TÓM TẮT:
Nhận diện và phân tích những thách thức cơ bản mà ngành Thuế phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế là chìa khóa để xây dựng chiến lược cải cách và hiện đại hóa quản lý thuế. Qua những lý thuyết của các nhà nghiên cứu đi trước và thực tiễn trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tại địa bàn Hà Nội, tác giả đi sâu phân tích một số thách thức cơ bản đối với ngành Thuế trong hiện tại và đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường tuân thủ về thuế, hạn chế các hoạt động kinh tế phi chính thức, ngăn ngừa trốn thuế đối với hành vi chuyển giá có hiệu quả, hướng đến sự công bằng về thuế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh đối với DNTN nói riêng và các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế.
Từ khóa: Thuế, quản lý, tuân thủ, chuyển giá, doanh nghiệp tư nhân.
I. Đặt vấn đềMặc dù số thu thuế vẫn tăng theo yêu cầu đảm bảo nguồn thu, chính sách thuế có tiến bộ nhìn từ phương diện tính công bằng, nhưng vẫn đối diện với nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả và hiệu lực của nó. Cụ thể, xét theo chiều ngang, sự thiếu công bằng thể hiện qua mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với nhiều mức thuế khác nhau đang được áp dụng, tùy thuộc vào loại thu nhập hay theo chiều dọc thiếu công bằng thể hiện qua thuế VAT với nhiều mức thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với quá nhiều miễn giảm thuế. Vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá dầu thô giảm, cam kết về cắt giảm thuế quan tác động đến thu ngân sách và sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng về đầu tư, thương mại sẽ dẫn đến nhiều thách thức mới trong quản lý thuế ở các DNTN. Có thể nhận diện một số vấn đề phải đối mặt trong quản lý thuế bao gồm:
* Mức độ tuân thủ thấp
* Cơ sở thuế chưa đủ rộng
* Sự hiện diện của các hoạt động kinh tế không chính thức
* Giao dịch thanh toán bằng tiền mặt
* Sự thiếu vắng thuế tài sản
* Các vấn đề trốn thuế và tránh thuế bao gồm: Lạm dụng chuyển giá, lách thuế qua các giao dịch tài chính nội bộ, thương mại điện tử và xu hướng cung cấp dịch vụ giải pháp mạng kết nối vạn vật, tránh hình thức cơ sở thường trú lợi dụng áp dụng hiệp định thuế.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích 03 nội dung trọng yếu gồm: Tuân thủ thuế, các hoạt động kinh tế không chính thức và trốn thuế, tránh thuế qua hành vi chuyển giá.
II. Những thách thức cơ bản trong việc quản lý thuế ở các DNTN
1. Tuân thủ thuế
Thực hiện Luật Quản lý thuế (2007), cơ chế tự khai tự nộp được áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan đặt ra trong công tác quản lý thuế. Cũng từ đó, tăng cường tuân thủ tự nguyện trở thành một trong các chiến lược quản lý thuế đang được cơ quan thuế tích cực thực hiện theo yêu cầu của quản lý thuế hiện đại.
1.1. Mức độ tuân thủ
Mức độ tuân thủ thuế được định nghĩa là tỉ lệ giữa số tiền thuế thực thu với số tiền thuế có thể thu được tiềm năng. Ngược lại, tỉ lệ không tuân thủ hay mức độ thất thoát nguồn thu thuế được tính bằng 1 trừ đi tỉ lệ tuân thủ.
Có hai cách tiếp cận thực tế khác nhau để đo lường mức độ tuân thủ hay ngược lại là không tuân thủ, gồm: (i) Xây dựng mô hình để dự báo số doanh thu thuế tiềm năng và sau đó so sánh với số mức thuế thực thu được; và (ii) Sử dụng số liệu quản lý thuế để ước tính sự chênh lệch giữa các con số tiềm năng và con số thực tế trong các quy trình chức năng chính trong quản lý thuế. Trên thực tế, việc xây dựng mô hình thực nghiệm được tiến hành dựa trên các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, do đó nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các số liệu hiện thu thập, các giả định đưa ra. Xét trên góc độ quản lý thuế thì cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhưng có thể ước tính thực tế tốt nhất mà các cơ quan thuế thực hiện, còn cơ sở dữ liệu phi thuế từ các cuộc điều tra thương mại và công nghiệp hiện nay vẫn ở phạm vi hẹp. Do đó, để xây dựng được các chiến lược tuân thủ, cơ quan thuế phải áp dụng cả hai cách tiếp cận nói trên.
1.2. Nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng thất thoát nguồn thu hoặc không tuân thủ
1.2.1. Nguyên nhân
Việc trốn thuế và tránh thuế là hai
nguyên nhân quan trọng nhất của việc không tuân thủ và làm thất thoát nguồn
thu. Những biểu hiện hành vi này của người nộp thuế lại chịu ảnh hưởng của
nhiều yếu tố có liên quan lẫn nhau, cả nguyên nhân chủ quan (chính sách thuế,
năng lực của cơ quan thuế, tính hiệu quả và liêm chính và chi phí tuân thủ),
lẫn nguyên nhân khách quan (hệ thống khiếu nại, trách nhiệm giải trình trong
chi tiêu công, tham nhũng, và quy mô của nền kinh tế phi chính thức). Hình 1
cho thấy một khung khổ lý thuyết để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc
không tuân thủ hay thất thoát nguồn thu.
Hình 1: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc không tuân thủ hay thất thoát nguồn thu
1.2.2. Các yếu tố chủ quan dẫn đến không tuân thủ
Chính sách thuế thay đổi nhanh, mức thuế suất cao, nhiều ưu đãi thuế phức tạp, thiếu minh bạch; khung khổ pháp lý cho quản lý thuế nghèo nàn, quản lý thuế yếu kém hay tiêu cực; và việc thiếu chức năng dịch vụ người nộp thuế phù hợp dẫn đến chi phí tuân thủ cao cho người nộp thuế là nguyên nhân khuyến khích các công ty, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn hoạt động một cách phi chính thức để né thuế. Từ một cuộc điều tra quy mô lớn vào năm 2014 do FIAS - Cơ quan tài trợ đa phương của Ngân hàng thế giới thực hiện cho thấy có tới 60% số doanh nghiệp trong nhóm có doanh thu thấp thích hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức hơn, do các doanh nghiệp này không có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch tránh thuế phức tạp, do đó họ chọn cách hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức, hay thông đồng với các cán bộ thuế để giảm bớt số tiền thuế phải nộp.
1.2.3. Các yếu tố khách quan đằng sau việc không tuân thủ
Các yếu tố chính có tính chủ yếu mang tính khách quan đối với hệ thống thuế có ảnh hưởng đến việc không tuân thủ hay thất thoát nguồn thu là: i) Ý thức, trách nhiệm của dân chúng trong thực hiện nghĩa vụ thuế còn thấp; ii) tham nhũng; iii) quy mô của nền kinh tế phi chính thức; iv) hệ thống khiếu nại. Trên thực tế, hệ thống khiếu nại đủ năng lực để xử lý các tranh chấp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế một cách công bằng và kịp thời là mối quan tâm hàng đầu của người nộp thuế.
Nhận thức của dân chúng về trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế phụ thuộc rất lớn vào tính công bằng và việc tạo dựng được công bằng là một đòi hỏi khách quan trong tiến trình phát triển của thuế. Các nhà nghiên cứu đề nghị 3 khía cạnh của công bằng từ quan điểm của người nộp thuế gồm: 1) Phân phối công bằng được xem xét trên hai phạm vi gồm: ở phạm vi cá nhân NNT thì theo Kirchler và cộng sự (2008), nếu người nộp thuế cảm thấy gánh nặng thuế của mình cao hơn so với những người khác trong cùng nhóm thu nhập, việc tuân thủ thuế của họ sẽ giảm và việc trốn thuế có thể xảy ra bởi đơn giản họ muốn có sự công bằng. Còn xem xét trên phạm vi toàn xã hội thì Allingham và Sandmokhi (1972) cho rằng, tuân thủ thuế sẽ giảm đi khi người nộp thuế cho rằng hệ thống thuế không công bằng với chi phí thuế cao (yếu tố thuế suất, thu nhập chịu thuế) và khi đó trốn thuế sẽ xảy ra với quy mô lớn hơn; 2) Thủ tục công bằng: Xét ở khía cạnh này, yếu tố chính của sự công bằng là những thủ tục được sử dụng có độ chính xác cao, thuận lợi và minh bạch, cùng với đó là thái độ lịch sự, nghiêm chỉnh và tôn trọng NNT của cơ quan thuế, giúp tăng nhận thức và độ tin cậy của người nộp thuế về tính công bằng và tuân thủ thuế tốt hơn; 3) Xử phạt công bằng: Việc kiểm tra thuế không hợp lý và hình phạt không công bằng sẽ dẫn đến căng thẳng và người nộp thuế không hài lòng có thể dẫn đến hành vi không tuân thủ và do đó gia tăng trốn thuế và làm tăng thêm khoảng cách thuế.
Một thách thức lớn sẽ phát sinh tác động đến hiệu quả của hệ thống quản lý thuế không chỉ ở Cục Thuế TP. Hà Nội trong những năm tới là sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khu vực tư nhân với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập mạng lưới thuế. Các chiến lược quản lý sự tuân thủ sẽ cần được xây dựng nhằm đảm bảo mức độ tuân thủ tự nguyện cao của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
2. Hoạt động kinh tế không chính thức
Nền kinh tế phi chính thức về mặt lý thuyết bao gồm những hoạt động không được ghi lại trong thống kê quốc gia. Theo định nghĩa của Schneider và Kinglmair (2004), nền kinh tế phi chính thức bao gồm tất cả các khoản thu nhập từ sản xuất các hàng hóa và dịch vụ hợp pháp nhưng không khai báo, hoặc từ các giao dịch tiền mặt hoặc giao dịch đổi hàng, kể cả mọi hoạt động kinh tế có thể bị đánh thuế mà được khai báo cho cơ quan quản lý thuế. Còn theo Tổng cục Thống kê Việt Nam định nghĩa, các hoạt động phi chính thức hoặc hoạt động của nền kinh tế phi chính thức bao gồm: (1) sản xuất của hộ gia đình ở khu vực nông thôn; (2) các hoạt động không đăng ký ở khu vực thành thị; (3) thu nhập không khai báo để tránh thuế; (4) dịch vụ nội địa; (5) buôn lậu; (6) thuê nhà hoặc đồ đạc; (7) các hoạt động không khai báo hoặc hoạt động thứ cấp của các cơ quan quan quản lý, cơ quan quân đội, nhà tù, trại cải tạo, và trại mồ côi; (8) hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, Hội chữ thập đỏ và các hội tương tự.
Những hoạt động không được ghi lại
trong thống kê quốc gia của nền kinh tế phi chính thức sẽ dẫn đến sự thiếu hụt
thông tin minh bạch, đồng thời tạo nên áp lực nặng nề cho công tác quản lý thuế
và là nguyên nhân hàng đầu cho việc thu hẹp diện cơ sở chịu thuế và thất thoát
nguồn thu. Bản thân quy mô hoạt động kinh tế không chính thức cũng phản ánh ngược
lại quá trình thiết kế và thực thi chính sách thuế của một quốc gia.
Đánh thuế lên các hoạt động kinh tế phi
chính thức đang thu hút sự quan tâm gần đây của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là
xem xét mối tương quan giữa số thu và chi phí thu đối với khu vực phi chính
thức này (Joshi và cộng sự, 2014). Joshi và cộng sự (2014) đề xuất một trong
các cách để cải thiện việc đánh thuế đối với khu vực này là thu thuế một cách
gián tiếp, nghĩa là không nhất thiết bắt buộc các khu vực này phải đăng ký thuế
chính thức, tuy nhiên tiền thuế sẽ được thu cao hơn và thấp hơn ở một vài khâu
nào đó trong chuỗi giá trị. Việc này đặt gánh nặng lên các loại thuế đánh trên
khâu thương mại hàng hóa, dịch vụ, nhất là thuế giá trị gia tăng.
Các hoạt động kinh tế phi chính thức còn nảy sinh một nguyên nhân đáng quan ngại khác ngoài vấn đề trốn tránh các nghĩa vụ thuế, đó là các hành vi không khai báo trong kinh doanh. Chính vì vậy, không chỉ đối với mục tiêu quản lý thuế, năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xét trên phương diện tổng thể nền kinh tế, cần thiết phải hạn chế sự gia tăng quy mô khu vực này, tạo điều kiện khuyến khích họ chuyển sang hoạt động kinh tế chính thức.
3. Tránh thuế, trốn thuế đối với hoạt động chuyển giá
Trốn thuế là một vấn đề tồn tại ở bất cứ quốc gia nào, thời kỳ nào và nhất là tại các nước đang phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như Việt Nam. Có rất nhiều thủ thuật nhằm tránh thuế, nhưng vấn đề nổi lên hiện nay ở Việt Nam và tất cả các nền kinh tế trên thế giới là vấn đề chuyển giá (transfer pricing). Để hạn chế tình trạng này, các nước thuộc OECD và các nước G20 đã chung tay nhằm “chống Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) ” lần đầu tiên tại Antalya-Thổ Nhĩ Kỳ (2015) và đến Việt Nam (2017) là “Triển khai thực hiện kế hoạch hành động BEPS trong APEC”. Qua thống kê các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, để tránh thuế, không chỉ các công ty đa quốc gia (MNCs), các tập đoàn, mà còn ở các nhóm liên kết của các doanh nghiệp trong nước cũng đã lợi dụng các quan hệ thương mại giữa các chủ thể liên kết để chuyển giá qua các giao dịch nhằm chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao đến nơi có thuế suất thấp hoặc bằng không. Cụ thể, hiện tượng các DN có giao dịch liên kết thuộc thành phần kinh tế tư nhân kê khai lỗ chiếm tỷ trọng rất cao, cơ sở dữ liệu năm 2014 (Bảng 2) cho thấy: DNTN có giao dịch liên kết kê khai lỗ trên tổng DN có giao dịch liên kết chiếm 38%. Tìm hiểu thực chất của vấn đề lỗ của các DN này và có biện pháp ngăn ngừa gian lận về thuế là vấn đề không hề đơn giản, bởi các DN này sử dụng thủ đoạn tinh vi và phức tạp là chuyển giá trong hoạt động tài chính, kinh doanh nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế.
Nhằm ngăn ngừa gian lận về thuế, những năm qua, ngành Thuế đã từng bước xây dựng chính sách pháp luật về giá chuyển nhượng (GCN) từ những quy định đơn lẻ về nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư nước ngoài nâng thành quy định chuyên biệt và không có sự phân biệt về chủ thể nộp thuế. Chính sách này đã bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, chủ thể liên quan và Nhà nước; đảm bảo phù hợp với đặc tính pháp lý của pháp luật chuyển giá trong mối tương quan đối với các chế độ pháp lý liên quan (kế toán, kiểm toán, phá giá…). Cục Thuế Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định trong chính sách và cơ chế thực hiện dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra GCN chưa cao, chưa đáp ứng được mục tiêu yêu cầu phòng chống hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nâng cao mức độ tuân thủ, tạo công bằng, minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của các DNTN trên địa bàn.
III. Kết luận và những khuyến nghị, giải pháp
1. Một số kết luận
Trong bối cảnh Việt Nam đã tích hợp vào nền kinh tế thế giới ngày một sâu rộng với các cam kết tuân thủ các hiệp định thương mại với các tổ chức kinh tế quốc tế lớn và sự phát triển nhanh chóng của khu vực DNTN đã và đang tạo ra những thách thức lớn trong quản lý thuế. Thứ nhất, đảm bảo sự tuân thủ của các đối tượng nộp thuế lớn sẽ ngày càng liên quan nhiều đến DNTN chứ không phải các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, phạm vi hoạt động quốc tế của các doanh nghiệp đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Điều này không chỉ được phản ánh trong mức gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam, mà còn được thể hiện trong các giao dịch xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam. Với khả năng tiếp cận tư vấn thuế chất lượng cao hiện đã có ở Việt Nam (tất cả các công ty tư vấn thuế quốc tế lớn đều có văn phòng ở Việt Nam), cơ quan Thuế sẽ phải đối mặt với những cách thức tinh vi để tránh thuế, bao gồm các hoạt động chuyển giá quốc tế. Thứ hai, một nhóm đối tượng nộp thuế vừa và nhỏ mới nổi và năng động sẽ đặt ra nhu cầu phát triển các chiến lược quản lý tuân thủ mới. Điều này cũng đặt ra thách thức tăng cường năng lực của cơ quan Thuế. Do đó, việc đảm bảo sự tuân thủ của các DNTN vẫn cần là sự đưa lên ưu tiên hàng đầu của cơ quan Thuế. Thứ ba, Chính phủ đã và đang đặt ra vấn đề thu hẹp nền kinh tế phi chính thức với việc khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh doanh thành DN nhằm tạo điều kiện cho họ về vốn và các hợp đồng kinh tế chính thức nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí tuân thủ về thuế của họ thấp với một hệ thống dịch vụ tốt, dễ tiếp cận.
2. Những khuyến nghị, giải pháp
Từ nhận định xu thế và thách thức chung trong quản lý thuế trên địa bàn Hà Nội, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tác giả đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng mức độ tuân thủ của DNTT qua cải cách chính sách thuế và xây dựng chiến lược quản lý tuân thủ.
Một là, về cải cách chính sách thuế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo công bằng, minh bạch về thực hiện nghĩa vụ thuế theo tác giả cần: i) loại bỏ các qui định không trung lập trong chính sách và thực thi như thiếu sự hài hòa giữa các loại thuế, giảm các mức thuế suất, tiếp tục loại bỏ các trường hợp không chịu thuế GTGT và ưu đãi thuế TNDN tiến đến chính sách thuế đơn giản và không phân biệt đối xử; ii) xây dựng các qui chế về quản lý thuế dễ tiếp cận và dễ tuân thủ; iii) mở rộng và đa dạng cơ sở thuế nhằm nâng cao tính phù hợp và ổn định của nguồn thu.
Hai là, để có chiến lược quản lý tuân thủ trong giai đoạn hiện nay và cho tương lai, trước hết cơ quan thuế phải ưu tiên thực hiện một số vấn đề sau: i) tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của cơ quan thuế bằng công nghệ thông tin với các vấn đề: mở rộng đối tượng và giao dịch hồ sơ khai thuế với mọi sắc thuế phù hợp chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, phát triển đa dạng hình thức và nhà cung cấp về nộp thuế điện tử; ii) nâng cao ý thức và hiểu biết pháp luật thuế theo lộ trình: về lâu dài phải xây dựng chương trình giáo dục công dân về đạo đức thuế, còn trong ngắn hạn cơ quan thuế phải tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ DNTN một cách hiệu quả bằng mọi hình thức và có chi phí thấp nhất cùng với sự tin cậy được nâng cao qua vai trò cán bộ thuế; iii) xây dựng bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện phân tích các quan điểm tuân thủ và các vướng mắc tuân thủ của các DNTN, kiến nghị trong giai đoạn hiện nay để phát triển năng lực phân tích và xây dựng đơn vị phân tích thì bộ phận chức năng là “Kê khai và Kế toán thuế” nên phát triển thành “Trung tâm xử lý và phân tích dữ liệu thuế” là phù hợp.
Thứ hai, giải quyết vấn đề hạn chế hoạt động kinh tế phi chính thức.
Tại Việt Nam và trên địa bàn Hà Nội, hộ kinh doanh là yếu tố cơ bản hình thành nền kinh tế phi chính thức khi các khoản thu nhập từ sản xuất các hàng hóa và dịch vụ hợp pháp của các hộ này tránh không khai báo thuế do các giao dịch tiền mặt, hoặc giao dịch đổi hàng. Để hạn chế nền kinh tế phi chính thức, cần chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, tâm lý của cá nhân, hộ kinh doanh hình thành từ thói quen, tư duy làm ăn nhỏ lẻ và không thấy được lợi ích của việc chuyển đổi lên doanh nghiệp trong khi lo ngại về chi phí tuân thủ tăng (chi phí chuyển đổi giấy phép kinh doanh, quản trị - kế toán, khai nộp thuế…) do chính sách chưa rõ ràng, minh bạch và tâm lý “né thuế” đã và đang làm cho họ không muốn mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi lên doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, tác giả kiến nghị một số giải pháp gồm:
- Xây dựng lộ trình thực hiện và công khai đến từng hộ kinh doanh;
- Cam kết của chính quyền về hỗ trợ pháp lý miễn phí, cung cấp dịch vụ công dễ tiếp cận, minh bạch, đảm bảo không tăng chi phí tuân thủ cho hộ kinh doanh;
- Xây dựng bộ tiêu chí về hộ kinh doanh cần chuyển đổi như: i) qui định về đạt ngưỡng doanh thu (xây dựng theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh); ii) thời gian kinh doanh ổn định tối thiểu 5 năm; iii) đảm bảo chi phí tiền lương cho người lao động đạt mức tối thiểu theo vùng, miền đã được Chính phủ qui định, số lượng lao động tối thiểu trên 10 người; iv) ngành nghề kinh doanh yêu cầu phải sử dụng hóa đơn chứng từ;
Thứ ba, nhóm giải pháp về thanh tra chống chuyển giá.
Một là, tăng cường hợp tác với cơ quan thuế các nước và trong khu vực, đồng thời, đẩy nhanh thực hiện tối thiểu 04 tiêu chuẩn đối với các nước không phải là thành viên của OECD trong gói hành động BEPS với 15 hành động cụ thể, nhằm hạn chế tình trạng lách thuế/trốn thuế.
Hai là, xây dựng qui trình thực hiện chuyên biệt phù hợp với thực tiễn và theo sát mục tiêu quản lý của Cục Thuế Hà Nội theo tình hình mới. Tác giả kiến nghị bổ sung các qui định về: i) phối hợp giữa các bộ phận trong ngành và các cơ quan quản lý nhà nước ngoài ngành về việc cung cấp thông tin kiểm soát chuyển giá; ii) Mời kiểm toán viên độc lập, người đã kiểm toán báo cáo tài chính của NNT đến để cung cấp các thông tin chính xác về các giao dịch liên kết; iii) Tìm kiếm thêm thông tin bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế chuyên kinh doanh cơ sở dữ liệu và các nguồn khác; iv) Giám sát chất lượng thanh tra và xử lý khiếu nại, khiếu kiện trong thanh tra chuyển giá; v) Giải quyết tranh chấp về chuyển giá.
Ba là, kiến nghị phải kiện toàn bộ máy tổ chức về chống chuyển giá từ trung ương đến địa phương, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về chuyển giá, am hiểu về thuế quốc tế và luật pháp quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cục Thuế TP. Hà Nội, Báo cáo tổng kết công tác các năm 2010 - 2015, Tổng cục Thuế, Hà Nội.
2. World Bank Group, Hội nghị nhóm Đối tác tài chính công (2015), “Đánh giá nhu cầu và đề xuất hỗ trợ của các đối tác phát triển”.
3. World Bank Group, Economy Overview(các năm 2012 - 2014), truy cập lần cuối ngày 10/12/2015, từ http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam/
4. Gangadha Prasad Shukla, Phạm Minh Đức, Michael Engelschalk, Lê Minh Tuấn, (2011) Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn.
5. TS. Phạm Hùng Tiến (2012), Bàn về chống chuyển giá trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Khoa học - ĐHQGHN, truy cập lần cuối ngày 15/1/2016, từ http://tapchi.vnu.edu.vn
6. TS. Đặng Thị Việt Đức (2014), “Chính sách và thực trạng thu thuế tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, truy cập lần cuối 16/11/2016, từ http://tapchitaichinh.vn/dien-dan-khoa-hoc.
7. ThS. Đặng Thị Bạch Vân (2014), Tổng quan những thách thức trong quản lý thuế của các nước đang phát triển, truy cập lần cuối 12/12/2016, từ http://fpf.ueh.edu.vn/
8. ThS. Hà Minh Hải (2016), Chống chuyển giá tại Cục Thuế thành phố Hà Nội: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 225, tháng 3/2016.
NEW CHALLENGES IN TAX MANAGEMENT
FOR PRIVATE ENTERPRISES IN HANOI
MA. HA MINH HAI
Hanoi Department of Finance
ABSTRACT:
Identifying and analyzing the fundamental challenges that the tax administration of Vietnam has to face in the context of international economic integration is a key to plan an effective reform in the tax administration of Vietnam. Based on theories developed by leading researchers and practices in tax management for private enterprises operating in Hanoi, the author analyzes some major challenges for the tax administration of Vietnam and proposes solutions to strengthen the tax compliance, restrict unofficial economic activities and effectively prevent the tax evasion caused by transfer pricing. These solutions are to create the equity of tax payers, improve the business environment, enhance the fair competition of private enterprises in particular and enterprises of all economic sectors in general.
Keywords: Tax, management, compliance, transfer pricing, private enterprises.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây