Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch Covud-19, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) có công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV ngày 29/1/2021 yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo từ Tổng cục QLTT, tính đến chiều 1/2, các địa phương xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Gia Lai… đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định, không có biến động tăng giá, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể:
Tại Quảng Ninh
Tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản ổn định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.
Trong khi đó, giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dồi dào.
Giá một số mặt hàng như sau: cá thu loại 2 – 5kg/con giá 150.000 – 180.000 đồng/kg, ghẹ loại 1 giá 400.000 – 460.000 đồng/kg, cá song loại 3 – 5kg/con giá 200.000 đồng/kg, chả mực giá từ 420.000 – 500.000 đồng/kg; trứng giá cầm ổn định từ 25.000 - 35.000 đồng/10 quả.
Các Đội QLTT thực hiện giám sát, tuyên truyền tại 18 nhà thuốc tân dược trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, Đội QLTT số 4 (thành phố Móng Cái) phối hợp với Phòng Y tế thực hiện tuyên truyền, nắm bắt tình hình giá cả tại các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn. Đội QLTT số 3 (thành phố Cẩm Phả - huyện Vân Đồn – huyện Cô Tô) phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng công bố công khai danh sách các đầu mối cung cấp lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Tại Gia Lai
Các mặt hàng nước sát trùng, găng tay y tế,... được bày bán ở các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các cơ sở kinh doanh thuốc tây, các hệ thống siêu thị Vinmart và Coopmart trên địa bàn tỉnh với giá cả phù hợp (khẩu trang: 40.000 đồng/hộp đến 50.000 đồng/hộp; nước sát khuẩn khô lifebuoy loại 235ml giá 75.000 đồng/chai).
Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm giá cả ổn định. Qua công tác rà soát, trinh sát, tại thời điểm hiện tại hầu hết các cơ sở đều bán hàng hóa theo đúng quy định, có nguồn gốc và giá bán hợp lý, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết.
Trong ngày 1/2/2021, số lượng bản cam kết các hộ kinh doanh ký cam kết không bán tăng giá hàng hóa trên toàn tỉnh phat sinh là 39 bản. Đến thời điểm hiện tại, tổng số bản cam kết đã được các cơ sở kinh doanh ký là 332 bản.
Tại Thái Bình
Các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm phân phối, mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh lượng hàng hóa bán ra tăng gấp 2-3 lần so với thường ngày, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, miến, mỳ chũ, mỳ tôm, lương khô, đồ hộp, xúc xích, mắm, muối, mì chính, dầu ăn, rau củ quả...
Tuy nhiên giá các mặt hàng không có biến động, hiện vẫn áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng, chưa có biến động lớn, cụ thể:
Tình hình kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, không khan hiếm; tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động bình thường và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Giá khẩu trang trung bình từ 40.0000 - 70.000 đồng/hộp tùy loại, dung dịch sát khuẩn từ 45.000đ - 120.000 đồng/lọ.
Giá mặt hàng thịt lợn tăng nhẹ từ 10.000đ-20.000đ/kg, giá lợn hơi dao động từ 82.000đ-83.000đ/kg, thịt lợn thành phẩm dao động từ 150.000đ-180.000đ/kg
Giá mặt hàng gạo tăng nhẹ từ 1.000đ-2.000đ/kg (giá gạo tẻ dao động từ 15.000đ-17.000đ/kg, gạo ngon dao động từ 18.000đ-22.000đ/kg); Giá rau, củ quả ổn định, do vào thời điểm chính vụ nguồn cung dồi dào; Giá các loại bia, nước giải khát ổn định: bia Heineken 400.000 đồng/thùng, bia Tiger 340.000 đồng/thùng, bia 333: 235.000 đồng/thùng, nước ngọt Pepsi 175.000 đồng/thùng, Coca-Cola 180.000 đồng/thùng.
Các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược trên địa bàn thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa và bán theo giá niêm yết, không có tình trạng găm hàng, đầu cơ và bán giá hàng hóa bất hợp lý. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.
Tại Thành phố Hà Nội
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.
Trước diễn biến mới của tình hình dịch bênh, Cục QLTT thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý sản phẩm, hàng hóa giả, hàng hóa kém chất lượng do một số đối tượng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để gian lận, lừa dối người tiêu dùng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tình hình kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường, không khan hiếm.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động bình thường và và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tình hình thị trường chuẩn bị Tết Nguyên đán bình thường, lượng hàng hóa nhập về chợ đầu mối nông sản, thực phẩm ở Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền (Quận 8) dồi dào, đa dạng, phong phú, sức mua chưa tăng.
Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.
Kết quả kiểm tra, xử lý
Như vậy, tính từ ngày 24/7/2020 đến ngày 1/2/2021, toàn lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát 273 vụ việc liên quan đến các thiết bị phòng, chống dịch Covid-19; tổng số tiền xử phạt: 1,15 tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 31/1/2020 đến ngày 1/2/2021, Số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường là 9.566; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,1 tỷ đồng.