Hà Nội: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Trong năm qua, rất nhiều chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai, trên tinh thần Kế hoạch số 94/KH-UBND của UBND Thành phố về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020.

Mục tiêu đạt 1000 doanh nghiệp CNHT vào năm 2025

Ngày 5/5/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020. Chương trình triển khai 13 hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ…

Kinh phí để thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn khác. Mục tiêu đặt ra là đưa chỉ số công nghiệp hỗ trợ tăng 12%, hết năm 2020 có 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong, ngoài nước. Đồng thời, thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.

Doanh nghiệp được hỗ trợ dựa trên 7 tiêu chí

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở Công Thương đã ban hành các hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp CNHT hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại. Để được hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp sẽ được chấm điểm dựa trên 7 tiêu chí chung như: Nâng cao năng suất lao động; bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm; hiệu quả sản xuất kinh doanh... Cùng với đó là 2 tiêu chí ưu tiên, gồm: Dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên hay sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố…

Về lâu dài, để công nghiệp hỗ trợ là giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu trình thành phố ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà thành phố có lợi thế, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước.

Định hướng trong 5 năm tới, thành phố sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết - cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực đã phát triển như: Sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động..., Hà Nội sẽ tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội, khu công nghiệp sạch tại Sóc Sơn và Đông Anh…

Sở Công Thương cũng đã triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, với dự kiến khoảng 700 lượt doanh nghiệp tham gia; trong đó, 100 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Khoảng 500 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, đào tạo về quản trị; khoảng 300 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới…

Nguyễn Thúy