Hoàn thiện công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp

TRƯƠNG VÕ PHÚ TÂN (Chuyên viên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp), TS. NGUYỄN KHẮC HIẾU (Giảng viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết tổng hợp các số liệu thứ cấp, phân tích các chính sách có liên quan cũng như thực trạng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua và những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với HTXNN trên địa bàn tỉnh. Đề tài đã chỉ ra ba vấn đề bất cập cần giải quyết đó là: Nhận thức về vai trò, vị trí của HTXNN đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn hiện nay; Thực hiện kiện toàn HTXNN theo Luật Hợp tác xã mới năm 2012; Thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý HTXNN. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý HTXNN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Từ khóa: Công tác quản lý, hợp tác xã nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2019, mặc dù khó khăn nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển ổn định, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên. Doanh thu bình quân của HTX đạt 3,37 tỷ đồng/HTX/năm, tăng khoảng 9% so với năm 2018; lãi bình quân là 248 triệu đồng/HTX/năm (tăng khoảng 15% so với năm 2018); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2019 là 44 triệu đồng/người, tăng khoảng 15,8% so với năm 2018 (Liên minh HTX Việt Nam, 2020).

Phát triển của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bước đầu đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, các HTXNN không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. HTXNN là những kênh phân phối tiêu thụ, lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường, duy trì phát huy ngành nghề truyền thống, thu hút lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội trong tỉnh. Theo đó, các HTXNN đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế Đồng Tháp, thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo.

Theo Mai Văn Nam (2005), kinh tế hợp tác và HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Các dịch vụ của hợp tác xã đều được đánh giá tốt về chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán. Tuy nhiên, dịch vụ của HTX chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã viên và nông hộ. Điểm yếu của các HTX hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế về vốn, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn thấp, năng lực quản lý còn yếu. Lý Đinh Xuân Hồng (2015) đã đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTXNN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTXNN hiện có. Tuy vậy, đề tài chưa nghiên cứu thực trạng về quản lý nhà nước đối với các HTXNN cũng như chưa đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Theo Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Sánh (2015), tổ chức và phát triển HTXNN, đặc biệt sản xuất lúa là rất quan trọng nhằm giúp nông dân nhỏ lẻ có cơ hội phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường.

Vì thế, HTXNN Tiến Đạt - Bạc Liêu được chọn để nghiên cứu điểm. Để so sánh hiệu quả tổ chức, sản xuất HTXNN, số hộ được chọn là 60 hộ, trong đó bao gồm 30 hộ trong HTXNN và 30 hộ ngoài HTXNN để điều tra và khảo sát bao gồm các nội dung về tổ chức, năng lực và hiệu quả sản xuất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nông dân tham gia HTXNN sẽ có nhiều cơ hội nâng cao kỹ thuật sản xuất, nối kết sản phẩm làm ra với thị trường. Do vậy, lợi nhuận nông dân tăng lên khi tham gia HTXNN so với nông dân cá thể bên ngoài HTXNN. Ngoài ra, năng lực Ban quản lý cũng rất quan trọng nhằm giúp thành viên khai thác tiềm năng và nguồn lực nông hộ. Tuy vậy, mức độ và hiệu quả hoạt động HTXNN còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc nâng cao năng lực Ban quản lý và đa dạng sản xuất - kinh doanh của HTXNN rất cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm đề xuất chính sách hợp lý để phát triển tổ chức HTXNN hiệu quả hơn trong tương lai.

Dương Ngọc Thành, Nguyễn Công Toàn và Hà Thị Thu Hà (2018) đã nghiên cứu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động HTXNN tỉnh An Giang, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTXNN. Kết quả cho thấy, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTXNN chưa cao, chỉ có 55% HTXNN được xếp loại mạnh, trung bình/yếu (45%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra khó khăn của HTXNN là thiếu vốn và quy mô diện tích đất do HTXNN quản lý thấp. Đồng thời, qua phân tích kết quả hồi quy, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTXNN bị tác động bởi các yếu tố: Năm thành lập HTXNN, nguồn vốn, trình độ quản lý của ban giám đốc và hình thức hoạt động dịch vụ của HTXNN.

Tóm lại, từ việc tổng hợp các nghiên cứu trước và nghiên cứu tình hình quản lý HTX tại tỉnh Đồng Tháp ta thấy, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực HTX nhất là HTXNN còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Từ đó, dẫn đến giảm động lực phát triển kinh tế HTX.

Xuất phát từ thực tế trên nên việc nghiên cứu hoàn thiện công tác quản lý HTXNN tại tỉnh Đồng Tháp là nhu cầu cấp thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần và sự phát triển HTXNN tại tỉnh Đồng Tháp.

2. Cơ sở lý luận về Hợp tác xã và quản lý nhà nước về Hợp tác xã

2.1. Khái niệm hợp tác xã

Tại điều 1, Luật HTX năm 2003 chỉ ra: “HTX là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia HTX, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Khái niệm “HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” cũng được nêu tại khoản 1, điều 3 Luật HTX năm 2012.

