Xu hướng tiêu thụ các mặt hàng giá rẻ
Theo thống kê của Cơ quan Dịch vụ Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (NMFS), 5 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 1,3 triệu tấn thủy sản từ các nước, ít hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng nhập khẩu từ Việt Nam là 112,8 nghìn tấn, thấp hơn 19% so với cùng kỳ và chiếm 9% nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Trong nửa đầu năm nay, nhu cầu thủy sản của người tiêu dùng Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và suy thoái kinh tế, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm. Bên cạnh đó, lượng tồn kho lớn khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn.
Giá trung bình nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm giá mạnh nhất so với các nước trong top 10 nguồn cung thủy sản cho thị trường này.
Tính đến hết tháng 5, Hoa Kỳ nhập khẩu 17,6 nghìn tấn tôm từ Việt Nam, ít hơn 41% so với cùng kỳ năm 2022, với giá trung bình 10,76 USD/kg, giảm 5%. Riêng trong tháng 5/2023, nhập khẩu tôm từ Việt Nam đạt mức cao nhất từ đầu năm với 4,73 nghìn tấn.
Cá tra là mặt hàng có khối lượng nhập khẩu nhiều nhất trong số các loài thủy sản Hoa Kỳ nhập từ Việt Nam và tháng 5/2023 cũng là tháng khối lượng nhập khẩu cao nhất, đạt 7,8 nghìn tấn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ nhập 31,3 nghìn tấn cá tra Việt Nam, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trung bình nhập khẩu cá tra là 3,39 USD/kg, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam đạt 17,2 nghìn tấn trong 5 tháng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trung bình 6,39 USD/kg, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận tăng trưởng dương như cá bơn tăng tăng 179%, cá kiếm tăng 49%, cá minh thái tăng 16%, cá tuyết cod tăng 51%, đặc biệt chả cá, cá viên, thịt cá xay tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối lượng nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng giá bán giảm cho thấy thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng nhập khẩu các mặt hàng giá rẻ, phản ánh tác động của lạm phát cao đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng tại đây.
Kỳ vọng xuất khẩu phục hồi rõ rệt trong nửa cuối năm
Một số chuyên gia ngành thủy sản nhận định nhu cầu thủy sản của Hoa Kỳ có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi lạm phát tại thị trường này giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, lạm phát của Hoa Kỳ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, với chỉ số CPI tháng 6/2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Nếu so với tháng 5/2023, chỉ số CPI này chỉ tăng 0,2%. Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 6/2023 tại Hoa Kỳ chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 0,2% so với tháng 5/2023. Các mức tăng này đều thấp hơn mức dự báo được giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Washington D.C, Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phục hồi và có những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ. Qua đó, đem đến hy vọng hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.
Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói riêng, chuyển hướng tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, các yếu tố sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích là thay đổi tư duy của doanh nghiệp cũng như tiếp cận với tệp khách hàng phù hợp hơn trong bối cảnh người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến chất lượng và vấn đề trách nhiệm môi trường - xã hội của người bán.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam cũng đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp hơn với triển vọng của thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra nhờ lợi thế các sản phẩm cá tra có mức giá cạnh tranh.
Điển hình, Công ty Cổ phần Nam Việt - một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giá thấp, và dự báo kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ chiếm khoảng 9% tổng doanh thu trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1% của năm 2022. Trong tháng 5 vừa qua, lượng cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp này chiếm tới 6,7% tổng lượng cá tra được Hoa Kỳ nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay.
Tương tự, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn - đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cho biết doanh số xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 5/2023 đã tăng 21% so với tháng 4/2023. Phía công ty kỳ vọng đơn hàng sẽ hồi phục từ cuối quý 3/2023 hoặc sang đầu năm 2024 khi lạm phát tại thị trường này giảm, lượng tồn kho giảm và nhu cầu cho các dịp lễ hội cuối năm tăng lên.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng tích cực tham gia các hội chợ và hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua để tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị phần không chỉ tại thị trường Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới. Tại Hội chợ Thuỷ hải sản Bắc Mỹ diễn ra vào tháng 3/2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gây được ấn tượng tốt với bạn bè, đối tác quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhận định “Dù thách thức rất lớn, lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các công ty quốc tế, song các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Bắc Mỹ, và triển vọng phát triển tại thị trường Hoa Kỳ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam là rất sáng trong thời gian tới.”