Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh

ThS. PHAN THANH HUYỀN - ThS. NGUYỄN THỊ MỸ ÂN (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT: 

Nghiên cứu xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi sử dụng phần mềm kế toán và cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy cho người sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố, gồm: Chất lượng thông tin (CLTT); Năng lực quản lý (NLQL); Chất lượng phần mềm (CLPM) và Chất lượng phần cứng (CLPC).

Từ khóa: Phần mềm kế toán, doanh nghiệp, tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay việc tin học hóa công tác kế toán đã trở thành phổ biến ở các tổ chức, doanh nghiệp. Phần mềm kế toán (PMKT) góp phần cơ giới hóa công tác kế toán mang lại tiện ích không chỉ cho người sử dụng mà cả nhà quản lý. Với góc độ kế toán, phần mềm kế toán không chỉ giải quyết về mặt phương pháp kế toán mà còn đáp ứng các vấn đề thu thập, xử lý, kiểm soát, bảo mật, tuân thủ các quy định của Nhà nước, xây dựng doanh nghiệp điện tử,… Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải hiểu và biết được hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán tại doanh nghiệp mình cũng như các nhân tố nào tác động mạnh đến hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán. Trên cơ sở đó, sẽ giúp cho doanh nghiệp khai thác tốt trên phần mềm kế toán có chất lượng. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tài sản, vòng quay vốn,… cung cấp thông tin trung thực, đáng tin cậy và đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết như lý thuyết khuyếch tán công nghệ, lý thuyết nguồn lực của doanh nghiệp và kế thừa các nghiên cứu trước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huyen_9_4.jpg

3. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả dùng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính được thực hiện bằng kỹ thuật phỏng vấn và thảo luận nhóm, nhằm điều chỉnh, bổ sung các nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng cách thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trực tiếp 196 doanh nghiệp bằng bảng câu hỏi soạn sẵn. Dữ liệu thu thập sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0; Thang đo Likert năm mức độ được sử dụng để đo lường giá trị các biến số.

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp sau: (i) Đánh giá hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, (ii) phân tích nhân tố khám phá EFA, (iii) Phân tích hồi quy đa biến.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định độ tin cậy của các thang đo

Độ tin cậy của thang đo được đánh giá thông qua chỉ số Cronbach’s Alpha và hệ số tương quan biến tổng (item - total correlation). Các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại và thang đo được chọn khi có Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên. Qua kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo có 22 biến quan sát được chấp nhận và 2 biến quan sát bị loại. Hệ số Crocbach’s Alpha các thang đo có độ tin cậy khá cao lớn hơn 0.7.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huyen_9_4.jpg

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

+ Phân tích khám phá EFA cho biến độc lập: Kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.726; Kiểm định Bartlett có sig. = .000 (< 0.5); Tổng phương sai trích là 65.298%. Kết quả cho thấy, các biến có tương quan trong tổng thể và phân tích EFA là thích hợp.

+ Phân tích khám phá EFA cho biến phụ thuộc “Hiệu quả sử dụng phần mềm”: Kết quả EFA cho thấy hệ số KMO = 0.782; Kiểm định Bartlett có sig. = .000 (< 0.5); Tổng phương sai trích là 60.933%, cho thấy phân tích EFA là phù hợp.

4.3. Kiểm định các giả thuyết cần thiết trong mô hình phân tích hồi quy

Bảng 2. Kết quả chạy Durbin - Watson

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huyen_9_4.jpg

Bảng 3. Bảng kết quả hồi quy

Bảng kết quả hồi quy

+ Xét ma trận tương quan: Các biến có giá trị sig. (2-tailed) < 0.5 theo hàng biến phụ thuộc được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến. Kết quả có 4 biến (Chất lượng thông tin, chất lượng phần cứng, chất lượng phần mềm, năng lực quản lý) có giá trị sig. (2-tailed) < 0.5, nên được chọn làm các biến độc lập để chạy hàm hồi quy đa biến.

+ Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình, ta thấy hệ số phóng đại phương sai VIF rất thấp (< 2), điều này chứng tỏ hiện tượng đa cộng tuyến không xảy ra với các biến độc lập.

+ Kiểm định về tính độc lập của phần dư: Đại lượng thống kê Durbin - Watson (d) của hàm hồi quy có giá trị là 1.992 < 3. cho thấy: Không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1; hay nói cách khác các phần dư ước lượng của mô hình độc lập, không có mối quan hệ tuyến tính với nhau.

4.4. Kết quả chạy mô hình hồi quy

Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình có độ tin cậy đạt yêu cầu (R2 hiệu chỉnh = 0.528). Điều này có nghĩa, 52.8% sự biến thiên của hiệu quả sử dụng phần mềm tại các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh được giải thích chung bởi 4 biến độc lập trong mô hình với độ tin cậy 95%. Phương trình hồi quy được viết lại như sau:

HQSDPM = 0.346*CLTT + 0.300*NLQL + 0.357*CLPM + 0.329*CLPC

5. Đề xuất giải pháp

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số gợi ý nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả phần mềm kế toán như sau:

5.1. Chất lượng phần mềm

Doanh nghiệp cần lựa chọn phần mềm phù hợp nhu cầu và nhà cung cấp đáng tin cậy, đủ khả năng triển khai và xử lý khi gặp sự cố phần mềm. Doanh nghiệp cần thành lập tổ dự án phát triển hệ thống thông tin kế toán; tính toán chi phí đầu tư cho hệ thống bao gồm cả phần mềm và phần cứng; khảo sát và đánh giá khả năng hỗ trợ nhà cung cấp phần mềm; khảo sát và đánh giá tính khả dụng của phần mềm.

5.2. Chất lượng thông tin

Thứ nhất, Nhà nước cần hướng dẫn chi tiết về những quy định trong chuẩn mực (CM) đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán: Phải đảm bảo tính thống nhất giữa Nghị định của Chính phủ và CM đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai, hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) và CM đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán phải phù hợp với thông lệ quốc tế về khái niệm, yêu cầu, điều kiện và cả những quan điểm chung về tính minh bạch của báo cáo tài chính.

Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính trên các phương diện: Trình bày thông tin tổng quát và chi tiết đảm bảo tính so sánh và phân tích được. Vì hiện nay các báo cáo tài chính có báo cáo thông tin tổng quát, có báo cáo thông tin chi tiết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu so sánh, phân tích như thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Nên bổ sung báo cáo vốn chủ sở hữu, vì đây là thông tin cần thiết để đánh giá nguồn lực tự có của các đơn vị, các doanh nghiệp, thông tin mà các nhà đầu tư luôn quan tâm.

Thứ tư, trong giảng dạy kế toán nói chung, cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc và CMKT đã được thừa nhận, vì đây là cơ sở nền tảng để giải thích, phân tích và chứng minh các mối liên hệ trong quá trình thu thập, xử lý, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán. Từ đó, thông tin kế toán mới đạt được yêu cầu: Thích hợp, tin cậy và tính có thể so sánh được.

5.3. Chất lượng phần cứng

Doanh nghiệp cần chọn nhà cung cấp phần cứng đáng tin cậy và phù hợp theo các tiêu chuẩn đánh giá sau:

- Công suất: Tốc độ xử lý, dung lượng bộ nhớ.

- Giá cả: Chi phí mua sắm, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống.

- Hiệu năng: Độ tin cậy các biện pháp sửa chữa sai sót.

- Tương thích: Có khả năng tương thích cao với các thế hệ máy tính khác nhau.

- Môđun hóa: Cho phép nâng cấp khi bổ sung một module mới.

- Công nghệ: Sử dụng công nghệ tiên tiến.

- Khả năng kết nối: Dễ dàng kết nối mạng LAN, WAN, Internet.

- Bảo trì: Có điều kiện bảo trì thuận tiện.

5.4. Năng lực quản lý

Nhà quản lý doanh nghiệp cần nâng cao trình độ chuyên môn về nghiệp vụ kế toán tài chính cũng như kế toán quản trị. Nhà quản lý phải thường xuyên cập nhật những thông tin liên quan đến các chuẩn mực kế toán, thông tư của Bộ Tài chính, Nghị định và những quyết sách của Chính phủ để có thể xây dựng và phát triển PMKT đúng đắn và hiệu quả. Nhà quản lý doanh nghiệp cần xây dựng được các chính sách quản lý nguồn lực công nghệ thông tin, tư vấn và lựa chọn đúng giải pháp để đáp ứng yêu cầu quản lý, yêu cầu cho việc thực hiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tuân thủ luật pháp.

6. Kết luận

Bài nghiên cứu đã kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để thỏa mãn mục tiêu nghiên cứu là khám phá ảnh hưởng của chất lượng phần mềm, chất lượng thông tin, chất lượng phần cứng và năng lực quản lý đối với hiệu quả sử dụng phần mềm kế toán. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có sự ảnh hưởng tích cực của các nhân tố độc lập đến nhân tố phụ thuộc. Tuy nhiên, nghiên cứu còn hạn chế như chỉ mới nghiên cứu tại các doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh với tỷ lệ phủ hợp của mô hình 52,8%. Do đó, các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu các tỉnh, thành phố khác; kế thừa mô hình nghiên cứu của các nghiên cứu trước nhằm nâng cao mức phù hợp của mô hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Đức Dũng, Phạm Anh Tuấn (2015). Các yếu tố ảnh hưởng hệ thống thông tin kế toán toán bằng máy vi tính đến hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Tạp chí Phát triển và hội nhập, số 20, tháng 1, 2/2015.
  2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật số 88/2015/QH13: Luật Kế toán ngày 20/11/2015.
  3. Nguyễn Thị Hồng Nga (2014). Tiêu chí đánh giá các yếu tố ảnh hưởng chất lượng thông tin kế toán, http://hoiketoankiemtoan.vn, download ngày 30/8/2015.
  4. Zulkarnain Muhamad Sori, (2009), Accounting information system (AIS) and knowledge Management: A case study, American Journal of Scientific reseach, ISSN 1450-223X Issue 4, pp36-44.
  5. Wang Shunjin, (2012), Discuss this information bottleneck of comprehensive Accounting: Accounting Information Standards, Elsevier science directly, Procedia Engineering 29, pp.2225-2229.
  6. Azleen Llias, (2011), End-User satisfaction calculation (EUCS) accounting system by computer (CAS) in public areas: A Validation of the instrument, The magazine's internet banking and commerce electronics, Vol.16, No. 2.

SOLUTIONS FOR IMPROVING THE EFFICIENCY

OF USING ACCOUNTING SOFTWARE IN BUSINESSES

LOCATED IN TRA VINH PROVINCE

● Master. PHAN THANH HUYEN

● Master. NGUYEN THI MY AN

Tra Vinh University

ABSTRACT:

This study identifies and measures the impact of factors on the efficiency of using accounting software in enterprises located in Tra Vinh Province. This study also proposes solutions for improving the efficiency of using accounting software in businesses in order to ensure the operational effectiveness of businesses when using accounting software. These solutions are expected to provide timely and reliable information for users of accounting software. This study finds out 4 factors affecting the efficiency of using accounting software include Information quality, Management capacity, Software quality and Hardware quality.

Keywords: Accounting software, enterprises, Tra Vinh Province.