Doanh thu hoạt động tài chính giúp lãi ròng bật tăng
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần 732 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ giảm tới gần 75%, do đó lợi nhuận gộp của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh chỉ giảm 19%, đạt gần 266 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 52%, đạt 270 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ hoạt động liên doanh tăng.
Các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh cũng đã được của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh tiết giảm đáng kể. Trong đó, chi phí bán hàng giảm gần 31% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 23%. Tuy nhiên, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) lại tăng 15%.
Kết quả, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh báo lãi ròng hơn 96 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh các dự án BOT và lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh ghi nhận tổng doanh thu thuần 2.323 tỷ đồng và lãi ròng 214 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022.
So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chi Minh mới hoàn thành 45% mục tiêu doanh thu và mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 hồi giữa tháng 10 vừa qua, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết kết quả kinh doanh quý 3/2023 cũng như cả năm 2023 của công ty sẽ không đạt kế hoạch đề ra, chủ yếu do không thể tăng mức phí thu tại các dự án BOT theo kế hoạch và vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản chưa có phương án giải quyết.
Mảng kinh doanh bất động sản suy giảm mạnh
Bóc tách dữ liệu cho thấy, trong cơ cấu doanh thu thuần 9 tháng đầu năm nay, mảng thu phí giao thông từ các dự án BOT của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã vượt mảng kinh doanh bất động sản để trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu.
Cụ thể, doanh thu từ mảng thu phí giao thông trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1.095 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 47% tổng doanh thu. Sự gia tăng của mảng thu phí giao thông chủ yếu nhờ sự phục hồi lưu lượng xe sau đại dịch COVID-19 và hoạt động của các trạm thu phí BOT đi vào ổn định.
Hiện Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đang quản lý 07 trạm thu phí BOT với doanh thu trung bình hàng năm đạt 950 - 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 24% tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đạt doanh thu trung bình 2 tỷ đồng/ngày, chiếm 30% doanh thu từ hoạt động thu phí của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, doanh tu từ mảng kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 55%, còn 1.068 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với doanh thu hoạt động tài chính, trong 9 tháng đầu năm nay, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã ghi nhận khoản lãi từ kinh doanh chứng khoán lên tới gần 69 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái lại không ghi nhận khoản mục này.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đang có hai khoản đầu tư chứng khoán, gồm: 24 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront và 17,32 triệu cổ phần của CTCP Tasco (mã cổ phiếu HUT).
Trong đó, khoản đầu tư vào Tasco được ghi nhận trên báo cáo tài chính của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh từ quý 2/2023. Dựa trên giá trị đầu tư gốc, có thể Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã mua vào số cổ phiếu HUT với giá khoảng 19.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/09, thị giá cổ phiếu HUT đạt 23.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đang tạm lãi hơn 69 tỷ đồng từ việc đầu tư vào Tasco. Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh từng cho biết lý do đầu tư vào Tasco là để cùng tham gia vào lĩnh vực thu phí tự động (VETC), tuy nhiên, nếu giá trị cổ phiếu HUT tốt lên và vượt giá trị hợp lý thì công ty sẽ bán cổ phiếu và mua vào lại khi giá cổ phiếu HUT trở về mức bình thường.
Trước đây, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện thương vụ đầu tư tương tự đối với cổ phiếu NBB của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đạt 26.081 tỷ đồng, giảm 8,7% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận giảm tài sản cố động sau khi doanh nghiệp thoái vốn khỏi hai công ty con là CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (mã cổ phiếu SII) và Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi.
Hàng tồn kho của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng giảm 64% so với thời điểm đầu năm nay, còn 576 tỷ đồng, chủ yếu do tồn kho thành phẩm bất động sản giảm. Đồng thời, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng giảm 70%, còn 458 tỷ đồng, chủ yếu do khoản trả trước của khách hàng mua bất động sản đã giảm 78%.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn - dài hạn của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đạt 12.898 tỷ đồng, giảm 11,5% so với thời điểm đầu năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 1/11, cổ phiếu CII có giá tham chiếu tại mức 13.900 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 13% so với thời điểm đầu năm nay.