Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội nghị Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc
Toàn cảnh Hội thảo Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức

Nhân dịp tổ chức phiên đối thoại cấp cao lần thứ 2 về phòng vệ thương mại giữa Việt Nam và Úc (thuộc khuôn khổ chương trình “Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế” (EEES) giữa Việt Nam và Úc), Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Úc và Uỷ ban Chống bán phá giá Úc tổ chức Hội thảo “Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, văn phòng Luật hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế được tiếp cận với các thông tin cập nhật về pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc.

Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin, năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Úc. Mối quan hệ song phương này được xây dựng dựa trên sự tin cậy mạnh mẽ lẫn nhau cũng như sự hợp tác thiết thực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ Việt Nam - Úc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021, đưa Úc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc. Cùng với đó, hai cơ quan phòng vệ thương mại Việt Nam và Úc đã xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp trên các diễn đàn thương mại song phương, đa phương và WTO.

Úc là một trong nhiều nước có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại. Theo thống kê của WTO, tính từ năm 1995 đến nay, Úc đã khởi xướng điều tra hơn 400 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam mới thực sự triển khai các cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ 2015 đến nay. Do đó, Việt Nam rất trân trọng các cơ hội được học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực này từ các đối tác nhiều kinh nghiệm như Úc.” - Ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ.

Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tích cực sau đại dịch Covid-19

Việt Nam - Úc hiện là đối tác trong ba Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ sở thuận lợi để hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Úc phát triển tích cực thời gian qua.

Tại Hội thảo, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tích cực sau đại dịch Covid-19, thể hiện các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế để đáp ứng các nhu cầu và xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam hy vọng rằng với tinh thần hợp tác thương mại Việt Nam - Úc này sẽ tiếp tục tạo nền móng cho quan hệ song phương phát triển tốt hơn nữa.

Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế được tiếp cận với các thông tin cập nhật về pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 231 vụ kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mạicủa nước ngoài, trong đó Úc đã điều tra 18 vụ việc. Những vụ kiện này đã có nhiều tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu, gây tổn thất về tài chính, giảm ngạch xuất khẩu, lao động mất việc làm… gây hiệu ứng không tốt đến kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, với việc tham gia vào các Hiệp định FTA song phương và đa phương, hàng hoá nước ngoài đang ngày càng thâm nhập vào Việt Nam một cách thuận tiện hơn do chính sách mở cửa thị trường và cắt giảm thuế theo lộ trình. Do đó, để kiểm soát hàng nhập khẩu, việc Việt Nam sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu ngay trong thị trường nội địa cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hiểu thêm về cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương và đại diện cơ quan phòng vệ thương mại Úc đã có tham luận giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có tham luận, giới thiệu tới các doanh nghiệp nguyên tắc và tác dụng của cơ chế phòng vệ thương mại xu hướng trên thế giới và thực tiễn quy định tại Việt Nam; và đại diện cơ quan phòng vệ thương mại Úc đã giới thiệu các quy định, quy trình điều tra của Úc về phòng vệ thương mại.

Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tìm hiểu được những thông tin hữu ích về quy định và thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc.” - Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Huyền My