2.2. Quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã

Việc quản lý nhà nước đối với HTX đều được quy định cụ thể trong các Luật HTX năm 1996, 2003 và 2012. Trong Luật HTX năm 2012, tại Điều 59, nội dung quản lý nhà nước gồm: “ (1) Ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về HTX, liên hiệp HTX và văn bản pháp luật có liên quan. (2) Xây dựng bộ máy và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX. (3) Tổ chức và hướng dẫn đăng ký HTX, liên hiệp HTX. (4) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với HTX, liên hiệp HTX; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của HTX, liên hiệp HTX của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. (5) Hợp tác quốc tế về phát triển HTX, liên hiệp HTX”.

3. Thực trạng về quản lý Hợp tác xã tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp

3.1. Số lượng và phân bố Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp

Theo báo cáo của Liên minh HTX Đồng Tháp, từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng HTXNN trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, cụ thể được trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Số lượng HTXNN từ năm 2015 đến năm 2019

TT

Chỉ tiêu

Chia theo năm

2015

2016

2017

2018

2019

1

Tổng số hoạt động

166

142

145

166

175

2

HTXNN mới thành lập

2

0

3

21

20

3

HTXNN chấm dứt hoạt động

10

21

7

2

11

Nguồn: Liên minh HTX Đồng Tháp (2019)

Trong năm 2019, đã thành lập mới được 19 HTX, vượt 5 HTX so với kế hoạch (KH năm 2019 là 14 HTX), giải thể 11 HTX không hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 213 HTX với 54.603 thành viên, vốn điều lệ 300 tỷ 023 triệu đồng, vốn hoạt động 1.082 tỷ 259 triệu đồng. So với năm 2018, số HTX tăng 4,4%, số thành viên tăng 3,2 %. Trong đó: 196 HTX đang hoạt động và 17 HTX không hoạt động. Đa số các HTX trong tỉnh hoạt động theo mô hình tổ chức một bộ máy, sự phân bố các HTXNN trên địa bàn tỉnh.

Trong 169 HTX nông nghiệp có 42 HTX hoạt động 1 dịch vụ, chiếm 25%, chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu; 39 HTX hoạt động 2 dịch vụ, chiếm 23%; 29 HTX hoạt động 3 dịch vụ, chiếm 17%; 29 HTX hoạt động 4 dịch vụ, chiếm 17%; 31 HTX hoạt động 5 dịch vụ trở lên, chiếm 18%. Số lượng thành viên bình quân của mỗi HTX nông nghiệp trong năm 2019 là gần 850 thành viên. Bộ máy quản lý HTXNN bình quân từ 6 - 7 người. Cán bộ có trình độ trung cấp 203 người, chiếm 26%; cao đẳng và đại học 101 cán bộ, chiếm 13%; còn lại là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo.

Vốn quỹ bình quân của mỗi HTXNN có khoảng 1,888 tỷ đồng; tổng doanh thu bình quân năm/HTX là 1,632 tỷ đồng; thu nhập của người lao động làm việc thường xuyên trong HTXNN từ 10 - 12 triệu đồng/người/năm. Đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp: Năm 2019, ước đánh giá xếp loại 177/197 HTX đang hoạt động như sau: Xếp loại tốt đạt tỷ lệ: 17%, Xếp loại khá đạt tỷ lệ: 33%, Xếp loại trung bình đạt tỷ lệ: 40%, Xếp loại yếu đạt tỷ lệ: 10%. Đến cuối năm 2016, tất cả HTXNN đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012.

3.2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với HTXNN tại tỉnh Đồng Tháp

Mặc dù có nhiều văn bản về hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, số lượng công chức bố trí cho phòng Kinh tế hợp tác và trang trại của Chi cục Phát triển nông thôn hiện nay còn khác nhau. Một số Chi cục quan tâm bố trí 6 công chức nhưng vẫn còn một số Chi cục Phát triển nông thôn (4/63 Chi cục Phát triển nông thôn) đến nay vẫn chưa thành lập phòng Kinh tế hợp tác mà chỉ bố trí một số cán bộ kiêm nhiệm. Tại các huyện, hiện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách.

Trong những năm qua, ngoài các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ HTX, trong đó có HTXNN để thực hiện hỗ trợ các hoạt động:  Đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập HTX, trong đó có HTXNN.

Về đào tạo bồi dưỡng theo Nghị quyết số 176/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành về Quy định chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở HTXNN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2020.

Về chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 104 HTX tiếp cận vay từ các Ngân hàng thương mại. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Tỉnh đã cho 7 HTX với 13 phương án sản xuất - kinh doanh vay. Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân cho 8 HTX.

Về chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng: Thực hiện theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 với 2 nhóm danh mục dự án; Thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đầu tư cơ kết cấu hạ tầng, thiết bị với tổng số 13 hạng mục.

4. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với HTXNN tại tỉnh Đồng Tháp

Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với HTX, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục tuyên truyền các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, HTX và Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhằm thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, nhân dân về nguyên tắc, bản chất và giá trị của HTX.

