hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Vivek Dhar cũng cho biết “Nhiều khả năng khi nhu cầu thép ở Trung Quốc yếu đi, thì nhu cầu thép toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, dẫn tới nhu cầu quặng sắt sẽ còn ở mức cao”.

Dự báo mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 5,8% lên mức 1,874 tỷ tấn và con số này sẽ tăng thêm 2,7% lên mức 1,925 tỷ tấn trong năm 2022 – tương đương với khoảng 85% tổng năng lực sản xuất thép toàn cầu. Những con số này cao hơn so với mức được WSA dự báo hồi tháng 10/2020.

Bên cạnh đó, giá quặng sắt hiện cũng đang tăng lên trong bối cảnh giá hàng loạt hàng hoá cơ bản từ kim loại đồng đến ngô chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Một số tổ chức tài chính và giới đầu tư đang đề cập đến khả năng thế giới sắp bước vào siêu chu kỳ hàng hoá mới.

Quang Đặng (Tham khảo Bloomberg)