Giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ dưới góc độ kế toán quản trị trong giai đoạn hiện nay

ThS. NGUYỄN THÙY LINH (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý kinh tế tài chính tại các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ nói riêng. Do đó, nắm vững những lý luận cơ bản về kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh nhất là dưới góc độ kế toán quản trị là vô cùng cần thiết.

Từ khóa: Doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, kế toán quản trị, doanh nghiệp thương mại

I. Vài nét về kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ

Xuất phát từ thực trạng tại các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ cho thấy, bộ máy kế toán tại các công ty tập trung chủ yếu vào việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho kế toán tài chính; công tác kế toán quản trị (KTQT) nói chung, KTQT doanh thu chi phí và kết quả kinh doanh nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, mô hình tổ chức KTQT chưa được hình thành và chú trọng.

Về chi phí phát sinh tại các doanh nghiệp được khảo sát hiện nay chủ yếu được phân loại theo mục đích, công dụng của chi phí nhằm phục vụ kế toán tài chính mà chưa sử dụng các cách phân loại phục vụ cho KTQT.

Về doanh thu cũng như kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp chủ yếu theo dõi chung mà chưa theo dõi chi tiết cho từng loại hàng hóa. Trong khi đối với KTQT việc phân tích riêng từng loại, từng nhóm mặt hàng là vô cùng quan trọng bởi việc theo dõi chi tiết về doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh với từng nhóm mặt hàng sẽ giúp nhà quản trị có được những quyết định lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu nhất.

II. Giải pháp hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ dưới góc độ kế toán quản trị

1. Hoàn thiện mô hình tổ chức kế toán quản trị

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, KTQT hình thành và phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở phân tích thực trạng của hệ thống kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam, để tổ chức KTQT trong các doanh nghiệp nói chung và tại các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ trước hết cần phải có sự thống nhất nhận thức về bản chất, nội dung và phạm vi của KTQT, trên cơ sở đó xác định mô hình tổ chức KTQT phù hợp. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiêp thương mại vừa và nhỏ thực hiện mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và KTQT trong cùng một hệ thống kế toán là phù hợp, bởi mô hình này cho phép kế thừa được những nội dung của kế toán tài chính đã tồn tại và biểu hiện cụ thể trong hệ thống kế toán hiện hành. Việc tồn tại một hệ thống kế toán sẽ tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho chức năng thông tin và kiểm tra của kế toán được toàn diện, phong phú. Điều này đặt ra yêu cầu các nhân viên kế toán không chỉ cần có trình độ cao về kế toán mà cần có sự am hiểu về các vấn đề quản lý, kinh doanh, để có thể tiến hành tổ chức thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho nhà quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

2. Hoàn thiện việc lập dự toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh

Trong KTQT, dự toán thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ của toàn doanh nghiệp; đồng thời dự toán cũng là cơ sở để kiểm tra kiểm soát cũng như ra quyết định trong doanh nghiệp. Do vậy, dự toán phải được xây dựng cho toàn doanh nghiệp và cho từng bộ phận trong doanh nghiệp. Bước đầu tiên trong việc lập dự toán là lập dự toán doanh thu. Từ dự toán doanh thu, doanh nghiệp sẽ xây dựng các dự toán liên quan tới các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp… tại doanh nghiệp mình.

* Dự toán doanh thu

Dự toán doanh thu là bản kế hoạch chi tiết chỉ ra doanh thu dự tính cho kỳ dự toán, dự toán doanh thu chính xác là điểm mấu chốt cho cả quy trình lập dự toán. Dự toán doanh thu được lập dựa trên bản dự báo tình hình kinh doanh của công ty. Dự toán doanh thu được lập bằng cách nhân số lượng sản phẩm bán ra dự tính với giá bán trên một đơn vị sản phẩm. Trên cơ sở mục tiêu theo từng thời kỳ của doanh nghiệp, dự toán tiêu thụ phải được lập cụ thể theo từng vùng, theo từng bộ phận, từng sản phẩm. Như vậy, nó không những giúp đỡ nhà quản trị trong việc tổ chức thực hiện mà còn cho phép đánh giá kết quả và thành tích của các vùng khi so sánh kết quả thực hiện và mục tiêu đạt được.

Dự toán doanh thu là điểm khởi đầu cho quá trình lập dự toán tại các doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp thương mại, với đặc điểm là mua hàng về để bán. Do đó, sau khi lập được dự toán doanh thu, các doanh nghiệp cần lập dự toán mua hàng. Dự toán mua hàng sẽ chỉ rõ lượng hàng hóa được mua trong kỳ từ các nhà cung cấp. Dự toán mua hàng cần lập cho mỗi khoản mục hàng tồn kho.

* Dự toán chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp

Dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được chia thành các chi phí cố định và chi phí biến đổi. Theo đó, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp sẽ biến đổi theo mức độ hoạt động là doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Việc lập dự toán chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đòi hỏi việc doanh nghiệp cần phân loại các loại chi phí của đơn vị của mình thành biến phí và định phí, hay nói cách khác doanh nghiệp cần theo dõi sát sao việc phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí.