Tuyên truyền các chính sách đặc thù của tỉnh Đồng Tháp trong phát triển HTX nói chung và HTXNN nói riêng, nhất là các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến HTXNN. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để đa số nông dân tham gia các HTX kiểu mới và để nhân rộng những mô hình HTXNN kiểu mới giúp giảm chi phí đầu vào cho từng hộ xã viên, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa sản phẩm của các thành viên đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhưng lợi nhuận mang lại ngày càng cao.

Ngoài ra, HTX cần từng bước mở rộng quy mô hoạt động bằng cách kết nạp thêm thành viên hoặc hợp nhất, sáp nhập khi có đủ điều kiện. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho HTX. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn cho HTXNN. Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng chuyên canh; chuyển dần từ hoạt động dịch vụ đơn thuần sang tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Đối với những HTXNN nhiều năm không hoạt động, hoạt động yếu, kém hoặc có 1 dịch vụ nhiều năm không mở rộng cần xây dựng phương án giải thể HTXNN. Nếu các HTX không tổ chức và hoạt động theo Luật HTX năm 2012 thì kiên quyết chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Tổ chức sáp nhập hoặc hợp nhất các HTXNN có quy mô nhỏ nhằm giảm chi phí cho bộ máy điều hành hoạt động của HTX.

Cuối cùng, cần rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; cơ quan chuyên môn cấp huyện để tránh sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về HTX nói chung và HTXNN nói riêng. Kiện toàn ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh, huyện nhằm chỉ đạo, thực hiện các kế hoạch, đề án, chính sách liên quan đến KTTT. Trong đó, phân công trách nhiệm từng cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh với những nội dung chi tiết, cụ thể. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán HTXNN tập trung vào các nội dung như tổ chức hoạt động kinh doanh của HTX, tình hình huy động vốn góp, tỉ lệ góp vốn từng thành viên, các quy định của nhà nước về chế độ tài chính, kế toán, thuế đối với hoạt động của HTXNN. Thông qua kiểm tra, thanh tra, đánh giá những bất cập của quy định pháp luật, các chính sách, đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể nhằm có những điều chỉnh thích hợp để HTXNN hoạt động đúng Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan.

5. Kết luận

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là một trong những chủ trương lớn của Đảng. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cũng đã khẳng định: “Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia”.

Hiện nay, một số HTXNN của tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực thay đổi, phát triển với nhiều loại hình và đa dạng các hoạt động. Nhận thức và đổi mới tư duy, gắn hoạt động sản xuất hàng hóa với nhu cầu thị trường, mạnh dạn làm các dịch vụ để phục vụ xã viên, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Một số HTXNN tại tỉnh Đồng Tháp thực sự có vai trò rất lớn trong việc giúp người lao động cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang.

Để HTXNN có thể phát huy hơn nữa vai trò trong nền kinh tế, Nhà nước có thể tăng cường việc tuyên truyền về vai trò của kinh tế HTX đối với lãnh đạo và người dân; cấu trúc lại các HTX và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của HTX; rà soát nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương để tránh việc quản lý chồng chéo, từ đó tạo động lực cho mô hình kinh tế HTXNN phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Ngọc Thành, Nguyễn Công Toàn và Hà Thị Thu Hà, 2018. Đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 54(4D): 212-219.
  2. Liên minh Hợp tác xã Đồng Tháp (2019). Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002. Đồng Tháp.
  3. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2020). Báo cáo thường niên 2019. Hà Nội.
  4. Lý Đinh Xuân Hồng (2015). Hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Luận văn thạc sĩ Kinh tế phát triển, Trường Đại học Nông lâm Huế.
  5. Mai Văn Nam (2005). Kinh tế hợp tác và vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã đối với phát triển sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 128-137.
  6. Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Sánh (2015). Hợp tác xã nông nghiệp tiến đạt huyện vĩnh lợi - lợi ích đem lại cho thành viên. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 36 (2015), 23-
  7. Quốc hội (2003), Luật Hợp tác xã năm 20
  8. Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã năm

PERFECTING THE MANAGEMENT OF AGRICULTURAL COOPERATIVES IN DONG THAP PROVINCE

Trương Võ Phú Tân - Nguyễn Khắc Hiếu

Truong Vo Phu Tan

Specialist, Department of Sciences and Technology, Dong Thap Province

Ph.D Nguyen Khac Hieu

Lecturer, Ho Chi Minh City University of Technology and Education

Abstract:

By analyzing the secondary data sets, relevant policies and the current situation of the development of agricultural cooperatives in Dong Thap Province, this paper presents shortcomings in the sate management of agricultural cooperatives in Dong Thap Province. There are three major shortcomings including the perception of the role of the position of the state-owned agricultural cooperatives in the current rural socio-economic development, the perfection of agricultural cooperatives under the 2012 Law on Cooperatives, and the lack of staff who is in charge of management taks at cooperatives. Based on this paper’s findings, some solutions are proposed to improve the management efficiency of agricultural cooperatives in Dong Thap Province.

Keywords: Management task, agricultural cooperatives, Dong Thap Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]