Gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam

Quy mô xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của ta đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu.

Việt Nam đứng thứ 22 trên thế giới về xuất khẩu

Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu cũng vào nước ta nhiều hơn và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng của chúng ta. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam đã và đang  đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của ta năm 2001 (khi ta ký kết, thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ) mới đạt hơn 30 tỷ USD thì 6 năm sau, năm 2007 (khi gia nhập WTO), con số này đã là 100 tỷ USD; 4 năm sau đó (năm 2011) đạt 200 tỷ USD và năm 2019 vừa qua, con số này đã là 517 tỷ USD.  Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Giai đoạn 2007 - 2020, xuất khẩu (XK) hàng hóa tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 15%/năm. Quy mô kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng từ  48,6  tỷ USD năm 2007, lên mức 176,58 tỷ năm 2016, đạt xấp xỉ 282,7 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng KNXK của khu vực kinh tế trong nước so với tổng KNXK hàng hóa từ 42,8% năm 2007, giảm còn 28,5% năm 2016 và đạt mức 28,2% năm 2020;  khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 57,2% năm 2007, đạt 71,5% năm 2016 và 71,8% năm 2020. Giai đoạn 2007 - 2020, tốc độ tăng trưởng KNXK của khu vực FDI đạt 16,9%/năm, khu vực kinh tế trong nước là 11,6%/năm.

Năm 2007, có 9 mặt hàng XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, đến năm 2016 đã tăng lên 25 mặt hàng và năm 2020 có 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng KNXK.

Xét theo nhóm hàng, so với tổng KNXK - tỷ trọng giá trị XK nhóm công nghiệp nặng và khoáng sản từ 34,4% năm 2007, tăng lên 50% năm 2019 (khoáng sản có xu hướng giảm); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp từ 42,6% năm 2007, giảm còn 38,8% năm 2019; nhóm nông, lâm, thủy sản từ 23,1% năm 2007, giảm xuống còn 11,2% năm 2019. Tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế từ 44,6% năm 2007, chỉ còn 14% năm 2019. Tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế từ 55,4% năm 2007, đạt 86% năm 2019.

Năm 2020, tỷ trọng nhóm nhiên liệu và khoáng sản chỉ còn 1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 85,1%; nhóm nông, lâm, thủy sản chỉ còn 8,8%; hàng hóa khác là 5,1%. Động lực tăng trưởng XK không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà chủ yếu đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp (nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm trên 86,1% tổng KNXK, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017).

Năm 2020 có 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng KNXK.

Giai đoạn 2007 - 2020: Mỹ chiếm tỷ trọng bình quân 21% tổng KNXK hàng hóa của Việt Nam; Liên minh châu Âu (EU): 17,8%; Trung Quốc: 12,5%; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): 12,9%; Nhật Bản: 9,2 %; Hàn Quốc: 5,6%.

Đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh, khả năng đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là không tránh khỏi.

Theo đó, các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Trước giai đoạn 2005 chỉ có 52 vụ, nhưng từ 2005 đến nay, tổng cộng đã có 208 vụ việc liên quan phòng vệ thương mại được các nước khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm...

Nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc CBPG, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 là 109 (58 vụ việc CBPG, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh). Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ qua đó tổng số vụ việc hiện nay là 208 vụ việc.

Phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM (như thép, nhôm, thậm chí là tôm).

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua - nhờ tác động tích cực của tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Sát cánh cùng doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại

Ở chiều ngược lại, mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam,  nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Tính đến tháng 11 năm 2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Đối tượng là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây nhất là đường. Các biện pháp này đã góp phần lặp lại môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, với vai trò của các biện pháp PVTM trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương nhất quán, xuyên suối đối với công tác PVTM. Gần đây nhất, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”.

Về phía doanh nghiệp, việc chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu, hồ sơ và phối hợp cùng cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Sau cho rằng, sau những vấp váp ban đầu, một số Hiệp hội doanh nghiệp đã thành thục trong công tác ứng phó, có thể kể đến như các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, thép, dệt may, da giày…

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc doanh nghiệp chủ động trong việc phòng vệ thương mại cũng có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của nhà nhập khẩu vì chính quyền lợi của họ. Qua những sự việc cụ thể, trình độ hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện.

Trên thực tế thực tế, khoảng 20-22% vụ điều tra chống bán phá giá không đi tới kết quả áp thuế.

Tuy nhiên, theo bà Trang, bước chân ra sân chơi lớn, doanh nghiệp nên trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đông Sơn