Một số giải pháp hoàn thiện công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ cảnh sát kinh tế bộ an ninh Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

KHONESAVANH CHOUNRAPHANITH - TS. VŨ TUẤN ANH -GS.TS. HOÀNG VIỆT (Khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

TÓM TẮT:

Hiện nay, đơn vị thực hiện chức năng theo dõi, giám sát những hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Nước CHDCND Lào) đó là Cục Cảnh sát kinh tế Bộ An ninh. Để đạt được hiệu quả công việc cao, cán bộ nhân viên Cục Cảnh sát kinh tế cần phải nắm rõ, hiểu biết sâu sắc hơn nữa kiến thức về quản lý kinh tế để có thể đối phó kịp thời với các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi trong lĩnh vực này.

Hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực sự quan trọng trong việc đưa nền kinh tế hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tạo sự công bằng trong cạnh tranh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ, nhân viên Cục Cảnh sát kinh tế là rất quan trọng, tuy nhiên chất lượng đào tạo trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đầy đủ, bất cập.

Từ khóa: Đào tạo kiến thức quản lý kinh tế, cán bộ cảnh sát kinh tế, Bộ An ninh Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

1. Quan điểm và phương hướng phát triển công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế của Cục Cảnh sát kinh tế Bộ An ninh Lào

Với chủ trương bám sát việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác công an năm 2020, với phương châm hành động “Chủ động, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, Cục Cảnh sát kinh tế (Cục CSKT) đã tập trung nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp, cách làm mới thiết thực và triển khai thực hiện quyết liệt. Qua đó, thu được kết quả quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, chiến sĩ CSKT trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. 

Lực lượng CSKT cũng đã chú trọng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nhất là các chuyên án, vụ án lớn để rút ra phương thức, thủ đoạn và bài học kinh nghiệm nhằm phát huy, vận dụng vào thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân (CAND) nói chung và hệ thống của lực lượng CSKT nói riêng. Hoàn thành nhiều đề tài và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo nhanh chóng, kịp thời, phục vụ hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu của lực lượng CAND.

Khẩn trương ổn định tổ chức, bố trí sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, đúng trình độ, năng lực, sở trường để triển khai thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp với mỗi đối tượng học viên thuộc các bộ phận khác nhau và đảm nhiệm chức năng khác nhau.

Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng điều tra viên, trinh sát viên có đủ phẩm chất, năng lực quản lý kinh tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiện toàn, bố trí đủ cán bộ CSKT ở cấp huyện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm điều lệnh, quy chế, quy trình công tác; đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là đoàn kết nội bộ.

Quán triệt sâu sắc về tình hình, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra hiện nay đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; nhận thức rõ và cụ thể những chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ về đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, …từ đó nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về kiến thức quản lý kinh tế cần được áp dụng trong hoạt động công tác của mỗi cá nhân.

Làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể tích cực tham gia, cung cấp các tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm về kinh tế và tham nhũng.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế và nghiệp vụ cơ bản, trọng tâm là đổi mới công tác đào tạo kiến thức đa dạng và chuyên sâu, sát với thực tiễn hơn; củng cố nâng cao, xây dựng mạng lưới giảng viên chất lượng ở những cơ sở đào tạo kiến thức quản lý kinh tế trên địa bàn.

Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác để trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế với các nước lân cận, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động quản lý kinh tế có yếu tố nước ngoài.

2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ cảnh sát kinh tế Bộ Anh ninh Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

2.1. Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đào tạo

- Hoàn thiện thể chế pháp luật

Một là, cần phải khẩn trương hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục - đào tạo; khắc phục các quy định pháp luật lỗi thời, mâu thuẫn và những lỗ hổng của pháp luật; làm cho nội dung của pháp luật phù hợp với những yêu cầu của đời sống - xã hội.

Hai là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về giáo dục - đào tạo.

Ba là, hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực của giáo dục - đào tạo như: Chế độ học phí; Xác quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; Xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Bốn là, nâng cao trình độ trong hoạt động lập pháp, lập quy, trình độ pháp lý, chất lượng luật pháp, tính khả thi của pháp luật về giáo dục - đào tạo.

- Hoàn thiện cơ chế phân cấp cho các cơ sở đào tạo và đơn vị

Xây dựng quy chế đào tạo rõ ràng và chặt chẽ. Đây là một việc cần làm ngay vì nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện công tác đào tạo kiến thức giúp cho các chương trình học tập đi đúng hướng và phù hợp với các quy định của đơn vị cũng như của Nhà nước.

Tăng cường công tác dự báo và kế hoạch hóa sự phát triển giáo dục - đào tạo. Đưa giáo dục - đào tạo vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.

Tăng cường sự phối hợp giữa đơn vị với các cơ sở đào tạo trong phát triển chương trình và phương pháp đào tạo, địa bàn học tập và hướng dẫn thực tế.

Tăng cường phân cấp quản lý một cách hợp lý.

Thiết lập các cơ chế để nâng cao tính tự chủ đi đôi với việc nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục - đào tạo.

2.2. Giải pháp về nội dung đào tạo

Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn định kỳ đánh giá chương trình đào tạo để có những thiết kế bổ sung, đảm bảo tính hội nhập và tiên tiến, hướng tới đào tạo những gì xã hội cần. Chương trình phải hướng đến đào tạo hợp lý 3 vấn đề (kiến thức, kỹ năng, thái độ) và cần giải quyết đồng bộ các bước: (1) Thiết kế lại chương trình đào tạo theo định hướng quản lý kinh tế; (2) Phát triển tài liệu giảng dạy đa dạng và thực tiễn; (3) Tổ chức đánh giá quá trình đào tạo, đảm bảo tính liên thông và mềm dẻo.

Cần xây dựng các chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy theo tình hình thực tiễn trong ngành điều tra kinh tế. Các chương trình đào tạo cần phải thực hiện theo nguyên tắc đan xen giữa lý thuyết và thực hành đối với tất cả các học viên ở các bộ phận. Nội dung đào tạo cần phải sát với công việc dự kiến được áp dụng sau khi đào tạo xong, giúp học viên có thể vận dụng kiến thức vào thực tế trong công tác điều tra hình sự kinh tế và các vấn đề kinh tế liên quan.

- Giải pháp về phương pháp đào tạo

Đơn vị và cơ sở đào tạo nên kiểm soát chặt chẽ việc thiết kế khóa học, nhất là phương pháp mà cơ sở cung cấp chương trình đào tạo sử dụng để giảng dạy. Đặc biệt, cần đưa ra các bài tập tình huống, các chủ đề thảo luận gắn với thực tế hoạt động của đơn vị. Đồng thời, duy trì một tỷ lệ nhỏ các bài tập tình huống về lĩnh vực hoạt động của các tổ chức khác trong khu vực và trên thế giới.

2.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, đạo đức của người giáo viên trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thông qua cung cấp và yêu cầu giáo viên thường xuyên cập nhật chính sách trong quản lý đào tạo để từng bước thay đổi nhận thức và hành động.

Thường xuyên đánh giá giáo viên từ người học và có hình thức xử lý kịp thời với những giáo viên vi phạm, tâm đức trách nhiệm của người thầy.

Xây dựng đội ngũ giảng viên có cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn, kiến thức và kinh nghiệm về quản lý kinh tế.

Cần phải có những chính sách khuyến khích, động viên sự tham gia của đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm để họ yên tâm và tích cực thực hiện công tác giảng dạy của mình tốt hơn như: Sắp xếp công việc hợp lý, có các chế độ khuyến khích về tiền lương giảng dạy, phụ cấp ưu đãi, các loại tiền thưởng...

Giảng viên cần nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy, hoàn thiện những quy tắc, cách thức phối hợp hoạt động chung giữa giảng viên và học viên nhằm thực thi hiệu quả quá trình dạy học, giúp học viên lĩnh hội đầy đủ và sâu sắc nội dung đào tạo, đạt được mục đích đào tạo đã đề ra.

Sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào giảng dạy.

2.4. Giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị

Hàng năm, đơn vị và các cơ sở đào tạo phải cho kiểm tra toàn bộ cơ sở hạ tầng của mình, phát hiện kịp thời những sai hỏng để sửa chữa hoặc thay mới, từ đó giảm bớt chi phí cho đào tạo trong tương lai.

Việc xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng của công ty phục vụ cho việc đào tạo cần phải được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc ngay từ đầu. Điều này sẽ tiết kiệm được chi phí và đem lại cho người học và người dạy sự thoải mái nhằm đạt hiệu quả đào tạo cao nhất.

 Đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, website. Trang bị các dụng cụ, máy móc, máy tính, màn hình chiếu cho các phòng học. Ưu tiên nguồn lực xây dựng các mô hình thực tập cho học viên.

2.5. Giải pháp về quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo

Để thực hiện tốt hơn công tác đánh giá hoạt động đào tạo, đơn vị cần quan tâm hơn nữa tới sự phản hồi của học viên sau khóa học. Cụ thể:

Thu thập thông tin đánh giá của học viên sau khóa học vào các phiếu điều tra hoặc phỏng vấn trực tiếp ngay trong và sau khóa học, từ đó bộ phận phụ trách đào tạo sẽ lên kế hoạch chỉnh sửa và hoàn thiện công tác đào tạo cho phù hợp.

Cán bộ quản lý trực tiếp tiến hành đánh giá kết quả thực hiện công việc của cán bộ nhân viên sau khóa học và so sánh với kết quả làm việc của chính họ trước khi đào tạo, để xem những kiến thức, kỹ năng được đào tạo có vận dụng vào công việc nhằm nâng cao kết quả thực hiện công việc hay không, kỹ năng của cán bộ nhân viên sau khóa học đã được khắc phục chưa.

Tổ chức các buổi tổng kết định kỳ về công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế. Qua đó, các bên tham gia sẽ cùng nhìn vào những hoạt động thực tế, những kết quả đạt và chưa đạt trong thời gian qua để có thể phản biện, đóng góp ý kiến, xây dựng giúp công tác này ngày càng hiệu quả hơn nữa.

2.6. Giải pháp đối với động cơ và thái độ học tập của học viên

Giải pháp liên quan đến đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên viên

Giảng viên cần tìm hiểu nhu cầu người học, trình độ tri thức, vốn kinh nghiệm đã có của học viên. Điều này giúp cho giảng viên hiểu rõ về đối tượng học viên và lựa chọn những nội dung và hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao tiếp tích cực với học viên; Phản hồi nhanh chóng ý kiến của học viên.

Lựa chọn các hình thức dạy học phát huy tính tích cực của học viên. Phương pháp dạy và học tích cực hiện nay thường được áp dụng có việc dạy học qua dự án, dạy học nêu vấn đề, học thông qua hành động, học qua trải nghiệm thực tế,...

Giải pháp liên quan đến cơ sở đào tạo

Chương trình đào tạo phải được sắp xếp một cách khoa học, hiện đại phù hợp với từng đối tượng học viên cũng như nhu cầu của thực tiễn; đảm bảo cân đối giữa lý thuyết với thực hành.

Phân bố lịch đào tạo và thời gian kiểm tra, đánh giá phù hợp cũng phần nào tạo điều kiện cho cán bộ có thể sắp xếp được thời gian giữa công việc và học tập, giúp nâng cao hiệu quả sau đào tạo.

Giải pháp liên quan đến bản thân học viên

Các cán bộ cảnh sát kinh tế cần nhận thức rõ ý nghĩa và vai trò của kiến thức quản lý kinh tế áp dụng vào công việc hiện tại của bản thân.

Có kế hoạch học tập phù hợp, tuân thủ nghiêm túc sẽ giúp các cán bộ hứng khởi và học tập tốt hơn, đạt kết quả cao hơn và đúc kết cho bản thân được nhiều kiến thức quản lý kinh tế có giá trị để áp dụng vào công tác tại đơn vị.

3. Kết luận

Đào tạo kiến thức quản lý kinh tế là nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên cảnh sát kinh tế hiện nay.

Bài viết trình bày một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ cảnh sát kinh tế Bộ Anh ninh Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Từ đó, giúp ta có một cái nhìn tổng quan về thực tế công tác đào tạo kiến thức quản lý kinh tế tại đơn vị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Tổ chức Thủ đô Viêng Chăn, Báo cáo tổng kết công tác đào tạo công chức năng 2014, 2015, xu hướng đào tạo công chức nòng cốt tại Thủ đô Viêng Chăn, Viêng Chăn, Lào.
  2. Trần Kim Dung, Quản trị nguồn nhân lực, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
  3. Nguyễn Vân Điềm, Nguyễn Ngọc Quân, Giáo trình Quản trị nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2013.
  4. Đặng Thị Hương, (2013), “Một số nhân tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
  5. Nguyễn Thị Thu Hà, (2008), “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghiệp thực phẩm”.
  6. Nguyễn Duy Hà, (2010), “Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp”.
  7. Phạm Quỳnh Hoa, (2002), Quản lý nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước (tập 2), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Niêm giám thống kê CHDCND Lào 2006 - 2015.
  9. Trần Thị Ngọc Nga, (2000), “Hoàn thiện công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ cơ sở ngành năng lượng”, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  10. Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương (2005), “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ công chức”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  11. Viêng Khăm Phông Sa Văn, (2009), “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở Học viện Công an nhân dân trong giai đoạn mới”, Tạp chí Lý luận chính trị - Hành chính quốc gia Lào, (số 12/2009).
  12. Xinh Khăm Phôm Ma Xay, (2001), “Thực trạng và những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế của Lào”, Tạp chí Lý luận chính trị, (số 10/2011).

Some solutions to improve the quality of training economic management knowledge for economic police officer in the Lao People's Democratic Republic

Khonesavanh Chounraphanith

Ph.D Vu Tuan Anh

Assoc.Prof. Ph.D Hoang Viet

Faculty of Real Estate and Resources Economics - National Economics University

ABSTRACT:

Currently, the unit performing the function of monitoring and supervising economic activities in the territory of the Lao People's Democratic Republic is the Department of Economic Police under the Ministry of Public Security. In order to achieve high working efficiency, the staff of the Department of Economic Police need to better understand the knowledge of economic management to be able to deal with more sophisticated activities in the economic field. The effectiveness of knowledge training plays an important part in ensuring orders of economy within the legal framework, creating fairness in competition. In addition, the training and retraining of knowledge for the staff of the Department of Economic Police are important tasks. However, the quality of knowledge training is still limited with some inadequacies.

Keywords: Training knowledge of economic management, economic police officers, Ministry of Public Security of the Lao People's Democratic Republic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]