Giúp da giày trong nước không chậm chân hơn doanh nghiệp FDI trong đáp ứng quy định xuất xứ

Làm gì để doanh nghiệp trong nước không chậm chân so với doanh nghiệp FDI trong cuộc chạy đua tìm nguồn nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy định xuất xứ cho việc tận dụng cơ hội từ các FTAs?

Việt Nam đang là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong những năm qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trong năm 2013 chỉ đạt 8,4 tỷ USD và tăng vọt lên 19,5 tỷ USD vào năm 2018, 22 tỷ USD năm 2019; năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 xuất khẩu da giày-túi xách đạt 20 tỷ USD, giảm 10% so với 2019.

Nhưng đến 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu giày da đã lấy lại quỹ đạo tăng trưởng với 4,74 tỷ USD, tăng 13,5%, một kết quả đáng phấn khởi trong bối cảnh nhu cầu của những thị trường lớn đang sụt giảm.

Kết quả này cũng phản ánh khả năng tận dụng các FTAs của các doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động trên lãnh thổ nước ta.

Với EVFTA, hoạt động xuất khẩu da giày vào EU có nhiều thuận lợi, thuế suất giảm về 0%; trong đó, mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao (chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU) sẽ giảm ngay chứ không theo lộ trình 7 năm như giày da.

So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Quy tắc xuất xứ áp dụng như Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) cũng khá thuận lợi nên chắc chắn dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều

Trên thực tế, 3 tháng đầu năm nay, ngành da giày đang tận dụng khá tốt EVFTA, đạt khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU được hưởng thuế quan ưu đãi. Do mặt hàng chủ lực của chúng ta là giày thể thao - một trong những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan sớm. Chúng ta cũng không bị vướng về quy tắc xuất xứ.

Thêm vào đó, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Anh (UKVFTA) - đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành da giày với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.

Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam vào Canada và Mexico tăng nhanh, nhất là Canada do thị trường này cho giày dép Việt Nam hưởng ngay mức thuế 0%.

Dù vậy, số doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ các FTA vẫn chủ yếu nằm trong khối FDI. Doanh nghiệp nội địa tận dụng được ưu đãi vẫn chưa nhiều, do chưa có đủ nguồn cung nguyên liệu trong nước.

Trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Xu hướng chung những năm gần đây là chi phí nhân công, sản xuất ngày một tăng, nên nếu chi phí nguyên phụ liệu không được cải thiện thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm.

Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã tạo lực đẩy cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Sự chuyển biến này không chỉ ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà một số doanh nghiệp trong nước như: Công ty CP Giày An Lạc, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, Công ty TNHH Giày Gia Định cũng đã đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này.

Nhưng vẫn chưa đủ. Mỗi năm, ngành Da Giày phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu, mới đủ nhu cầu sản xuất. Đây tiếp tục là bài toán khó cần tập trung tìm lời giải trong những năm tới.

Việc phát triển nguyên phụ liệu nói chung và thuộc da trong nước gặp nhiều khó khăn một phần do ngành này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực chất lượng cao, nhưng trở ngại lớn nhất là vấn đề môi trường. Trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp trong ngành bị từ chối, không thể tìm được địa phương chấp nhận dự án thuộc da.

Mặc dù công nghệ thuộc da cũng như sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới hiện đã phát triển vượt bậc, không sử dụng kim loại nặng, công nghệ xử lý nước thải hiện đại cũng đã giảm áp lực lên môi trường. Chẳng hạn Italia là nước có ngành thuộc da rất phát triển, có các khu công nghiệp thuộc da rất lớn, chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu mà vẫn bảo đảm được yếu tố môi trường.

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa yên tâm. Ở khía cạnh ngược lại, ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, tại một số KCN, có những DN thuộc các ngành nghề nhạy cảm như da giày, xi mạ, dệt nhuộm chưa đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải thậm chí có một số doanh nghiệp không đầu tư. Cho nên, các địa phương rất ngại và từ chối khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào các ngành nghề này.

Vì vậy, theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… chuyên dùng cho ngành da giày, với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Đồng thời khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất các loại nguyên, phụ liệu cho da giày… Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giày, kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Có như vậy, doanh nghiệp trong nước mới không chậm chân so với doanh nghiệp FDI trong cuộc chạy đua tìm nguồn nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy định xuất xứ cho việc tận dụng cơ hội từ các FTAs.

Bạch Thông