Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

ThS. Huỳnh Thị Thu Cúc (Ủy ban dân phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)

Tóm tắt:

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN), công tác quản lý thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có những bước chuyển biến căn bản, tổ chức quản lý thuế nói chung và quản lý thuế GTGT nói riêng đã từng bước được cải cách, hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết của Chi cục Thuế, từ năm 2017 đến năm 2019, số thuế GTGT thu được những năm gần đây khoảng 63.000-73.000 triệu đồng. Số thu có tăng qua các năm, tuy nhiên trong 3 năm 2017 đến năm 2019 chưa hoàn thành dự toán tỉnh giao. Bên cạnh đó, tình trạng trốn thuế, lách thuế GTGT vẫn còn phổ biến diễn ra trên địa bàn thành phố Sa Đéc với nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện, số thuế GTGT thất thoát ngày càng lớn. Chính vì thế, phải tìm các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý thu thuế GTGT là vấn đề cấp bách của ngành Thuế nói chung và của Chi cục Thuế thành phố Sa Đéc nói riêng đối với DNTN.

Keywords: Thuế giá trị gia tăng, DNTN, quản lý thu thuế.

1. Đặt vấn đề

Thu thuế GTGT là hoạt động quản lý Nhà nước của cơ quan thuế nhằm đảm bảo thực thi pháp luật về thuế với mục đích thu đúng, thu đủ, thu kịp thời thuế cho NSNN. Mỗi quốc gia do điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên chính sách thuế GTGT được áp dụng cũng có những đặc điểm khác nhau, vì vậy công tác quản lý thu thuế GTGT cũng sẽ tùy đối tượng. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một quy trình gồm 4 bước: (1) Đăng ký thuế và cấp mã số thuế (2) Xử lý tờ khai và chứng từ nộp thuế GTGT; (3) Kiểm tra, thanh tra thuế ; (4) Quản lý thu nợ thuế GTGT.

Sa Đéc là một thành phố thuộc tỉnh nên rất nhỏ, số thu về thuế không lớn. Tuy nhiên, thuế GTGT của các DNTN đã đóng góp một phần không nhỏ trong số thu của ngân sách tỉnh. Trong những năm qua, Chi cục Thuế Sa Đéc đã luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu hàng năm và có tốc độ tăng trưởng cao về tổng thu thuế, phí và lệ phí: tổng số thu nội địa năm 2017 được 300,910 tỷ đồng, đạt 154% dự toán, bằng 169% của năm 2016; Năm 2018 thu 386,006 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, bằng 154% năm 2017; Năm 2019 thu 371,430 tỷ đồng, đạt 255% dự toán, bằng 155% năm 2018. Tuy nhiên, thuế GTGT chưa đạt theo chỉ tiêu Cục Thuế giao.

2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu: quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với các DNTN trên địa bàn thành phố Sa Đéc giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019.

Phương pháp nghiên cứu:

Thông tin số liệu thứ cấp: Từ hệ thống công nghệ thông tin về người nộp thuế (NNT) do cơ quan thuế quản lý. Tổng hợp từ báo cáo tài chính của các DNTN. Số liệu về kết quả thu NSNN từ Chi cục Thuế. Các văn bản, chính sách, Báo cáo tổng kết của các cấp, các ngành và các nguồn số liệu thống kê. Các dữ liệu quản lý thu thuế GTGT, đặc biệt là nguồn thu ngân sách từ thuế qua các báo cáo tổng kết hội nghị, hội thảo và các tài liệu khác có liên quan.

Thông tin số liệu sơ cấp: Thu thập thông qua điều tra phỏng vấn các công chức Cục Thuế, Chi cục Thuế các huyện thị, thành phố, các phòng ban có liên quan. Thiết kế phiếu phỏng vấn gồm có 2 phần: (1) Những thông tin cơ bản về đối tượng được điều tra, phỏng vấn; (2) Sử dụng thang điểm linker.

Phương pháp điều tra: Sử dụng phương pháp điều tra chọn mẫu.

Phương pháp phân tích, gồm: (1) Thống kê mô tả (2) So sánh, đối chiếu (3) Thống kê suy diễn và dự báo để đưa ra kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp.

3. Thực trạng công tác quản lý thu thuế GTGT đối với DNTN trên địa bàn thành phố Sa Đéc

3.1. Hiện trạng DNTN trên địa bàn thành phố Sa Đéc

- Số lượng doanh nghiệp

Số lượng DNTN năm 2017 là 972 đạt 68%, năm 2018 là 963 đạt 62% và năm 2019 là 1.050 đạt 60% so với các công ty cổ phần và công ty TNHH.

Nhìn chung, số lượng DN tăng nhanh mặc dầu là một thách thức lớn nhưng trong hiện tại và tương lai, ngành Rhuế còn phải đối mặt với sự phức tạp của DNTN ở nhiều tiêu chí khác nhau, đặc biệt là sự đa dạng về quy mô DN.

- Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Số lượng DNTN được quản lý ngày càng tăng, số doanh nghiệp năm 2018 là 895 so với năm 2017 tăng 120 DN, số doanh nghiệp năm 2019 là 968 so với năm 2018 tăng 180 DN, tương ứng với các tỷ lệ tăng 8,33% và 11,54%, trong đó năm 2018 so với năm 2017 số đơn vị đang hoạt động tăng 20,16%, số đơn vị giải thể, tạm nghỉ, ngừng hoạt động tăng -60,95%. Năm 2019 so với năm 2018, số đơn vị hoạt động tăng 9,20%, số đơn vị giải thể, tạm ngừng, nghỉ hoạt động tăng 53,66%. Điều này cho thấy tình hình biến động các DNTN phức tạp trên địa bàn, đòi hỏi khâu quản lý người nộp thuế, đăng ký thuế tại cơ quan Chi cục Thuế thành phố Sa Đéc cần chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa.

- Giá trị sản xuất - kinh doanh

Tổng giá trị sản xuất năm 2017 là 27.094 triệu đồng, năm 2018 là 28.720 triệu đồng và năm 2019 là 28.990 triệu đồng; giá trị sản xuất - kinh doanh của DNTN chỉ đạt 72% năm 2017 là 19.467 triệu đồng, năm 2018 đạt 73% với giá trị 21.024 triệu đồng và năm 2019 là 21.414 triệu đồng đạt 74%. Nhìn chung, giá trị sản xuất - kinh doanh của DNTN đều tăng và tốc độ tăng chưa cao năm 2019 so với năm 2018 đạt 1.39%.

- Tình hình thu thuế GTGT đối với DNTN

Số thu về thuế GTGT năm 2017 là 4.468 triệu đồng, năm 2018 là 5.683 triệu đồng và năm 2019 là 5.216 triệu đồng. Số thu 2018 so với 2017 tăng 27,20% với số tiền 1.15 triệu đồng và năm 2019 so với năm 2018 giảm 8,22% tương ứng 467 triệu đồng.

Vì vậy số thu về thuế GTGT của DNTN không cao từ năm 2017 - 2019, do các nguyên nhân sau: Sự thiếu hiểu biết của người nộp thuế về nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập vào ngân sách chung của quốc gia. Ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của  đối tượng này còn rất kém.

3.2. Thực trạng công tác quản lý thu thuế GTGT đối với DNTN trên địa bàn thành phố Sa Đéc

Thứ nhất: Kết quả lập dự toán thu thuế đối với DNTN giai đoạn 2017-2019.

Với mức dự toán năm 2017 là 195.200 triệu đồng, năm 2018 là 249.000 triệu đồng và năm 2019 là 263.760 triệu đồng so với thực hiện năm 2017 đạt 35,13%, năm 2018 đạt 35,49% và năm 2019 đạt 28,99% với tỷ lệ đạt như trên nhưng số thu về thuế vẫn còn rất thấp do các doanh nghiệp dễ dàng tự đặt in hóa đơn theo qui định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, một số DN đặt in hóa đơn với số lượng lớn, xuất hóa đơn với giá trị hàng hóa, thuế GTGT đầu ra lớn, sau đó bỏ trốn, hiện nay cơ quan Thuế khó kiểm soát nổi. Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là sự bất cập từ công tác giao dự toán, sự yếu kém từ quản lý các nguồn thu, nhất là quản lý DNTN.

Thứ hai: Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.

  • Đăng ký thuế, khai thuế:

Số lượng quản lý năm 2017 là 972 DNTN, nhưng khai thuế là 880 tờ khai đạt 90,53%, năm 2018 là 963 DNTN khai thuế với 893 tờ khai đạt 92,73% và năm 2019 là 1.050 DNTN khai thuế với 1.023 tờ khai đạt 97,43% với tỷ lệ khá cao so với công ty cổ phần và công ty TNHH.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự chấp hành đầy đủ và thực hiện việc kê khai thuế theo đúng quy định; một số doanh nghiệp cố tình nộp tờ khai chậm hoặc kê khai không chính xác các chỉ tiêu trên tờ khai.

Nguyên nhân: Một số đối tượng nộp thuế là các doanh nghiệp mới thành lập chưa nắm bắt kịp thời các quy định của Luật Thuế GTGT. Cũng có trường hợp do tờ khai đã nộp nhưng có sai sót, cán bộ thuế yêu cầu sửa lại tờ khai, tuy nhiên việc tiến hành chưa khẩn trương nên cũng không nộp đúng hạn quy định.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế chỉ mới tập trung vào việc đăng ký thuế, xử lý tờ khai, phân tích báo cáo tài chính,... nhưng các phần mềm hay bị lỗi làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế. Hệ thống thông tin còn rời rạc, tính tự động hóa để phục vụ cho việc truy cập, khai thác dữ liệu chưa cao.

  • Về nộp tờ khai thuế GTGT

Với số lượng DN nộp tờ khai đúng hạn năm 2017 là 5.760 tờ khai đạt 96,79%, năm 2018 là 6.240 tờ khai đạt 98,1% và năm 2019 là 7.040 tờ khai đạt 99,04% tỷ lệ tăng dần qua các năm. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn đa số DN nộp chậm và không nộp tờ khai.

Tỷ lệ tờ khai nộp chậm và tờ khai không nộp vẫn còn tương đối. Do đặc thù của thuế GTGT, kê khai theo tháng và theo quý. Có thể thấy trong các năm gần đây số lượng doanh nghiệp nộp tờ khai năm sau cao hơn nhiều so với năm trước, đảm bảo thời gian nộp cũng tốt hơn; tuy nhiên chất lượng không tốt. Tỷ lệ hồ sơ kê khai thiếu, kê khai sai tăng lên khá cao.

  • Về nộp thuế

Kế hoạch năm 2017 là 65.000 triệu đồng, năm 2018 là 74.300 triệu đồng và năm 2019 là 79.900 triệu đồng.  so với thực hiện thì:

Trong đó, năm 2017 có tỷ lệ hoàn thành/ kế hoạch là 96,45%, năm 2018 có tỷ lệ thực hiện đạt cao hơn 2017 là 97,18. Năm 2019 có tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch là 80,23% thấp hơn so với năm 2018 là 16,95%. Điều này chứng tỏ tình hình quản lý thuế GTGT đối với các doanh nghiệp tư nhân những năm vừa qua chưa đạt được kết quả chỉ tiêu Cục thuế giao.

Thứ ba: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Việc hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính về nhận hồ sơ và trả kết quả cho NNT như đăng ký thuế, nhận hồ sơ khai thuế, hoàn thuế,... cho NNT nhanh chóng, trả kết quả trước thời hạn quy định.

Mặc dù công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT đã đạt được những kết quả nhất định trong việc phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí, đa dạng hóa về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên xét một cách khách quan thì công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT chưa chuyên sâu, thông tin được cung cấp chưa đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Thứ tư: Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và xử phạt vi phạm hành chính thuế.

Thanh tra kiểm tra là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong những hoạt động của quản lý thu thuế cho thấy những dạng sai phạm chủ yếu về thuế GTGT, như: Không hạch toán, hạch toán không đủ số thuế phát sinh; Hạch toán sai về thuế suất, xác định không đúng số thuế được khấu trừ, qua kiểm tra thanh tra tra đều có sai phạm trong việc hạch toán, kê khai, quyết toán thuế với các mức độ khác nhau, điều này dẫn đến việc thất thu ngân sách Nhà nước.

Các trường hợp liên quan đến vi phạm pháp luật về thuế như trốn thuế, gian lận thuế được xử lý khá tốt tại địa bàn.

Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm pháp luật về thuế GTGT đối với các doanh nghiệp tư nhân tại các cơ quan Thuế vẫn còn nhiều hạn chế ở quy trình xử lý vi phạm pháp luật chưa được thống nhất và hoàn thiện. Đồng thời, đội ngũ nhân viên thực hiện xử lý vi phạm pháp luật còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ. Đây là những điểm cần khắc phục trong giai đoạn tới.

Thứ năm: Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế GTGT đối với các DNTN.

Công tác kiểm tra kê khai thuế chưa phân tích các tiêu chí để phát hiện các gian lận, bất hợp lý. Bên cạnh đó, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế vẫn chưa được đẩy mạnh và đạt hiệu quả do các cơ quan chức năng còn ngại va chạm, thực hiện các biện pháp cưỡng chế chưa dứt điểm.

4. Một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện công tác quản lý thu thuế GTGT đối với DNTN trên địa bàn thành phố Sa Đéc

Một là, hoàn thiện công tác lập dự toán thu thuế GTGT, cần theo sát quy trình lập dự toán có căn cứ khoa học; Phân tích quan điểm, chiến lược và chính sách quản lý thu thuế.

Hai là, tăng cường công tác quản lý thu thuế GTGT, để quản lý chặt chẽ các đối tượng nộp thuế cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Chỉ đạo bộ phận kê khai thuế tiếp tục rà soát các DN, phân loại DN; Phối hợp chặt chẽ các phòng, ban liên quan trong kiểm tra, rà soát các đối tượng phát sinh.

Ba là, tăng cường quản lý thông tin NNT, đẩy mạnh công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế GTGT, cụ thể đối với các DNTN mới ra kinh doanh tư vấn cách cần phải làm để thực hiện hoạt động SXKD một cách hợp pháp.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nợ đọng, cụ thể cần: Thực hiện các biện pháp chế tài một cách dứt khoát; Tuyên truyền trên các đài phát thanh, đài truyền hình địa phương; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch thu nợ, cưỡng chế nợ.

Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra thuế, dựa trên những giải pháp sau: Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác kiểm tra từ khâu thu thập đến chuyển đổi dữ liệu DN; Đào tạo đội ngũ cán bộ thuế  am hiểu, có trình độ chuyên sâu, có kinh nghiệm thực tế, khả năng phân tích tốt, có tư cách đạo đức, thẳng thắn trung thực.

Sáu là, chú trọng hơn nữa công tác hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế về các mặt như: Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý; Tổ chức xử lý hoàn thuế kịp thời, đúng quy định pháp luật; Nắm bắt tình hình SXKD của NNT một cách thường xuyên.

Bảy là, thường xuyên phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng trên địa bàn để quản lý tốt công tác thu nộp thuế đủ, đúng kỳ.

Tám là, tăng cường phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng trong quản lý thuế. Do đối tượng quản lý là các DN có phạm vi hoạt động rộng, quy mô, hình thức đa dạng, một số lợi dụng sơ hở để tránh lậu, trốn thuế.

Chín là, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế.

5. Kết luận

Chi cục Thuế đã thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với các DNTN theo mô hình chức năng, đây là một sự tiến bộ trong quản lý thu thuế nhưng cũng là một thách thức với cơ quan thuế vì nó đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực của cơ quan thuế như số lượng cán bộ, trang thiết bị chuyên môn. Vì thế, tình trạng DNTN không đăng ký kê khai nộp thuế; nợ đọng thuế kéo dài; kê khai doanh thu không đúng thực tế; tình trạng gian lận, trốn thuế còn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với người nộp thuế còn chưa đạt được yêu cầu thực tế, chưa có nhiều biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả chưa cao, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế vẫn chưa đạt hiệu quả cao trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa đạt hiệu quả, chưa áp dụng kỹ thuật phân tích rủi ro trong công tác này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2011), Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, NXB Tài chính, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2006), Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006.
  3. Quốc hội (2008), Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008.
  4. Quốc hội (2013), Luật số 31/2013/QH13; sửa đổi bổ sung một số của Luật Thuế GTGT.
  5. Các Thông tư: Thông tư (2013) Thông tư số 156/2013/TT-BTC; Thông tư (2013) Thông tư số 179/2013/TT-BTC; Thông tư (2015) Thông tư số 28/2015/TT-BTC; Thông tư (2013) Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Thông tư (2014) Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Tổng cục Thuế (2010).

SOLUTIONS FOR PERFECTING THE VAT COLLECTION MANAGEMENT FOR PRIVATE ENTERPRISES OPERATING IN SA DEC CITY, DONG THAP PROVINCE

Master. Huynh Thi Thu Cuc

The People's Committee of Ward Two, Sa Dec City, Dong Thap Province

Abstract:

Tax is the main revenue of the state budget. In recent year, the value-added tax (VAT) collection management for private enterprises in Vietnam has fundamentally changed. The tax management in general and the VAT management in particular have been gradually modernized. However, the amount of collected VAT ranged from VND 63,000 to 73,000 million from 2017 to 2019, according to the Department of Tax’s reports. Although the amount of VAT collection had increased over the years, the amount of VAT collection was still lower than the province’s tax estimates from 2017 to 2019. In addition, Sa Dec City is facing the issue of tax evasion with many sophisticated activities which are difficult to be detected. As a result, it is necessary for the city’s Department of Tax in particular and the state management for tax in general to find out solutions for perfecting the VAT collection management.

Keywords: Value-added tax, private enterprise, tax collection management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]