Nhu cầu nhập khẩu
Người tiêu dùng Vương quốc Anh rất ưa chuộng thủy sản. Nhóm hàng thủy sản nhập khẩu vào Anh chủ yếu là các mặt hàng có nhóm HS là HS03, HS1604, HS1605. Theo dữ liệu thống kê từ ITC, trong giai đoạn 2019-2021 hàng năm Anh chi khoảng 4,32 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản, chiếm 0,64% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Anh.
Năm 2020, dịch Covid-19 và vấn đề Brexit đã ảnh hưởng tới kết quả nhập khẩu thủy sản của Vương quốc Anh, cụ thể là giảm 5,62% so với năm 2019, đạt 4,144 tỷ USD. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Anh, chiếm 7,8% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Anh, đạt 323,6 triệu USD, tăng 8,71% so với năm 2019.
Sang năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Anh đã phục hồi trở lại sau khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát và các đối tác cũng đã quen với các quy định mới của Anh sau Brexit. Theo số liệu thống kê của ITC, trị giá nhập khẩu thủy sản của Anh năm 2021 đạt 4,424 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2020. Trong đó nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam chiếm 6,9% đạt 305,1 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2020.
Nhập khẩu thủy sản của Vương quốc Anh tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Theo ghi nhận thống kê của ITC, nhập khẩu thủy sản của Anh trong năm 2022 đạt trên 5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh, chiếm 7,1% .
Nhập khẩu thủy sản từ những thị trường chuyên cung cấp thủy sản nước ấm là Trung Quốc, Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan cũng có diễn biến tương tự. Dịch Covid-19 khiến nguồn cung thủy sản của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan... giảm. Trong khi năm 2020 Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 khiến cho thị phần thủy sản của Việt Nam tăng trong năm 2020. Đến năm 2021, dịch Covid-19 ở Việt Nam bùng phát kiến cho kết quả xuất khẩu thủy sản tới thị trường Anh bị giảm. Tuy nhiên thị phần thủy sản của Việt Nam ở Anh đã tăng trở lại trong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người:
Theo báo cáo mới công bố quý I/2022 của Defra Family Food, tiêu thụ thủy sản của người Anh ở nhà năm 2020 đạt 148,2 gam/người/tuần tăng 1,6% so với năm trước đó. Trong khi tiêu thụ thủy sản ở ngoài nhà đạt 15,64g/người/tuần, giảm 4,3%. Tổng mức tiêu thụ thủy sản của người Anh năm 2020 là 162,98 tăng 1% so với năm trước.
Tổng mức tiêu thụ thủy sản ở Anh năm 2018-2020
Nguồn: Defra Family Food
Người Anh mua thủy sản chủ yếu qua kênh bán lẻ. Theo báo cáo cập nhật của Defra Family Food thì khoảng 66% người tiêu dùng Anh mua thủy sản ở các cửa hàng bán lẻ.
Những sản phẩm thủy sản được ưu tiên lựa chọn:
Người tiêu dùng Anh luôn chỉ lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao
do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng.
Tuy nhiên lạm phát tăng cao ở Anh tác động mạnh tới quyết định chi tiêu của người tiêu dùng Anh đối với các sản phẩm thủy sản. Những sản phẩm thủy sản đông lạnh, tiện dụng dễ chế biến ở nhà sẽ là sản phẩm thủy sản được ưu tiên lựa chọn trong ngắn hạn ở Anh khi lạm phát tăng cao.
Về mặt hàng, chiếm phần lớn với hơn 70% tổng trị giá nhập khẩu vẫn là các mặt hàng cá tươi hoặc ướp/đông lạnh, fillet hoặc chế biến (HS 0302, 0303, 0304, 1604). Các mặt hàng cá khác như cá nổi (cá thu, cá trích,…) hay cá thị trắng, tỷ lệ tự cung tự cấp ước tính ở Anh là dưới 30% nên hiện nguồn cung các mặt hàng này cũng đang phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu.
Thị hiếu, xu hướng tiêu thụ
Đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người dân sử dụng thủy sản làm thực phẩm chính trong ít nhất 2 bữa ăn mỗi tuần nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Thị hiếu của người dân Vương quốc Anh cũng khá ổn định. Người tiêu dùng tại thị trường này cũng khó thay đổi thói quen. Chiếm khoảng 62% lượng tiêu thụ thuỷ sản của Vương quốc Anh là 5 loài hải sản chính, bao gồm cả tôm với phần lớn nguồn cung đến từ các quốc gia khác.
Tôm là lựa chọn phổ biến trên thị trường bán lẻ thuỷ sản tại Anh trong nhóm các loài giáp xác, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thuỷ sản tại thị trường này.
Trong thị trường bán lẻ, với 67% thị phần, doanh số bán tôm ướp lạnh chiếm phần đa số, và 33% thị phần còn lại đến từ các sản phẩm đông lạnh. Về phân loại, các sản phẩm tôm “tự nhiên” hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất tổng trị giá bán ra với hơn 60% thị phần. Các sản phẩm tôm sú và tôm thẻ đông lạnh cũng được ưa chuộng hơn tại thị trường này. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ tôm như bột, tẩm bột, bánh ngọt, các sản phẩm chế biến sẵn và nước sốt, sushi cũng được bày bán rộng rãi nhưng không có tăng trưởng đáng kể.
Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh này tại Anh. Tôm được sử dụng nhiều nhất trong các nhà hàng ăn nhanh (chiếm 48% tổng tiêu thụ khu vực nhà hàng); các nhà hàng (chiếm 21%) và quán rượu - pub (12%). Ngoài ra, tôm cũng rất được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ, Trung Quốc với các món cuốn, súp, há cảo/màn thầu,…
Tương tự như các thị trường khác tại khu vực châu Âu, người tiêu dùng tại Vương quốc Anh cũng có xu hướng chú trọng tới không chỉ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm tới các yếu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Các yếu tố cơ bản khác như giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng vẫn được quan tâm.
Đối thủ cạnh tranh
Tôm, cá tra, cá ngừ và mực là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam tới Anh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tới Anh chiếm 71,26%; xuất khẩu cá tra chiếm 20,63%; xuất khẩu cá ngừ là 1,52%; xuất khẩu mực là 1,36% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản tới Anh.
Đối thủ cạnh tranh mặt hàng tôm:
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới Anh, chiếm tới 71,26% tổng trị giá xuất khẩu tới thị trường này trong 9 tháng năm 2022. Các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường Anh là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan. Những năm trước dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm của Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Riêng Ecuador trong giai đoạn 2020-2021 xuất khẩu tôm tới Anh vẫn tăng mạnh. Các nhà cung cấp tôm này đang dần ổn định nguồn cung do vậy tạo ra nhiều thách thức đối với mặt hàng tôm của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tôm đến từ Ecuador và Ấn Độ.
Đối với mặt hàng cá tra:
Đây là mặt hàng thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam được xuất khẩu tới Anh, chiếm 20,63% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản tới Anh 9 tháng năm 2022. Đối thủ lớn nhất của mặt hàng cá tra phần lớn là những sản phẩm các thịt trắng khác có tính tương đồng và thay thế khi cần như các nhà cung cấp cá rô phi, cá nước lạnh.
Lợi thế lớn nhất của cá tra Việt Nam là có mức giá phù hợp, dễ chế biến và tiện dụng cho chế biến ở nhà, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại nhà ở Anh tăng cao. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Anh thì lựa chọn các sản phẩm chế biến từ cá tra sẽ là lựa chọn phù hợp vì có mức giá tối ưu hơn các loại khác. Khả năng cạnh tranh của mặt hàng cá tra đối với các loại cá thịt trắng khác ở thị trường Anh trong thời gian tới là cao.
Đối với thủy sản khai thác như cá ngừ và mực:
Hai mặt hàng này là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 4 và thứ 5 tới Anh của Việt Nam tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 1,52% và 1,36%. Đây là những mặt hàng thủy sản không có kỳ vọng cạnh tranh cao ở thị thị trường Anh.
Vì yêu cầu các sản phẩm khai thác của Anh là tương đương với EU. Trong khi thủy sản khai thác của Việt Nam đang chịu lệnh áp “thẻ vàng” của EC sẽ khiến cho nguồn cung hai nhóm hàng này của Việt Nam cho thị trường Anh là thấp.
Triển vọng xuất khẩu
Dự báo ngắn hạn:
Nhu cầu tiêu dùng thủy sản giá trung bình và rẻ ở dạng đông lạnh và tiện dụng sẽ được người tiêu dùng Anh lựa chọn ưu tiên trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Do vậy các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Anh sẽ tăng trong thời gian tới là tôm sú, tôm thẻ đông lạnh cỡ nhỏ và trung bình. Các sản phẩm cá thịt trắng đông lạnh và đóng hộp tiện dụng ở nhà cũng là sản phẩm thủy sản ưu tiên tiêu dùng và được nhập khẩu nhiều vào Anh trong thời gian tới. Mặt hàng cá tra và tôm cỡ trung bình và nhỏ của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần trong thời gian tới.
Dự báo dài hạn:
Anh luôn là thị trường có yêu cầu cao và có cầu cao về những sản phẩm thủy sản chất lượng do vậy khi kinh tế phục hồi nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản có trị giá cao ở dạng tươi sống, cỡ to phục vụ tiêu dùng ở các nhà hàng sẽ tăng trở lại. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này thì cần có những sản phẩm tiên phong về mẫu mã, hình thức và khẩu vị khi đó mới có thể tăng mạnh thị phần thủy sản ở thị trường Anh.
Khả năng tăng trưởng
Theo các doanh nghiệp ngành hàng tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo sản lượng tôm toàn cầu trên 5 triệu tấn cho giai đoạn 2022-2023, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm. Trong đó:
- Trung Quốc là nước nuôi và nhập khẩu tôm lớn. Ngoài tiêu thụ nội địa, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp tôm bao bột lớn nhất vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mua tôm Việt Nam thông qua thương lái và một số nhà máy chế biến thủy sản nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tôm tươi luộc và tôm sú.
- Ấn Độ và Ecuador là hai cường quốc nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, sản phẩm tôm từ Ecuador cũng đang có lợi thế với thị trường Mỹ do đường biển gần, chi phí vận tải biển thấp hơn từ 3-4 lần so với mức tương đương của hàng thủy sản từ châu Á.
- Đối với sản phẩm tôm Việt Nam, vị thế ngành hàng đang được duy trì khá tốt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Vương quốc Anh. Tôm Việt Nam đang nỗ lực duy trì thị phần và tập trung vào chế biến sâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt, và tình hình thương mại hàng hoá toàn cầu nhiều biến động, dự đoán mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm trong giai đoạn tới có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường UK chiếm khoảng 3,6%.
Về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã dần thích nghi với những cam kết, khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường UK. Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.