Hoàn thuế giá trị gia tăng cho du khách nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp

MAI THỊ QUỲNH NHƯ (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Khi đi du lịch nước ngoài, ngoài thăm quan danh lam thắng cảnh của nước sở tại thì một yếu tố không thể thiếu khi đi du lịch đó là mua sắm. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, điều này đã tạo một tâm lý rất thoải mái cho khách du lịch. Việc du khách tiết kiệm được chi phí mua hàng, đã tác động giúp nước sở tại đẩy mạnh ngành Công nghiệp du lịch và khẳng định chính sách mở cửa thông thoáng của ngành du lịch địa phương.

Từ khóa: Thuế giá trị gia tăng, du khách nước ngoài, thành phố Đà Nẵng.

1. Tổng quan về tình hình khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng thăm quan và mua sắm

Trong nhiều năm, thành phố Đà Nẵng là một địa điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước biết đến và lựa chọn để đi du lịch và nghỉ dưỡng. Những thành công trong ngành Dịch vụ - Du lịch của thành phố Đà Nẵng đạt được trong thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi cho đến nhân hòa.

Về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của thành phố được thiên nhiên ưu đãi khi có bờ biển dài và đẹp, là nơi giao thoa giữa sông, núi và biển, với nhiều danh lam thắng cảnh như núi Ngũ Hành Sơn, đồi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà… và là trung tâm của các di sản văn hóa thế giới như Cố Đô Huế, Phố Cổ Hội An... Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quang đẹp, Đà Nẵng còn là một “thành phố đáng sống” bởi sự trong lành và yên bình nơi đây. Từng liên tục giữ thứ hạng cao nhất nước về tốc độ phát triển kinh tế, nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì tốt an ninh trật tự, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và rất hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe. Đó là lí do mà du khách hoàn toàn thoải mái và yên tâm khi đến với thành phố Đà Nẵng. Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, thành phố đã tập trung mở rộng các loại hình vận tải, nhất là mở thêm nhiều chuyến bay trực tiếp nối Đà Nẵng với các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế. Với những nỗ lực tập trung phát triển để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong những năm qua, kết quả thu được từ phát triển du lịch là rất khả quan, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, năm 2016, Đà Nẵng đón 5,51 triệu lượt khách, tăng 17,7% so với năm 2015, ước đạt 107,2% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,66 triệu lượt (tăng 31,6% so với năm 2015), ước đạt 126,2% so với kế hoạch; khách nội địa ước đạt 3,84 triệu lượt (tăng 12,5% so với năm 2015), ước đạt 100,6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2015, đạt 107,1% kế hoạch. Tính đến hết quý 3/2017, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 3.229.476 lượt, tăng 33,2% so với cùng kỳ 2016, đạt 51,3% kế hoạch năm 2017; trong đó khách quốc tế đạt 1.222.398 lượt, tăng 72,2% so với cùng kỳ 2016, khách nội địa đạt 2.007.079 lượt, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2016. Tổng thu du lịch đạt 9.494,661 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 51,3% kế hoạch năm 2017.

Trong năm 2017, Sở Du lịch tổ chức thành công Chương trình "Khai trương mùa du lịch biển năm 2017" với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực, gian hàng hấp dẫn, như: ngày hội miền biển, đua thuyền Kayak vượt sóng Mỹ Khê, chương trình ca nhac tại sân khấu BNF, trình diễn thể thao giải trí biển, Đêm Mỹ Khê, Đêm Xuân Thiều, Sơn Trà Sunset… Có thể thấy, Đà Nẵng như là điểm đến mới của các sự kiện mang đẳng cấp quốc tế, đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng giao lưu kết nối với các đơn vị du lịch quốc tế, cung ứng nhiều dịch vụ hơn cho du khách.

Du khách quốc tế đến với Đà Nẵng phần lớn đều sử dụng dịch vụ thưởng thức đặc sản ẩm thực (54,6%); tiếp đến là các dịch vụ mua sắm (42,91%); dịch vụ vận chuyển (31,03%) cũng nhận được sự quan tâm đáng kể của du khách quốc tế khi đến với thành phố Đà Nẵng. Các dịch vụ về ngân hàng, viễn thông, y tế chỉ được một số ít du khách sử dụng khi đến với thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, chỉ có 3,07% du khách được khảo sát đã sử dụng vụ dịch vụ y tế.

Hoạt động mua sắm là một trong những hoạt động rất thu hút khách du lịch, du khách có thể mua sắm tại các chợ như chợ Cồn, chợ Hàn, các siêu thị và sân bay…

Những sản phẩm thường được mua mang đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam, thế nên đa phần khách du lịch nước ngoài không ngần ngại chi tiền để mang về làm quà cho bạn bè, người thân các loại đặc sản của địa phương như trà, bánh, cà phê, mứt…, đặc sản được chế biến trong nước có bao bì và mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Các loại khăn lụa từ các làng nghề thủ công truyền thống, các hộp trang trí hay các chai lọ sơn mài cũng là những quầy hàng thu hút đông đảo khách nước ngoài. Thời trang, đồ trang sức, mỹ phẩm cũng là những mặt hàng chưa bao giờ hết “hot” cho các khách hàng nữ.

2. Thực trạng về thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng tại TP. Đà Nẵng đối với du khách nước ngoài

Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với khách nước ngoài khi xuất cảnh là thông lệ của nhiều nước trên thế giới và đã được triển khai tương đối lâu. Ở Pháp áp dụng hoàn thuế cho người nước ngoài ngay tại nơi bán hàng nên rất thuận tiện. Ở nhiều nước cũng áp dụng hoàn thuế cho người nước ngoài tại sân bay và thủ tục rất nhanh chóng, thông thường chỉ mất 10 phút. Việc hoàn thuế ở khối liên minh EU trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với hệ thống hoàn thuế tập trung qua hai kênh Tax Free và Global Blue tại các khu vực xuất cảnh, du khách mua sắm có thể mua các món đồ mình thích mà không phải lo về các thủ tục hoàn thuế nhiêu khê. Chương trình này không chỉ đem lại nguồn lợi riêng cho du khách là tiết kiệm được một khoản chi tiêu khi đi du lịch, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) địa phương được hưởng lợi. Việc hoàn thuế GTGT cho khách du lịch còn khuyến khích du khách tiêu thụ sản phẩm góp phần giải quyết đầu ra cho DN mà không phải tốn nhiều chi phí để quảng bá thương hiệu.

Để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hoàn thuế đối với khách du lịch là người nước ngoài, Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư, như: Thông tư số 72/2014/TT-BTC về quy định hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mang theo để xuất cảnh; Thông tư số 31/2017 sửa đổi Thông tư số 99/2015/TT-BBTC về sửa đổi hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó, du khách nước ngoài cần kiểm tra các thông tin ghi trên hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế do doanh nghiệp bán hàng lập khi mua hàng theo mẫu quy định. Đồng thời, trước khi xuất cảnh xuất trình cho doanh nghiệp bán hàng khi mua hàng; hộ chiếu, giấy tờ nhập xuất cảnh, hàng hóa, hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế xuất trình cho cơ quan hải quan và hồ sơ xuất trình cho ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế khi xuất cảnh. Nộp hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và xuất trình hàng hóa chậm nhất 30 phút để cơ quan hải quan kiểm tra trước khi tàu bay/tàu biển khởi hành. Chương trình hoàn thuế GTGT cho khách du lịch là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần khẳng định chính sách thuế của Đà Nẵng ngày càng hội nhập với thế giới. Nhiều nước trong khu vực có ngành Du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… đã triển khai chương trình hoàn thuế GTGT từ rất lâu và được du khách đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện quá trình triển khai hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, các đơn vị bán hàng đã gặp khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế khi kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT, dẫn đến mất thời gian trong giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài xuất cảnh vì có trường hợp danh sách DN bán hàng hoàn thuế chưa được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Cục thuế Thành phố. Ngoài ra, một số DN bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài khi lập hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế thường ghi thông tin chưa đầy đủ, chung chung, thiếu nhãn hiệu, mã ký hiệu… Việc ghi thiếu thông tin này dẫn đến khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc đối chiếu hàng hóa thực tế được hoàn thuế GTGT với hóa đơn do đơn vị bán hàng lập. Hiện nay, hầu hết các DN bán hàng hoàn thuế đều chưa tham dự vào hệ thống hoàn thuế điện tử nên các công chức hải quan phải thực hiện các bước nhập chứng từ, mã hàng… bằng phương pháp thủ công gây mất thời gian và dễ dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, cách ghi mã hàng thể hiện trên tờ hóa đơn GTGT để hoàn thuế chưa thể hiện thống nhất, một số trường hợp hóa đơn có nội dung không rõ ràng, trên hóa đơn DN cũng không đề số điện thoại liên hệ, hoặc có nhưng không đúng nên công chức hải quan không thể liên hệ với DN để xác nhận lại nội dung của hóa đơn. Trường hợp một số hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT do khách xuất cảnh xuất trình không có dấu tròn mực đỏ của DN bán hàng, khiến cho hải quan gặp khó trong việc giải quyết hoàn hay không hoàn thuế, bởi tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC chưa quy định rõ điều này. Việc tra cứu thông tin trên hóa đơn do DN cập nhật và xuất trình với cơ quan hải quan so với thông tin trên hóa đơn DN báo cáo quyết toán với cơ quan thuế nội địa lại chưa được hỗ trợ quản lý bằng phương thức điện tử, trong khi đó, tại Khoản 5 Điều 18 Thông tư số 72/2014/TT-BTC đã quy định rõ: “Việc cập nhật thông tin trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế do DN bán hàng hoàn thuế lập và cập nhật vào hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài theo phương thức điện tử”. Vì vậy, cơ quan hải quan phải cập nhật từng mã hàng trên tờ khai kiêm hóa đơn hoàn thuế thay cho DN nên mất rất nhiều thời gian trong khâu xử lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài. Hơn nữa, nhiều khách hàng chưa nắm được đầy đủ các điều kiện về hàng hóa và hóa đơn để được hoàn thuế GTGT. Tại sân bay, khu vực quầy hoàn thuế được bố trí ở những vị trí khá khuất, các bảng hiệu chỉ dẫn rất ít và hoàn toàn không nổi bật.

Tính đến hết tháng 5/2016, số thuế được hoàn mới được 97.583.037 đồng, cho 45 trường hợp; đến hết năm 2016 số thuế được hoàn 153.054.387 đồng. Sang đến quý 3/2017, số thuế giá trị gia tăng được hoàn là 130.432.154 đồng, nhìn chung, tình hình trên chưa tương xứng với tiềm năng du lịch tại thành phố Đà Nẵng với lượng khách quốc tế hàng năm tăng cao.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với du khách nước ngoài tại sân bay TP. Đà Nẵng

Việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài đến nay tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng theo đánh giá vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc, nổi cộm là công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin.

Tính đến cuối quý 3/2017, Đà Nẵng đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch là người nước ngoài, nhưng số trường hợp được hoàn thuế còn quá ít so với tổng lượng khách tiềm năng. Phần lớn khách nước ngoài chỉ biết đến chương trình sau khi đã đến Việt Nam, do đó, mục đích hoàn thuế GTGT để thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

Để đẩy mạnh thực hiện hoàn thuế GTGT tại sân bay Đà Nẵng, ngoài việc thực hiện theo các thông tư đã ban hành thì có có sự phối hợp nhịp nhàng giữa DN với các ban ngành có liên quan.

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền

Hoàn thuế GTGT cho khách quốc tế là một trong những chương trình có lợi cho ngành Du lịch thành phố, thế nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là cần phải chọn mặt hàng nào đặc trưng của địa phương và vận động các DN tham gia chương trình. Do đó, công việc đẩy mạnh tuyên truyền chương trình này cần được thực hiện một cách đồng bộ và có chiều sâu. Khi khách du lịch đến sân bay, các điểm mua sắm, khu vui chơi đều biết được chương trình này. Có như vậy, mới tạo cho họ tâm lý thoải mái để bỏ tiền chi tiêu cao hơn, đồng thời giới thiệu cho nhiều bạn bè và người thân cùng biết. DN liên kết với các công ty du lịch cần phổ biến rộng rãi cho các hướng dẫn viên, các nhân viên khách sạn và nhà hàng để giới thiệu cho khách. Tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn, trao đổi với các DN lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch - những người trực tiếp giải thích các điều kiện cụ thể về chương trình hoàn thuế, hỗ trợ khách du lịch đến với các cửa hàng và quầy hoàn thuế.

Đồng thời, cần chuẩn hóa các chỉ dẫn, logo nhận biết tại các cửa hàng chấp nhận hoàn thuế, nhằm tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp, dễ nhận biết về chương trình hoàn thuế đối với khách nước ngoài. Tại các sân bay, cần lắp thêm nhiều bảng hiệu nổi bật, dễ nhận biết; lắp các bảng hướng dẫn các điều kiện hoàn thuế và khu vực hoàn thuế trong và ngoài khu cách ly để du khách có thể tiếp cận dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả…

Thứ hai, có sự kết hợp giữa DN bán hàng và cơ quan hải quan

Khi chương trình hoàn thuế GTGT được áp dụng tại Đà Nẵng thì cần phải kết nối DN bán hàng với cơ quan hải quan và thuế để quy trình hoàn thuế được thực hiện đồng bộ, minh bạch, rõ ràng. Các quầy hoàn thuế ở sân bay và hệ thống bán hàng cần sử dụng phần mềm hoàn thuế chung một mặt hàng để quy trình được thực hiện nhanh hơn, tạo sự hài lòng cho du khách quốc tế. Bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, thực hiện kiểm tra hồ sơ và hoàn trả tiền thuế GTGT cho người nước ngoài, làm thủ tục thanh toán với cơ quan thuế để nhận lại tiền đã ứng trước và được hưởng tiền phí dịch vụ hoàn thuế 15%/tổng số thuế GTGT được hoàn.

Thứ ba, hoàn thiện các thủ tục thực hiện quy trình hoàn thuế

Cần nhanh chóng xây dựng phần mềm hoàn thuế trên toàn quốc, kết nối phần mềm giữa các DN bán hàng với cơ quan hải quan, ngân hàng, thuế, kho bạc Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến scan, mã vạch... khi nhập dữ liệu, tránh các sai sót nhầm lẫn do thao tác thủ công, rút ngắn thời gian làm thủ tục hoàn thuế cho người nước ngoài, tạo thuận lợi cho công tác hoàn thuế của ngân hàng thương mại và công tác quản lí của cơ quan hải quan. Bổ sung quy định giới hạn thời gian thực hiện thủ tục hoàn thuế trước giờ lên máy bay. Bên cạnh đó, DN bán hàng hoàn thuế khi phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế cần kiểm soát chặt một số lỗi về thể hiện các tiêu chí trên hóa đơn, chẳng hạn viết thiếu ngày, thiếu chữ kí, đóng dấu thiếu, tính nhầm thuế, viết sai tên hành hành khách, không thể hiện hàng hóa bằng tiếng Việt... do một số người nước ngoài chưa hiểu nhiều về các quy định hoàn thuế, không thể kiểm tra nội dung hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế của các cửa hàng để chủ động chỉnh sửa.

Chính sách hoàn thuế góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch. Việc tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT sẽ mang lại lợi ích cho DN, như: có cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi hàng hóa ra các nước; tăng doanh thu do bán được nhiều hàng cho du khách nước ngoài và trở thành kênh quảng bá sản phẩm của DN mà không cần tốn quá nhiều chi phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Số liệu thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng về lưu lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2016 và hết quý 3/2017.

2. Số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Đà Nẵng về tần suất sử dụng dịch vụ của du khách quốc tế khi đến Đà Nẵng.

3. Số liệu thống kê của Hải quan Đà Nẵng về số thuế giá trị gia tăng được hoàn năm 2016 và hết quý 3 năm 2017.

4. http://www.baomoi.com/hoan-thue-gtgt-cho-nguoi-nuoc-ngoai-vuong-o-doanh-nghiep-ban-hang-hoan-thue/c/19116135.epi, truy cập ngày 1/11/2107.

VALUE-ADDED TAX REFUND FOR FOREIGN VISITORS

IN DA NANG CITY: CURRENT STATUS AND SOLUTIONS

● MAI THI QUYNH NHU

Faculty of Accounting - Auditing, Duy Tan University

ABSTRACT:

When traveling abroad, in addition to visiting the country's scenic attractions, an element that is indispensable when traveling is shopping. Currently, the Government of Vietnam is applying the value added tax refund on goods for foreigners, this has made tourists very comfortable. The tourists have saved the cost of buying goods, promoted the tourism industry and affirmed the open policy of the local tourism industry.

Keywords: Value added tax, foreign tourists, Da Nang city.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây