TÓM TẮT:
Các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước ở Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh...
Tuy nhiên, một số tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước được sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả. Vì vậy, đảm bảo an ninh tài chính đối với các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước hiện nay là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Một trong số những giải pháp để giải quyết vấn đề này là tìm hiểu cách thức các nước đã làm thế nào để đảm bảo an ninh tài chính cho các tập đoàn của họ và rút ra bài học kinh nghiệm nhằm áp dụng cho các tập đoàn ở Việt Nam.
Từ khóa: Trung Quốc, Hàn Quốc, an ninh tài chính, tập đoàn kinh tế, Việt Nam.
1. Giới thiệu
Hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy mô hình này đã đạt được những kết quả nhất định và là công cụ điều tiết vĩ mô hiệu quả của Nhà nước. Về cơ bản, các tập đoàn kinh tế đã nắm giữ những ngành, lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, quy mô vốn liên tục tăng, khẳng định vai trò cụ thể của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các tập đoàn kinh tế không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp không nhỏ vào nguồn thuế, tạo nguồn thu ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, hạn chế nhập siêu, tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế... mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh...
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát tài chính nhằm đảm bảo an ninh tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước. An ninh tài chính của các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước được đảm bảo không chỉ giúp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của chính doanh nghiệp được bền vững mà còn ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của quốc gia.
2. Cơ sở lý thuyết
Thế nào là an ninh tài chính? Tài chính là huyết mạch của nền kinh tế. Hệ thống tài chính quốc gia ổn định và phát triển vững mạnh là tiền đề, cơ sở để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, an ninh tài chính là cốt lõi của an ninh kinh tế. Trong xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa tài chính, nền tài chính của một quốc gia bị tác động bởi nhiều rủi ro từ bên trong lẫn bên ngoài, như rủi ro về tỷ giá, lãi suất, khủng hoảng cán cân thanh toán vãng lai, về thị trường, thậm chí cả những biến động về chính trị - xã hội,… Do đó, rủi ro tài chính đang trở thành mối đe dọa đến an ninh kinh tế của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Như vậy, an ninh tài chính có thể được hiểu là sự an toàn, phát triển ổn định và vững mạnh của tổ chức, của quốc gia, của khu vực. Ở tầm quốc gia, an ninh tài chính có thể được hiểu là sự ổn định, an toàn và phát triển vững mạnh của nền tài chính quốc gia. Trong doanh nghiệp, an ninh tài chính có thể được hiểu là sự ổn định, an toàn và phát triển vững mạnh của doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp vững mạnh, an toàn, tiềm lực tài chính ngày càng được củng cố, sẽ có khả năng ngăn ngừa và chống đỡ hiệu quả các rủi ro từ bên trong cũng như bên ngoài doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa ổn định và an toàn là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp phát triển vững mạnh. Ngược lại, doanh nghiệp phát triển vững mạnh sẽ góp phần duy trì sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính doanh nghiệp.
Ổn định được hiểu là duy trì được hoạt động bình thường, không có biến động đột ngột, bất thường. An toàn được hiểu là trạng thái không bị khủng hoảng, không bị tổn thương, không để rơi vào tình trạng nguy hiểm, có khả năng ngăn ngừa, chống đỡ hiệu quả những mối đe dọa hay tác động tiêu cực của các cú sốc bên trong và bên ngoài. Phát triển vững mạnh là hệ thống tài chính luôn trong một tiến trình phát triển đi lên, luôn được cải tiến và hoàn thiện. Đây là cơ sở cho sự ổn định và an toàn.
Các hoạt động tài chính trong các lĩnh vực, các khâu tài chính có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau trong sự vận động của các nguồn tài chính. Do đó, an ninh tài chính doanh nghiệp chỉ được đảm bảo khi an ninh tài chính của từng bộ phận được đảm bảo, cũng như an ninh tài chính của cả hệ thống được đảm bảo.
3. Kinh nghiệm của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRC) là một trong số những tập đoàn kinh tế lớn có vốn nhà nước của quốc gia này. Trong những năm gần đây, tập đoàn CRC đang gặp một số vấn đề về an ninh tài chính như:
Thứ nhất, quy mô nợ của tập đoàn này rất lớn, và tăng trong những năm gần đây. Theo Báo cáo tài chính của CRC cho biết, tập đoàn đang nợ hơn 600 tỷ USD, gần gấp 2 lần số nợ của cả quốc gia Hy Lạp.
Thứ hai, tình hình kinh doanh của thị trường vận tải đường sắt suy giảm. Tập đoàn CRC vận hành hệ thống tàu hỏa của Trung Quốc, trong đó có 19.000 km đường sắt cao tốc. Nhưng theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 4/2019, nợ của Tập đoàn đã lên tới 4,14 nghìn tỷ NDT (614 tỷ USD), cao gần gấp 2 lần Hy Lạp, quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng nợ với số tiền ước tính 311 tỷ euro vào cuối năm trước. Khoản nợ này của Hy Lạp đã làm cả khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu lao đao.
Theo Tổng giám đốc CRC Sheng Guangzu, khối lượng vận tải đường sắt năm 2015 giảm 10% so với năm 2014 và là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Khối lượng hàng hóa vận chuyển giảm nhiều nhất là than đá và thép. Khối lượng vận chuyển trong quý I/2016 giảm 9,43% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 788 triệu tấn. Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa cũng giảm 14,59% xuống còn 52,11 tỷ NDT.
Cuối năm 2015, Hãng Thông tấn Caixin dẫn Báo cáo kiểm toán nội bộ của CRC cho thấy: 3 quý năm 2015, CRC đã thiệt hại tới 9,4 tỷ NDT (1,5 tỷ USD), do nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong nước sụt giảm mạnh. Doanh thu từ các đơn vị vận chuyển hàng hóa giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy mức tổng doanh thu của CRC xuống còn 444,8 tỷ NDT. Trong 3 quý năm 2015, mức thiệt hại của CRC cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa tại Trung Quốc đã đem lại cho CRC những khoản lợi nhuận vô cùng khổng lồ trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 3/2013, nhu cầu sử dụng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong nước đã bắt đầu giảm đáng kể. Tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ cho vay của CRC đã lên tới 3,2 nghìn tỷ NDT, trong đó 34,4 tỷ NDT được vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Đức.
Thứ ba, mô hình không bền vững. Đầu năm 2016, CRC công bố kế hoạch chi 800 tỷ NDT vào cơ sở hạ tầng. Báo cáo quý I cho biết, công ty này đã đầu tư 72,74 tỷ NDT trong 3 tháng đầu năm 2016, chiếm khoảng 9% tổng kế hoạch.
Ngành Đường sắt Trung Quốc không ngừng mở rộng các dự án trên khắp thế giới. Mục tiêu của Trung Quốc là phổ biến công nghệ đường sắt giá rẻ của mình với các nước, từ những nước nghèo, đến các nước đang phát triển và cả những nước phát triển, Trung Quốc coi đây là lợi thế trong cuộc cạnh tranh đường sắt với Nhật Bản. Bên cạnh đó, để ngăn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cũng dựa vào một biện pháp không phải là mới đối với nước này: Đầu tư mạnh vào lĩnh vực đường sắt cao tốc.
Dự kiến, số nợ của ngành Đường sắt Trung Quốc trong năm nay sẽ tiếp tục tăng khi mới đây, ông Yin Weimin, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội cho biết, nước này dự kiến sẽ sa thải khoảng 1,8 triệu công nhân ngành Than và Thép nhằm giảm tình trạng dư cung, theo Bloomberg.
Đồng thời, giới chức dự kiến giảm công suất ngành Than tới 500 triệu tấn và ngành Thép tới 150 triệu tấn từ nay đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa vận chuyển hàng hóa đường sắt sụt giảm theo. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào đường sắt cao tốc cũng làm gia tăng gánh nặng nợ nần vốn đã lớn do gói kích thích kinh tế khổng lồ hậu khủng hoảng tài chính. Năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp CRC là nhà phát hành nợ nội địa lớn nhất Trung Quốc. Để giảm bớt sức ép về vốn đầu tư đường sắt đối với Nhà nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu ngành Đường sắt nước này mở rộng cửa hơn cho khu vực tư nhân tham gia.
Các khoản vay của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc tăng đều hơn 8% mỗi năm, để đáp ứng cơn sốt mở rộng hệ thống tàu hỏa cao tốc. Số nợ của Tập đoàn này đang tiếp tục tăng, cho thấy mô hình kinh doanh của Tập đoàn này không bền vững. Thua lỗ của Tập đoàn tăng 35% so với năm trước, riêng quý I/2016 đã lỗ 8,73 tỷ NDT.
Trung Quốc hiện nay cũng đang cố gắng chuyển nền kinh tế sang hướng giảm phụ thuộc tăng trưởng vào các dự án xây dựng lớn và xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh khó kiềm chế được “cơn nghiện” tăng trưởng GDP của mình, với “thuốc chích” là các dự án hạ tầng lớn, điển hình là ngành Đường sắt, được Bắc Kinh cấp nhiều vốn để phát triển hệ thống đường sắt hiện đại nhằm kết nối với các vùng dân cư thưa thớt phía Tây.
4. Kinh nghiệm của Tập đoàn Daewoo Hàn Quốc
Thứ nhất, được hưởng nhiều đặc quyền, ưu thế do Nhà nước mang lại. Tập đoàn được các ngân hàng nhà nước cung cấp các khoản vay đặc quyền. Họ xây dựng năng lực bằng cách sao chép, thay đổi kỹ thuật và thuê chuyên gia nước ngoài. Dù được ươm tạo tại Hàn Quốc dưới sự bảo trợ của các chính sách bảo hộ, khả năng cạnh tranh của họ cũng được mài giũa ở nước ngoài. Tập đoàn được khuyến khích thâm nhập thị trường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, nơi Hàn Quốc được hưởng nhiều ưu đãi thương mại. Chính sách này đã được chứng minh một mô hình rất thành công. Trong thập niên 1980, Hàn Quốc được công nhận là “con hổ châu Á” và Daewoo đã phủ sóng nhiều lĩnh vực, từ dệt may, xây dựng đến điện tử, xe hơi, tàu thủy và hóa dầu.
Thứ hai, chiến lược kinh doanh không linh hoạt. Với chính sách tìm kiếm quy mô hơn là lợi nhuận, Daewoo đã gánh khoản nợ lớn để tài trợ cho đế chế của Tập đoàn. Cuối năm 1997, một cơn bão tài chính nổ ra tại Đông Nam Á đã tấn công Hàn Quốc. Niềm tin đã giảm mạnh và trị giá đồng won so với đồng USD giảm hơn một nửa. Sau khi lên nắm quyền, chính phủ của Tổng thống Kim Dae-jung phải chấp nhận gói cứu trợ trị giá 58 tỷ USD của IMF để đổi lại các cải cách. Daewoo được lệnh giảm bớt các năng lực cốt lõi thông qua các giao dịch hoán đổi của Công ty. Các đơn vị không có lợi nhuận đã được thoái vốn để tăng lượng tiền mặt. Các Công ty con sa thải bớt lao động. Một khung pháp lý tài chính mới đã được áp dụng.
Thứ ba, sự chủ quan của người đứng đầu. Ông Kim Woo Choong, người điều hành tập đoàn, đã xem nhẹ cuộc khủng hoảng tài chính, như thể tiền không quan trọng trong kinh doanh. Ông vẫn tiếp tục mô hình kinh doanh thông thường của mình, mở rộng các chi nhánh của Daewoo vào năm 1998. “Ông ấy đã tích cực thực hiện các vụ mua lại, mỗi khi một doanh nghiệp quan trọng thất bại, ông ấy lập tức xuất hiện. Đó là cách ông ấy phát triển một số Công ty lớn trong tập đoàn”, Hank Morris, một cố vấn của Erudite Risk cho biết. Mặc dù các tập đoàn hạng hai được thành lập ngày một nhiều, nhiều người cho rằng các “ông lớn” như Daewoo không thể thất bại. Nhưng không, Daewoo - với lỗ hổng 50 tỷ USD trong tài khoản - đã sụp đổ vào năm 1999. Ông Kim, bị buộc tội gian lận và biển thủ, đã bỏ trốn. Phá sản, các công ty con của Tập đoàn được chào bán cho bất kỳ nhà thầu nào.
Trong khi đó, cải cách đã mang lại những bước tiến mới. Tình trạng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn đến một sự đột biến. Các chaebol tại Hàn Quốc thoát khỏi nguy hiểm. Đất nước đã trải qua quá trình phục hồi siêu nhanh. Về mặt kinh tế vĩ mô, chương trình cứu trợ của IMF được đánh giá tích cực. Ngoài việc phục hồi siêu tốc, động lực cải cách thể hiện rõ ở tính bền vững quốc gia và Hàn Quốc đã không phải chịu một cuộc suy thoái nào kể từ năm 1998. Việc mở cửa thị trường đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa tại Hàn Quốc. Nhập khẩu tiêu dùng, từ ô-tô đến thuốc lá, trở nên phổ biến.
Mặc dù Daewoo sụp đổ, phần lớn các bộ phận của tập đoàn này vẫn hoạt động. Lĩnh vực xe hơi của Daewoo được General Motors mua lại và tòa nhà trụ sở của tập đoàn được Morgan Stanley sử dụng, trong khi lĩnh vực điện tử được chuyển qua tay của nhiều người mua. Tài sản lớn nhất của tập đoàn, Công ty Đóng tàu và Kỹ thuật Hàng hải (DSME) đã bị quốc hữu hóa. Nó tiếp tục đánh vào túi tiền của người đóng thuế Hàn Quốc, khi đã “nuốt chửng” hơn 6 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2017 sau một vụ bê bối. Tháng 1/2019, Công ty Công nghiệp nặng Hyundai đã tìm cách mua lại DSME trong một vụ sáp nhập, tạo ra công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, với thị phần toàn cầu 21%.
5. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh tài chính của các tập đoàn kinh tế như:
Thứ nhất, phát huy đúng vai trò của Nhà nước trong quản lý phần vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước ở Việt Nam. Nhà nước có vai trò điều tiết như thực hiện các biện pháp tăng cường tính tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, các hoạt động của doanh nghiệp là tự chủ, hoạt động trên nền tảng tuân thủ nghiêm minh pháp luật hiện hành… Nhà nước chú trọng đề cao vai trò của Ủy ban giám sát, quản lý tài sản, vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát huy nguồn vốn nhà nước trong sản xuất, thu lợi nhuận cho nhà nước, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, giảm thiểu thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc kinh tế… Nhà nước có quy định khen thưởng và có chế tài xử phạt nghiêm với người đứng đầu điều hành các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước.
Thứ hai, các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước ở Việt Nam cần chủ động hoạt động sản xuất - kinh doanh theo quy luật thị trường, tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước, chủ động hội nhập, đón đầu các xu hướng mới trên thế giới. Các tập đoàn cần có phương án đối phó với những kịnh bản xấu có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh để chủ động đối phó. Để làm được điều này, bản thân các tập đoàn cần có một đội ngũ chuyên gia tài chính có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Thứ ba, để đảm bảo an ninh tài chính cho các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước ở Việt Nam hiện nay, cần có sự giúp sức của các chuyên gia tài chính hàng đầu trong và ngoài nước, và để đạt được hiệu quả, việc công bố và tiếp cận thông tin chính thống và chính xác là cực kỳ quan trọng. Điều này đòi hỏi cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay. Nhà nước cần có cơ chế và quy định rõ ràng với việc công bố thông tin. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp và chia sẻ những thông tin chính xác và kịp thời nếu không phải là những thông tin tuyệt mật, những bí kíp kinh doanh.
6. Kết luận
Song song với quá trình hội nhập luôn là thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp. Về cơ bản, ngoài các yếu tố bên trong (như năng lực quản lý của người lãnh đạo; trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất…), còn có các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến an ninh tài chính doanh nghiệp, gồm: Chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sự biến động của thị trường trong nước và quốc tế; Sự hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới…
Trên thế giới, đã xảy ra nhiều đổ vỡ tài chính của các tập đoàn, công ty lớn và gây ra nhiều hệ lụy cho các bên liên quan. Việt Nam hiện đã tham gia hội nhập kinh tế sâu rộng. Quá trình hội nhập này có tác động đến nhóm nhân tố thị trường trong nước và quốc tế, chính sách, pháp luật nhà nước..., từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn về tài chính doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm an ninh tài chính doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến các vấn đề như: Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Các khoản nợ quá lớn, có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng chi trả; Năng lực lãnh đạo của các doanh nghiệp; Những gian lận trong báo cáo tài chính và không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp, vấn đề kiểm toán, minh bạch thông tin,…
Đồng thời, doanh nghiệp cần tính đến các yếu tố thay đổi khi Việt Nam hội nhập sâu và rộng hơn với khu vực và thế giới; Xây dựng nền tảng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Chú trọng đến việc đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp; Tăng cường xây dựng biện pháp phòng ngừa rủi ro và giám sát tài chính của các doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hiệp hội Hội các nhà bán lẻ Việt Nam (2017), Kỷ yếu 10 năm đổi mới, sáng tạo và hội nhập (2007 - 2017).
- Trần Tiến Hưng (2008), Một số giải pháp đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập, Luận án Tiến sỹ kinh tế.
- Hiếu Minh (2017), Cẩn trọng an ninh tài chính doanh nghiệp, Đầu tư Chứng khoán.
EXPERIENCE IN ENSURING FINANCIAL SECURITY
OF STATE-OWNED ECONOMIC CORPORATION
FROM COUNTRIES AND LESSONS FOR VIETNAM
● NGUYEN MINH HANH
Faculty of Economics, Academy of Finance
ABSTRACT:
State-owned economic groups in Vietnam have significantly contributed to the country’s economic development, accelerated the country’s industrialization and modernization processes and also create jobs, ensuring the national social security and defense.
However, there are some state-owned economic groups which are using state financial resources with low business efficiency and poor business performance. Therefore, ensuring financial security for state-owned economic groups is now a matter of concern for the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. One of the ways to ensure the financial security of economic groups is to find out how other countries have done to ensure the financial security of their state-owned corporations and draw lessons from their experience in order to apply in Vietnam.
Keywords: China, South Korea, financial security, economic groups, Vietnam.