Hiệp định CPTPP - Trợ lực giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt khó

Trong khi xuất khẩu thuỷ của Việt Nam sang sang nhiều thị trường gặp khó khăn, thì tại khối thị trường CPTPP lại ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt là tại Chile với mức tăng trưởng dương 15% trong 6 tháng đầu năm 2023 nhờ tận dụng hiệu quả thuế suất ưu đãi của Hiệp định này.

Tín hiệu tích cực từ thị trường CPTPP

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý 2/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, cao hơn 30% so với quý 1/2023.

Tính đến hết nửa đầu 2023, mặc dù xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn đều sụt giảm, tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU (giảm lần lượt là 46% và 33% so với cùng kỳ năm 2022), nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn ở mức tăng trưởng âm 27,5% đạt 4,15 tỷ USD, giữ nguyên từ quý 1 so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong quý 2/2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những tín hiệu tích cực, khi giá trị xuất khẩu cao hơn nhiều so với quý 1. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ cao hơn 49% và Trung Quốc cao hơn 57%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vấn đề tồn kho do nhập khẩu quá nhiều và ồ ạt trong năm 2022 đã dần được giải quyết ở Hoa Kỳ và Trung Quốc nên 2 thị trường nay đang có nhu cầu nhập khẩu trở lại, dù chưa mạnh mẽ nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt. Trong khi đó, lạm phát vẫn khiến cho người tiêu dùng tại các thị trường khác phải cân nhắc chi tiêu, vì vậy, xuất khẩu thủy sản vẫn chưa có dấu hiệu đột phá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các thị trường khác.

Tận dụng hiệu quả CPTPP trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Tại khối thị trường CPTPP ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt là tại Chile với mức tăng trưởng dương 15% trong 6 tháng đầu năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 1,12 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong xu hướng chung của thế giới, sụt giảm xuất khẩu là khó tránh với tất cả các thị trường, kể cả khối CPTPP. Tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU (giảm lần lượt là 46% và 33% so với cùng kỳ năm 2022) thì khối CPTPP vẫn có kết quả khả quan hơn.

Xuất khẩu sang Nhật có mức giảm khiêm tốn 11% nhờ sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam vẫn có ưu thế và đặc biệt là xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ Nhật vào Việt Nam để gia công, chế biến xuất khẩu cho thị trường này.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó do thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng,… nên đã lựa chọn sản xuất hàng giá trị gia tăng và tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP để vừa ổn định việc làm cho người lao động, vừa tận dụng công suất chế biến, tạo thêm nguồn thua nhập nhờ xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như các nước khác trong khối CPTPP.

Những năm gần đây, bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi đã khiến Việt Nam mất dần vị thế tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, trước các nước khác có lợi thế về nguồn cung, giá thành sản xuất thấp, giá bán cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,…

Điển hình là mặt hàng tôm, sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam đang ngày càng sụt giảm thị phần tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi những thị trường này ngập tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.

Tận dụng hiệu quả các lợi thế

Nhờ lợi thế về thuế nhập khẩu, thế mạnh về chế biến sâu, chế biến hàng giá trị gia tăng và vị trí địa lý, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu ở nhiều thị trường trong khối CPTPP.

Điển hình, Chile là nước duy nhất trong khối có mức tăng trưởng dương 15% trong 6 tháng đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Chile chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tăng cao, đồng thời, việc tận dụng Hiệp định CPTPP giúp doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp cận được thị trường Chile với mức thuế quan ưu đãi.

Sau 5 năm (từ 2018-2022), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP tăng 30% từ 2,2 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD. Từ mức tỷ trọng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tới 2022, con số này đã tăng lên 27%. Những con số này đã phản ánh rõ rệt lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại cho ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.

Thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP đã về 0% hoặc đã được hưởng sẵn mức thuế cơ bản 0%. Với lợi thế này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã và đang tận dụng hiệu quả để giữ vị trí số 1 tại một số thị trường và gia tăng thị phần tại các thị trường khác.

Tận dụng hiệu quả CPTPP trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Nhờ lợi thế về thuế nhập khẩu, thế mạnh về chế biến sâu, chế biến hàng giá trị gia tăng và vị trí địa lý, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu ở nhiều thị trường trong khối CPTPP

Cụ thể, việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico đang được giảm mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ chế biến các như loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mexico.

Khối CPTPP chiếm 15,5% giá trị nhập khẩu thủy sản của cả thế giới với kim ngạch nhập khẩu từ 21-27 tỷ USD/năm. Năm 2022 nếu không tính Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của 10 nước trong khối là 25 tỷ USD. Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất trong khối CPTPP, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thị trường CPTPP vẫn còn nhiều dư địa

VASEP nhận định, dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản cần ổn định nguồn nguyên liệu trong nước cũng như đa dạng nguồn cung nhập khẩu từ các nước nội khối, xây dựng kế hoạch phù hợp để tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA khác để giữ được vị thế của thủy sản Việt Nam trên thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), mới đây, việc Anh chính thức ký thoả thuận gia nhập vào CPTPP, bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi rất lớn. Trong chừng mực nhất định sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị cho thời gian tới.

Trên thực tế, khó khăn trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững, như lao động làm thế nào để không xảy ra những vi phạm về lao động trẻ em trong nghề cá? Làm sao thể gỡ thẻ vàng IUU? Đối tác CPTPP là Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai khác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định. “Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm và có những điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong CPTPP” - bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh.

Thời gian tới, để tiếp tục tận dụng các ưu đãi thuế quan và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp mới và mạnh mẽ hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Huyền My