* Dự toán kết quả kinh doanh

Căn cứ trên các dự toán về doanh thu và chi phí đã lập, kế toán doanh nghiệp dễ dàng lập một báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự toán. Đây là một báo cáo quan trọng của quá trình lập dự toán. Sau khi tiến hành lập dự toán cuối kỳ (tháng, quý) các doanh nghiệp nên có sự so sánh, phân tích và đánh giá giữa dự toán với thực hiện từ đó tìm ra những hạn chế, nguyên nhân, cũng như có những biện pháp thực hiện hiệu quả hơn nhằm đem lại kết quả cao nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

3. Hoàn thiện việc phân tích thông tin về doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, để có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả, các nhà quản trị cần phải dựa vào hệ thống thông tin do kế toán quản trị cung cấp. Các nhân tố ảnh hưởng tới doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể bao gồm giá bán, số lượng sản phẩm tiêu thụ, kết cấu mặt hàng… Chính vì vậy, để có thể phân tích thông tin về doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh một cách nhanh và hiệu quả, các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ cần lập báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử của chi phí hay phân tích mối quan hệ giữa chi phí - sản lượng- lợi nhuận (CVP). Phân tích mối quan hệ CVP có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khai thác khả năng tiềm tàng của doanh nghiệp, là cơ sở để đưa ra các quyết định như: định giá sản phẩm, chiến lược kinh doanh…

Nội dung của phân tích CVP có thể tóm tắt như sau:

- Phân tích điểm hòa vốn.

- Phân tích mức sản lượng cần thiết để đạt mức lợi nhuận mong muốn.

- Xác định giá bán sản phẩm với mức sản lượng, chi phí và lợi nhuận mong muốn.

- Phân tích ảnh hưởng của giá bán đối với lợi nhuận theo các thay đổi dự tính về biến phí và định phí.

* Xác định sản lượng hòa vốn

Xuất phát từ khái niệm điểm hòa vốn, tổng số lãi trên biến phí bằng tổng chi phí cố định nên ta có phương trình phản ánh mối quan hệ này như sau:

                                            FC: Tổng chi phí cố định

Từ đó:

Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại sản phẩm thì lãi trên biến phí đơn vị sản phẩm sẽ được tính bình quân cho các loại sản phẩm. Lúc này lãi trên biến phí bình quân đơn vị sản phẩm sẽ phụ thuộc vào lãi trên biến phí đơn vị sản phẩm và cơ cấu sản phẩm tiêu thụ xác định theo sản lượng sản phẩm.

* Xác định doanh thu hòa vốn

- Nếu doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng thì doanh thu hòa vốn là tích của sản lượng hòa vốn với đơn giá bán.

TRhv = P X Qhv

Trong đó:  TRhv: Doanh thu hòa vốn

                 Qhv : Sản lượng hòa vốn

                 P : Đơn giá bán

Mặt khác do:

Nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng thì phải xác định tỷ lệ lãi trên biến phí bình quân toàn doanh nghiệp, tỷ lệ này chịu ảnh hưởng của cơ cấu sản phẩm tiêu thụ tính bằng tiền và tỷ lệ lãi trên biến phí đơn vị của từng loại sản phẩm.

* Xác định thời gian hòa vốn

Sau khi đã hòa vốn, doanh nghiệp có thể dự tính số lượng sản phẩm hoặc doanh thu mang lại lãi cho doanh nghiệp.

Khi xem xét mối quan hệ CVP thông qua việc xác định điểm hòa vốn giúp cho các nhà quản trị ra quyết định trong việc xử lý nhiều tình huống kinh doanh như sự thay đổi của chi phí cố định, sự thay đổi của lãi trên biến phí đơn vị trong các trường hợp khác nhau sẽ kéo theo sự thay đổi của lợi nhuận như thế nào.

4. Hoàn thiện báo cáo quản trị doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh

Xét dưới góc độ KTQT khi chi phí được phân loại theo cách ứng xử của chi phí, các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ có thể lập báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử của chi phí. Với báo cáo này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng dự tính lợi nhuận khi có sự biến động về doanh thu, chi phí thông qua các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp như việc tăng hay cắt giảm chi phí quảng cáo, chi phí thuê nhà hay sự thay đổi của khoản hoa hồng dành cho khách hàng… Từ đó, giúp các nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng và chính xác nhất. Báo cáo này có thể lập cho một mặt hàng đã bán trong kỳ hoặc lập cho nhóm mặt hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Tuấn Duy (2014), Giáo trình kế toán hoạt động thương mại và dịch vụ, NXB Thống kê, Hà Nội.

2. Nguyễn Thế Khải (2008), Giáo trình kế toán thương mại dịch vụ, NXB Hà Nội, Hà Nội.

3. Nguyễn Ngọc Quang (2014), Giáo trình kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Thanh Giang (2012), “Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán.

5. Các trang web:

- http://www.webketoan.vn/

- http://danketoan.com/

- http://www.tapchiketoan.com.vn/

RECORDING REVENUE, COSTS AND BUSINESS RESULTS

OF SMALL AND MEDIUM-SIZED COMMERCIAL

ENTERPRISES UNDER PERSPECTIVE OF THE

MANAGEMENT ACCOUNTING IN THE CURRENT PERIOD

MA. NGUYEN THUY LINH

Faculty of Accounting,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Recording revenue, costs and business results play an important role in the financial and business management of enterprises in general and small and medium-sized commercial enterprises in particular. Therefore, it is essential for enterprises to fully understand accounting principles associated with recording revenue, costs and business results under the perspective of the management accounting.

Keywords: Revenue, expenses, business results, management accounting, commercial enterprises.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây