Giải pháp nào phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai?

Gia Lai định hướng phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm...

Ngày 24/10/2023, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Tham dự Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai; Đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu; đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), Hiệp hội Logistics Hà Nội cùng đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics trên cả nước.

dịch vụ logistics
Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.

Ngành dịch vụ quan trọng nhưng còn thiếu và yếu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai có sân bay Pleiku, nhiều quốc lộ chạy qua, có cửa khẩu và gần cảng biển tạo thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý sẵn có, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến được tỉnh quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay tỉnh có 03 khu công nghiệp chính là Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu công nghiệp - Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng điện tích 1.245,33 ha; trong đó có 13 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53 ha. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía đường, sắn, chè, trái cây... tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh có trên 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến.

Thời gian tới nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai rất lớn. Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết.

Gia Lai
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Gia Lai trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Hội nghị là sự kiện quan trọng, vừa là diễn đàn giúp Gia Lai chia sẻ tầm nhìn, tiếp thu những ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học về các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; đồng thời, cũng là dịp để Tỉnh giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế, chính sách của địa phương, thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của Tỉnh trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ quan trọng này.

Anh Hải
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy dịch vụ logistics trên địa bàn Gia Lai, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, Gia Lai cần quan tâm một số vấn đề.

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Tây Nguyên làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hai là, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.

Ba là, tập trung triển khai Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 17/5/2023 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi”; dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics phục vụ nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển.

Bên cạnh đó, "Gia Lai cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Phát triển hệ thống logistics làm đòn bẩy cho thương mại, dịch vụ và xuất khẩu

Chia sẻ về tình hình phát triển hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản và logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân ước đạt 3,97%; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân ước đạt 11,98%; tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 5,45% và tăng trưởng nhập khẩu bình quân ước đạt 6,92%. Đặc biệt, tăng trưởng thương mại, dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt mức cao 14,33%. 

Theo Lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Về hạ tầng giao thông, điểm thuận lợi là tỉnh đã có Cảng hàng không Pleiku cách trung tâm thành phố Pleiku 5 km, đạt quy mô sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO; công suất phục vụ hành khách 600.000 HK/năm, đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321, Boeing 737. Bên cạnh đó, tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515 ha.

Tuy nhiên, năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/O Ya Dao thông qua Quốc lộ 19 còn hạn chế; chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD).

Sở Công Thương Gia Lai
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai thông tin về tình hình phát triển hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản và logistics trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 17/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xác định phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030 nhằm góp phần xây dựng, phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh, làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; Cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics.

"Hiến kế" phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Tại Hội nghị, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội ngành hàng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, "hiến kế" để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Cập nhật xu hướng phát triển ngành logistics trong tương lai, bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sự bùng nổ của thương mại điện tử dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tích cực đến ngành logistics. Trong bối cảnh bình thường mới sau dịch bệnh, ngành logistics toàn cầu được dự báo sẽ đạt quy mô 12.975,64 tỷ USD vào năm 2027. Một số xu hướng mới của ngành tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn như: Sự phổ biến của dịch vụ logistics thuê ngoài, logistics tích hợp trên nền tảng điện tử, tích hợp dịch vụ và giải pháp logistics…, đòi hỏi sự thích ứng của hạ tầng logistics hiện đại, đồng bộ.

Đối với riêng tỉnh Gia Lai, hệ thống giao thông địa phương và quốc lộ cơ bản tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các vùng kinh tế trong khu vực; kết nối trung tâm của tỉnh với các huyện, giữa thành phố với thị xã, thị trấn và tạo kết nối giữa các vùng động lực: Pleiku, An Khê, Chư Sê, Ayun Pa và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Hạ tầng khu - cụm công nghiệp được đầu tư đã phát huy hiệu quả. Hệ thống thông tin, liên lạc đảm bảo thông suốt.

Tuy nhiên, những kết quả đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về hoạt động vận tải hàng hoá của tỉnh khi chi phí vận tải vẫn còn cao mà một trong những nguyên nhân là đến hiện tại Gia Lai chưa hình thành được Trung tâm Logistic và các cảng cạn, thiếu hệ thống kho bãi cho thành phẩm. Hạ tầng Logistics chưa phát triển, chưa theo kịp với đà phát triển của thương mại, xuất nhập khẩu, vận chuyển hành khách. Các hoạt động logistics mới ở mức manh mún, nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…

Mai Linh
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.

Theo bà Mai Linh, để phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm logistics; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm logistics; khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ logistics, gồm cả hoạt động của trung tâm logistics chuyên dụng gắn với hàng hóa nông sản. Tỉnh cần xác định đầu tư hạ tầng logistics là một trọng tâm ưu tiên, huy động các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh gọn, dứt điểm để nhanh chóng tạo thay đổi về chất trong lĩnh vực này.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các dịch vụ logistics, hỗ trợ các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản với hệ thống kho lạnh, kho mát; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường đến trung tâm xã, các đường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường nội bộ các khu sản xuất nông nghiệp để giảm chí phí và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nông sản...

Từ góc độ phát triển dịch vụ logistics gắn với hoạt động thương mại điện tử, bà Trần Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đưa ra những nhận định về cơ hội và thách thức để phát triển logistics trong thương mại điện tử tại Gia Lai cũng như một số khuyến nghị, giải pháp về triển khai Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên; chuyển đổi số dịch vụ logistics trên địa bàn... 

Ông Trần Chí Dũng - Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu Đề án Logistics đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT đề xuất, liên quan tới Gia Lai là xây dựng các trung tâm thu gom cấp huyện, trung tâm logistics hỗ trợ xuất nhập khẩu; Rà soát, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng vận tải, logistics, thương mại - dịch vụ, xác định các dự án ưu tiên triển khai.

Đặc biệt, ông Trần Chí Dũng khuyến nghị cần thiết lập nhóm đối tác cùng tham gia phát triển thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn, gồm có: Các cố vấn chuyên môn nông nghiệp, logistics, chuỗi cung ứng; các công ty kinh doanh nông sản, nhà sản xuất, chế biến; nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp; các công ty cung cấp công nghệ lõi; nhà đầu tư hạ tầng, dịch vụ tài chính, ngân hàng...

Hiệp hội VLA
Ông Trần Chí Dũng - Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cần thiết lập nhóm đối tác cùng tham gia phát triển thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn.

Tại phiên thảo luận, đại diện các bộ, ngành, địa phương; đại diện các hiệp hội, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận xung quanh các giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức về logistisc, tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ logistics đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai; định hướng sản xuất kinh doanh gắn với thúc đẩy phát triển hệ thống logistics và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh với nhau...

thảo luận

Hội nghị cũng chứng kiến Lễ ký kết MOU giữa Sở Công Thương Gia Lai và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA).

kí kết

Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 23/10, Sở Công Thương Gia Lai đã tổ chức Đoàn đại biểu gồm đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... đi khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và địa điểm dự kiến quy hoạch xây dựng Trung tâm logistics tại Gia Lai.

Lệ Thanh
Hàng hóa vận chuyển tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
khao sat
Đại diện Lãnh đạo huyện Mang Yang thông tin về đề án quy hoạch Trung tâm logistics của tỉnh Gia Lai dự kiến xây dựng tại huyện.
Tran Thanh Hai
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trao đổi về các chính sách, giải pháp hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương thúc đẩy phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
VALOMA
Từ thực tế khảo sát, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) chia sẻ về những thuận lợi và thách thức để tỉnh Gia Lai phát triển hệ thống logistics trên địa bàn.
cửa khẩu
Việt Hằng